"Con ơi, mẹ là một người mẹ tội lỗi"

Thứ Sáu, 21/08/2009, 18:59
Đã nhiều đêm tôi bước vào phòng các con tôi với ý định điên rồ kết thúc cuộc sống của chúng. Rồi sau đó tôi cũng kết thúc cuộc sống của mình...

Khi mang thai đứa con đầu, tôi hạnh phúc tưởng không có gì hạnh phúc hơn. Gần đến tháng sinh, đêm nào vợ chồng tôi cũng thức rất khuya trò chuyện về tương lai của con mình. Chúng tôi chọn rất nhiều cái tên để đặt cho con. Nhưng cuối cùng vợ chồng tôi quyết định đặt tên con là Hòa Bình. Chồng tôi rất thích cái tên đó. Có lẽ vì anh đã đi qua nhiều năm trong cuộc chiến tranh khốc liệt và anh, cũng như bao người lính khác, luôn luôn mơ về hòa bình.

Chồng tôi là người có hoa tay. Anh vẽ một số bức tranh rất đẹp và treo quanh gường ngủ của chúng tôi. Bức tranh nào cũng có những con chim bồ câu trắng bay trong bầu trời xanh biếc. Có lẽ do những bức tranh đó mà tôi thường mơ thấy từng đàn bồ câu trắng bay qua ngôi nhà bé nhỏ của chúng tôi.

Nhưng ngày tôi sinh đứa con đầu là ngày những giấc mơ về hòa bình như vụt tắt trong lòng vợ chồng tôi. Đứa bé ra đời không được làm một con người bình thường như hàng tỷ con người trên mặt đất. Nó là một đứa trẻ dị tật. Tôi đã khóc suốt một tháng sau khi sinh con. Có lúc tôi gào lên sao ông trời lại hành hạ chúng tôi như thế. Chúng tôi không có tội tình gì. Các bác sỹ bảo với vợ chồng tôi là anh ấy bị nhiễm chất độc da cam trong những năm ở chiến trường.

Đêm đêm, tôi thức nhìn con mà lòng đau đớn vô cùng. Tôi chỉ biết khóc. Tôi tháo hết những bức tranh chồng tôi vẽ cất đi. Nhưng anh ấy lại treo lên và còn vẽ thêm. Anh ấy bảo phải nghĩ về những điều đẹp đẽ, nếu không như thế thì sống làm sao được. Nhiều lúc, anh ấy cũng làm cho lòng tôi nguôi bớt đau đớn. Nhưng mỗi khi nhìn thấy con tôi nằm trên gường chỉ là một con người dị dạng và như vô cảm, tôi lại khóc vì đau đớn.

Sau khi sinh đứa con đầu được 2 năm, vợ chồng tôi quyết định có đứa con tiếp theo. Đến lúc đó, tôi thấy sợ hãi vô cùng vì thực tế có không ít người bị nhiễm chất độc da cam không sinh được đứa con nào lành lặn. Tôi đã nói với chồng tôi nỗi sợ hãi ấy. Nhưng anh ấy động viên tôi và nói với tôi rằng anh ấy đi chiến đấu để bảo vệ đất nước, để mang hòa bình về cho Tổ quốc thì trời không thể để anh ấy phải gánh chịu khổ đau mãi được. Thế là chúng tôi quyết định có đứa con thứ hai.

Phải nói là suốt thời gian mang thai, tôi luôn luôn bị những điều sợ hãi ám ảnh. Tôi cũng tìm mọi cách để thoát khỏi nỗi sợ hãi đó. Bởi các bác sỹ khuyên tôi không được nghĩ những điều không hay, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Có những đêm, tôi mơ thấy đứa con thứ hai của tôi sinh ra bụ bẫm và lành lặn. Nó nhìn tôi cười và gọi tên tôi. Sau giấc mơ như thế, tôi thấy hạnh phúc vô cùng và tôi tin đứa con thứ hai của chúng tôi sẽ là một đứa trẻ lành lặn và khỏe mạnh. Đó là ước mơ lớn nhất của đời tôi. Là một người mẹ thì không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc về các con mình.

