Có ai sống thay con tôi quãng đời này?

Thứ Tư, 01/06/2011, 16:14
Chuyện xảy ra được hai năm, cuộc sống trôi đi nhanh, nhưng dường như lúc nào tôi cũng thao thức nghĩ về Trí con trai tôi. Mỗi lần vào thăm con, tôi nhìn thấy con gầy xanh, đôi mắt hao gầy và ngày càng u hoài. Dường như thời gian ngồi gặm nhấm vết thương một mình đã làm con tôi trở nên trầm cảm.

Có lẽ phải đến tận lúc này, Trí mới nhận ra được rằng, dường như con đang phải đối diện với một thực tế quá buồn. Dẫu biết tự Trí lựa chọn, nhưng không ai có thể biết ngày mai mình sẽ phải sống ra sao, sống như thế nào và đang buồn chán vì lẽ gì.

Câu chuyện tôi sắp kể là câu chuyện rất buồn!

Nhà tôi và nhà dì Trúc là hàng xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Ngày tụi nhỏ còn bé xíu, hai nhà thân nhau lắm, có con cá mớ rau cũng sớt qua sẻ lại. Đám trẻ học cùng trường, tối đến tụm đầu học bài rồi chạy long nhong khắp con hẻm nhỏ. Cuộc sống cơ hàn nhưng vui. Tôi làm nghề bốc vác tại cảng, còn dì Trúc bán cà phê dạo mỗi buổi chiều. Đám công nhân bốc vác đẫm mồ hôi chạy lên mua ly nước ngồi hút cái rột rồi lấy những viên đá lạnh áp lên mặt, lên cổ như xua cái nóng.

Ngày trước, vợ tôi cũng bán cà phê đá như dì Trúc, hai chị em hì hụi làm chung, chia nhau từng đồng bạc khi đi chợ. Nhưng cách đây 6 năm, vợ tôi không may gặp tai nạn xe máy. Người lái xe máy chạy va vào người làm vợ tôi té nhào, gãy chân và gãy một dải xương sườn. Từ đó sức khỏe yếu, chân đi cà nhắc, vợ tôi ở nhà nhận làm vỏ hộp giao cho người ta. Cuối cùng chỉ còn dì Trúc và tôi chường mặt ra ngoài cảng, bốc xếp hàng hóa và mưu sinh.

Trí và hai đứa Tấn, Đức nhà dì Trúc bước vào cấp III thì mọi chuyện không còn êm đẹp nữa. Đơn giản là vì Trí và Đức lại cùng cảm mến một cô bé cùng lớp. Chính vì thế khoảng cách ngày càng xa hơn. Chúng không còn thân thiết và yêu thương nhau nữa. Hàng ngày, mỗi khi tối khuya tôi về, tôi vẫn còn thấy chúng chành chẹo, nói xóc nói xéo nhau. Điều này làm hai bên ba mẹ rất buồn.

Khi mẹ của Trí bị tai nạn nằm nhà, Tấn và Đức còn đem chuyện đó đến lớp làm trò cười, nói mẹ Trí đi ăn cắp bị đánh què chân. Trí đã nhiều lần ẩu đả với Đức chỉ vì những chuyện như vậy. Tôi không biết tất cả những điều đó. Vì thực sự trong mắt tôi chúng vẫn là những đứa trẻ ngoan hiền của khu lao động nghèo và chúng vẫn yêu thương nhau như hồi con nít.

Cho đến một ngày, Trí và Đức vật nhau ra giữa đường và đánh nhau bầm dập cả mặt mày thì chúng tôi mới phát hiện ra. Tôi đã đánh Trí một trận nên thân vì tội không nghe lời, đi gây sự với bạn bè hàng xóm. Trí đã khóc và nói, con không hề đánh nó, mà nó đánh con, con chỉ chống lại thôi. Nguyên nhân của sự việc chỉ đơn giản là đi học về, Đức cố tình trêu cô bạn gái, làm cô gái sợ bật khóc, và Trí đứng ra bảo vệ. Đức hậm hực về nhà và rồi những cuộc cãi vã qua hàng rào bắt đầu.

Cho đến khi cả hai không thể kiềm chế được thì chúng lao ra đường, đánh nhau. Tôi không bênh vực Trí, nhưng càng ngày càng thấy Đức trở nên xa lạ so với cuộc sống của gia đình. Đức ngày càng đua đòi và thường xuyên nghỉ học. Đã có lúc dì Trúc gọi tôi qua để nhờ khuyên bảo Đức. Nhưng Đức đã chỉ thẳng vào mặt tôi và nói rằng, ông về dạy thằng con ông đi, ông là cái thá gì mà đòi dạy bảo tôi.

