Chuyện khẩn cấp của những thông tin đang gây chấn động toàn thế giới

Thứ Ba, 22/02/2011, 14:38
Một thông tin mật do WikiLeaks đăng tải, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra lệnh cho các quan chức Mỹ tiến hành hoạt động do thám các quan chức ngoại giao cao cấp của Liên hiệp quốc, bao gồm các đại diện phía Anh.

Hoàng tử Anh Andrew: Vụ rò rỉ WikiLeaks như là "Lỗ hổng lớn nhất trong lịch sử an ninh Mỹ"

Chính phủ Anh đang trong những ngày rối như tơ vò khi một làn sóng tiết lộ thông tin đang gây tổn hại lớn trong mối quan hệ đồng minh thân tín Mỹ - Anh, theo đó vụ rò rỉ thông tin do trang mạng WikiLeaks đang đăng tải được xem là vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử thế giới nói chung và Mỹ nói riêng.

Vụ rò rỉ thông tin này còn gây tổn hại không ít cho uy tín của đương kim Thủ tướng Anh David Cameron khi ông được mô tả là một "chính trị gia nhẹ cân". Ngoài ra cũng có những lời tuyên bố mang tính giật gân về cái gọi là "Hành vi không phù hợp" của Hoàng tử Andrew, một phái viên thương mại của Anh. Phố Downing ngày hôm nay đã chính thức kết tội việc vạch trần các thông tin tình báo của WikiLeaks nhưng lại nói rằng các quan chức thuộc chính phủ Anh đang nghiên cứu về kế hoạch đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Người phát ngôn của toà nhà Phố Downing nói: "Việc rò rỉ và cho đăng tải những thông tin tình báo mật của WikiLeaks là hành động làm tổn hại đến thể chế an ninh quốc gia của Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới".

Theo các nguồn tin đáng tin cậy thì trang web WikiLeaks đã cho đăng tải một danh sách khoảng 250.000 trang tài liệu mật. Trong núi tài liệu khổng lồ này, cái đáng quan tâm nhất làm cho người Anh bẽ mặt nhất là bản ghi nhớ tiết lộ từ Đại sứ quán Mỹ ở London đã mô tả cách mà một vị bộ trưởng Lao động đã phải lên tiếng xin lỗi vì hành vi quấy rối tình dục một người phụ nữ. Tài liệu này tiết lộ chi tiết rằng, vị bộ trưởng kia thường xuyên có thói quen "vờn bướm", cho hay rằng cuộc sống hôn nhân của vị bộ trưởng khá thăng trầm, bản thân ông ta còn bị chứng rối loạn thần kinh.

Trong khi đó, bản thân các ông David Cameron và George Osborne đều không thể thoát khỏi những lời chỉ trích gay gắt sau vụ Thống đốc Ngân hàng Anh Mervyn King đã lên tiếng cáo buộc cả hai người đàn ông chủ chốt đều là những người "thiếu chiều sâu". Hoàng gia Anh cũng đang bị để ý săm soi rất kỹ. Phía chính quyền Mỹ thì bị sốc bởi vì Hoàng tử Andrew đã có những cử chỉ "thô lỗ" ở nước ngoài và tuyên bố rằng Hoàng tử Andrew đã có những "tuyên bố không phù hợp" về nước ngoài và một cơ quan thi hành pháp luật. Cho đến nay, điện Buckingham vẫn từ chối mọi lời bình luận.

Mặc dù đã được cảnh báo trước rằng việc cho tiết lộ các thông tin quá nhạy cảm có thể sẽ đe dọa nhiều người nhưng bất chấp tất cả WikiLeaks đã đi một nước nhanh hơn trong việc đăng tải thông tin mật ngay từ 28/11/2010. Vụ rò rỉ thông tin mật đã đẩy nước Mỹ đứng trước những khủng hoảng căng thẳng về ngoại giao trong đó có cả bản án bí mật với Anh và các quốc gia khác trên thế giới cũng đã bị tiết lộ.

