Chuyện ông chủ bút tờ "Phá ngục" và "Vỡ ngục"

Thứ Sáu, 14/10/2011, 06:56
Bước qua cái tuổi chín mươi nhưng cụ vẫn giữ một thói quen hàng ngày là hút thuốc lá và làm thơ tiếng Pháp. Với cụ, hút thuốc là để tinh thần sảng khoái còn làm thơ như để trả nợ cuộc đời. Đặng Đức Hòa - cựu tù nhân Côn đảo, người ta biết đến cụ là một chiến sĩ có công cứu hàng trăm đồng đội. Nhưng ít ai biết cụ với vai trò là "chủ bút" của tờ báo "Phá Ngục" và "Vỡ Ngục".

Nghe cụ kể những tháng ngày làm báo mới thấy nhà tù Côn Đảo không chỉ có đau khổ và chết chóc. Ở đó vẫn còn có những vần thơ, những bài báo như một món ăn tinh thần không thể thiếu của những chiến sĩ Cộng sản. Để rồi chính những vần thơ, bài báo ấy lại là động lực, là niềm tin mãnh liệt cho một ngày "vui chiến thắng".

Làm thơ để trả nợ đời

Cặm cụi viết, chốc lại rít một hơi thuốc thật dài, rồi nhả khói nhìn về hư không. Bao kỷ niệm một thời oanh liệt lại tràn về, những tháng ngày mà cụ gọi là: " Địa ngục trần gian". Gần một thế kỷ trôi qua nhưng ký ức kinh hoàng mà giặc Pháp tạo ra tại nhà tù Côn Đảo vẫn còn in đậm trong tâm trí cụ. Và, chính từ những đau đớn vật vã đó làm lên một thế hệ con người biết hi sinh, biết chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp.

Dáng người nhỏ thó, phong thái vẫn rất nhanh nhẹn hoạt bát nên ít ai có thể ngờ rằng cụ Đặng Đức Hòa giờ đã bước qua cái tuổi chín mươi. Cụ vẫn làm thơ và hút khá nhiều thuốc lá mỗi ngày. Cụ bảo: "Tôi có thể chừa được mọi thứ trừ hai thứ đó. Thuốc lá sẽ khiến tôi cảm thấy minh mẫn hơn. Còn thơ với tôi như một thứ nợ đời cần phải trả nên không thể không làm". Lúc chúng tôi đến, trên bàn cụ là một bản thảo thơ bằng tiếng Pháp vẫn còn dang dở. Cụ làm rất nhiều thơ tiếng Pháp bởi khi còn trẻ Đặng Đức Hòa học tiếng Pháp rất giỏi, hơn nữa cụ cũng thích cái thứ văn học lãng mạn của đất nước này.

Biết chúng tôi không hiểu gì tiếng Pháp nên cụ Hòa lại lục tìm một bản thảo thơ bằng tiếng Việt đưa cho chúng tôi đọc rồi nói: "Tôi mới làm đấy. Anh chị đọc đi rồi góp ý nhé!". Cụ cười sảng khoái: "Không cái dại gì bằng khoe chữ với nhà báo! Nhưng tôi vẫn thích người khác đọc thơ tôi - đọc to lên cho mọi người cùng nghe".

Thời gian và tuổi tác dường như bất lực trước một tâm hồn còn phơi phới sức sống của cụ. Cảm tưởng, cụ luôn biết cách làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa. Khi thì cụ nhờ con cái chở đến nhà bạn bè hàn huyên tâm sự, khi thì các bạn của cụ lại đến nhà cụ chơi. Không những thế, năm nào cụ cũng tham gia đi du lịch và tham quan lại những nơi mà mình đã sống và chiến đấu cùng với một số đồng đội còn sống. Cụ Hòa bảo: "Tôi sẽ cố gắng sống thật ý nghĩa cho tới hơi thở cuối cùng". Nói rồi, cụ lại vui vẻ kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày tháng hào hùng đã qua…

Từ biệt danh Cơ còi

Trong hai năm bị đày ở Côn Đảo, cụ Hòa có biệt danh là Cơ còi. Chả là hồi đó cụ ở cùng với một người tù khác tên là Cơ, khi bị chúng tra khảo cụ nói đại mình tên là Cơ. Còn còi là vì trông thân hình cụ bé nhỏ nên mọi người gọi là còi. Nhưng cũng chính vì hình dáng nhỏ bé ấy mà trong một lần vượt ngục không thành năm 1952, Cơ còi đã trở thành ân nhân cứu mạng của rất nhiều người tù Cộng sản.

