Chuyện hiếu, hỉ chỉ có ở một vùng quê Bắc Bộ

Chủ Nhật, 30/10/2011, 15:52
Đã vào mùa cưới, trong khi ở nhiều làng quê chuyện tổ chức tiệc cưới linh đình, kéo dài nhiều ngày thì ở thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc hàng tháng mọi đám cưới chỉ được tổ chức trong hai ngày mồng 2, 16 âm lịch và làm gọn nhẹ. Đặc biệt hơn nữa có lẽ phải kể đến chuyện địa phương này hàng năm đều dành tiền bạc và quỹ đất... xây nhà cho người sắp về cõi âm.

Người dân nơi đây tự hào lắm! Không vui mừng sao được khi mà những quy định không đâu có được về "việc vui nhất của đời người" và "việc buồn nhất của đời người" đều là "thương hiệu" của họ.

Việc trăm năm gói gọn trong 2 ngày

Bà Dương Thị An, khu phố 5, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc phấn khởi khoe với chúng tôi bằng chất giọng trăm phần trăm dấu hỏi thành dấu ngã: "Quê ta giờ văn minh thế đó". Ngó sang xã bên, huyện bên thấy người dân vất vả chạy sô trong mùa cưới, "ngày vui mà mệt nhọc, tốn kém" nên như mọi người ở trong thị trấn, việc bà mừng ra mặt khi kể về chuyện đổi mới trong cưới xin là điều dễ hiểu.

Theo quy ước văn hóa xã hội của thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, đám cưới chỉ được tổ chức vào 2 ngày trong tháng âm lịch là mồng 2 và 16. Tuy nhiên vào 3 tháng cao điểm là tháng 9, 10, 11địa phương dành thêm 2 ngày nữa để các gia đình tổ chức chuyện trăm năm cho con mình là ngày 10 và 22.

Đã hơn 10 năm nay, từ cấp xã, Yên Lạc với tên gọi cũ là Minh Tân được chuyển lên thành thị trấn Yên Lạc là từng ấy năm quy ước này được đi vào đời sống cư dân. Chính quyền nơi này đã quyết định làm một "cuộc cách mạng nhỏ" khi đưa ra quy ước cưới xin độc đáo, một "thương hiệu" và điểm nhấn không thể lẫn vào đâu được với các địa phương khác trong huyện và các huyện trong tỉnh.

Lần tìm đến gặp các bậc cao niên nơi đây để hiểu thêm về lịch sử của địa phương này mới hay hai chữ Yên Lạc tức là vùng đất của "bình yên, lạc nghiệp". Ở một vùng quê với 80% dân cư sống bằng nghề mộc truyền thống và dân số trên 17.000 dân thế nên hầu như ngày nào tại đây cũng có đám cưới. Đám cưới vốn được coi là "ngày vui nhất của đời mỗi con người" nhưng việc đi ăn mừng đám cưới lâu dần cũng trở thành gánh nặng với những gia đình vốn nghèo lại neo người. Người đi ăn cưới vui chỉ một phần mà phần nhiều đi để "trả nợ". Nhiều gia đình phải bỏ bê việc đồng áng, nhà cửa để đi ăn cưới.

Một đám cưới tại thị trấn Yên Lạc được tổ chức theo lệ làng.

 Và cái quyết định phải đổi thay của những người đứng đầu thị trấn khi soạn hẳn một quy ước riêng cho ngày trọng đại của đời người. Trong quy ước này có những quy định nghiêm khắc nhằm xây dựng một cuộc sống văn minh thực sự cho mọi người. Ngoài quy định về thời gian như đã nói ở trên, cô dâu còn không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc quần áo tân thời.

Trong đám cưới không được chơi nhạc sống cũng không được dùng đèn nhấp nháy, không đánh bạc và cấm hút thuốc lá khi tới đám cưới. Trai gái làng trên, xóm dưới, không phân biệt người hèn, kẻ sang đều phải thực hiện theo. Song quy định cũng có phần nới lỏng khi miễn trừ cho các cô gái lấy chồng thiên hạ. Tất nhiên để quy ước đi vào cuộc sống, quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của mọi người. Đó mới chính là gốc rễ làm nên sức nặng của "cuộc cách mạng nhỏ" này.