Dì Trúc đã nhiều đêm ngồi khóc vì không biết phải làm sao. Cuộc sống gia đình của dì Trúc càng ngày càng rơi vào bế tắc. Thế nên sau khi tốt nghiệp cấp III, cậu cả Tấn đã tình nguyện đi bộ đội, với hy vọng sau hai năm nghĩa vụ cậu sẽ được giữ lại và cử đi học, một cách đi đường vòng với dân thành phố. Nhưng tôi rất tôn trọng quyết định của Tấn, vì cậu ta đã không muốn làm một gánh nặng và cũng là cách để sớm tự lập.

Còn Đức thì ngày càng lêu lổng hơn. Nhà không có tiền, Đức thường xuyên vay nợ và dì Trúc lại phải giật gấu vá vai đi trả nợ dần. Cảm thấy thương dì Trúc nhưng tôi cũng không giúp được gì. Chỉ mừng hơn là Trí, con trai tôi biết nghe lời cha mẹ. Vậy thôi.

Chuyện xảy ra vào đúng lúc tôi không ngờ nhất. Bữa đó tôi nghỉ việc ở nhà vì mệt, cả tôi và Trí đang thiu thiu ngủ trên gác xép thì thấy tiếng động mạnh. Tôi bật dậy, nhìn xuống thấy Đức đang mò vào phòng, nơi vợ tôi đang lúi húi cắt giấy để gấp hộp. Đức liền cầm con dao bấm và chụp lấy cổ vợ tôi. Vợ tôi sững sờ và sợ hãi đến mức không thể kêu lên được một tiếng nào. Đức yêu cầu vợ tôi phải dẫn nó tới tủ lấy tiền, nếu không sẽ giết chết.

Vợ tôi lết cái chân bị què theo Đức, để dẫn tới chiếc tủ có đựng vài triệu bạc. Gia đình tôi chưa bao giờ có được quá 10 triệu trong tủ. Thực sự tôi muốn chạy xuống đánh cho Đức một trận, lôi ra Công an. Nhưng rồi, tôi sợ nếu biết có tôi thì Đức sẽ manh động, chỉ cần một nhát dao thì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Cho đến khi Đức cầm được tiền, cảm thấy quá ít, Đức liền xấn lên và nói, nếu vợ tôi không đưa thêm tiền, nó sẽ giết chết.

Vợ tôi lúc này gần như hoảng loạn vì không biết đào đâu ra tiền. Vợ tôi liền hướng mắt lên gác xép, ý như nói với Đức rằng tiền còn ở trên đó. Và Đức đã bắt vợ tôi leo cùng lên gác xép trong cơn tuyệt vọng cùng cực. Tôi và Trí đứng nép vào cánh cửa. Khi Đức và dẫn vợ tôi đi vào phòng, tôi giằng chiếc đèn bàn từ tay Trí đập mạnh vào gáy Đức. Đức bất ngờ, lật ngửa lại và đập đầu xuống nền gạch. Trí hoảng hốt, chạy tới và kéo đầu Đức dậy. Máu chảy đầm đìa. Đức đã tắt thở trên tay Trí. Tôi hoảng hốt nhìn mọi thứ. Cuối cùng, tôi là kẻ giết người!

Mọi chuyện đã diễn ra quá nhanh. Trí xin với tôi, để Trí nhận mọi tội lỗi vì chỉ nên có một người chịu tội, vì chúng tôi cũng đang bảo vệ chính mình chứ không phải cố tình. Và Trí còn trẻ, sau khi đi tù về vẫn có thể làm lại được cuộc đời. Còn tôi thì không. Hơn thế, nếu tôi đi tù, không có ai ở nhà chăm sóc mẹ Trí, và Trí cũng chưa biết làm gì để nuôi mẹ.

Tôi cảm thấy đắng lòng, nhưng có vẻ đó là phương án tốt nhất. Vợ chồng tôi đưa Trí ra cơ quan công an. Và mọi chuyện đã xong xuôi, trong nước mắt. Ngày tòa tuyên án, tôi và vợ tôi khóc nhìn con lầm lũi lên xe mất hút dần. Cuộc đời con tôi đã rẽ sang một hướng khác, một hướng đi mà chính chúng tôi cũng không bao giờ có thể mường tượng ra.

Tôi đã mất nhiều đêm không ngủ. Thương con, và ân hận, day dứt. Không biết làm sao cứu chuộc được phần đời tươi trẻ nhất của con. Không ai sống thay được cuộc đời của Trí. Và vài năm nữa mới được ra tù, Trí sẽ bắt đầu lại như thế nào?