Hầu hết các thông tin đều tỏ ra hết sức bất lợi cho chính quyền Washington, từ đây còn làm hé lộ một thông tin chấn động rằng Bộ ngoại giao Mỹ còn có dã tâm âm mưu do thám mọi hoạt động của các nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc dưới mạng lưới điệp viên là các nhà ngoại giao, bao gồm cả các nhà ngoại giao Anh, rõ ràng việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Theo đó, theo lệnh của Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton, các nhân viên làm việc tại các toà đại sứ Mỹ trên khắp thế giới phải tập trung thống kê số hiệu các chuyến bay, thông tin chi tiết về thẻ tín dụng và thậm chí cả phim chụp về mống mắt, dấu vân tay và bản xét nghiệm ADN của các quan chức ngoại giao quốc tế.

Những tiết lộ khác sẽ bao gồm: Những chỉ trích mạnh mẽ về các chiến dịch quân sự của Anh ở Afghanistan; Những trận đấu "võ mồm" giữa David Cameron và Gordon Brown, người bị chê tách là có tâm trạng "không ổn định"; Những yêu cầu của Mỹ về thông tin cá nhân của các nghị sĩ; Sự cáo buộc liên đới giữa chính quyền Nga và các tổ chức tội phạm; Những mối quan tâm sâu sắc giữa Washington và London trong vấn đề bảo mật thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan; Áp lực mạnh từ các đồng minh phương Tây nhằm thiết lập một cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Iran; Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị xem là một "ông hoàng không quần áo" và Thủ tướng Nga Vladimir Putin là một "chú chó Alpha"; Các chuyên gia còn cảnh báo rằng sự lập đi lập lại những cuộc điện thoại riêng tư từ Vua Abdullah của xứ Saudi Arabia đến Mỹ trong một động thái tấn công Iran nhằm mục đích hủy diệt chương trình hạt nhân của nước này được xem là "chặt đứt đầu con rắn đang gây bất ổn" ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama còn được tiết lộ rằng "không có cảm xúc hài lòng với châu Âu và ưa thích hướng về phương Đông hơn là phương Tây". Quên nói rằng trong một tài liệu còn ác miệng gọi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad là "Hitler". Còn Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã được các nhà ngoại giao Mỹ gọi ông là "đồ vô dụng, vô ích, làm việc không hiệu quả như là một nhà lãnh đạo một nước châu Âu hiện đại". Thủ tướng Đức Angela Merkel thì bị gọi là "người ưa chống đối và hiếm khi sáng tạo", trong khi đó đương kim Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì bị ám chỉ là "người hay do dự, lu mờ". Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai bị ám chỉ là "Con thuyền hoang tưởng" và "một người đàn ông bạc nhược, không biết lắng nghe sự thật nhưng lại gian ngoan trong việc luôn tìm cách chống lại những ai dám chống đối ông ta". Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, thì lại được mô tả là "lão già lạc hậu bị tổn thương đáng kể thể chất và tinh thần". 

Trước đó, Nhà Trắng đã đóng sập mọi quyết định cho công bố thông tin. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs nói rằng Tổng thống Barack Obama luôn ủng hộ mọi quyết sách của chính phủ với sự thẳng thắn và có trách nhiệm nhưng WikiLeaks là một sự "thiếu thận trọng và nguy hiểm".

Ông Robert Bibbs nói: "Bằng cách tiết lộ những tài liệu và phân loại, trang mạng WikiLeaks đã không chỉ làm nguy hiểm cho nhân quyền mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống của các cá nhân. Chúng tôi cực lực lên án mạnh mẽ nhất với các điều khoản tiết lộ trái phép tài liệu mật và các thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia".

Hiện tại đã và đang có những nỗ lực được tiến hành trên cả hai bờ Đại Tây Dương nhằm chống đỡ lại những thông tin đã bị tiết lộ về mối quan hệ của Mỹ và Anh. Không có các thông tin chi tiết về các vấn đề liên quan đến Hoàng gia Anh hay những yêu cầu về thông tin tình báo của các nghị sĩ sẽ được tiết lộ trong những ngày sắp tới. Chính quyền Obama nói rằng việc tiết lộ tài liệu mật của WikiLeaks sẽ đặt cho Bộ ngoại giao Mỹ đứng trước sự đe dọa về nhân mạng, gây nguy hại cho các chiến dịch chống khủng bố toàn cầu, đồng thời quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh sẽ bị thâm thủng.