Nhưng khi đứa con thứ hai của tôi ra đời cũng là lúc cuộc đời tôi coi như chấm hết. Tôi không nghe thấy tiếng khóc của đứa bé khi lọt lòng mẹ. Một khoảng thời gian im lặng tưởng như kéo dài cả một nghìn năm. Bác sỹ sản phụ như quay mặt đi không dám nhìn tôi. Tôi mang hết sức lực để ngồi dậy nhìn con tôi. Tôi thét lên kinh hãi và gục xuống ngất đi. Đứa con thứ hai tôi sinh ra là một bé trai nhưng cháu không có mắt. Chân tay cháu cũng khác thường. Suốt một tuần liền trong bệnh viện phụ sản, tôi cứ tỉnh dậy lại ngất đi. Lúc tỉnh, tôi cầu trời hãy cho tôi được chết.

Tôi không muốn sống nữa và tôi cũng không thể sống được. Cuộc sống của tôi thực sự đã chấm dứt hoàn toàn. Mỗi lúc tỉnh, tôi đều thấy chồng tôi ở bên cạnh tôi. Tôi nhận thấy, anh ấy cũng không còn một niềm tin nào như trước kia nữa. Anh ấy nhìn như một người đã chết. Những lúc như thế, tôi ôm chặt cánh tay anh ấy và nói cho tôi được chết. Anh ấy không nói được lời nào với tôi mà chỉ khóc. Rồi một lần anh ấy nói nếu tôi chết thì ai chăm sóc các con. Câu nói ấy làm tôi sống lại. Tôi vùng dậy và đòi mang con về nhà.

Cuộc sống những năm tháng sau đó của vợ chồng tôi như sống trong địa ngục của đau khổ và tuyệt vọng. Mỗi khi ra đường, gặp những đứa trẻ đi học, cười nói và vui chơi, tôi lại như muốn quỵ xuống và tưởng như không bao giờ đứng dậy được nữa. Nhưng cũng kỳ lạ, khi ôm các con tôi vào lòng thì tình thương yêu chúng lại tràn ngập nỗi lòng đang đau đớn và tuyệt vọng của tôi. Nhưng tinh thần đó không ở lại trong lòng tôi được lâu. Nỗi đau khổ và thương xót những đứa trẻ sinh ra không được làm người lại đẩy tôi xuống vực tối tưởng không thể nào thoát ra được.

Thế rồi tôi đi đến một quyết định sẽ kết thúc cuộc sống của hai đứa con tôi. Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu để các con tôi cứ tiếp tục sống một cuộc sống không phải của một con người thì tôi vô tình lại là kẻ độc ác. Tôi đau đớn và mê sảng vạch ra kế hoạch để kết thúc cuộc sống của các con tôi và sau đó là cuộc sống của chính tôi. Bởi sau khi các con tôi đã giã từ cuộc sống quá bất hạnh của chúng thì tôi cũng chẳng còn lý do gì để sống nữa. Cuộc sống đối với tôi thế là quá đủ lý do để giã từ. Thử hỏi tôi sống để làm gì khi các con tôi như vậy. Khi nghĩ ra kế hoạch ấy, tôi gục xuống ốm đau một thời gian dài. Cơn đau ốm kéo dài cùng với những khó khăn của gia đình làm tôi không còn muốn sống nữa.

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái đêm kinh hoàng đó. Lúc đó khoảng hai giờ sáng. Khi chồng tôi đã ngủ say. Tôi bước đến bên gường các con tôi. Tôi đứng đó ôm mặt và khóc nghẹn rất lâu. Hai con tôi đang ngủ. Tôi cầu xin các con tha tội cho tôi. Tôi cũng nói với hai con tôi là tôi sẽ đưa chúng về một thế giới không còn khổ đau nữa. Tôi đưa hai bàn tay vào cổ đứa con trai tật nguyền của tôi với ý định bóp cổ con mình. Nhưng khi tôi từ từ xiết những ngón tay tôi thì tôi thấy những mạch máu nơi cổ con tôi đập rất mạnh. Đứa bé bị ngạt thở bắt đầu chống cự theo bản năng.