Cuộc vượt ngục với số lượng lên tới 200 tù chính trị chia đều cho năm chiếc thuyền (sở dĩ có bè là do nhóm tù nhân làm đường bí mật đóng trong thời gian ở ngoài lán trại). Với dự tính chỉ cần lên được bè, lợi dụng gió chướng thổi vào đất liền là cuộc vượt ngục sẽ thành công. Nhưng thật không may cho Cơ còi và các đồng đội bởi khi họ bước lên bè cũng là lúc gió chướng đột ngột chuyển hướng khiến bè đi rất chậm và nặng. 3 trong số 5 bè đã bị đắm, hai bè còn lại cũng không thể vào được đất liền. Và không lâu sau đó những người còn sống sót trên hai chiếc bè còn lại đã bị địch bắt.

Ba ngày liên tiếp kể từ khi bị địch bắt, chúng không hề cho các chiến sĩ của ta ăn một miếng cơm, uống một giọt nước mà xích còng vào chân thành một hàng dài. Vừa đói vừa khát nên sức anh em vì thế cũng kiệt dần. Thật lạ là trong một lần cựa quậy người, không ngờ cái chân bé nhỏ của Cơ còi lại tụt ra được khỏi sợi xích.

Thế là ông trở thanh người duy nhất trong lúc đó không bị xiềng xích nên Cơ còi nghĩ ngay đến việc cứu đồng đội của mình. Ông lết thân hình vừa nhỏ bé vừa lả đi vì đói và khát tới một chiếc thạp sành đựng nước (vốn là nước dùng để rửa hậu môn của các chiến sĩ, lâu không dùng giờ nó đã xanh rêu) để ở phía cuối phòng giam những mong sẽ lấy được nước cho anh em uống.

Nhưng chiếc thạp đó quá lớn, ông không thể tự mình di chuyển nó được bèn nghĩ ra một cách. Lấy viên gạch đập vỡ thạp sành, nước chảy lênh láng ra sàn nhà. Sau đó Cơ còi bảo anh em hãy cởi chiếc quần xà lỏn (thứ duy nhất được mặc trên người) ra, dùng quần thấm nước và vắt những giọt nước quý báu ấy vào miệng của từng người. Như được tiếp một sức mạnh thần kỳ, các chiến sĩ dần dần tỉnh táo trở lại. Sau này các anh em trong nhà tù Côn Đảo vẫn nói đùa với nhau rằng: "May mà nó còi thì anh em mình mới được sống".

Đến chủ bút hai tờ báo trong tù

Vốn giỏi ngoại ngữ lại có tư duy tốt về chính trị nên khi ở nhà tù Côn Đảo Cơ còi được tổ chức giao cho làm chủ bút tờ "Phá ngục" với mục đích là kêu gọi anh em đoàn kết một lòng đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc. Ban đầu "Phá ngục" được xuất bản bằng hình thức viết chì trên vỏ bao thuốc lá. Nhưng sau này chất liệu đó trở nên quá hiếm đã gây ảnh hưởng tới tiến độ ra báo theo định kỳ.

Là "chủ bút" nên Cơ còi luôn phải nghĩ cách làm sao để tờ báo không chết yểu chỉ bởi lý do không có chất liệu để xuất bản. Một đêm, đang trằn trọc suy nghĩ cho vấn đề tờ báo, Cơ còi bỗng thấy một người tù đang tự học bằng cách lấy san hô viết lên mặt sàn. Nhìn thấy thế, Cơ còi nghĩ ngay đến việc sẽ duy trì tờ Phá ngục bằng hình thức này.

Sáng hôm sau, Cơ còi báo cáo ngay với Đảng bộ nhà tù và được đảng bộ chấp thuận nên ông cùng chín người nữa trong Ban biên tập nhanh chóng bắt tay vào việc "xuất bản" báo.

"Phá ngục" xuất bản theo định kỳ một tuần một số. Để báo đến với tất cả các anh em trong bốn phòng giam cũng là một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo và nhanh nhẹn. Khoảng mười giờ tối, khi cửa phòng giam đã đóng kín anh em trong phòng người thì đọc sách, người thì ca hát để đánh lạc hướng bọn cai tù nhằm tạo điều kiện cho mười người trong Ban biên tập dễ dàng "xuất bản" báo lên sàn.