Bộ ngoại giao Mỹ đã cho trích dẫn một bức thư từ Harold Koh, luật sư hàng đầu của cơ quan này, gửi cho nhà sáng lập nên trang mạng WikiLeaks Julian Assange và luật sư của ông, và nói với hai người này rằng việc công bố các tài liệu mật là bất hợp pháp và yêu cầu nên dừng lại đúng lúc.

Bức thư viết rằng: "Những thông tin mật một khi bị tiết lộ sẽ làm nguy hại đến những cá nhân vô tội, gây nguy hiểm cho các chiến dịch quân sự, và gây rủi ro cho các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia với nhau".

Nhà Trắng cũng lên tiếng thừa nhận rằng việc tiết lộ các thông tin ngoại giao bí mật sẽ làm "ảnh hưởng sâu sắc" đến lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Ở London, Bộ ngoại giao Anh cũng lên án vụ rò rỉ thông tin đồng thời Anh cũng khăng khăng biện hộ rằng cho dù có như thế nào thì Anh vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh. 

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini nói rằng các tập tin mật sẽ "thổi bùng lên mối quan hệ ngoại giao đáng tin cậy giữa các quốc gia: Nó sẽ là ngày 11/9 mới trong quan hệ ngoại giao thế giới!". Phía Mỹ nói rằng đôi khi WikiLeaks đã giữ được các mối quan hệ ngoại giao đặc biệt. Không ai buộc tội những người đã chuyển thông tin mật đến trang web này, nhưng sự nghi ngờ tập trung vào nhân vật Bradley Manning, một chuyên gia phân tích tình báo đã bị bắt giữ ở Iraq vào tháng 6/2010, vốn đã bị rò rỉ thông tin từ trước đó.

Người này nói với một Hacker rằng anh ta muốn mở một đĩa CD đề chữ "Lady Gaga" và muốn tải một tập tin tình báo và rằng nó có thể là "dữ liệu rò rỉ lớn nhất trong lịch sử Mỹ". Bradley Manning còn nói với Hacker này rằng: "Thông tin này được miễn phí. Nó thuộc một sở hữu tư nhân". Được biết những tập tài liệu này đã được nhân viên của Bộ ngoại giao Mỹ biên soạn và đánh dấu nó thành những bản nghị định thư bí mật và phát tán trên internet. Những tài liệu nhạy cảm nhất đã được đánh dấu bằng chữ "SECRET NOFORN" [không có người nước ngoài]. Vào cái đêm sắp sửa tung các tài liệu mật về chính phủ Mỹ, WikiLeaks đã tuyên bố rằng họ bị hacker xâm nhập và tấn công vào mạng máy tính của mình.

Ngoại trưởng Hillary Clinton và âm mưu do thám các nhà lãnh đạo của Liên hiệp quốc 

Một thông tin mật do WikiLeaks đăng tải, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra lệnh cho các quan chức Mỹ tiến hành hoạt động do thám các quan chức ngoại giao cao cấp của Liên hiệp quốc, bao gồm các đại diện phía Anh. Những kênh thông tin bí mật hàng đầu đã khám phá ra rằng bà Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, thậm chí còn yêu cầu các nhà ngoại giao làm công tác gián điệp phải thu thập được các dữ liệu về ADN bao gồm chụp scan về mống mắt và lấy dấu vân tay cũng như số thẻ tín dụng và số hiệu các chuyến bay của các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đi công vụ.

Tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bao gồm Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh - đều nằm trong các mục tiêu bị do thám bí mật, cũng như cả Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon. Sổ lịch trình công việc, các địa chỉ email, số fax, nhận dạng các trang web và thậm chí số điện thoại cá nhân của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng được chính quyền Washington yêu cầu. Cao tay hơn, Mỹ còn muốn "bản thông tin về tiểu sử và sinh trắc học của các đại diện thường trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc".

