Chuyện chưa kể về vùng hiến giác mạc nhiều nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 29/04/2011, 15:26
"Bị móc mắt" là quan niệm sai lầm mà một số người gán cho những người hiến giác mạc. Với một vùng quê đậm chất nông thôn ở đồng bằng Bắc Bộ như Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thì việc hiến giác mạc là cái gì đó quá xa lạ, giống như việc người chết bị "móc mắt" đi vậy.

Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, ở miền quê nghèo này được thế giới biết đến bởi có hàng chục người hiến tặng giác mạc cho người mù. Và Kim Sơn đã trở thành vùng quê thuần nông đầu tiên của Việt Nam lập kỷ lục về số người hiến tặng giác mạc.

Ly kỳ chuyện lấy giác mạc

Từ con số thống kê mà anh Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cung cấp về người hiến giác mạc của Việt Nam trong những năm qua, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng bởi chỉ riêng vùng quê Kim Sơn đã chiếm gần hết lượng người hiến giác mạc của cả nước. Tại sao một vùng quê nông thôn, trình độ dân trí còn kém xa các thành phố lớn lại có tinh thần tương thân tương ái và tư duy văn minh đến thế? Sự ngưỡng mộ những con người quanh năm chân lấm tay bùn có tấm lòng nhân văn cao cả cứ ám ảnh và thôi thúc chúng tôi đặt chân lên mảnh đất bình yên này.

Sau khi được ghép giác mạc, bà Nguyễn Thị Nghĩa ở B7, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, TP Hà Nội đã trở lại cuộc sống bình thường.

Cách thành phố Ninh Bình hơn 30km, xã Cồn Thoi và Văn Hải, huyện Kim Sơn nơi có đông người hiến giác mạc nhất cả nước là hai mìên quê thật đep. Khu nhà thờ đạo thiên chúa mang đậm nét cổ kính, rêu phong hiện lên sau vòm cây. Cảnh làng quê yên bình, cổ kính, tươi tốt xanh mướt trong mưa xuân. Khung cảnh hiền hoà đó khiến chúng tôi cảm nhận được vì sao con người ở Kim Sơn lại có tấm lòng nhân hậu, hiến tặng ánh sáng cho sự sống nhiều đến như vậy.

Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Kim Sơn giới thiệu cho chúng tôi về miền quê Văn Hải, nơi hơn một năm nay đã ghi kỷ lục về số người hiến tặng giác mạc: 13 trường hợp. Ông khoe: "trong khi người hiến giác mạc ở Cồn Thoi đang chững lại thì từ Tết ra đến nay, ở Văn Hải đã có 3 trường hợp". Nếu nói về "lịch sử" của phong trào hiến giác mạc ở Kim Sơn, người ta nhắc ngay đến Cồn Thoi chứ không phải Văn Hải. Cồn Thoi là xã ven biển có tới 84% dân số là đồng bào công giáo. Không chỉ chăm lo cuộc sống "tốt đời đẹp đạo" mà người dân Cồn Thoi còn có tư duy rất văn minh.

Người khởi đầu cho phong trào là anh Nguyễn Văn Sự, ở xóm 8A. Năm 2007, anh Sự có chị dâu là Nguyễn Thị Khui bị thoái hoá giác mạc, Các bác sĩ bảo, để sáng mắt thì phải ghép giác mạc, nhưng nguồn giác mạc ở bệnh viện rất khan hiếm, hoặc chị phải tự vận động tìm giác mạc thay thế hoặc chị phải chờ. Thời điểm ấy, hiến giác mạc là chuyện hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam chứ chưa nói là vùng quê Cồn Thoi. Lấy giác mạc ở đâu là điều không tưởng, nó chẳng khác nào đánh đố gia đình chị Khui.

Đúng lúc ấy, ở xóm 8A có cụ Nguyễn Thị Hoa đã gần 90 tuổi đang ốm nặng, chỉ chờ đến lúc quy tiên. Nhưng nếu nói với gia đình cụ cho xin giác mạc thì thật không ai dám làm chuyện "tày đình" này. Bởi khi nói ra, chắc chắn các con cụ không những phản đối mà còn coi anh Sự là người không có tình, không có nghĩa. Nhưng thương chị dâu, anh Sự đã chọn một hôm để lựa lời nói với anh Vinh (con trai lớn của cụ Hoa).

Vừa nghe thấy thế, anh Vinh nhìn anh Sự như người ngoài hành tinh và cho rằng anh Sự nói đùa. Mọi người bảo "Nếu thế thì cụ chết không được toàn thây ư, làm sao nhìn thấy đường mà tìm về nhà". Sau bao ngày kiên trì giải thích, có những lúc anh định từ bỏ chấp nhận số phận, nhưng "còn nước còn tát" anh vẫn sang chơi nhà anh Vinh để thuyết phục "cụ cho người khác ánh sáng, thì chúa sẽ cho cụ ánh sáng khác. Nếu được nhận ánh sáng từ cụ, chị dâu em chẳng khác nào chết đi sống lại"...

