Chuyện về người vệ sĩ bí mật tiết lộ những thời khắc cuối cùng của Adolf Hitler

Thứ Hai, 30/05/2011, 15:13
Đã 66 năm trôi qua, kể từ khi chế độ Đức quốc xã sụp đổ năm 1945. Một nhân chứng lịch sử từng chứng kiến những giờ phút cuối cùng của trùm phát xít Adolf Hitler trong "boongke quốc trưởng", thường được gọi là "Hang sói" vẫn còn sống sót. Ông là Rochus Misch, năm nay đã 93 tuổi, là nhân chứng cuối cùng trong "Hang sói" vẫn còn sống. Rochus Misch từng là nhân viên văn thư, vệ sĩ và điện thoại viên của Hitler từ năm 1940 tới 1945. Câu chuyện về đời thực của Hitler được tiết lộ qua lời kể của người vệ sĩ cuối cùng.

Nhân chứng sống, chứng kiến thời khắc Adolf Hitler tự sát trong boongke

Hiện tại, người vệ sĩ Rochus Misch ấy sống trong một ngôi nhà ở huyện Rudow, phía Nam Berlin. Đây là một vùng quê yên tĩnh, nhưng đối với Rochus thì chẳng yên tĩnh chút nào. Hàng ngày, chuông điện thoại vẫn réo liên tục và ông nhận được rất nhiều thư từ, những lá thư thậm chí gửi đến từ Tây Ban Nha, Mỹ… Người ta vẫn quan tâm đến số phận của ông, người đã từng là vệ sĩ bí mật của Hitler.

Sinh năm 1917 tại Oppeln ở vùng Oberschlesien (ngày nay là Opole thuộc Ba Lan), khi mới 2 tuổi, Rochus Misch đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được ông bà nuôi dưỡng, sau khi học xong phổ thông đã trở thành họa sĩ quảng cáo. Năm 1937, ông gia nhập một đơn vị đặc nhiệm, tiền thân của đơn vị SS bảo vệ Hitler sau này. Trong vòng 5 năm, người vệ sĩ bí mật Rochus Misch thuộc lực lượng SS Oberscharfuehrer của Đức quốc xã, được xem như là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống đời tư của trùm phát xít Đức: Adolf Hitler. Thời gian đó, Rochus Misch thực hiện các chức danh công việc như vệ sĩ cá nhân, nhân viên chuyển phát nhanh thư tín và cả trực tổng đài điện thoại cho vị lãnh tụ Đức Quốc Xã.

Rochus Misch kể về buổi đầu gặp gỡ khá kỳ lạ của mình với Hitler: "Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa cá nhân tôi và Ngài Hitler xem ra khá kỳ lạ. Đó là khi tôi bị thương nặng khi được giao nhiệm vụ thuyết phục một đơn vị Ba Lan đầu hàng. Người ta đã đưa tôi lên ô tô và đưa đến “nhà ở của quốc trưởng” tại Berlin. Tôi đã rất sợ chỉ mong đừng gặp ông ấy. Nhưng khi tôi vừa mở cửa, Hitler đã đứng ngay ở đó. Tôi thấy lạnh cả người, sau đó lại nóng bừng lên, nhưng Hitler chỉ đưa một bức thư để gửi cho người em gái ở Wiên, Áo. Đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên. Đó không phải là quỷ sứ, không phải là một siêu nhân, ông ta đứng trước mặt tôi như một người hoàn toàn bình thường, với những lời nói thân mật…

Rochus Misch thời còn là vệ sỹ của Hitler.

Trong đoàn tùy tùng của Hitler, thật sự mà nói, tất cả chúng tôi đều là vệ sĩ của Ngài Hitler. Khi Hitler đi ra ngoài, có từ 4 đến 6 người vệ sĩ trong đơn vị của chúng tôi sẽ đi trên một chiếc xe thứ hai nhằm hộ tống Ngài. Nhưng khi chúng tôi hiện diện trong khu căn hộ của Hitler tại toà nhà Văn phòng Thủ tướng Đức, chúng tôi lại thực hiện những sứ mạng khác. Hai người trong đơn vị chúng tôi sẽ ở đó làm nhiệm vụ trực tổng đài. Với một nhân vật V.I.P như Adolf Hitler, mỗi một phút lại có vô số cuộc điện thoại gọi tới".