Bí mật về cái gọi là "Bộ sưu tập trí thông minh của những người đứng đầu các quốc gia" đã được chuyển tới các toà đại sứ và lãnh sự trên khắp thế giới. Những điều này vô hình trung làm phá vỡ luật pháp quốc tế và gây đe dọa việc chệch hướng về lòng tín nhiệm giữa Mỹ và các siêu cường khác trên thế giới. Những yêu cầu liên quan đến Công nghệ thông tin như thông tin chi tiết về mật khẩu, khoá mã hoá cá nhân và việc nâng cấp mạng - cũng làm gia tăng những hoài nghi khi cho rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một chiến dịch hacking quy mô lớn. Từ đây đã dẫn đến những quan tâm quốc tế với mục đích kêu gọi bà Clinton từ chức. 

Các tài liệu mật còn thể hiện dưới hai chữ ký đơn giản là "Clinton" và "Rice". Bà Clinton kêu gọi các chi tiết sinh trắc học nên chú trọng vào các quan chức Liên hiệp quốc, bao gồm các phó bí thư, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn và các cố vấn trưởng của họ, thủ trưởng các cơ quan hoạt động hoà bình và các lĩnh vực chính trị bao gồm các chỉ huy lực lượng. Bà Hillary cũng muốn có những hoạt động tình báo đối với Tổng thư ký Ban Ki-Moon về việc "quản lý và ra các quyết định cũng như tầm ảnh hưởng của ông đối với ban thư ký". Các bức thư cũng được chuyển tới các toà đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Trung Đông, Đông Âu và khu vực châu Mỹ Latin. Mỹ cũng luôn thực hiện việc chuyển giao các thông tin tình báo về các quan chức nước ngoài cho Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Mặt khác, bà Clinton cũng mở ra các hướng cho các nhà ngoại giao Mỹ có các động thái giám sát chặt chẽ hơn, thậm chí kế hoạch đi du lịch của các thành viên Liên hiệp quốc cũng không lọt khỏi tầm mắt của các nhà ngoại giao Mỹ. Từ báo cáo mật có thể dẫn đến sự mất uy tín của Mỹ trong tiến trình hoà bình Trung Đông, các sứ mạng ở Israel, Jordan, Syria, Saudi Arabia và Ai Cập cũng được yêu cầu thu thập thông tin về sinh trắc học với chính quyền Palestine và các nhà lãnh đạo Hamas, bao gồm các toán lính canh phòng trẻ ở bên trong dải Gaza, khu vực Bờ Tây. Chi tiết về sứ mạng gián điệp của Mỹ được chuyển cho CIA, Mật vụ Mỹ và FBI dưới các tiêu đề "Sứ mạng và yêu cầu tổng hợp thông tin".

Các hiệp ước quốc tế cấm hoạt động gián điệp tại Liên hiệp quốc. Vào năm 1946, hiệp ước về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hiệp quốc có viết: "Các cơ sở của Liên hiệp quốc được đặt trong tình trạng bất khả xâm phạm. Các tài sản và của cải của Liên hiệp quốc cho dù được đặt ở bất kỳ nơi nào đi chăng nữa, cũng sẽ được miễn trừ việc tìm kiếm, trưng dụng, tịch thu, trưng thu và các hình thức can thiệp khác, cho dù là núp dưới "bóng" việc điều hành, hành chính, tư pháp hoặc lập pháp".

Ngài đại sứ quán Mỹ tại Anh, Louis Susman nói rằng ông "lên án" những tiết lộ thông tin mật và rằng chính phủ Mỹ đang tiến hành "các bước ngăn chặn các hành vi vi phạm an ninh trong tương lai". Ông Louis Susman nói rằng việc tiết lộ thông tin mật sẽ "Gây hiểm họa cho Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng mối quan hệ đặc biệt của Mỹ với Anh vẫn sẽ tiếp tục được siết chặt và ngày càng mạnh mẽ, tập trung vào việc thúc đẩy các mục tiêu chung và các giá trị của Mỹ".

