Chuyện về những tò vò tây

Thứ Ba, 11/10/2011, 11:33
Buổi chiều trả kết quả ở Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền (nhà 108 E3 Vĩnh Hồ, quận Ba Đình, Hà Nội), những người đàn ông nước ngoài ăn mặc lịch sự vội vã đi vào, nhét thật nhanh tờ thông báo kết quả vào ví, rồi lại vội vã đi ra. Họ đa số nhận được kết quả thông báo "hổng phải con mình".

Chứng kiến những cảnh bi hài này quá nhiều, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền, chỉ lặng lẽ quan sát nét mặt của khách hàng để nói lời chúc mừng hay chia sẻ với bi kịch của họ.

Còn chúng tôi, những người thực hiện bài viết này, trong một buổi chiều mưa tầm tã, ngồi trò chuyện với bà Nga, chợt có suy nghĩ, lòng tin dường như là một điều gì đó trở nên xa xỉ trong cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng ngày nay nói chung, và trong cuộc sống của đôi vợ chồng, vợ Việt - chồng Tây nói riêng, khi mà các giá trị đạo đức gia đình, xã hội đang sụt giảm nghiêm trọng.

"Sao con tôi lại mũi tẹt, da vàng?"

Một ngày cuối tháng 8/2011, có một ông Tây tên J., quốc tịch Mỹ đến trung tâm của bà Nga đề nghị được xét nghiệm mẫu tóc của ông và mẫu tóc ba đứa con của mình. Ông J. nói tiếng Việt khá tốt, bởi ông đã ở Việt Nam cả chục năm nay. Vợ ông là một phụ nữ Việt Nam xinh đẹp (theo cách nhìn của người phương Tây) và họ có với nhau 3 đứa con, cả trai lẫn gái.

Cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài gần 10 năm, nhưng theo "kinh nghiệm" của ông J. thì bạn bè ông - những người đàn ông ngoại quốc, khi lấy vợ Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung, nét Tây vẫn hiện rất rõ trên gương mặt thế hệ "F1", nhưng càng ngắm kỹ gương mặt 3 đứa con của mình với vợ, ông J. càng thấy chúng chẳng có nét gì giống mình. Mũi vẫn tẹt, da vẫn vàng và tóc vẫn đen mướt.

Ông nói với bà Nga: "Tại sao con tôi lại mũi tẹt, da vàng, trong khi gen của người phương Tây bao giờ cũng trội hơn gen người châu Á?". Bà Nga chỉ còn biết nói với ông ta rằng, phải phân tích ADN thì mới cho kết quả chính xác được, còn mọi suy đoán đều không phải là câu trả lời. Đưa cho nhân viên trung tâm mẫu tóc của mình và 3 đứa con, ông J. nói rằng, dù kết quả thế nào thì ông cũng quyết phải làm một lần để đầu óc không phải lăn tăn nữa.

Ông đề nghị các nhân viên làm nhanh, nghĩa là chỉ sau 4 tiếng đã được lấy kết quả, dù chi phí cao gấp đôi. Ông ngồi lỳ ở trung tâm, và sốt ruột xem đồng hồ. Đến khi có kết quả, ông đau đớn ôm đầu than: "Oh my God!". ôi! Chúa ơi, bởi chả có đứa nào trong số 3 đứa kia là con của ông. Vài hôm sau, vợ ông J. đã mò đến để "test" những đứa con của mình, bởi theo bà thì chính bà cũng không biết chúng có phải cùng một bố hay không.

Người phụ nữ này tâm sự với bà Nga, chị ta vẫn yêu anh người yêu cũ, dù đã lấy chồng Tây, và để khẳng định tình yêu với người cũ là bất diệt, chị đã tự nguyện xin anh này một đứa con. Nhưng hai đứa sau thì lại không phải con của anh ta mà là của... hai người đàn ông khác, nhưng vì cùng cặp bồ với hai người này một thời điểm nên chị ta không biết anh nào là bố của đứa nào.

Một tháng sau, bà Nga nhận được điện thoại của ông J. Qua câu chuyện, ông bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến trung tâm và cho biết, ông đã về nước ngay sau nhận tờ kết quả. Ông để lại cho vợ và 3 đứa con tất cả tài sản và dặn vợ, đừng nói gì với các con vì ông sợ chúng bị tổn thương, một mình ông bị tổn thương là đủ lắm rồi. Ông J. nghẹn ngào nói với bà Nga, ông rất buồn khi phải xa đất nước Việt Nam xinh xắn, nơi ông có nhiều kỉ niệm đẹp, nơi ông đã định gắn bó cả cuộc đời mình với một gia đình nhỏ ấm áp. Sự thật dù phũ phàng nhưng trước sau ông cũng phải đối mặt. Ông không coi đó là bài học mà chỉ coi đó là sự không may mắn của mình.