Khi các cánh quân đội Đồng Minh làm chủ trên các mặt trận và đang có chiều hướng tiến về thủ đô nước Đức, tình cảnh quân Đức khi đó đang đứng trước nguy cơ bị đánh bại, Hitler buộc phải thoái lui xuống sinh sống và hoạt động trong hầm trú ẩn (boong-ke) của ông ta ở thủ đô Berlin. Lúc đó, vệ sĩ Rochus Misch cũng hoạt động với tư cách nhân viên trực tổng đài điện thoại tại hầm trú ẩn của Hitler ở đó.

Cụ Rochus nhớ lại những thời khắc định mệnh của lịch sử: "Tôi làm việc trong một căn phòng nhỏ với điện thoại và máy điện báo với các đường line phân tán ra bên ngoài căn hầm trú ẩn và toả đi khắp mọi nơi. Căn hầm trú ẩn này có đủ chỗ cho tối đa là 1 người nữa trong trường hợp nó sẽ đối mặt với một trận không kích bằng máy bay hạng nặng. Do không gian khá nhỏ hẹp nên có thể nói điều kiện sống và làm việc không được thoải mái cho lắm. Hầm trú ẩn có những căn phòng nhỏ với diện tích dao động từ 10 m2 đến 12 m2".

Tháng 4/1940, Misch tham gia đội cận vệ của Hitler và chuyển vào sống trong dinh thự của trùm phát xít tại Berlin. Sau hai tuần học việc, Misch được gặp mặt Hitler. Ông ta đưa cho Misch một bức thư và nói rằng: "Cậu đem bức thư này chuyển cho chị của ta hiện đang sống tại Vienne!". Ngoài ra, Hitler chỉ hỏi thêm một câu về quê quán của Rochus Misch. Ngay sau cuộc gặp này, Rochus Misch lên tàu sang Áo để chuyển thư. Những năm cuối của cuộc chiến, quân đội Đức liên tục thất trận. Giờ làm việc của những người như Rochus Misch kéo dài theo nhịp của các đợt ném bom của quân Đồng minh và lịch làm việc quái đản của Hitler. "Ông ta chỉ ngủ từ 4h đến 10h"- Rochus Misch kể lại.

Khi được phóng viên hỏi ông đã chứng kiến những gì thực sự quan trọng trong thời gian tại ngũ và liệu ông có nghĩ rằng mình đang sống bên cạnh một tên tội phạm nguy hiểm nhất từ trước đến nay, kẻ đã gieo rắc cái chết cho hàng triệu người, là thủ phạm của các vụ bắt cóc và hành quyết dã man người Do Thái trong các trại tập trung? Rochus Misch trả lời một cách khôn ngoan rằng: "Tôi chỉ làm đúng trách nhiệm của một người lính là chuyển tin và bảo vệ thượng cấp. Hitler không là ai khác ngoài thượng cấp của tôi".

Từ giữa tháng 3/1945, Hitler cùng những người trung thành nhất, nhóm phụ tá và đội cận vệ rút vào hầm chỉ huy. Tại đây, Rochus Misch tiếp tục phụ trách trực điện đài. Ngày 22/4/1945, tức 2 ngày sau sinh nhật của mình, trùm phát xít Đức với vẻ mặt tuyệt vọng bước ra khỏi phòng chỉ huy và tuyên bố với đám thân cận rằng, quân Đức đã bại trận, và tất cả quân lính cũng như lãnh đạo phát xít Đức trong hầm chỉ huy cũng sẽ đều phải chịu chung một số phận như số binh lính SS ngoài mặt trận. Rochus Misch cho biết, ông gặp Hitler lần cuối là vào ngày 30/4/1945 vài giờ trước khi Hitler tự vẫn.

"Lúc đó khoảng 11h, ông ta đi ngang trước mặt tôi rồi dừng lại liếc nhìn tôi, sau đó đi thẳng vào phòng làm việc", Rochus Misch kể lại. Sau đó, Rochus Misch tiếp tục công việc của mình. Ông cho biết đã không nghe thấy tiếng súng phát ra từ phòng làm việc của Hitler, nhưng từ trong hành lang, ông nghe một tiếng la lớn: "Linge! Hình như Quốc trưởng đã...", Heinz Linge là người cận vệ đặc biệt nhất của Hitler. Họ đã nghe tiếng đạn bắn nhưng bản thân tôi thì không.