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, PJ Crowley nói rằng bà Clinton đang cảnh báo các nhà lãnh đạo ở Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, khối U.A.E, Afghanistan và Trung Quốc về các kênh thông tin mật được khám phá bởi các nhà điều tra tại WikiLeaks. Canada, Đan Mạch, Na Uy và Ba Lan cũng được cảnh báo.

Báo chí thế giới hé lộ nhiều nguồn tin chấn động 

Theo các tài liệu bị rò rỉ được công bố vào ngày 28/11/2010, những kênh thông tin tình báo bí mật do trang mạng WikiLeaks tiết lộ đã được đăng tải trên tờ New York Times của Mỹ và tờ Guardian của Anh, đã khám phá ra một thông tin khá nhạy cảm rằng Bộ ngoại giao Mỹ nhận được mệnh lệnh phải bằng mọi giá thu thập các thông tin nội bộ từ các nhà lãnh đạo cao cấp của Liên hiệp quốc và những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới. Những kênh thông tin mật trên sau khi thu thập xong sẽ được chuyển về cho CIA và các cơ quan gián điệp khác, sau đó nó sẽ được chuyển đến cho các toà đại sứ Mỹ ở châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Mỹ La Tinh và sứ mạng của Mỹ đối với Liên hiệp quốc.

Ví dụ, tờ Guardian của Anh đăng tải rằng, một chỉ thị phân loại gửi tới cho các nhà ngoại giao Mỹ dưới tên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton  vào tháng 7/2009, có liên quan đến những thông tin chi tiết về các loại máy móc truyền thông đã được các nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc sử dụng. Chúng bao gồm mật khẩu và các mã hoá cá nhân được sử dụng trong các trang mạng cá nhân và thương mại dùng cho các giao tiếp chính thức.

Tờ Guardian còn cho đăng tải một danh sách "các dữ liệu tiểu sử và sinh trắc học, bao gồm tình hình sức khoẻ, quan điểm đối với Mỹ, lịch sử huấn luyện, dân tộc... và ngôn ngữ và các kỹ năng lãnh đạo chủ chốt về các lĩnh vực chính trị, quân sự, tình báo, đối lập, dân tộc, tôn giáo và kinh doanh. Các dữ liệu cũng bao gồm các địa chỉ email, số điện thoại và số fax, dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt…".

Đối với các quốc gia châu Phi, Mỹ yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin chi tiết về các sân bay, các doanh trại quân đội, các cơ sở quân sự cũng như các thiết bị quân sự khác. Tờ New York Times cũng tiết lộ thông tin rằng Bộ ngoại giao Mỹ cũng yêu cầu các nhà ngoại giao phải "cung cấp chi tiết về các mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo Bulgaria và các quan chức cao cấp cũng như doanh nhân Nga", thông tin được mã hoá bí mật gửi vào cuối năm 2009 cho toà đại sứ quán Mỹ ở Sofia, Bulgaria.

Tờ Guardian còn tiết lộ thông tin về một chỉ thị được Bộ ngoại giao Mỹ gửi tới Cairo, Tel Aviv, Jerusalem, Amman, Damascus và Riyadh nhằm yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải liệt kê chi tiết về kế hoạch các chuyến đi và các loại xe cộ đã được sử dụng bởi các thành viên của lãnh đạo Hamas và chính quyền Palestine. Các quan chức của đại sứ quán Mỹ còn có nhiệm vụ liệt kê chi tiết về các mối quan hệ quân sự tại các quốc gia ở Trung Phi có mối liên đới với Trung Quốc, Libya, Triều Tiên, Iran và Nga.

Tài liệu mật còn nhấn mạnh đến yếu tố tình báo về "việc chuyển giao các nguyên liệu chiến lược như uranium". Tài liệu mật cũng chú trọng cao đến "chi tiết về các vụ mua bán vũ khí bởi chính phủ hay các phiến quân nổi dậy, bao gồm các cuộc đàm phán, hợp đồng, giao hàng, số lượng bán, chất lượng thiết bị, giá cả và các điều khoản thanh toán".

