Chuyện về người phụ nữ dũng cảm chống chiến tranh sắc tộc

Thứ Năm, 10/02/2011, 14:50
Năm 1993, bà Maggy Barankitse đã ra tay che giấu và cứu sống 25 trẻ em vô tội trong các cuộc đụng độ, tàn sát. Từ đó đến nay, bà đã cứu giúp hàng nghìn trẻ em khác trên đất nước này. Maggy Barankitse yêu thương chúng, lo cho chúng đồ ăn, quần áo, một ngôi nhà ấm cúng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cả cơ hội được đến trường.

Vào năm 1993, tại đất nước Burundi, một quốc gia nghèo nhất châu Phi, lần đầu tiên cuộc bầu cử tự do được diễn ra. Và ông Melchior Ndadaye, một người thuộc tộc Hutu đã đắc cử Tổng thống. Những người thuộc tộc Tutsi trong quân đội lại lo sợ rằng họ sẽ bị mất quyền lợi so với tộc người Hutu. Chính vì vậy, họ đã ra tay giết hại vị tân Tổng thống này và châm ngòi nổ cho một cuộc nội chiến khốc liệt giữa những người Hutu và những người Tutsi. Maggy Barankitse, một người phụ nữ đã dũng cảm đứng lên chống lại cuộc chiến tranh sắc tộc vô nghĩa này để cứu giúp những trẻ em vô tội.

Những cuộc thảm sát kinh hoàng

Ngay sau khi thông tin ông Melchior Ndadaye bị những người Tutsi trong quân đội giết hại lan truyền ra ngoài, những người Hutu đã vô cùng căm phẫn. Họ chỉ vừa mới có được một chút hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn khi người đại diện cho tộc Hutu lên cầm quyền thì ngay lập tức hy vọng ấy bị dập tắt. Căm phẫn tột độ, rất nhiều người đã ra tay giết hại một cách không thương tiếc những người Tutsi trong làng mà họ đang sống. Cuộc tàn sát đẫm máu đã khiến những người Tutsi vô cùng sợ hãi, họ chỉ còn cách đứng lên chống lại những người Hutu.

Một cuộc nội chiến khốc liệt đã xảy ra khiến hàng nghìn người dân vô tội phải chết, hàng triệu trẻ em đáng thương phải gánh chịu những thương tổn nặng nề cả về thân thể lẫn tinh thần. Bom đạn đã cướp đi của chúng cơ hội vui chơi, học tập, ca hát. Hơn thế, nó còn cướp đi của chúng cả sinh mạng của cha mẹ chúng, biến chúng thành những đứa trẻ mồ côi. Thậm chí, tính mạng của bản thân chúng cũng luôn bị đe dọa, nhiều trẻ bị nhiễm HIV hoặc bị bom đạn cướp đi một phần cơ thể… Tất cả những đau thương, mất mát đối với chúng là không gì bù đắp nổi.

Dieudonne, một trong số những đứa trẻ đáng thương ở Burundi đã bị biến dạng một phần gương mặt trong một lần đụng độ giữa hai phe Hutu và Tutsi. Khi đó, cậu bé mới chỉ bốn tháng tuổi, mẹ cậu vẫn còn đang bế cậu trên tay để chạy trốn khỏi cuộc xung đột. Nhưng bà mẹ không may mắn ấy đã ngã xuống khi một quả lựu đạn rơi trúng vị trí của hai mẹ con. Mẹ của Dieudonne đã cố gắng lấy thân mình để bao bọc cho con, nhận lấy cái chết. Mặc dù vậy, cậu bé vẫn bị thương nặng ở vùng mặt. Trong tình trạng hỗn loạn ấy, chính cha của cậu bé cũng không thể thoát khỏi sự truy giết của những người thuộc phe đối lập. Dieudonne mất cả cha lẫn mẹ, trở thành một đứa trẻ mồ côi khi cậu còn chưa biết gì nên kí ức về cha mẹ cậu không hề có.