Tìm hiểu các quy định thì "hà khắc" và không được lòng các cô dâu, nhất là quy định không được mặc váy cưới. "Các cháu gái sắp làm cô dâu buồn lắm" - bà Dương Thị An (khu phố 5, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: "Thông cảm với con cháu và thấy điều này cũng không quá tốn kém nên chúng tôi đề nghị lại với thị trấn, thôi thì cả đời các cháu mới được 1 lần, xin cho các cháu mặc váy cưới". Nói thế thôi nhưng như giọng bà phân trần và phân tích thì "đấu tranh mãi, chính quyền mới nới lỏng quy định đấy".

Còn về các quy định khác không chỉ bà An mà mọi người trong thị trấn hoàn toàn nhất trí. Cái hơn thiệt của quy ước này được bà phân tích rạch ròi chẳng khác nào một người làm chuyên về công tác xã hội: "Thị trấn quy định thế này là để dân tiết kiệm thời gian, cũng như chi phí, chống lãng phí trong toàn dân. Đơn giản như trong hai ngày mồng 2 và 16, nhà anh có 4 người thì chia nhau mỗi người tới một đám, có 4 đám chỉ hết 1 hoặc nửa ngày là xong. Đấy là tiết kiệm về thời gian, những ngày sau không phải đi đám cưới nào nữa.

Với gia chủ, tiết kiệm là điều thấy rõ, vì có nhiều đám tổ chức trong một ngày nên việc tổ chức được tinh giản. Nếu như trước kia anh phải sắp 100 mâm mới đủ cỗ thì nay chỉ vài chục mâm thôi là đủ. Chuyện ăn uống không còn là gánh nặng với gia chủ và cả người tới chúc mừng. Khi quy định được đưa ra dân hưởng ứng trăm phần trăm vì tiết kiệm thời gian lắm".

Ngôi cầu hội của làng Đoài (thị trấn Yên Lạc) nơi chứng kiến bao đổi thay của làng.

Vui nhất có lẽ là những gia đình đông con như gia đình bà Nguyễn Thị Bàn, khu phố 3, thôn Đông có 5 người con trai đều đã tổ chức theo nếp sống mới của địa phương. Còn gia đình bà Dương Thị Hạnh có 6 anh con trai thì có 4 anh đã lập gia đình cũng rất phấn khởi khi thực hiện nếp sống mới trong tục cưới xin ở địa phương. Bà Bàn nở nụ cười tươi, giọng đầy hồ hởi: "Tiết kiệm lắm con ạ. Nếu tổ chức như xưa có khi giờ bác và các con vẫn phải làm mà trả nợ đám cưới cho con cũng nên".

Chị Dương Lệ Thu, 24 tuổi, người thị trấn Yên Lạc chia sẻ tâm sự: "Ngẫm ra mới thấy là quê mình có một tục lệ cưới xin thật đặc biệt và thú vị mà hình như chưa một vùng quê nào có. Thực ra, tục lệ ấy phải có nhiều cái hay thì nó mới sống được đến ngày hôm nay. Bản thân mình rất tự hào".

Trong 2 ngày diễn ra "hội cưới", đường làng, ngõ xóm đông vui như trẩy hội. Bà Hạnh kể có ngày phải ăn đến 5 đám cưới. Nhà nào nhiều người thì chia mỗi người đi 1 đám. Nhà ít người thì chỉ kịp gửi phong bì mừng gia chủ rồi lại ngược xuôi đi mừng đám khác.

Tất nhiên, nói là thế nhưng quy định mới ít nhiều cũng nảy sinh bất cập mà chỉ thanh niên địa phương và các cô dâu chú rể là người thấu hiểu nhất. Biết là thế nhưng vẫn chấp nhận vì ngẫm lại thấy mặt tích cực vẫn nhiều hơn. Anh Thắng, khu 3, thôn Đoài cho biết ngày 16 âm lịch anh tổ chức lễ cưới nhưng ngày này lại rơi đúng vào thứ hai và thứ ba. Ngậm ngùi, anh tâm sự: "Vì bạn bè chúng em bây giờ phần nhiều đi làm ăn xa. Nhưng lễ cưới chỉ được quy định vào 2 ngày đó. Nếu không vào thứ 7, chủ nhật thì bạn bè cũng khó có thể về dự được, thành ra kém vui đi. Đám cưới vắng người hơn mọi khi".

Chị Lệ Thu bổ sung: "Cưới xin là đại sự của đời người, ai cũng mong ngày cưới của mình là một ngày đặc biệt nhất, đẹp nhất, hoặc có thể tụ họp đông đủ nhất tất cả bạn bè gần xa. Việc quy định ngày cưới theo ngày này có phần hạn chế việc tự do lựa chọn ngày cưới của mỗi gia đình, mỗi cặp uyên ương. Tuy vậy, nếu được lựa chọn, có lẽ đại đa số  vẫn sẽ "vote" (bỏ phiếu tán thành) cho sự tồn tại của nó như một dấu ấn đặc biệt của quê tôi".