Lúc đó, Martin Bormann, người thư ký riêng của Hitler, đã ra lệnh cho mọi người phải im lặng, tuyệt đối không được biểu lộ bất kỳ niềm xúc động nào cả. Dù không dám nói to, khung cảnh tĩnh lặng nhưng chỉ một chốc, những tiếng thì thầm khe khẽ vang lên. Tôi đang nói chuyện qua điện thoại và tôi có lẽ đã nói to hơn bình thường, bởi vì tôi muốn nghe một số thứ gì đó. Tôi không muốn sự yên lặng tuyệt đối giống như tất cả đang ở trong một cái hầm chết.

Sau đó, Bormann ra lệnh mở cửa phòng Hitler. Tôi nhìn thấy Hitler nằm gục đầu lên bàn. Eva Braun nằm trên ghế sôpha, đầu quay về hướng Hitler. Đầu gối co lên ngực, mặc chiếc áo liền váy màu xanh thẫm, diềm đăng ten trên cổ. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó. Tôi nhìn họ quấn xác Hitler. Chân ông thò ra ngoài khi đi ngang qua tôi. Ai đó gọi tôi: 'Lên trên nhanh lên, họ đang thiêu xác sếp'. Tôi quyết định không đi vì nhìn thấy Mueller của Gestapo đang ở đó, có lẽ không phải vô cớ. Tôi nói với Hentschel, thợ cơ khí trong boongke: 'Không chừng chúng ta sẽ bị giết vì là nhân chứng cuối cùng'".

Ngày kế tiếp đó, bi kịch lại tiếp diễn. Ngay lối xuôi xuống căn hầm trú ẩn, có 6 xác trẻ em là con cái của vị lãnh tụ mới người Đức - Joseph Goebbels - những đứa trẻ vô tội bị đánh thuốc mê man rồi bị giết chết. Đau đớn thay người ra tay tàn nhẫn lại chính là bà mẹ Magda của bọn chúng. Nước mắt ngắn dài, khuôn mặt bi thương và thống khổ, bà Magda nói trong thổn thức yếu ớt: "Sau khi biết tin Ngài Hitler tự sát. Tôi chìm trong cơn hoảng loạn thực sự. Tôi không muốn bọn trẻ lọt vào tay quân Đồng Minh, chắc chắn chúng sẽ bị giết chết không tha vì cha mẹ chúng làm "kẻ tôi tớ của Hitler".

Tôi nghĩ đến cách tiễn những đứa con đi trước. Trong trái tim tôi, một bà mẹ mà ra tay giết con là đau khổ và phi nhân tính. Tôi không thể tiễn chúng nó trong hầm trú ẩn bởi vì mọi người sẽ ngăn cản không cho tôi làm điều đó. Tôi tìm được một góc khuất ở tầng dưới hầm trú ẩn, dụ bọn trẻ vào đó, đánh thuốc mê và thủ tiêu chúng. Trời ơi, có ai hiểu cho nỗi lòng của tôi không. Mất con, tôi chẳng thiết sống nữa". 

Bà Magda tiếp tục kể lể trong đau đớn cùng cực: "Bọn trẻ ngoan ngoãn đi theo mẹ, chúng đứng lấp ló sau lưng tôi. Tất cả chúng đều biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi thứ rõ mồn một. Tôi nhìn thấy vị bác sĩ của Hitler, bác sĩ Stumpfegger cho lũ trẻ uống một thứ nước gì đó. Một số là nước đường có pha thuốc mê. Khi bọn trẻ còn đang mê man, bác sĩ Stumpfegger bèn ra tay bóp cổ cho chúng chết ngạt". Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy diễn tiến câu chuyện "khủng bố" sởn gai ốc đó. Một hay hai giờ sau đó, tiếng bà Goebbels la lên thất thanh, bi thương và ai oán, nghe rùng rợn không bút nào tả xiết. Có vẻ như bà đang hoá dại khi tận mắt nhìn thấy lũ con mình chết trong tuyệt vọng. Bà ngã xuống mặt bàn, ngất lịm". 

Chỉ vài giờ trước khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Berlin, tiếp quản hầm trú ẩn của Hitler, cụ Rochus Misch đã kịp chạy thoát trước đó. Nhưng sau đó cụ nhanh chóng bị bắt giữ và trải qua thời gian 9 năm bị quản thúc trong các trại cải tạo lao động dưới thời Liên Xô. Vụ tiếp quản "Hầm trú ẩn Hitler" (hay "Fuehrerbunker") trở thành một biểu tượng về chiến thắng của quân Đồng Minh dưới thời Thế Chiến II.

