Cổ kim công tử

Công tử thời... Bảo Đại!

Thứ Ba, 03/05/2011, 16:07
Cụm từ "có từ thời Bảo Đại" được dân Nam Kỳ dùng thay cho "ngày xửa, này xưa..". Bởi vậy, khi nhắc đến một điển cố thậm chí là những câu chuyện có trước năm 1975, các bậc cao niên thường mở đầu bằng giọng ề à rằng "…thời Bảo Đại còn…". Các công tử được nhắc đến nhiều nhất chính là Hắc-Bạch công tử. Câu chuyện về họ chật đầy trong sách vở và phương tiện truyền thông, nhưng đa số là giai thoại.
>> Cậu Hai Miêng Lưu linh miễn tử

Hồi trước, khắp Nam Kỳ, chỗ nào cũng chơi đá gà, mặc dầu có lệnh của hội bảo vệ gia súc Pháp cấm. Tại Rạch Gầm, chợ giữa Mỹ Tho, có trường gà của ông Chủ Trước, nổi tiếng là nơi quy tụ của các nhà giàu vùng Tiền Giang. Trường gà thầy Tường ở dầu kinh xáng Xà No, gần Cái Răng, trường gà Hội đồng Điếu Bạc Liêu là nơi quy tụ các đại điền chủ, các quan phủ, huyện, công tử... khắp Hậu Giang.

Ở Sóc Trăng có ông chủ On, tên thật là Trần On, làm hương chủ làng Nhâm Lăng từ khi chưa tròn 20 tuổi Bao nhiêu đất cát châu thành Khánh Hưng đều là của tổ phụ ông chủ On để lại. Chủ On là người mê chơi đá gà khét tiếng. Mỗi lần cá độ phải ăn thua bạc ngàn trở lên (trên dưới 1.000 giạ lúa). Ở quận Kế Sách, có ông Hàm Cang (Trần Như Cang) cũng là một tay chơi đá gà có hạng, ăn thua bạc ngàn. Con ông Cang là công tử Ba Oai cũng kế nghiệp cha, trường gà nào cũng thường hay có mặt. Cũng từ những trường gà đó mà nổi lên những công tử máu mặt khắp vùng với những cú sát phạt kinh hồn.

Trước thời Bảo Đại một chút, có thể kể đến một nhân vật, đó là hương quản Dương (Đinh Nhựt Dương) ở Tân Niên Tây. Ruộng đất của ông đều ở vùng nước mặn (ruộng biển). Nhưng lúa ở các ruộng biển (biển ở đây có nghĩa là bưng biền) như lúa tiêu, lúa nàng cơ, lúa nàng qướt... đều cao hơn lúa ở vùng khác, hột lại nặng hơn hột lúa thường. Thầy hương quản Dương giữ chức thấp trong 12 vị hương chức của ban hương chức hội tề, nhưng cha thầy giữ chức hội đồng địa hạt, thầy quen biết các quan tai to mặt bự ở ngoài tỉnh.

Tuy giữ an ninh cho làng Tân Niên Tây, nhưng thầy vẫn ngồi xe máy đi đá gà, đi hột me với những cú sát phạt lên cả ngàn giạ lúa. Nhưng cũng chẳng hề hấn gì, nổi tiếng cờ bạc chẳng thấm vào đâu so với danh tiếng của việc thầy là người đầu tiên mua máy đèn, mua giàn hát máy Columbia, mua đĩa hát nhạc Tây... Sau đó, thầy cũng là người đầu tiên mua xe hơi, chiếc Renault Celt 4. Bởi thầy giàu, giao thiệp rộng, quen biết nhiều nên các ông hương chức hội tề từ hương cả xuống xã trưởng, không dám khinh lờn thầy. Còn các ông Phủ, ông Huyện, thầy Cai tổng, thầy Bang biện, không dám cậy oai hùng hiếp thầy.

Ngôi nhà của công tử Bạc Liêu.

Sang thời Bảo Đại, đáng nhớ nhất về công tử Bạc Liêu tức Hắc công tử, có lẽ là việc ông là người Việt Nam đầu tiên, cách đây hàng thế kỷ đã có máy bay và sân bay riêng cho mình. Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại.

Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải cho một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quý tử về.

Xét cho cùng, đẳng cấp của Bạch công tử tức cậu Tư Phước Geogre trội hơn Hắc công tử Trần Trinh Huy nhiều lắm. Ở buổi bình minh của cải lương nếu không phải là cậu Tư Phước tiêu tán toàn bộ sản nghiệp vào việc nuôi dưỡng gánh hát cải lương thì hàng loạt danh ca thời đó có đất nào dụng võ. Chí ít ra, ngoài việc ăn chơi hoang phí và ngông cuồng, cậu Tư Phước cũng có chút đỉnh công sức cho bộ môn cải lương, một nét đẹp của văn hóa Nam Bộ. Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, còn thường gọi George Phước. Tên Bạch công tử là để phân biệt với  Ba Huy, vì có nước da đen nên được gọi Hắc công tử.