Với Natanisa thì hoàn toàn ngược lại, hình ảnh đau buồn ngày cha mẹ và anh trai rời xa cô bé vĩnh viễn vẫn luôn hiện về trong giấc mơ của cô. Cô bé mất hết người thân chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn, khi ấy Natanisa mới chỉ 8 tuổi. Hàng đêm, Natanisa vẫn mơ thấy cảnh một đoàn người hung dữ kéo đến ngôi làng của cô, họ bắn giết tất cả những ai mà họ thấy. Mọi người bỏ chạy, một số ít cố gắng chống lại. Cha mẹ mang theo hai anh em cô chạy trốn, nhưng cha cô kêu lên, và mẹ cô chạy lại khóc thảm thiết, ôm lấy thi thể cha cô dưới đất. Ngay lập tức, có mấy người lao đến, họ giết cả mẹ và anh trai cô. Natanisa còn đang hoảng sợ và khóc thét lên trước những gì đang diễn ra thì có một bàn tay ai đó nắm lấy tay cô, lôi cô chạy đi tìm chỗ ẩn nấp. Cô bé vừa chạy vừa khóc... Đó là tất cả những gì đã diễn ra trước mắt Natanisa ngày cô bé trở thành đứa trẻ mồ côi.

Maggy Barankitse và ngôi nhà của hòa bình

Khi cuộc nội chiến diễn ra giữa những người Hutu và Tutsi, bà Maggy Barankitse đang làm việc tại quê nhà, đó là tỉnh Ruyigi, miền Đông Burundi. Bà kể lại: "Khi đó, tôi giúp mọi người tìm chỗ ẩn nấp, nhưng chúng tôi bị hàng trăm người Tutsi tấn công. Họ đấm, đá tôi nhưng cuối cùng họ vẫn để tôi sống sót vì tôi là một người Tutsi".

Năm 1993, bà Maggy Barankitse đã ra tay che giấu và cứu sống 25 trẻ em vô tội trong các cuộc đụng độ, tàn sát. Từ đó đến nay, bà đã cứu giúp hàng nghìn trẻ em khác trên đất nước này. Maggy Barankitse yêu thương chúng, lo cho chúng đồ ăn, quần áo, một ngôi nhà ấm cúng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cả cơ hội được đến trường.

Khi bà tìm được cậu bé Dieudonne thì cũng là lúc trên khuôn mặt nhỏ bé của cậu đã đẫm máu do bị bom làm sát thương. Bà đã đưa cậu bé đi, chữa vết thương cho cậu và che chở cho cậu như một người mẹ. Và cũng chính Maggy Barankitse đã nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Natanisa, kéo cô bé chạy trốn khỏi cuộc chiến hỗn loạn. Bất chấp nguy hiểm có thể lấy đi mạng sống của bản thân bất cứ lúc nào, bà Maggy Barankitse vẫn kiên cường đi cứu giúp những đứa trẻ như thế.

Sau khi cứu được những đứa trẻ ấy, bà Maggy Barankitse đã cùng chúng chuyển đến một ngôi trường cũ được đặt tên là "Maison Shalom" (nghĩa là "ngôi nhà của hòa bình"). Ở đây, Maggy Barankitse dạy chúng rằng tất cả mọi người đều bình đẳng và có quyền ngang nhau dù cho họ xuất thân từ những dân tộc và tôn giáo khác nhau ở Burundi. Bà muốn tất cả mọi người hiểu rằng họ có thể chung sống hòa bình. Nhưng dù sao "Ngôi nhà của hòa bình" cũng chỉ là một trại trẻ mồ côi, mà bà Maggy Barankitse thì lại không muốn những đứa trẻ này phải sống và lớn lên trong một trại trẻ mồ côi, cuộc đời chúng đã phải chịu quá nhiều đau thương, mất mát.

Vì vậy, bà đã xây dựng 5 ngôi làng cho chúng để chúng có thể được sống trong những căn nhà nhỏ ấm cúng. Ở mỗi làng lại có những "ngôi làng mẹ". Ở đó, bọn trẻ được học cách làm các công việc nhà, tự chăm sóc bản thân, trồng rau… Nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng sẽ hiểu được rằng có một    gia đình luôn thương yêu và sẵn sàng bảo vệ chúng. Bà Maggy Barankitse muốn những gì mà bọn trẻ học được trong ngôi nhà này sẽ giúp chúng tự quản lý cuộc đời mình khi lớn lên.

Nhưng không chỉ có thế, bà Maggy Barankitse còn mở một tiệm bánh, một xưởng may quần áo, một nhà trọ nhỏ và một trang trại để tạo nơi làm việc cho những đứa trẻ sau khi chúng tốt nghiệp. Bà muốn chắc chắn rằng chúng có nơi để làm việc nuôi sống được bản thân và cả "gia đình" của chúng nữa. Maggy Barankitse chia sẻ: "Tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn rất nhỏ. Vì vậy, tôi hiểu được rằng một đứa trẻ cần phải cảm nhận được sự bình yên và tình yêu. Do đó, tôi đã quyết định tự mình chăm sóc chúng". Cho đến nay, dù trải qua nhiều khó khăn và trở ngại nhưng bà Maggy Barankitse và những đứa trẻ mồ côi vẫn tự hào vì họ đang sống một cuộc sống tốt đẹp, tràn đầy tình yêu thương, che chở lẫn nhau.

