Chuyện đời kỳ lạ của một cô gái bé nhỏ gõ cửa Thiền Minh Triết

Thứ Ba, 03/05/2011, 11:35
Cô gái này có vóc người nhỏ nhắn, giản dị, ngày ngày vẫn mang ba lô với một đôi dép cao su mòn vẹt đang ấp ủ viết một cuốn tự truyện về cuộc đời mình. Nếu ai đó đã từng đọc Sống của Dư Hoa, để hiểu được sự chịu đựng ghê gớm của con người trong nỗi tuyệt vọng, thì ngồi nghe Kiều Nga kể về cuộc đời gian truân của mình, mới thấm thía hơn điều đó.

Nhưng có lẽ là nhân duyên, khi Nga vượt qua những mất mát, đau khổ trong cuộc đời, bằng những chia sẻ với Thiền Minh Triết, mối nhân duyên mà Nga vẫn bảo, đã cứu rỗi cuộc đời mình…

Cô gái của cộng đồng…

Tôi gọi Nga bằng cái tên đó, vì cuộc sống của em đã không còn là của riêng mình nữa. Nga kể lại cuộc đời bằng một vẻ bình an, tự tại, khác hẳn với cảm giác khi tôi gặp Nga cách đây chừng 2 năm. Khi đó trông Nga gầy gò, đúa và có vẻ mỏi mệt, tâm trạng lúc nào cũng bất an, lo lắng. Nhưng hôm nay thì Nga đã cười rất nhiều.

Cuộc đời cô bé này rất kỳ lạ, đến mức, tôi vẫn băn khoăn không hiểu nỗi, sao trên đời lại có một tấm lòng thiện nhưng nhiều trắc ẩn đến vậy. Cái tên Kiều Nga đã trở nên quen thuộc với rất nhiều tổ chức phi chính phủ làm từ thiện, hay các nhóm như Hành trình xanh, Những người bạn, Vì người bệnh, Bánh chưng tết, Thiền Minh Triết.

Cô bé giản dị và bé nhỏ này, tham gia trong số những người khởi xướng các hoạt động của các tổ chức đó. Nhưng Nga không xuất hiện trước đám đông, hay lên tiếng, mà lặng lẽ từ phiá sau, tư vấn lên kế hoạch cho các chương trình. Nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, cần địa chỉ đều gọi cho Nga. 8 năm sinh viên và sống ở Hà Nội, nhưng bước chân em đã lang thang đến tận từng hang cùng ngõ hẻm, những nơi xa xôi và hẻo lánh nhất trên các vùng miền của đất nước. 8 năm, Nga học và làm việc như một con thuồng luồng, 5h sáng cho đến 11 giờ đêm.

Làm bất cứ việc gì để có tiền trang trải cho gia đình, đủ nộp học phí và còn lại, đi làm từ thiện. Rửa bát, bán kem, bán khoai, làm thêm cho một hiệu ảnh ở gần trường. Lịch làm việc của Nga kin mít, và hễ có ai gọi, bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, ở đâu, Nga lại xách ba lô lên đường. Hình ảnh cô bé gầy, đen đúa, với chiếc ba lô và đôi dép cao su mòn vẹt đã trở nên quen thuộc với mọi người. Bạn bè gọi Nga là Nga ngố xin - cho.

Ai cho cái gì cũng nhận, không phải vì cho mình mà Nga gom lại đi làm từ thiện. Đến bây giờ Nga không còn nhớ hết những gương mặt mình đã gặp, những việc mình đã làm.

Nhưng chỉ có một điều, em biết, tấm lòng mình đã cứu rỗi rất nhiều cuộc đời trong đói khổ và cơ cực. có những địa chỉ, Nga là người đầu tiên đến, và khi nhiều tổ chức khác vào, em lại lặng lẽ rút lui. Và nhiều năm sau, khi mọi người quên bẵng họ, em lại quay trở lại. A Lưới, Hà Giang, Quảng Bình… Hễ có ai gọi là Nga lại thu xếp việc học để lên đường. Có những chuyến đi, trong túi chỉ có 100 ngàn, mà em đi được 14 tỉnh miền trung và miền Nam.

Đó là chuyến đi vào Đà Lạt, Quy Nhơn, sống cùng những người  bị phong, cùng các sơ chăm sóc người  bệnh. Không quen biết ai, nhưng Nga như trở thành người thân của họ vừa đi xa về. Ở Hà Nội, Nga và nhóm Những người bạn đã trở thành người thân của Trung tâm người già và trẻ em ở Thụy An, Ba Vì, và Trung tâm giáo dục số 2, và số 4 ở Yên Bài, Ba Vì.

