Chuyện đắng lòng của đứa trẻ hận đời bạc bẽo

Thứ Năm, 24/02/2011, 13:13
Dù chỉ mới mười bốn tuổi nhưng những "chiến tích" mà Phạm Văn Thành (quê Phú Thọ) có được thật chả kém bất kể một tay anh chị nào. Với thâm niên trộm cắp và nghiện hút lâu năm, nó đã khiến ông bà ngoại đau khổ và rơi nước mắt không biết bao lần. Số phận dường như đã quá nghiệt ngã với nó khi bố bỏ hai mẹ con nó từ khi nó chưa cất tiếng khóc chào đời…

Những tưởng khuyết đi tình cảm của bố thì mẹ sẽ là người bù đắp những thiệt thòi cho nó nhưng rồi mẹ cũng lại bỏ nó mà đi tìm hạnh phúc mới cho riêng mình. Người dìu dắt Thành đi qua quãng đời tuổi thơ chính là ông bà ngoại. Nhưng dù ông bà có yêu nó đến mấy, nâng niu chăm chút nó đến mấy cũng không thể nào bù đắp được những thiếu hụt tinh thần mà chính bậc sinh thành đã để lại cho nó. Cuộc đời nó chẳng khác nào một cây non đang đứng trước những sóng gió đại ngàn.

1. Bố Thành bỏ mẹ con nó ngay từ khi nó vẫn còn là giọt máu trong bụng mẹ chỉ bởi ông ấy nghi ngờ cái thai đó không phải là cốt nhục của mình. Bố nó là thế, mọi người nói ông ấy rất hay ghen mà thường là ghen mù quáng. Hồ nghi vợ mình cho dù không có bất kỳ một bằng chứng chính đáng nào để chứng minh những điều ông ta nghĩ là thật. Mẹ nó đã khóc lóc và nhiều lần van xin chồng mình suy nghĩ lại nhưng mọi thứ chẳng thể nào khác được. Ông ấy vẫn một mực đuổi vợ mình với cái thai đang lùm lùm trong bụng ra khỏi nhà. Biết là không thể làm gì để có thể thay đổi được suy nghĩ và quyết định của chồng nên mẹ nó đành phải khăn gói ra đi. Nói là ra đi cho có vẻ xa cách vậy thôi chứ mẹ nó biết đi đâu khi bụng mang dạ chửa. Mẹ nó đành phải quay lại nhà ông bà ngoại của nó cách đó chưa đầy trăm mét để tá túc. Ngày mẹ nó sinh ra nó là một ngày giông bão. Mẹ nó cứ nhìn ra ngoài trời mà khóc. Khóc vì tủi phận mình và vì thương cho số phận bất hạnh của con.

Sinh con xong được một thời gian không lâu, mẹ nó đành lòng để nó lại cho ông bà ngoại chăm sóc ra đi kiếm kế sinh nhai và cũng là để trốn tránh cái hiện thực đau buồn. Bởi lẽ, bố nó sau khi ruồng bỏ mẹ con nó thì không lâu sau đó đã lấy một người vợ mới. Nhà ông bà ngoại cách nhà bố nó chưa đầy trăm mét vậy mà từ khi sinh ra cho tới bây giờ nó đã mười bốn tuổi nhưng chưa một lần ông ấy hỏi thăm nó. Thậm chí nó và bố dù có vô tình chạm mặt nhau ngoài đường cũng không ai hỏi ai một tiếng. Mẹ hận bố. Nó thương mẹ nên cũng hận bố nhiều lắm. Ví như người ta chết bố hay bố đi xa thì đã đành một nhẽ, đằng này bố của nó ở ngay trước mặt nó đấy mà lại quá xa xôi.

Mẹ nó ra Hà Nội kiếm tiền và rồi chẳng bao lâu mẹ lại tìm cho mình một tổ ấm mới, bỏ nó côi cút. Nhưng nó nghe nói mẹ nó cũng không hạnh phúc với người đàn ông mới của đời mình. Mẹ nó là đời vợ thứ tư của ông ta. Những đời vợ trước cũng chỉ vì không chịu được tính cách cục cằn thô lỗ mỗi khi say rượu của ông ta nên đều dứt áo ra đi. Nó bảo, hạnh phúc của mẹ là do mẹ tự chọn nên giờ mẹ sướng hay khổ nó cũng không quan tâm nữa. Mẹ đành tâm bỏ nó mà đi khi nó cần một chỗ dựa hơn ai hết. Lẽ ra mẹ phải là người bù đắp những thiệt thòi cho nó thì chính mẹ lại để lại cho nó một chỗ trống không thể lấp đầy. Mười bốn tuổi mà nó bảo với tôi: "Em không chỉ hận những người đã sinh ra em mà còn hận đời. Vì đời đã quá bạc bẽo với em". Nghe một đứa trẻ mới lớn thốt ra như vậy tôi không khỏi xót xa khi nghĩ rằng, mang trong lòng mối hận thù như vậy không hiểu rồi sau này nó sẽ phát triển nhân cách ra sao.