Hai tháng sau khi kết thúc Thế Chiến II, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã viếng thăm khu hầm trú ẩn nổi tiếng này. Ông đã chụp một số bức ảnh bên ngoài căn hầm, ngồi lên một chiếc ghế được thu hồi từ khu hầm trú ẩn. Nhiều năm sau đó, khu hầm trú ẩn này đã bị phá huỷ nhằm ngăn chặn những kẻ cuồng tín có ý đồ biến nó thành một ngôi đền tôn thờ chủ nghĩa Phát Xít.

Tiết lộ chân thực về cuộc sống riêng tư của Adolf Hitler

Sáng 2/5/1945, Rochus Misch rời "Hang sói" sau khi xin phép Goebbels. Vào thời điểm đó, Hồng quân Liên Xô có lẽ chỉ còn cách "Hang sói" khoảng 200m. Misch nhớ lại, điều điên rồ nhất sau khi ông rời "Hang sói" là nhìn thấy hai người chơi ghita tại ga tàu điện ngầm "Kaiserhof". Ông nói: "Tôi đến từ một boongke tử địa, đầy bi kịch và lại nghe thấy âm nhạc. Họ chơi nhạc Hawaii". Lúc đó khoảng 6h sáng. Bên cạnh Phủ Thủ tướng, chiến sự vẫn nổ ra và vẫn còn người chết, trong khi Misch tìm cách sống sót và thoát khỏi địa ngục này.

Misch trốn chạy trên hệ thống đường ray ngầm dưới mặt đất tới nhà ga "Stettin". Tại đây, ông bị bắt. Trong số các tù nhân có cả Hans Baur, phi công trưởng của Hitler đang bị thương nặng. Misch chăm sóc cho Baur, nhưng y đã khai với người Nga về tung tích của Misch và Misch được đưa tới Mátxcơva để lấy khẩu cung. Sau 8 năm trong các trại giam ở Cadắcxtan và Ural, năm 1953, Misch trở về Tây Berlin, tiếp quản một cửa hàng vôi, sơn của một người bạn và làm việc cho tới khi nghỉ hưu. Rochus Misch cũng đã viết một cuốn sách dưới nhan đề "Tôi là vệ sĩ của Hitler" về cuộc đời mình trong thời kỳ Quốc xã. Cuốn sách đã được xuất bản ở Nam Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.

Ngày nay, cụ Rochus Misch sống những ngày tháng cuối đời trong một khu căn hộ tại thủ đô Berlin (Đức). Khu căn hộ này giống như một ngôi làng toạ lạc trong lòng thành phố Berlin. Khu vực này còn có nhiều nét thôn dã, người dân gặp nhau thường niềm nở chào hỏi và không khí ở đây khá yên tĩnh. Đó là một thế giới bình yên ngoại trừ căn hộ của cụ Rochus Misch.

Cụ liên tục phàn nàn về việc điện thoại của mình không ngừng đổ chuông suốt ngày, những chồng thư hối hả từ khắp mọi nơi chuyển đến, đặt dầy trên bàn làm việc của cụ. Có cả những bức thư tín có nguồn gốc xuất xứ từ Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ. Một số phong bì có kèm cả tiền mặt với những lời yêu cầu được có chữ ký của cụ đề tặng. Gần đây, có những bức thư kẹp tiền kèm lời yêu cầu được có những bức ảnh chụp về cụ.

Cụ Rochus không ngần ngại, vẫn ký tá đều đặn chữ ký hay gửi hình ảnh của mình cho những ai có nhu cầu. Những bức ảnh đó chụp cụ Rochus Misch khi còn là vệ sĩ riêng của Hitler trong bộ quân phục của lực lượng SS, ảnh được chụp trước 2 căn hầm trú ẩn có tuổi thọ từ cách đây 65 năm. Thế Chiến II đã lùi xa nhưng những ký ức khó quên thời chiến chưa khi nào đem đến cho cụ Rochus Misch những ngày tháng bình yên.