Cuộc đấu tranh không mệt mỏi

Bà Maggy Barankitse giải thích nguyên nhân của những cuộc xung đột sắc tộc và phe phái này là do phần lớn người Burundi thuộc tộc Hutu, nhưng hàng nghìn năm qua tộc người Tutsi đã luôn chống lại người Hutu gay gắt. Vì vậy, người Hutu phải nhận điều kiện giáo dục tệ hơn, làm những công việc vất vả, nặng nhọc hơn và đặc biệt là họ không có quyền tham gia vào chính phủ. Chính vì vậy, phần lớn những người Hutu nghèo khổ hơn so với người Tutsi. Hơn thế nữa, mặc dù người Tutsi là một tộc người thiểu số nhưng họ lại luôn luôn là những người nắm mọi quyền hành trong tay bởi họ điều khiển quân đội Burundi.

Vào năm 1993, tại đất nước này đã diễn ra một sự kiện trọng đại, lần đầu tiên cuộc bầu cử tự do được diễn ra. Và ông Melchior Ndadaye, một người thuộc tộc Hutu đã đắc cử tổng thống bởi họ có dân số đông hơn. Những người thuộc tộc Tutsi trong quân đội lại lo sợ rằng họ sẽ bị mất quyền lợi so với tộc người Hutu. Chính vì vậy, họ đã ra tay giết hại vị tân Tổng thống này và châm ngòi nổ cho một cuộc nội chiến khốc liệt giữa những người Hutu và những người Tutsi.

Maggy Barankitse đã dũng cảm dang tay che chở và cứu giúp hàng ngàn trẻ em nơi đây, đưa chúng thoát khỏi những cuộc tàn sát đẫm máu và bi thương. Nhưng cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của trẻ em trên đất nước Burundi này đã khiến bà luôn ở trong tình trạng bị đe dọa về an toàn tính mạng. Rất nhiều người đã đe dọa giết chết Maggy Barankitse bởi bà đã dám can đảm đứng lên nói ra sự thật về việc các quan chức chính phủ, quân đội và các nhóm bạo động đã đối xử vô cùng tàn nhẫn với trẻ em. Thậm chí, bà còn phải ra hầu tòa vài lần vì những hành động dũng cảm này.

Nhưng tất cả những khó khăn và nguy hiểm ấy không làm cho bà Maggy Barankitse run sợ, lùi bước hay bỏ cuộc. Ngược lại, nó càng làm cho bà củng cố thêm lòng quyết tâm phải đấu tranh bảo vệ đến cùng quyền lợi chính đáng của những trẻ em, những nạn nhân của nạn diệt chủng tàn bạo.

Để khẳng định hơn nữa lòng quyết tâm cao độ của mình, bà Maggy Barankitse nói: "Tôi mơ ước rằng trong tương lai gần nhất chúng tôi có thể đóng cửa Maison Shalom và mỗi đứa trẻ trên quê hương tôi đều có một gia đình thực sự của chúng. Nhưng những em mới đến với chúng tôi mỗi ngày và chúng tôi sẵn sàng chào đón các em ấy với một tình yêu thương sâu sắc nhất". Đối với bà Maggy Barankitse, ngày càng có nhiều trẻ em mồ côi, thương tật, thậm chí nhiễm HIV… do chiến tranh gây ra quả là một điều "khủng khiếp và vô cùng tàn nhẫn".

Hiện tại, bà Maggy Barankitse còn đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một trường học quốc tế dành cho những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa ở đất nước Burundi. Sự dũng cảm, kiên cường xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của bà đã làm nên nhiều hành động cao cả, phi thường. Bà đã nhận được rất nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý do Liên hợp quốc trao tặng, trong đó có giải thưởng "Vì quyền trẻ em" của tổ chức Trẻ em Quốc tế, giải thưởng Nansen của Cao Ủy tị nạn Liên hợp quốc . . . và rất nhiều giải thưởng khác nữa. Nhưng trên hết, đó là lòng biết ơn, sự yêu thương của những đứa trẻ mồ côi được bà che chở, cứu giúp . "Đó mới là phần thưởng xứng đáng nhất dành cho tôi", bà Maggy Barankitse tươi cười nói

Hương Hải
.
.
.