Chuyện của một người bạn không muốn thắp hương vào đêm 30 Tết

Thứ Sáu, 04/03/2011, 09:10
Hiền Pa ngước mắt lên nhìn bàn thờ, trề cái môi móc máy: Năm nay không hương khói, gà vịt gì sất! Để xem các cụ đi đâu ăn Tết! Đôi mắt Hiền Pa lúc này trắng dã và giàn giụa nước mắt.

Đợt rét hại vừa rồi là thêm một thách thức khắc nghiệt của ông trời với những người nông dân nhỏ bé. Có những gia đình không thể đón một cái Tết đúng nghĩa vì cái rét đã cướp đi nhiều tài sản của họ. Và một người nông dân ở cái bản Pác Thay của tôi đã mất trắng thành quả lao động của một năm trời. Đã có lúc anh ta phát điên, muốn trừng phạt tất cả bằng câu nói lúc nửa say nửa tỉnh: Không thắp hương đêm 30 Tết. Người nông dân đó là Hiền Pa - anh bạn nối khố đáng thương của tôi…

Trong lúc ngà ngà hơi men - Hiền Pa đã tuyên bố: Năm nay tao không thắp hương đêm 30 Tết! Ban đầu tôi không tin lắm, cứ nghĩ cái ông bạn nối khố của mình nói đùa, hoặc do rượu trong người mà ăn nói linh tinh. Nhưng cho đến sáng 30 Tết, tôi vẫn thấy Hiền Pa chống tay đi lại trước cửa nhà, nhìn ngó trời đất như một kẻ điên.

Lấy làm lạ, tôi mò vào nhà ông bạn. Quả thực, ngôi nhà vẫn lạnh ngắt, bàn thờ mốc meo không có lấy một mẩu hoa quả hoặc cái gì đó để chờ đón năm mới. Lúc này Hiền Pa vẫn gầm gừ đi lại ngoài sân, rồi đột ngột đi sầm sập xuống bếp, lôi tiếp vò rượu ra bắt tôi cùng uống. Cô vợ thấy chồng lấy rượu thì xót ruột, nhưng không dám nói, chỉ cau mày lườm nguýt.

Hiền Pa đấm rầm xuống mặt bàn, khiến mấy cái chén sứt miệng bắn tung toé. Nhìn bàn tay to bè, trầy xước và bộ móng ngà ngà vì nhuộm màu bùn đất ấy, tôi nghĩ nếu hắn quai một phát vào mình có lẽ gãy xương. Đôi mắt Hiền Pa lại vằn lên, rót rượu rồi vít cổ tôi xuống: "Uống! Kệ mẹ trời đất! Uống!".

Nhưng bây giờ tôi thấy rõ khuôn mặt vuông vức của bạn mình không hề say, chẳng hề buồn mà cứ đanh lại như đá tảng gặp sương muối, đôi mắt đỏ ngầu kia thỉnh thoảng ứa ra từng giọt nước vàng đục. "Tao mất hết! Năm nay Đin Phạ (ông trời) cướp hết của tao, 12 con lợn thịt, 1 con lợn nái, 4 con trâu… Còn cái gì nữa mà thờ với cúng!". Thế rồi Hiền Pa lại ngước mắt nhìn lên bàn thờ, miệng trề ra nói móc máy: "Tổ tiên toàn đi phù hộ thằng nào ấy! Cả năm thằng này chăm chỉ làm ăn, cứ tưởng có tí lộc thì lại mất hết. Không có thờ cúng gì sất! Năm nay không ăn Tết!".

Giá rét luôn cướp đi trâu bò, tài sản quý giá nhất của người nông dân miền núi.

Vừa nghiến răng, Hiền Pa vừa rót rượu, lại vừa vít cổ tôi xuống bắt uống. Đến lúc này thì cô vợ hình như không chịu được nữa, la toáng lên: "Uống lắm vào! Còn một vò dưới kia nữa đấy! Đem lên mà uống hết rồi chết đi cho xong… Người ta đang dọn nhà cửa đón Tết thì mình chỉ uống, chỉ uống…". Đến nước này thì tôi ngượng thật sự, định tính nước tháo lui, nhưng tôi biết tính Hiền Pa, nếu lúc này tôi về nó sẽ đánh vợ.

Không còn cách nào khác, tôi lựa lời khuyên nhủ rồi dúi vào tay nó tí tiền và món quà mà nó dặn mua. Đó là bộ com-lê hạ giá tôi mua ở phố Khâm Thiên. Tôi nhớ vào khoảng ngày 18 tháng Giêng, nó gọi điện cho tôi bảo mua cho nó một bộ quần áo mới. Nguyên văn nó dặn thế này: "Mày mua giúp tao bộ com-lê, loại rẻ rẻ thôi, để thỉnh thoảng đi cưới xin tao mặc. Yên tâm đi, sắp xuất lợn rồi, có khá tiền đấy…". Giọng nó lúc ấy rất vui vẻ - niềm vui đúng kiểu nông dân được mùa.