Ông Misch kể mọi sự việc ông phục vụ Hitler đều được ghi chép đầy đủ trừ việc không biết ai là người đã nã súng bắn chết Hermann Fegelein, một tổng chỉ huy cao cấp của SS, người đã kết hôn với cô em gái của Eva Braun. Hermann Fegelein là sĩ quan liên lạc giữa Heinrich Himmler và Hitler, và là người rời khỏi hầm trú ẩn của Hitler vào ngày 27/4/1945 mà không được sự cho phép từ trước đó. Bị bắt giữ tại căn hộ của mình ở Berlin, Hermann Fegelein bị đem đi hành quyết vào ngày 29/4/1945.

Rochus Misch nói rằng ông biết những người đã bắn hạ Hermann Fegelein nhưng từ chối không tiết lộ danh tính của nhân vật đó mặc dù người này thậm chí đã chết. Rochus nói rằng Hitler không có ý định xử bắn Hermann Fegelein, tiết lộ này hoàn toàn trái ngược với tiết lộ của sử gia Joachim Fest. Hitler chỉ cách chức Hermann Fegelein mà thôi.

Rochus Misch rất thích nói chuyện về nhân vật Hanna Reitsch, viên phi công này muốn giải cứu 6 đứa con của Joseph Goebbels thoát khỏi Berlin. Rochus nói rằng Joseph Goebbels muốn giải cứu những đứa con của ông ta nhưng vợ ông ta Magda đã chọn giải pháp kinh khủng mà không bà mẹ nào dám làm là giết hại chính con cái do mình dứt ruột đẻ ra chỉ để bày tỏ lòng trung thành của gia đình bà ta với nhà độc tài Hitler. Sau khi 6 đứa trẻ bị giết hại một cách thê thảm, Magda còn đủ bình tĩnh để chơi bài.

Rochus Misch nhớ lại việc nhìn thấy tận mắt hình ảnh phu nhân Eva Braun ngồi chết trên một góc của ghế sofa, đầu bà ta ngả về hướng Hitler. Những giờ phút đầu tiên của ngày 2/5/1945, sứ mạng của Rochus Misch đã hoàn tất. Joseph Goebbels đã sa thải Rochus với dòng chữ: "Chúng ta biết phải sống như thế nào, chúng ta cũng biết phải chết sao cho xứng đáng". Rochus Misch đã huỷ hoại toàn bộ hệ thống điện thoại và rời khỏi khu hầm trú ẩn từ một cửa sổ ở tầng hầm. Trước đó, Rochus còn lên tiếng chào giã từ với kỹ thuật viên Johannes Hentschel, người này muốn ở lại chỉ bởi vì anh ta muốn duy tu hệ thống cung cấp điện, nước cho bệnh viện trong hầm trú ẩn.

Đối với Rochus Misch mọi việc kết thúc vào buổi sáng sớm ngày 2/5/1945. Misch vô hiệu hóa hệ thống điện thoại và ra khỏi hầm ngầm qua cửa sổ tầng cuối cùng. Misch nói lời giã biệt với kỹ thuật viên Johannes Hentschel - người duy nhất ở lại trong hầm ngầm đến giờ phút cuối cùng vì còn phải lo cấp điện, nước cho trạm cứu thương trong hầm ngầm. Misch đi tới ga tàu điện ngầm "Kaisertor" (nay là phố Mohren), đi theo tuyến đường sắt tới "Stettiner Bahnhof" (nay là nhà ga Bắc). Đến đây thì ông bị bắt. Trong số những người bị bắt có cả phi công Hans Baur chuyên lái máy bay của Hitler, bị thương nặng. Misch chăm sóc Baur, viên phi công giữ kín không tiết lộ với các nhà điều tra người Nga tung tích tiểu sử của Misch. Misch bị đưa về Moskva thẩm vấn nhiều lần.

Ông Misch viết thư cho Beria, Giám đốc Cơ quan mật vụ Nga và xin ông ta cho xử bắn mình. Hiện "bức thư đó vẫn còn trong kho lưu trữ và đài BBC đã tìm thấy nó". Sau 8 năm ngồi tù ở Kazakhstan và vùng Ural, năm 1953 Misch được trở về Tây Berlin và làm nghề vẽ biển quảng cáo cho đến khi nghỉ hưu. Sau 60 năm, nay Rochus Misch đã viết một cuốn sách về cuộc đời của mình trong những năm phục vụ Hitler. Cuốn sách này đã được xuất bản ở Nam Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và được xuất bản ở Đức vào mùa thu 2007. Tên cuốn sách là: "Tôi từng là vệ sĩ của Hitler", nhưng tên nhà xuất bản vẫn được giữ kín

Phong Hà
.
.
.