Nga nhớ, đó là lần đầu tiên, Nga bước chân vào phòng cách ly, nơi những em bé nhiễm H đã bị phát bệnh và rất nguy hiểm. Không có ai ngoài Nga trong nhóm bạn dám bước chân vào đó. Nhưng Nga không hề có cảm giác sợ hãi mình sẽ bị lây nhiễm. Nga đến thăm từng em, chăm sóc, lau rửa cho chúng. Và những câu chuyện của các em bé hồi đó vẫn còn lại mãi trong tâm trí Nga.

Nga kể, hồi đó, Nga gặp hai em tên Thủy và Đức, không biết bây giờ các em ấy còn sống hay không. Nga hỏi các em mơ ước gì, Đức đã đứng lên nghẹn ngào bài Đứa bé. Còn Thủy mếu máo, "không biết em có sống được không nên không biết ước mơ của em là gì". Câu nói đó đã ám ảnh Nga đến độ, hàng tháng Nga dù bận công việc đến mấy cũng phóng xe máy xuống thăm các em. Lủng lẳng bóng và các đồ dùng thiết yếu.

Trẻ bị H, chúng rất giàu lòng tự trọng. Chúng gần như chỉ gần gụi và thân thiện với những người thực sự yêu quý. Nên khi Nga đến, các em đã không ngần ngại ngồi xòa vào lòng, hát và nghe Nga kể chuyện… Mỗi lần đến đó trở về Nga đều khóc.

Cô Ba của xóm chạy thận

Nga là tình nguyện viên của nhóm chạy thận cách đây mấy năm. Khi chưa ai quan tâm đến những số phận bất hạnh này. Hồi đó, Nga là bạn thân của Hồng Công, thường vào đọc sách, kể chuyện và ăn cơm cùng xóm thận.

Thân thiết đến nỗi nhiều người gọi em thân thương là cô Ba xóm thận đến, em tổ chức dẫn họ đi lễ chùa chơi ở Bắc Ninh, ra bãi giữa sông Hồng,… có lúc em chỉ vào đó lắng nghe họ nói, cười với họ, thậm chí vào viện ngồi nói chuyện với họ cho nhanh hết ca lọc máu. Giờ đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng đã và đang quan tâm tới xóm thận, còn Nga vẫn lặng lẽ dõi theo họ.

Có những việc không ai làm, thậm chí mọi người đều xa lánh, thì cô gái nhỏ bé này lại xắn tay vào. Tắm cho người chết vô gia cư để đưa về nơi tập trung, nhận những em bé sơ sinh bị bỏ rơi trong bệnh viện, 5 ngày tuổi, 7 ngày tuổi, 9 ngày tuổi đưa về các trại mồ côi…

Nhiều lần trở lại đã thấy thêm một chiếc nôi bị trống, vì có những đứa bé đã ra đi… Cũng vì những câu chuyện ám ảnh và thương tâm này mà Nga đã một mình lặn lội vào Nha Trang gặp  người đàn ông xây dựng nghĩa trang Đồng Nhi, và câu chuyện về Tống Phước Phúc, và những đứa trẻ bị bỏ rơi, những cảnh đời lầm lũi đã khiến Nga nhiều đêm mất ngủ.

Tôi ngồi cà phê với Nga, thấy điện thoại đổ chuông liên tục. Khi ở Hà Giang, khi Lào Cai, khi Huế, Đà Nẵng. Những cô cậu học trò lầm lỗi, có cơ duyên được gặp Nga đều thay đổi, làm lại cuộc đời. Và chúng nhớ đến em như một bà tiên trong cổ tích.

Đó là câu chuyện về cậu Phi ở Huế. Giờ Phi đã đi làm, có thu nhập và nhìn lại quãng đời đã qua của mình như một giấc mơ kinh hoàng. Nếu không gặp Nga, Phi đã trượt dốc trên cuộc đời. Nhưng không hiểu cơ duyên nào, cách đây hai năm trong chuyến đi vào Huế, qua một người bạn, Nga biết Phi đãng ném đời mình vào những cuộc chơi trác táng. Và Nga, bằng mọi cách đã cứu Phi ra khỏi vũng bùn tăm tối đó.

Và những ẩn ức về gia đình

Nhưng cô gái có tấm lòng thiện này lại có một cuộc đời bất hạnh, đẫm nước mắt. Nga sinh ra trong một gia đình khá giả ở Đắc Lắc. Cuộc sống của gia đình em sẽ bình yên như bao gia đình khác, nếu không có một biến cố lớn xảy ra.

Kiều Nga cùng xóm chạy thận.