Nghe anh Sự nói cũng có lý, đắn đo, cân nhắc mãi, cuối cùng anh Vinh cũng quyết định họp gia đình. Như một sự may mắn thần kỳ, đến giờ anh Sự vẫn không thể nào quên được giây phút anh Vinh nhận lời. Anh tự véo vào tay mình không biết bao nhiều lần để khẳng định mình không nằm mơ. Ngày cụ Hoa mất, cả xã kéo đến xem các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương lấy giác mạc. Họ xem vì tò mò?

Trước đó, gia đình anh Vinh phải đối mặt với bao sự nhòm ngó, nào là "chúng nó nhẫn tâm để người ta làm vậy", hoặc "nó bán mắt mẹ để lấy tiền" khiến anh khổ tâm vô cùng. 20 phút trôi qua, một lớp màng trong mắt của cụ Hoa được lấy ra, hai con mắt của cụ vẫn còn nguyên vẹn. Cụ trở thành người hiến giác mạc đầu tiên của làng quê này.

Ca thứ nhất thành công, ca thứ hai, thứ ba cứ liên tiếp. Người dân Cồn Thoi theo đạo thiên chúa nên có một niềm tin mãnh liệt. "Kinh thánh dạy rằng, con người sinh ra từ cát bụi thì khi chết cũng trở về với cát bụi, nên khi nhắm mắt xuôi tay rồi, còn để lại điều gì tốt đẹp cho đời thì nên làm. Ông Nguyễn Đình Tú, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi kể lại lời trăng trối của anh Phạm Văn Xuân, 51 tuổi, bị ung thư gan mất năm 2008 đã hiến tặng hai giác mạc cho người mù.

Phong trào hiến tặng giác mạc ở Cồn Thoi chẳng mấy chốc nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. "Điển hình" nhất là vào năm 2008, cả xã có 18 người hiến giác mạc. Tính đến nay, Cồn Thoi có 40 người hiến giác mạc và 243 người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời, là xã dẫn đầu trong cả nước.

Cùng với Cồn Thoi, xã Văn Hải có phong trào hiến tặng giác mạc phát triển mạnh của huyện Kim Sơn. Ca đầu tiên hiến giác mạc ở xã Văn Hải không quá khó khăn như ở Cồn Thoi vì người hiến đang sinh hoạt ở Chi hội chữ thập đỏ người khuyết tật của xã, đã từng hiểu về công tác nhân đạo, nhưng nó cũng phải mất tới vài tháng vận động mới thành công.

Anh Đoàn Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Văn Hải nhớ lại: "Ngày gần mất, chị Phạm Thị Chiên gọi tôi đến và nói: "Tôi không có gì tri ân, chỉ để lại cho đời một phần cơ thể, đem lại ánh sáng cho người mù"". Nguyện vọng của chị được thực hiện ngay sau khi chị mất. Sau thành công đó, phong trào hiến giác mạc ở xã Văn Hải phát triển mạnh, đã có 19 người hiến giác mạc và 1.700 trường hợp đăng ký hiến giác mạc khi qua đời.

Những "thiên thần sống"

Về Kim Sơn lần này, điều khiến chúng tôi ấn tượng mạnh mẽ là lòng cao cả, nhân ái rất đỗi nhân văn mà người dân nơi đây đã làm được cho đời. Trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng mênh mông của anh Phạm Văn Ngự, ở thôn Tây Cường, xã Văn Hải vẫn đang nghi ngút hương khói. Anh Ngự mất cách đây chưa lâu vì căn bệnh ung thư thực quản.

Ghép giác mạc sẽ giúp người bị hỏng giác mạc thấy lại ánh sáng.

Chị Trần Thị Thắm, vợ anh Ngự giãi bày: "Nhà tôi đi nhanh quá, lúc ốm nặng được Cha Chính xứ Đoàn Minh Hải và các cộng tác viên vận động hiến giác mạc khi qua đời, ông ấy đã đồng ý ngay. Ông ấy bảo số phận mình bề trên đã định cho rồi, nên khi chết đi muốn để lại điều gì đó tốt đẹp cho đời". Anh Ngự mất lúc 19h tối thì ngay nửa đêm hôm đó, bác sĩ ở Ngân hàng Mắt đã có mặt để thực hiện việc lấy giác mác. Ngay lúc ấy, bên nội của anh Ngự đều không đồng tình. Ai cũng hồi hộp, nhất là các cộng tác viên của xã sợ mọi người ngăn cản.