Đến "ông Tàu" nhận con nuôi

Đã có nhiều "ông Tây", "ông Tàu" đến Trung tâm phân tích ADN của bà Nga để xin xét nghiệm huyết thống. Người thì tìm lại con sau chiến tranh, người thì xin xác nhận để được đưa con về nước đoàn tụ. Họ đều hồ hởi nếu kết quả "Yes" (đúng là con mình) và đau đớn (nếu "hổng phải").

Bà Nga đã chứng kiến không biết bao nụ cười, nước mắt của các "ông Tây", "ông Tàu" khi cầm tờ kết quả trong tay. Nhưng câu chuyện về một "ông Tàu" mà chúng tôi tình cờ gặp tại trung tâm, thực sự là một câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn và hy vọng sẽ thức tỉnh được những cái đầu mù quáng, chạy theo những mối tình tưởng là đẹp đẽ để rồi vứt bỏ những thứ đáng trân trọng xung quanh mình.

Ông Tàu nói tiếng Việt lơ lớ, dù vậy cũng đủ để cho các nhân viên hiểu ông cần gì. Ông đến trung tâm cùng một bé gái 7 tuổi rất xinh xắn và có nét hao hao giống ông. Ông kể, ông và mẹ đứa trẻ quen nhau trong một khách sạn lớn ở Hà Nội, vợ ông khi ấy đeo biển số 36. Trong một lần đến chơi ở khách sạn này, ông đã chọn được một cô gái có dáng người rất chuẩn và khi ngồi cùng nhau trong phòng hát karaoke, cô còn hát được khá nhiều bài tiếng Tàu nên ông rất thích.

Sau này, họ thành vợ chồng và một đứa trẻ nhanh chóng ra đời. Dù đứa trẻ sinh ra có nét giống ông, nhưng có điều gì đó khiến ông vẫn lăn tăn bởi ông bấm đốt ngón tay để tính thì thấy vợ ông mang bầu đứa con không đủ tới 9 tháng 10 ngày như lẽ thường phải thế. Lang thang trên mạng, ông tìm được trung tâm phân tích ADN và tìm hiểu về công nghệ này khá kỹ trước khi tìm đến.

Chúng tôi đến khi "ông Tàu" đã cầm trong tay tờ kết quả. Biết chúng tôi là nhà báo, ông không ngần ngại chia sẻ về cái kết quả không mong muốn của mình và liên mồm nói: "Không tốt, không tốt, không tốt". Sau đó ông ôm cô bé 7 tuổi khóc nức nở. Con ông không biết tại sao cha mình lại khóc, cô bé chỉ biết lay vai cha gọi: "Papa, papa" và ngơ ngác nhìn những người xung quanh đang ái ngại trước tình cảnh của bố con cô bé.

Sau giây phút xúc động, ông vẫn ôm chặt cô bé và kể, ông yêu thương cô bé từ khi nó lọt lòng và lúc nào cũng nghĩ đó là con mình. Nhưng ông không ngờ sự thật lại không phải vậy. Sau này, "ông Tàu" có điện thoại cho bà Nga thông báo, ông đã quyết định nhận cô bé làm con nuôi và đưa nó cùng xuất cảnh để nuôi dạy, chăm sóc. Bởi vì, những gắn kết tuy không máu mủ nhưng từng giấc ngủ, miếng ăn của con, cũng do chính tay ông chăm sóc nên ông coi nó như con đẻ của mình.

Một người đàn ông đến trung tâm đề nghị phân tích ADN.

Bà Nga không muốn hỏi ông về người vợ, bởi bà không muốn chạm đến nỗi đau của ông, chỉ có thể phỏng đoán rằng, ở cái chốn ăn chơi bậc nhất Hà thành, trong hàng chục cuộc tình, chị ta đã có con với một "ông Tàu" nào đó, thế nên nét mặt của cô con gái cũng hao hao giống "ông Tàu" chồng mình. Dù thế nào thì cách cư xử nhân văn của ông chồng Tàu cũng khiến chị ta phải nghĩ ngợi.