Chính quyền Obama và Hillary Clinton tung "hoả mù" những tiết lộ của WikiLeaks với các đồng minh

Các đồng minh của Mỹ trên khắp thế giới, những người có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Mỹ, hoàn toàn có đủ điều kiện để phân loại các tập tin tài liệu mật đáng xấu hổ do trang mạng WikiLeaks đăng tải.

Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Mỹ PJ Crowley nói: "Xuyên suốt Bộ ngoại giao Mỹ, các quan chức cao cấp đang cố gắng tiếp cận từng quốc gia và lên tiếng cảnh báo trước với họ về việc tiết lộ những thông tin nhạy cảm này. Chúng tôi làm hết sức mình và đồng lên án hành động tiết lộ bí mật của WikiLeaks. Nó sẽ đẩy cuộc sống của nhiều người vào chỗ nguy hiểm. Đây là hành động vô trách nhiệm".

Những tài liệu được cho là chứa đựng rất nhiều thông tin ngoại giao nhạy cảm liên quan đến các sứ mạng tình báo nước ngoài và Bộ ngoại giao ở Washington, đang trông đợi sẽ được công bố vào tuần qua mặc dù WikiLeaks từ chối tiết lộ giờ giấc chính xác.

Có hay không một sự xấu hổ khi tài liệu mật được tiết lộ?

Ông Steve Field, người phát ngôn của Thủ tướng Anh, đã thực sự thừa nhận rằng chính phủ Anh sớm đã biết "nội dung của những tin tài liệu tuyệt mật bị rò rỉ" bởi Louis Susman, đại sứ Mỹ ở London cung cấp. Ngoại trưởng Italia Franco Frattini, cũng nói rằng ông đã có cuộc nói chuyện với Bộ ngoại giao Mỹ về vấn đề nhạy cảm này, trong đó ông Franco đã nhấn mạnh đến những thông tin rò rỉ trên trang mạng WikiLeaks sẽ có những tiết lộ mật về chính phủ Italia, ông Franco Frattini hé lộ thông tin: "Mặc dù hé lộ thông tin nhưng nội dung không thể dự đoán trước được. Chúng tôi đang nói về hàng ngàn trang tài liệu mật được tiết lộ và chính phủ Mỹ sẽ không đưa ra nhiều lời bình luận, họ biết phải làm như thế nào theo cái cách của riêng họ".

Các chính phủ như Canada, Na Uy và Đan Mạch cũng nói rằng họ đã được phía Mỹ mô tả tóm tắt về diễn biến của vụ WikiLeaks. Chính phủ Israel cũng đã được cảnh báo trước rằng sẽ có sự bối rối một khi các nguồn thông tin mật được đăng tải, trong đó sẽ bao gồm các báo cáo đáng tin cậy từ đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv.

Chính quyền Ankara cũng đã được Mỹ "động viên", một quan chức ngoại giao cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đã nói chuyện với hãng tin AFP, trong điều kiện nặc danh. Theo báo chí của Thổ Nhĩ Kỳ, những thông tin mật được đăng tải sẽ bao gồm nhiều tài liệu nói về việc Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ ngầm cho lực lượng al-Qaeda hoạt động ở Iraq, và rằng người Mỹ đã hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân người Kurd ở Iraq chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông tin mới nhất từ tờ Kommersant đăng tải vào ngày 26/11/2010 thì dữ kiện trên trang mạng WikiLeaks cũng làm nguy hại tới mối quan hệ ngoại giao giữa Moskva và Washington.

Theo đó các kênh thông tin đáng tin cậy đã chứa đựng những đánh giá tổng quát về tình hình chính trị ở Nga và "các đặc điểm không tốt" của các nhà lãnh đạo Nga. Tờ Kommersant (Nga) cũng viết rằng "Các tài liệu mật còn bao gồm cả các đoạn băng ghi âm về các cuộc nói chuyện giữa các nhà ngoại giao Mỹ với các chính trị gia Nga, đánh giá các sự kiện đáng chú ý nhất ở Nga, và những phân tích chi tiết về những gì đang xảy ra trong lòng nước Nga cũng như ảnh hưởng chính trị của Nga ở trong nước và nước ngoài".