Tôi chơi với Hiền Pa từ nhỏ, cùng chăn trâu cắt cỏ, đánh bi đánh đáo nên biết rõ nhau lắm. Nó thiệt thòi từ bé: mẹ mất lúc mới 8 tuổi, cha đi bước nữa nên học hết lớp 6 nó nghỉ. Tôi còn nhớ rõ cái hôm nó bỏ học, nó đứng tần ngần ở cổng trường rồi lặng lẽ bước đi, thỉnh thoảng lại đầy tiếc nuối. Bỏ học rồi Hiền Pa bắt đầu kiếm sống bằng rất nhiều nghề: khai thác đá, làm thợ xẻ gỗ, bốc vác thuê ở biên giới… Sau khi tôi ra tỉnh học trường nội trú có nghe nói nó đi Ma Nu (Bắc Kạn) đào vàng.

Vào khoảng tháng 4 năm 1991, Hiền Pa xuất hiện ở cổng trường Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng tìm tôi. Lúc ấy trông nó rất oách với bộ cánh mới cứng, cổ tay đeo đồng hồ Senko, miệng phì phèo thuốc lá thơm… Nó cười hì hì bảo trúng quả vàng đậm ở Ma Nu, muốn lên thăm tôi khao một bữa. Đó là bữa nhậu đầu đời của tôi - một bữa nhậu có đủ thịt cá, rượu bia và những câu chuyện đào vàng đầy hấp dẫn của Hiền Pa. Nó hào hứng kể về những cuộc săn vàng dưới lòng đất, những lần thoát chết một cách ngoạn mục, và việc vốc được cả nắm vàng… Tôi há hốc miệng nghe và chỉ muốn trốn khỏi cái ký túc chật hẹp của trường nội trú để theo Hiền Pa đi Ma Nu đào vàng.

Sau bữa nhậu, Hiền Pa dúi vào tay tôi 15.000 đồng, số tiền đó thật lớn với tôi khi ấy. Nó vẫn cười hì hì rồi bảo, tao về bản Pác Thay lấy vợ làm nông dân đây.

Nó lấy vợ sinh con và làm ăn như biết bao người nông dân ở cái bản Pác Thay yêu dấu của tôi. Dù mỗi người một việc, lại ở xa nhau nhưng chúng tôi vẫn liên lạc, hỏi thăm nhau thường xuyên. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp, hay tính tò mò mà tôi "thống kê" rất rõ cuộc sống của nó: sau khi cưới vợ, Hiền Pa dựng một ngôi nhà bằng tre và trát vách đất, có 1 con trâu do anh trai chia cho làm vốn. Sinh con gái đầu lòng, Hiền Pa đi bốc vác thuê ở cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hoà) khi về tậu được chiếc Wave Tàu trị giá 3 triệu đồng. Tiếp đó dùng chính chiếc xe cà tàng này trở quặng lậu sang Trung Quốc. Sau một năm thì xây được cái nhà bằng đá hộc.

Vào năm 2008, Hiền Pa tậu được 3 con trâu từ việc buôn bán hoa quả. Những năm tiếp theo, do việc buôn bán hoa quả không lãi lời, chở quặng lậu cũng bị cấm, Hiền Pa quay sang thành lập đội thợ xây của bản Pác Thay và sống bằng nghề đó cho đến bây giờ. Tài sản của Hiền Pa tính đến thời điểm này là một căn nhà đá hộc, chiếc tivi cũ, xe Wave đã tàn, và khoảng vài tạ thóc trên gác bếp… Nói tóm lại, Hiền Pa đầy nghị lực và không phải diện đói nghèo…

Nếu như năm nay không có đợt rét đậm đáng nguyền rủa kia thì theo tính toán của Hiền Pa, sẽ đổi được chiếc xe máy mới (dự định mua xe của Việt Nam liên doanh với Nhật hẳn hoi), trát áo và quét vôi căn nhà đá hộc, mua cho cô con gái 10 tuổi chiếc xe đạp… Nhưng, vẫn là chữ "nhưng" độc ác! Đin Phạ (ông trời), và cả tổ tiên của Hiền Pa đã không phù hộ độ trì nên để chết một lúc 12 con lợn đã đến lúc xuất chuồng, 1 con lợn nái, 4 con trâu mộng, chưa kể gà vịt… Thế là hết!