Nơi đặt "Phá ngục" là sàn nhà ngay gần cửa nhà vệ sinh. Đây là chỗ khá an toàn, bởi bọn cai ngục thường không mấy để ý đến vị trí này. Ban biên tập làm việc miệt mài từ mười giờ tối hôm trước tới khoảng một giờ sáng ngày hôm sau thì báo được hoàn tất. Ngay sau đó các anh em còn lại trong phòng sẽ cùng nhau đọc và đến khoảng bốn rưỡi sáng thì tờ báo đã được đọc xong. Một nhóm được phân công trước chuẩn bị hai bao tải dấp nước, kéo lê vài lần trên nền nhà là tờ báo sẽ biến mất không còn dấu vết.

"Dây truyền xuất bản" này làm việc có tổ chức chặt chẽ, ăn ý, tuyệt đối bí mật nên trong suốt thời kỳ tồn tại địch không hề biết đến sự có mặt của một tờ báo trong tù được viết trên nền nhà giam. Sự chặt chẽ và kỷ luật ấy còn được thể hiện ở cách xuất bản tờ báo một cách an toàn nhất. Thứ 2, 3, 4, 5 những người trong Ban biên tập lần lượt đi hết bốn phòng giam. Đêm đầu tiên "Phá ngục" trình bày ở nền buồng giam thứ nhất.

Sang đêm thứ hai, mười thành viên trong Ban biên tập lại chuyển sang trình bày báo ở buồng giam thứ hai. Việc chuyển được Ban biên tập từ phòng này sang phòng khác phải được thực hiện từ chiều. Dựa vào cách quản lý tù nhân của địch  là chỉ điểm danh quân số chứ không điểm danh cặn kẽ từng người.

Thế nên mười người của Ban biên tập sẽ chuyển sang phòng thứ hai và mười người của buồng giam phòng thứ hai sẽ chuyển sang phòng thứ nhất cho quân số vẫn được giữ vững. Cứ như vậy từ thứ hai đến thứ năm, mỗi kỳ xuất bản của "Phá ngục" sẽ đến được với toàn thể tù nhân chính trị bị địch giam tại Côn Đảo.

Ông Hòa nhớ lại: "Hồi đó vất vả vì thường xuyên phải thức đến một hai giờ sáng để viết báo nhưng phấn chấn lắm. Cũng nhờ có "Phá ngục" mà anh em tù được cập nhật thông tin cả trong và ngoài nước. Nguồn để làm nên tờ báo chính là những thông tin của anh em tù làm nhiệm vụ khuân vác hàng từ trên tàu lên đảo. Trong quá trình khuân vác anh em tranh thủ hỏi thông tin từ những thủy thủ người Việt từ đất liền…".

Sau này những người tù còn sống sót trong cuộc vượt ngục bất thành ấy đã bị đưa về khám Chí Hòa để chờ ngày đưa ra xét xử. Dù rằng, thành phần trong Ban biên tập báo "Phá ngục" trước đó đã hy sinh quá nửa nhưng không vì thế mà tờ báo phải dừng. Với ý chí của người cộng sản, ông Hòa vẫn quyết tâm duy trì tờ báo để định hướng cho anh em, cung cấp thông tin chính thống giúp anh em sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Khác biệt lớn nhất so với thời kỳ ở Côn Đảo là làm báo ở Chí Hòa gần như công khai. Nhà tù cung cấp cho anh em sách vở, bút để học thì họ lấy luôn những chất liệu đó để làm báo. Thời kỳ này thông tin cả trong và ngoài khám Chí Hòa rất phong phú. Nhà tù không giam chặt như ngoài Côn Đảo, mà người nhà thậm chí còn được vào thăm nom. Đây cũng là nơi cung cấp thông tin từ bên ngoài vào.

Từ đây, báo "Phá ngục" được chuyển tên thành báo "Vỡ ngục". Có lần, tên Trung tá đứng đầu nhà tù Chí Hòa đã gọi ông Hòa lên hỏi rằng: "Sao lại đặt tên là báo "Vỡ ngục?" thì ông Hòa cười mà rằng: "Đâu có. Là báo "Vỡ ngực" đấy chứ. Trong này anh em tù buồn nên toàn nói những chuyện hài hước thành ra cười nhiều, mà cười nhiều thì "vỡ ngực". Chắc là do anh em nó viết thiếu dấu thôi". Nhấp chén trà nóng rồi hút một hơi thuốc sâu cụ nói: "Làm báo ở Chí Hòa có hai mảng: công khai và bí mật. Mảng công khai thì treo lên tường, mảng bí mật nếu bị phát hiện thì chôn xuống hố phân hoặc cho vào miệng nhai nát"

Tiêu Phong – Ngọc Anh – CSTC tuần số 78
.
.
.