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng văn phòng của ông đã không nhận được sự thông báo chính thức từ Washington về các tập tài liệu mật sắp được công bố, và rằng ông Lavrov nói rằng vụ rò rỉ thông tin mật là "những tên trộm nhỏ đang chạy nhảy trên mạng internet. Chính bọn chúng đã táy máy, ăn cắp các tài liệu mật đó, nhưng các nguồn tài liệu mật chắc chắn không cùng nội dung", theo báo cáo của hãng tin Interfax phỏng vấn từ ông Sergei Lavrov.

Các tài liệu mật được công bố cũng sẽ bao gồm hàng ngàn kênh ngoại giao quan trọng, sẽ liệt kê chi tiết về những báo cáo tham nhũng từ các chính trị gia ở Afghanistan và các quốc gia thuộc khu vực Trung Á. Các quan chức ở một vài quốc gia bao gồm cả Anh, cũng đưa ra những thông cáo tư vấn quốc phòng về cái gọi là "hiệu ứng chảy thông tin" thông qua các tổ chức báo chí về những nguồn thông tin nhạy cảm này.

Mike Hanna từ hãng tin Al Jazeera, phát biểu: "Tất cả các chính phủ đều không tỏ ý nghi ngờ về sức ép của các cơ quan báo chí trong vấn đề được quyền đăng tải thông tin mật trong lòng đất nước của họ". Mike Hanna cũng tiết lộ thêm rằng: "Các phóng viên báo chí của hãng tin Al Jazeera nói rằng "Các cơ quan tình báo đang trong thời gian thực tập một bài học giám định pháp y" trong việc thẩm tra những thông tin nhạy cảm sẽ được tiết lộ. Mike Hanna cũng cho hay rằng việc "bơm" những dữ liệu mật từ trang mạng WikiLeaks có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến các cam kết ngoại giao hiện tại.

Tiết lộ của WikiLeaks làm tổn hại hoạt động "kinh doanh" của Mỹ ở Iraq

Chính quyền Barack Obama nói rằng đầu tháng 12/2010 đã cảnh báo Quốc Hội và các chính phủ nước ngoài rằng trang mạng WikiLeaks đang chuẩn bị để tung ra một dữ liệu khổng lồ các kênh ngoại giao mật và bằng việc công bố những thông tin hết sức nhạy cảm này có thể khiến cho cả thế giới có cơ hội "vạch áo, xem lưng" về hậu trường chính sách ngoại giao của Mỹ. Trang mạng WikiLeaks cũng đưa ra lời tuyên bố rằng lần tiết lộ mới nhất này sẽ có nội dung thông tin gấp 7 lần so với vụ rò rỉ vào tháng 10/2010 với 400.000 ngàn trang tài liệu mật về cuộc chiến tại Iraq, cũng là vụ rò rỉ tin tức lớn nhất trong lịch sử tình báo Mỹ. Trang mạng WikiLeaks cũng đăng tải 77.000 trang tài liệu mật về âm mưu của Mỹ trong vụ xung đột ở Afghanistan.

Ông James Jeffrey, đại sứ Mỹ tại Iraq tiết lộ: "WikiLeaks đã gây ra một trở ngại khủng khiếp đối với sự nghiệp "kinh doanh" của chúng tôi. Họ (WikiLeaks) sẽ không giúp đỡ chúng tôi, họ chỉ đơn giản làm tổn thương khả năng của chúng tôi trong sứ mạng gìn giữ "hoà bình" ở đây".

Đô đốc Mike Mullen, chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ, từng kêu gọi WikiLeaks ngừng việc đăng tải các thông tin mật. Ông Mike Mullen nói: "Tôi hy vọng những người chịu trách nhiệm về điều này, tại một số thời điểm, nên suy nghĩ về trách nhiệm mà mình đã gây ra cho nhân loại một khi họ đã làm rò rỉ thông tin. Viễn cảnh khủng hoảng là hoàn toàn có chiều hướng xảy ra, vấn đề chính là nên ngừng đăng tải những thông tin nhạy cảm này sớm ngày nào tốt ngày đó"

Phan Bình (Theo Daily Mail/ Der Spiegel/ Metro/ Aljazeera)
.
.
.