2. Sống với ông bà ngoại, dù được chiều chuộng và yêu thương hết mực nhưng nó vẫn thấy thiếu. Cái khuyết ấy trong lòng nó cũng là điều dễ hiểu. Nhìn những bạn bè cùng trang lứa có bố có mẹ, được bố mẹ chăm lo nó luôn cảm thấy chạnh lòng. Nó luôn không có được cảm giác tự tin. Và cứ thế nó dần khép lòng mình lại, trở thành một đứa trẻ gan góc và lì lợm. Những buổi đến lớp của nó cứ thưa dần rồi dừng hẳn. Thay vào việc cắp sách tới trường để học nó la đà các quán điện tử rồi trở thành fan cuồng của các trò chơi chém giết online. Bạn bè của nó không chỉ  ham chơi game mà có rất nhiều đứa nghiện. Thế nên việc sau này nó cũng đua đòi theo chúng bạn và trở thành một con nghiện có thâm niên cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài giờ học Thành và các bạn còn tham gia lao động.

Thời gian nó bắt đầu chớm nghiện cũng là thời điểm mà ông bà ngoại nó vừa bán đất được gần một tỉ đồng. Tính các cụ già khi có tiền thường gói ghém rất cẩn thận rồi cất giấu vào một nơi nào đó mà người ta ít ngờ đến nhất. Nhưng ông bà nó đâu biết được rằng, đứa cháu ngoại của mình đã theo dõi và biết được nơi cất tiền. Khi có việc cần dùng đến một khoản tiền lớn, ông bà ngoại mới giở ra và tá hỏa phát hiện tiền đã bị mất quá nhiều. Hỏi nó, nó không nhận. Và có lẽ chính ông bà cũng không nỡ nghi ngờ đứa cháu ngoại của mình.

Cho đến một hôm, trong lúc ông ngoại dọn dẹp giường chiếu cho nó, ông đã vô cùng hoảng hốt khi phát hiện ra dưới chiếu là một đống các ống xi lanh. Ông gọi nó vào, chỉ cho nó thấy và nó gật đầu thú nhận rằng mình đã bị nghiện từ cách đấy hai năm. Ông đã không kiềm chế được tức giận nên đã đánh nó rất nhiều. Vừa đánh ông vừa than "Sao đời tôi lại khổ thế này. Hết nuôi con giờ già rồi lại phải nuôi cháu. Chăm chút yêu thương giờ ra một thằng cháu nghiện". Đang đánh, ông quỳ sụp xuống rồi bật khóc nức nở. Thành nhớ hôm đó cả ông và bà đã khóc rất nhiều.

Sau vụ đó, ông ngoại đã xích nó vào chân giường. Ba ngày liên tiếp ông ngồi kè kè bên cạnh để canh thằng cháu ngoại. Đến ngày thứ tư khi cảm thấy mọi thứ bắt đầu ổn ổn, ông mới dám đi ra khỏi nhà. Nhân lúc ông lơ là, nó đã dùng cưa giấu sẵn dưới gầm giường để cưa xích và trốn đi. Lê cái thân xác lả lướt ra đi cùng với những cơn vật mà không có tiền mua thuốc, nó lại phải mò về. Lần về này nó lại bị ông xích. Cơn vật lên, nó lại tìm cách phá xích. Cứ thế năm lần bẩy lượt đến mức ông nó cảm thấy quá mệt mỏi và buông xuôi để nó muốn làm gì, đi đâu thì tùy.

3. Lần sau cùng nó phá xích và bỏ nhà đi bụi. Ông bà ngoại dù buồn, dù lo lắng nhưng cũng chả buồn đi tìm nó về. Bởi ông bà nó biết có tìm được nó về thì rồi nó cũng lại tìm cách mà đi. Không có tiền để chích, nó cùng bạn bè đi ăn trộm. Hễ người ta sơ hở cái gì là nó cùng đồng bọn chôm ngay. Rồi một lần nó bị người ta bắt quả tang khi đang tháo chiếc máy bơm nước của một nhà dân. Họ đưa nó lên trụ sở Công an rồi liên lạc với ông bà ngoại nó đến để giải quyết.

Đưa nó về nhà, ông bà ngoại nó cũng hết cách đành phải gọi điện cho mẹ nó ở Hà Nội về. Ông bà ngoại bàn bạc với mẹ nó, rồi chính tay mẹ nó là người viết đơn xin gửi nó vào Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Khi ấy nó cay cú ông bà ngoại và mẹ nhiều lắm. Nó nghĩ những người ấy không còn muốn dung nạp nó nữa cho rảnh rang.

Giờ nó đã ở trong Trường Giáo dưỡng được ba tháng. Cơn nghiện cũng đã cắt được. Nó cũng đã bắt đầu có da có thịt nhiều hơn. Tháng nào cũng vậy, dù đường sá xa xôi và sức khỏe yếu nhưng ông bà nó vẫn cố gắng đến Trường thăm và động viên nó. Biết nó khỏe mạnh và đã cắt cơn ông bà ngoại nó mừng lắm. Giờ thì nó đã hiểu, ông bà và mẹ gửi nó vào đây là muốn cuộc đời nó có tương lai hơn.

Thời gian đầu trong Trường Giáo dưỡng, nó tỏ ra bất cần, luôn gây sự với các bạn và luôn cố ý chống đối lại thầy cô. Nhưng rồi chính lòng yêu thương chân thành của các thầy, cô đối với những mảnh đời bất hạnh như nó đã khiến nó thực sự cảm động. Không còn những tháng ngày dặt dẹo cùng chúng bạn lang bạt khắp nơi, trộm cắp và hút chích, giờ nó lại được đi học và lần đầu tiên nó nhận thức được học để làm gì. Lòng hận thù những người sinh thành và cả sự hận đời bạc bẽo, có lẽ sẽ dần nguôi ngoai trong nó. Tri thức sẽ dẫn nó tới một con đường sáng sủa và nhiều niềm vui

Ngọc Anh – CSTC tuần số 46
.
.
.