Bố bị mất một cách đau đớn trong chuyến về quê chịu tang ông nội. Lúc đó, Nga mới chỉ được 4 tháng tuổi. Anh trai đầu của Nga, lúc đó đang lúi húi trong bếp nghe tin đã ngã dúi đầu vào bếp và bị cháy sém. Sau nhiều nỗ lực cứu chữa của mẹ, anh trai của Nga giờ đang sống cuộc sống thực vật. Bà mẹ một lúc phải chứng kiến hai cái chết đã đau đớn đến mức không còn nói được. Chỉ mấy ngày sau, người bà khô như một cành cây bị rút hết nhựa sống.

Gia đình Nga rơi vào cùng cực từ ngày đó. Lần lượt Nga chứng kiến những người thân trong gia đình từ giã cõi đời. Nhưng Nga vẫn quyết tâm học giỏi. 16 tuổi, cầm giấy báo điểm nhập học trong tay, Nga ngậm nước mắt vào trong khi biết, mình không đủ tiền để theo học bất cứ một trường nào. Niềm hy vọng của cô bé mới lớn, khiến Nga rơi vào trạng thái trầm cảm. 6 tháng liền Nga không nói chuyện với ai. Mà chỉ gật và lắc đầu. Và xuống tóc đi tu.

Nhưng tiếng khóc của mẹ, nỗi đau của các chị và  anh trai đã níu chân Nga ở lại. Sau nhiều vật vã, em đã đứng được dậy, và bắt đầu một cuộc sống khác của mình. Từ đó, Nga trở thành điểm tựa của gia đình, cả về kinh tế lẫn tinh thần.

Có những thời điểm, Nga cảm tưởng mình không có lý do gì để tồn tại trong cuộc sống. Khi những tai họa ập đến nhấn chìm gia đình em trong nỗi tuyệt vọng. Những người thân lần lượt ra đi, ông bà, anh rể... Có thời điểm, chỉ trong vòng mấy tháng, 9 người thân trong gia đình Nga mất. Đến nỗi làng xóm sợ, nhà Nga có ma, nên xa lánh. Nhiều người còn dè bĩu, ném cả đá vào nhà. Nga lúc nào cũng lầm lũi bước đi. Không dám ngẩng mặt lên nhìn làng xóm. Người mẹ nhỏ bé tội nghiệp của Nga co mình trong nỗi sợ hãi đau đớn.

Nghĩ đến những ngày tháng đó, Nga vẫn cảm giác rùng mình sợ hãi. Lần đó, Nga đã xách ba lô… đi tu. Nga chỉ cảm thấy mình không còn lý do gì để tồn tại trong cuộc đời này nữa. Em vào tới Huế tại khu di tích Huyền Trân Công chúa, em gặp được những lời nhắn nhủ của Thầy Duy Tuệ, đã dẫn em quay lại với đời sống thực tế và chấp nhận bản thân, gia đình và những gì đang diễn ra, dám đối diện cuộc đời.

Giờ Nga đang sống bình yên, một cuộc sống giản dị trong căn nhà thuê chật chội ở phố chùa Láng. Em đã biết cân bằng cuộc sống của mình qua Thiền Minh triết, biết hóa giải được những nỗi đau, được mất ở đời, và không mưu cầu cho riêng mình điều gì. Và những việc em đang làm khi mang niềm vui và sự chia sẻ của mình cho mọi người, em thực sự thấy mình được bình an. Tấm lòng đó, tôi từng nghĩ, chỉ có trong cõi Phật mà thôi.

Nhìn lại những gì em đã trải qua, Nga nói: "Em thầm cảm ơn tất cả các nhân duyên dù là thuận duyên hay nghịch cảnh đã cho em những bài học lớn để có thể trải nghiệm và vững tin bước tiếp. Em cảm ơn Thầy em và những người bạn cùng thực hành và chia sẻ phương pháp Thiền Minh Triết với em trong 4 năm qua. Và em cũng muốn chia sẻ lại câu chuyện này với mong muốn có ai đó, đang ở đâu đó trong xã hội, nếu họ cũng đã và đang sống với những khó khăn của bộn bề cuộc sống với cơm áo gạo tiền và cả những nỗi lo, những trăn trở mỗi đêm về, họ cũng sớm có được phương tiện làm hành trang để vững vàng hơn trong cuộc đời. Em cầu mong cho họ sức khỏe, hạnh phúc và bình an ngay chính cuộc sống hiện tại của họ."

Giống như Nga đã may mắn gặp được trang web Duytue.net cách đây 4 năm và bây giờ em vẫn thực hành Thiền Minh Triết hàng ngày để sống với giây phút bình yên nội tại

Khánh Linh – CSTC tuần số 54
.
.
.