Chị Thắm đứng lặng lẽ khóc ở góc nhà bấy giờ mới cất tiếng: "Lúc sống anh ấy đã hứa cho giác mạc, thì khi anh ấy chết phải thực hiện tâm nguyện của anh ấy". "Bố cháu mất đi nhưng vẫn để lại ánh sáng cho hai người mù. Cả gia đình cháu đã đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời"- em Nguyễn Văn Phương, con trai anh Ngự cho biết.

Chúng tôi đã gặp hàng chục gia đình có người hiến giác mạc ở Văn Hải, mỗi nơi chúng tôi đến là những câu chuyện ăm ắp tình người, làm lay động trái tim của hàng triệu người đang sống. Có những câu chuyện cảm động mà có lẽ chỉ đến đây chúng tôi mới hiểu được, vì sao con người Văn Hải hay Cồn Thoi đều có tấm lòng mình vì mọi người đến như vậy. Đó là trường hợp của cụ Nguyễn Thị Yểng, ở xóm Tây Hải, xã Văn Hải.

Cụ Yểng vừa mừng thọ 100 tuổi hôm trước thì hôm sau cụ đột ngột về với tổ tiên dù không ốm đau gì. Nhận được tin cụ mất, cộng tác viên đã tới chia buồn và vận động gia đình hiến giác mạc. Họ không ngờ các con cụ lại đồng ý ngay. Con dâu cụ là bà Trần Thị Gấm có bố đẻ là Trần Ngọc Bảo ở xã Kim Tân cũng hiến giác mạc khi qua đời nên gia đình cụ Yểng rất yên tâm. Bà Gấm tâm sự: "Vợ chồng tôi đã đăng ký hiến giác mạc khi qua đời, đây là việc làm có ích cho xã hội rất cần được nhân rộng".

Theo thống kê của huyện Kim Sơn, ở miền quê thuần nông này có rất nhiều người trong một gia đình đã để lại ánh sáng cho đời như gia đình ông Trịnh Văn Năng ở xóm 8B xã Cồn Thoi có 3 người gồm mẹ ruột, mẹ vợ và em họ hiến giác mạc; gia đình ông Trịnh Văn Huấn ở xóm 8A có vợ và mẹ hiến giác mạc…

"Ai cũng có tư duy văn minh như gia đình anh Ngự thì hàng nghìn người mù sẽ được sáng mắt"- ông Lê Quang Ngoạn, cộng tác viên chương trình hiến giác mạc của xã Văn Hải thổ lộ. Ông Ngoạn năm nay đã 76 tuổi, là một trong 3 cộng tác viên nhiệt tình, tâm huyết nhất ở Văn Hải hiện nay.

Để có phong trào hiến giác mạc phát triển mạnh như ngày nay, ngoài các cộng tác viên của chương trình còn là công lao to lớn của Chính xứ Văn Hải Đinh Công Dũng. Mỗi khi nhà ai có người sắp mất, cha lại đến vừa vận động vừa đọc kinh thánh cho họ nghe. Ngoài nhà ai có người ốm đau các cộng tác viên phải thăm hỏi bằng "tiền túi" của mình, họ còn làm công việc này một cách nhẫn nại dù không có bất cứ khoản thù lao nào. Như lời ông Ngoạn nói, ở xã này, ông là người đầu tiên biết nhà ai có người vừa qua đời quả cũng không sai.

Trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi xin trích lại câu nói của chị Nguyễn Thị Lan, người theo đạo phật đầu tiên hiến giác mạc ở Cồn Thoi và cũng là con gái của ông Nguyễn Đình Tú: "Nhà chỉ có mình con là gái, nếu giác mạc của con được ghép thì con vẫn còn sống mãi với bố mẹ". Ông Tú đã thực hiện nguyện vọng của cô con gái 33 tuổi, bị bệnh tim bẩm sinh hiến dâng cho đời giác mạc. Đó cũng chính là quà tặng cuộc sống mà 70 người dân trong huyện Kim Sơn đã hiến dâng cho đời.

Cả nước có khoảng 300 nghìn người mù do các bệnh lý về giác mạc, mỗi năm số người bị mù do bệnh lý giác mạc lại tăng thêm 15 nghìn người. Ngoài giác mạc của các Tổ chức nước ngoài tài trợ, thì nguồn giác mạc lấy được trong nước hiện nay còn quá ít ỏi. Vì thế, giác mạc để ghép cho người mù hiện nay lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng. Cả nước hiện có trên 90 người hiến giác mạc, trong đó huỵên Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình lại chiếm tới 70 người. Đây là nơi duy nhất trong cả nước có phong trào hiến giác mạc lớn mạnh, đem đến nguồn ánh sáng vô giá cho người mù.

Người dân muốn đăng ký hiến tặng giác mạc hãy đến trực tiếp Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, số 85 Bà Triệu, Hà Nội hoặc Hội Chữ thập đỏ địa phương.

Trần Hằng - Nguyễn Hương - CSTC tuần số 53
.
.
.