Trong đôi mắt u hoài đầy buồn đau, con trai tôi muốn nói điều gì? Tôi muốn nói với con lời xin lỗi. Nhưng cuộc sống của chúng ta không chỉ có những lời xin lỗi là xong. Mọi thứ còn tiếp tục. Và tôi không biết phải sống tiếp ra sao, giữa ngổn ngang giằng xé. Đau buốt vì những ngày tháng này, không có tiền bạc nào trả lại được cho con…

Quang Quốc, nhân viên kinh doanh, Công ty Alatca, TP HCM

Con có đọc câu chuyện của chú, con hiểu không ai muốn rơi vào cảnh ngộ trái ngang đến vậy. Con biết chú đang rất khổ tâm vì để Trí rơi vào vòng tù tội. Cuộc sống không ai ngờ được, chú à. Con thấy nhiều đứa con bất hiếu, hành động liều lĩnh phải vào tù, làm đau lòng cha mẹ. Còn Trí đã chọn con đường dũng cảm, thay chú để gánh hậu quả, con nghĩ cũng là hành động báo hiếu.

Thú thực, nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, con không dám chắc dám làm thay như vậy. Con chỉ mong Trí cải tạo tốt, sớm được ân xá để trở về với gia đình. Chắc chắn, những tì vết trong quá trình cải tạo, cũng như những định kiến mà dư luận xã hội vẫn còn khá nặng nề như hiện tại sẽ là những rào cản không nhỏ để Trí quay về với cuộc sống bình thường. Nhưng con nghĩ, một người dám hy sinh mọi thứ để ba mẹ mình yên ổn, thì đó cũng là một người dám vượt qua số phận để đứng vững trong cuộc sống, dù biết trước nó có nhiều sóng gió. Con mong gia đình chú luôn hạnh phúc và bình an.

Hồ Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty NEW VISION FURNITURE, số 4 Phan Kế Bính, Hà Nội

Mọi việc trên đời này không ai có thể biết được nó sẽ diễn ra như thế nào, thay vì day dứt, ân hận thì tôi nghĩ tốt nhất ông cố gắng để có được một cuộc sống tốt hơn cho vợ mình ở thời điểm hiện tại và phải chuẩn bị cho thời gian sắp tới khi đứa con trai yêu quý trở về nó sẽ như thế nào đây?

Sự quyết định để đứa con đi tù thay mình cũng không hẳn là vì ông hèn nhát, không dám đối diện với sự thật mà chỉ vì ông cho rằng đứa con trai yêu quý của ông không thể bươn chải nỗi giữa dòng đời khắc nghiệt, không thể chăm lo cho người vợ được như những gì ông đang làm và cũng đơn giản chỉ vì trong mắt người làm cha, làm mẹ thì bao giờ đứa con cũng là một đứa trẻ con không hơn, không kém.

Trí rồi sẽ ra tù trong một ngày không xa và rồi sẽ lại được trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ thì không có vấn đề gì mà không vượt qua được. Tương lai của Trí phụ thuộc nhiều vào nhận thức của cậu ấy và quan trọng hơn hết bên cạnh Trí luôn có sự chia sẻ của bạn bè, của gia đình và xã hội.

Có ai mà không mắc phải sai lầm, huống chi đây chỉ là một sự bất khả kháng xảy ra. Tôi tin rằng rồi gia đình ông sẽ lại hạnh phúc, vui vẻ, tương lai Trí sẽ tốt đẹp vì bản chất Trí không phải là người xấu. Dì Trúc cũng sẽ thấu hiểu vấn đề và tha thứ cho tất cả. Dì Trúc mất đi đứa con thì sự đau khổ cũng không khác gì cha Trí để cho Trí đi tù thay. Thời gian rồi sẽ giúp cho mọi người quên đi tất cả đau khổ…

Tự mình làm nên số phận mình (lá thư chia sẻ bài "Tìm cha cho con" - CSTC số 58, ngày 12/5/2011, của Nguyễn Ngọc Nam, Trường CĐXD số 3, Tuy Hòa, Phú Yên)

"Không bố mẹ nào không yêu thương con mình cả, họ sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của con mình dù lỗi lầm đó như thế nào. Nói thật với họ trước khi quá trễ em nhé. Họ yêu thương em nhiều gấp ngàn lần em yêu họ. Đừng để một ngày em trở về, mang theo sự thất vọng và cú sốc nặng nề cho họ. Bố mẹ không bao giờ ruồng rẫy hay bỏ rơi em đâu, trở về với bố mẹ đi em. Hãy nhìn thẳng vào thực tại, chấp nhận sự thật và bước qua nó dù sự thật đó quá phũ phàng. Hãy nói với với tôi rằng em sẽ đứng lên và bước qua nhé. Những dòng chữ này là lời trái tim tôi, là những giọt nước mắt tôi thương em. Dù không giúp được gì cho em lúc này nhưng mong em tin rằng, còn rất nhiều người ở bên em…".

Thành Long Vũ – CSTC tuần số 59
.
.
.