Dành tiền, đất… xây "nhà" cho người sắp mất

Có lẽ chuyện tổ chức cưới xin như trên nhiều người sẽ chép miệng "à, cái này mình cũng thấy đâu đó có rồi thì phải" nhưng riêng chuyện thị trấn dành quỹ đất và tiền giúp xây phần mộ chuẩn bị cho những người sắp mất thì hẳn chẳng nơi nào có được.

Theo chân người dân địa phương ra một nghĩa trang của thị trấn, chúng tôi không khỏi có cảm giác ớn lạnh, rờn rợn khi hàng chục ngôi mộ xây sẵn, nằm ngăn ngắn ngay lối vào. Đằng sau mỗi tấm bia mộ, đều được đánh số thứ tự, được thị trấn xây sẵn để chờ phục vụ… người chết. Có những ngôi đã mồ yên mả đẹp, khói hương nghi ngút. Song không ít những ngôi còn "chưa có người ở", vẫn đang trong tình trạng lộ thiên. Cơn mưa những ngày này khiến phần mộ sóng nước.

Những ngôi mộ được xây sẵn cho người còn sống.

Trò chuyện với phóng viên, bà Dương Thị Hạnh, người ở thị trấn Yên Lạc cho biết: Cách đây gần chục năm, Yên Lạc đã đề xuất quy hoạch, rồi thiết kế và xây sẵn mộ ở nghĩa trang. Theo đó, mỗi làng có một nghĩa trang. Tại nghĩa trang của từng làng, luôn có 120 ngôi mộ xây sẵn. Mỗi ngôi có chiều dài 2 mét, chiều cao bằng nhau.

Bà cũng giải thích: "Thời gian từ lúc người mất đến lúc cải táng là 3 năm thì năm đầu địa phương xây 40 mộ, các năm còn lại, mỗi năm xây thêm 40 phần mộ nữa. Các phần mộ được đánh số từ 1 đến 40. Vậy là người quá cố cũng có vị trí, thứ tự của riêng mình. Người nào "ra trước" thì ở nhà số trước, lần lượt cho đến hết các số thứ tự. Sau thời gian 3 năm, người nào được chôn cất ở hàng mộ đầu tiên sẽ được cải táng sang địa điểm khác. Nếu có người mất sau này, thì lại chôn vào mộ đó. Mọi việc tuần tự và rất quy củ".

Ngồi bên cạnh bà Hạnh, bà An bổ sung thêm: "Những ngôi mộ đó được địa phương đứng ra xây, còn tiền thì do những nhà hảo tâm, công đức ủng hộ. Làm như vậy, vừa tiết kiệm đất, lại vừa sạch sẽ, gọn gàng, không ảnh hưởng đến môi trường". Ông Phạm Xuân Tân một người dân trong thị trấn giọng hào sảng phân tích thêm cho chúng tôi cũng hào hứng nói: "Nhiều nơi họ làm phân tán, phí ruộng, phí đất.

Mà anh tính, đang đường cày thẳng tắp, trâu chạy băng băng thì vướng vào phần mộ, lại phải lách sang mà làm, bất tiện lắm chứ". Làm thế này theo lời ví von của ông: "không chỉ sạch đẹp, gọn gàng mà lại rất đoan trang. Hiện nay, Yên Lạc có 4 thôn là làng Đông, làng Trung, làng Tiên, làng Đoài thì 3 làng đã xây mồ mả như vậy rồi. Làng Đoài tôi dự tính năm nay cũng xây khoảng 60 - 65 mộ. Tôi ước sao đâu đâu cũng học, làm theo cách này".

Rời Yên Lạc, chúng tôi mang theo cả niềm tự hào và vui mừng của bà con về những đổi thay nơi đây. Đáng mừng lắm chứ khi chính quyền địa phương nơi này đã dám đổi mới hai công việc quan trọng nhất của một đời người là chuyện cưới xin và ma chay. Vui lắm chứ khi việc làm ấy đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Chuyện lãng phí, rườm rà trong các đám hiếu, hỉ ai cũng biết, cũng hiểu và muốn thay đổi. Nhưng ai dám "nổ phát pháo" khởi xướng phong trào xây dựng đời sống mới ở khu dân cư như thị trấn Yên Lạc thì không phải nhiều, nếu không nói là rất ít

Tiêu Phong – CSTC tuần số 79
.
.
.