Hiền Pa lại ngước mắt lên nhìn bàn thờ, trề cái môi móc máy: Năm nay không hương khói, gà vịt gì sất! Để xem các cụ đi đâu ăn Tết! Đôi mắt Hiền Pa lúc này trắng dã và giàn giụa nước mắt. Nó mở gói quà của tôi nhìn bộ com-le giá rẻ và nói: "…Tao đếch có tiền trả mày! Nợ, sang năm trả! Mà mặc com-lê làm gì! Nông dân thì cần đếch gì com-lê!". Nó lại vít cổ tôi xuống bắt uống cạn chén rượu, mặc cho tôi giải thích mãi rằng, tôi tặng món quà đó, tôi không lấy tiền. Nó lại nhìn ít tiền tôi dúi cho rồi mỉa mai: "Mày định cứu trợ hộ đói nghèo à!? Tao mà là hộ đói nghèo à!? Tao đếch cần! Đừng tưởng ở thành phố về là nhiều tiền nhá…". Nó lại vít cổ tôi bắt uống, con ngươi trắng dã và giàn giụa nước mắt.

Tôi ngao ngán bỏ về, trong lòng trống rỗng vô cùng, tôi nghe rõ tiếng tru tréo của vợ nó, tiếng nó đập phá chửi rủa… Ngoài trời gió vẫn rít lên từng hồi, nhưng thời tiết bắt đầu ấm hơn, có lẽ sau đêm 30 Tết, đợt rét đậm đáng nguyền rủa này sẽ qua đi.

Người Tày quê tôi có lệ, cả ngày 30 Tết chỉ quét dọn nhà cửa, đặc biệt là bàn thờ tổ tiên phải đun nước lá bưởi cọ rửa sạch sẽ, bắc nồi bánh chưng nổi lửa rồi lấy cái lưỡi liềm cho vào bếp lửa. Sau đó, mổ một con gà, một con vịt. Gà thì luộc chín để cúng bàn thờ, vịt thì rán lên ăn bữa tối để tống táng những xui xẻo của năm cũ. Khi thời khắc giao thừa đến, cả nhà mặc áo mới, khăn mũ chỉnh tề, thắp hương cúng bái. Sau đó lấy cái lưỡi liềm đang nóng rừng rực từ bếp lửa ra, bê nồi bánh chưng để trước bàn thờ mở nắp và thả cái lưỡi liềm ấy xuống, khói sẽ bốc lên nghi ngút… Việc đó gọi là xông bàn thờ đêm 30 Tết. Cả bản Pác Thay từ ngàn đời đều có tục lệ đó.

Và mỗi lần làm xong việc ấy, tôi thấy căn nhà mình trở nên ấm áp lạ thường, bàn thờ thanh sạch, mùi bánh chưng thơm lừng, tổ tiên người Tày của tôi như đang trở về vui vầy cùng con cháu.

Vậy mà cái thằng Hiền Pa - thằng bạn nối khố đầy nghị lực của tôi nó dám chửi bàn thờ, nó uống rượu mắng chửi vợ con và nhất quyết không thắp hương đêm 30 của cái Tết Tân Mão này. Có lẽ nó quá tuyệt vọng - nó có nhiều dự định - nó chăm chỉ làm ăn. Nhưng, ôi! Vẫn chữ nhưng độc ác! Ôi, ông trời tàn nhẫn đem về giá rét, sương muối, băng giá… để cướp đi thành quả lao động cật lực của nó. Thế là nó hận. Hận ông trời. Hận tổ tiên. Hận cả cái thằng tôi vì món quà rẻ tiền từ phố Khâm Thiên, Hà Nội xa lắc.

Chiều 30 Tết Tân Mão, trời bắt đầu ấm hẳn, gió thôi không rít nữa, núi đồi trở mình như vừa sống lại sau vài tháng chết cóng. Tôi tản bộ quanh bản, lòng vẫn vu vơ buồn mơ hồ về câu chuyện thằng Hiền Pa. Đôi chân tôi tự nhiên bước qua nhà nó. Bàn tay tôi tự nhiên vẫn cầm gói quà, bộ com-lê rẻ tiền từ phố Khâm Thiên. Thằng Hiền Pa đã tỉnh rượu, nó đang lúi húi lau dọn bàn thờ, cô vợ tươi tỉnh cười từ xa với tôi. Thấy tôi bước vào, thằng Hiền Pa quay lại cười ngượng rồi nói: Com-lê đâu, đưa tao mặc chuẩn bị cúng tổ tiên.

Làn hương thơm lừng bay trong ngôi nhà đá hộc của nó. Tôi bỗng thấy lòng nhẹ bẫng, có một cái gì đó thật vui. Hiền Pa sau khi cọ rửa sạch sẽ bàn thờ, nó mặc com-lê, đứng chắp tay thành kính. Nó quay lại nói nhỏ: "Trời ấm rồi đấy, tao còn con vịt, ở lại ăn tối nhé…". Tất nhiên tôi không thể từ chối. Ban sáng nó say nên nói linh tinh, bây giờ tỉnh rồi thì đón Tết thôi… Tết đã đến cơ mà!

ASáng
.
.
.