"Không phải con tôi, mừng quá!"

Vị khách mang quốc tịch Pháp, năm nay đã ngoài 50 tuổi, công tác trong một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, một buổi chiều nọ tìm đến trung tâm phân tích ADN với hai mẫu móng tay của ông và của một đứa trẻ. Ông cũng hối thúc nhân viên làm nhanh để ông biết được kết quả ngay lập tức. Nhưng cũng phải 4 tiếng sau, khi nhân viên đưa ra tờ kết quả, ông như vồ lấy và vừa liếc qua tờ giấy, ông đã hét lên những tiếng vui sướng bằng thứ tiếng bản địa liến thoắng.

Không ai hiểu ông nói gì, chỉ thấy ông làm dấu thánh cùng với gương mặt tươi như hoa, bà Nga và các nhân viên đã hiểu rằng, người đàn ông này không muốn có "sản phẩm" với một người vợ Việt Nam nào đó. Tò mò, bà Nga đề nghị ông chia sẻ câu chuyện của mình thì được ông hồ hởi kể lể, ông sang Việt Nam đã 5 năm nay và có yêu một cô gái kém ông gần 30 tuổi. "Yêu" ông một thời gian, cô ta thông báo với ông rằng, giọt máu của ông đang hình thành trong bụng cô ta.

Khỏi phải nói ông đã mừng đến thế nào, đã chiều chuộng, yêu thương cô ta ra sao. Và ngay lập tức, một đám cưới tương đối xa xỉ đã được tổ chức. Sau đó, ông Tây thuê hẳn một ngôi biệt thự trên phố Tô Ngọc Vân để cho cô nàng an tâm dưỡng thai. Rồi ngày khai hoa nở nhụy cũng đến, ông chờ đón đứa con ra đời tại Bệnh viện Việt - Pháp với tất cả sự yêu thương với cô gái Việt.

Đứa trẻ lớn lên và nhận được tình cảm ấm áp của người cha nước ngoài cũng như được hưởng một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn hẳn những đứa trẻ cùng tuổi. Tuy đứa trẻ vẫn tóc đen, da vàng, nhưng ông Tây cũng không nghi ngờ gì vì nghĩ vợ mình gen trội hơn.

Nhưng đến khi ông bắt quả tang cô vợ trẻ của mình tình tự với tình nhân ngay trong căn phòng ngủ mà ông đã kỳ công về tận Pháp mua những chiếc rèm trắng muốt để trang trí cho căn phòng ngủ có ban công đầy hoa thì ông mới sực tỉnh, mới nhen nhóm nghi ngờ về "nguồn gốc" của đứa con. Tình nhân của vợ ông là một chàng trai Việt Nam mà theo như cô ta thú nhận thì anh này là người yêu cũ.

Sau này, ông phát hiện anh ta chẳng phải là người yêu cũ mà chỉ là một kẻ bám theo những ả đàn bà có tiền để đào mỏ, và vợ ông cũng không phải là một cô gái ngoan, đêm nào nàng cũng mò vào các vũ trường nốc rượu đến nửa đêm mới về. Nhiều lần say rượu, nàng còn lao vào đánh ông, bao nhiêu ly cốc, bát chén bay rào rào sau mỗi cơn say.

Ông Tây không chịu nổi, kiên quyết chia tay, sau khi đề nghị sẽ chia cho nàng một số tiền đủ để nàng sống sung sướng nhiều năm mà không phải làm gì. Nhưng nàng đâu có chấp nhận để ông bỏ dễ dàng đến thế. Nàng đem đứa con ra để hù dọa, để tống tiền ông. Vì thế, ông mới quyết định làm xét nghiệm ADN để cho rõ trắng đen và cũng để giải tỏa nghi ngờ bấy lâu nay của ông.

Bữa ấy, bà Nga không nhớ ông Tây đã nói lời "Thank you" bà và các nhân viên bao nhiêu lần. Và bà biết rằng, tờ ghi kết quả này sẽ là chiếc gậy thần giúp ông Tây từ giã cô vợ mà không phải lăn tăn, hối tiếc điều gì. Ba câu chuyện tôi kể là ba mảnh ghép thực của đời sống hôn nhân tôi bắt gặp. Tất nhiên đó không phải là tất cả những phụ nữ Việt lấy chồng “Tây”, chồng “Tàu”, nhưng quả thực không phải là hiếm gặp...

Bảo Linh – CSTC tuần số 78
.
.
.