Sau một thoáng u mê, tôi bắt đầu nhận ra tôi đang giết chết con mình. Tôi hoảng hốt buông hai bàn tay khỏi cổ con tôi. Tôi nghe thấy đứa bé kêu ú ớ. Con tôi không nói được tiếng của con người nhưng tôi hiểu là nó đang gọi mẹ. Tôi ôm choàng lấy đứa bé và ghì chặt vào lòng. Tôi khóc rống lên trong đêm. Vừa khóc tôi vừa ru nó. Đứa bé như hiểu được những gì vừa xảy ra, nó ôm chặt lấy tôi.

Đêm đó, khi con tôi ngủ lại. Tôi cứ thế quỳ trước gường của hai con tôi cầu xin tha thứ  cho đến sáng. Khi bình minh lên, tôi vội vã rửa ráy cho các con tôi, nấu ăn cho chúng, nói với chúng những lời yêu thương nhất kể từ khi chúng được sinh ra nhưng không được làm người. Cũng từ hôm đó, tôi thề sẽ sống với các con tôi trọn đời, thề chăm sóc và yêu thương chúng cho dù chúng chẳng bao giờ nhìn thấy được gương mặt đau khổ của tôi và chẳng bao giờ có thể cất tiếng gọi “mẹ ơi” trong cả cuộc đời chúng. Nhưng chúng là những đứa con tôi đã mang nặng đẻ đau, đã sinh nở và đã nuôi nấng chúng với muôn ngàn buồn vui và tuyệt vọng. Tối tối trước khi chúng đi ngủ, tôi vẫn hát những bài hát về hòa bình, về hạnh phúc cho chúng nghe. Tôi tin chúng hiểu được lòng tôi. Bởi mỗi khi tôi cất tiếng hát, cả hai con tôi đều nằm im như chúng đang nghe giọng hát ngọt ngào nhưng khổ đau của mẹ chúng.

Sau cái đêm kinh hoàng và tội lỗi đó, tôi hay mơ chị ạ. Tôi mơ thấy hai đứa con tôi lành lặn. Chúng rất đẹp. Chúng chạy về phía tôi và gọi mẹ vang lên. Có thể đó là giấc mơ của tôi về các con tôi. Nhưng cũng có thể đó là tâm hồn các con tôi. Tôi tin, dù thân xác chúng dị tật nhưng tâm hồn chúng trong sáng và đẹp đẽ như muôn vàn đứa trẻ được sinh ra. Như thế nghĩa là các con tôi lành lặn và được làm người phải không chị? Chính vì nghĩ thế mà tôi đã sống từ ngày đó đến giờ một cuộc sống khác. Trong cuộc sống ấy, ba mẹ con tôi vô cùng hạnh phúc bên nhau.

Bà con khối phố ở thị trấn của tôi nhận ra tôi đã sống những ngày tháng hoàn toàn khác trước đó. Cho dù họ không hiểu được cuộc sống đó là gì và vì sao tôi lại đổi thay như thế, nhưng họ đã luôn luôn chia sẻ với mẹ con tôi. Họ thường xuyên đến thăm mẹ con tôi. Họ bế các con tôi và nói với chúng đủ chuyện. Họ cũng là nguồn an ủi lớn đối với vợ chồng tôi và các con tôi.

Dù thế nào tôi cũng có tội với các con mình. Nhưng tôi tin chúng đã tha thứ cho tôi. Bởi thế mà không mấy ngày tôi không cùng các con mình chơi đùa vui vẻ trong giấc mơ của mình. Với nhiều người đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng đối với tôi đó là một thế giới có thực. Vì tôi đã nghe các con tôi gọi tôi, đã thấy chúng cười với tôi và tôi đã thấy mình khóc thật vì hạnh phúc. Vì khi tỉnh giấc, tôi đều thấy mặt mình đầm đìa nước mắt

Dạ Hương (ghi theo lời kể của nhân vật ở tỉnh (Hà Tĩnh) - CSTC số 4
.
.
.