Hắc công tử khi đi du học tại Pháp.

George Phước là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho xưa, nay thuộc phường 3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ông Sủng có nhiều vợ, trong đó có bà Đào Thị Linh là người ở Chợ Cũ, Mỹ Tho, có quốc tịch Pháp. Hai người kết hôn chính thức có hôn thú, nhưng nửa chừng thì chia tay nhau.

Thời gian sau, khi bà Linh bị bệnh lao (bấy giờ là bệnh nan y) thì không hiểu lý do gì hai người tái hợp và kết hôn lại. Sau đó Đốc phủ Sủng thuê một căn phố ở Sài Gòn để nuôi bà Linh. Bà Linh chết khi còn rất trẻ và để lại một gia tài lớn cho cha con ông Sủng. Theo Điếu Cổ Hạ Kim thi tập năm 1915 của Nguyễn Liên Phong thì đám tang bà Linh bấy giờ được tổ chức khá ầm ĩ, có lính Tây đem dàn nhạc tới đưa tiễn.Vốn là người rất mê cải lương, trong thời gian ở Pháp George Phước từng học về ngành sân khấu.

Về nước, George Phước cùng ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương (tên ghép của hai người). Gánh gát quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo... Nhưng chỉ một năm sau George Phước tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam Kỳ. Và cô đào nổi tiếng nhất Bảy Phùng Há chính là vợ của Bạch công tử.

Trong thời gian đó, George Phước cho xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên. Bạch công tử đã tiêu tốn rất nhiều tiền vì sự nghiệp cải lương. Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền.

Theo mô tả thì chiếc đi đầu chở Bạch công tử và Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép thì đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh...

Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch công tử lấy súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát. Sau đó, trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội bóng thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, với mục đích thu hút khán giả tối đi xem hát.

Và cho dù thắng hay thua, đội bạn cũng được chiêu đãi và mời xem hát. Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia... đều có gánh hát tới. Được biết trong hồi ký của nghệ sĩ Ba Vân cũng có nhắc tới việc này. Ông xem Bạch công tử như là người ơn, vì đã có công đóng góp, tạo điều kiện cho sân khấu cải lương phát triển. Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà.

Mỗi lần gánh hát rời đi nơi khác, Bạch công tử lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn. Khán giả thì đứng chen trên bờ vẫy tay chào. Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn.

Trong hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã viết: "Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai". Đến năm 1930, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đời sống người dân hết sức khó khăn, nhiều gánh cải lương buộc phải giải tán, trong đó có gánh Huỳnh Kỳ. Khoảng 5 năm sau, Bạch công tử cho tái lập nhưng không gây được tiếng vang. Vì vậy ông cho giải thể, chấm dứt sự nghiệp theo cải lương.

Lúc còn hưng thịnh, Bạch công tử từng tuyên bố ông sẽ không bao giờ nhờ vả người khác. Nếu có sạt nghiệp thì ông sẽ lái xe hơi ra Vũng Tàu và chạy thẳng xuống biển để kết liễu cuộc đời. Nhiều người cho rằng gọi là "ăn chơi" nhưng thực ra Bạch công tử cũng chỉ lo cho gánh hát. Mặc dù vậy ông cùng với công tử Bạc Liêu để lại khá nhiều giai thoại. Và trong giai đoạn đó, những người như Bạch công tử, như thầy Năm Tú (người nhập cảng linh kiện từ Pháp về tổ chức lắp ráp và kinh doanh máy hát đĩa thời đó) đã có công trong việc phát triển cải lương ở Nam bộ.

Vương Hồng Sển, trong hồi ký 50 năm mê hát của mình cũng viết: "Tôi có nhiều cảm tình riêng đối với cậu Tư". Sau khi chia tay với Phùng Há, Bạch công từ ngày càng lún sâu vào nghiện ngập. Tài sản lần lượt bán hết, người ta thấy ông lang thang ở vườn Ông Thượng (nay là Tao Đàn, thành phố Hồ Chí Minh). Mặc cho cơn nghiện và đói khát hành hạ, ông không hề ngửa tay xin xỏ hay nhờ vả ai.

Sau đó ông được một người thân mang về chăm sóc. Đó là ông Nguyễn Ngọc Phi, một điền chủ đất ở Chợ Gạo, con trai một người bạn thân của ông Lê Công Sủng, bố của Bạch công tử. Cuối năm 1949, Nguyễn Ngọc Phi đưa Bạch công tử về về chăm sóc tại gia đình ông ở thị trấn Chợ Gạo. Nhưng vì hậu quả của nghiện ngập, Bạch công tử mất đầu năm 1950.

Theo ông Trương Ngọc Tường thì sau khi đã thành danh, nữ nghệ sĩ Phùng Há nhớ lại những người từng là ân nhân trước đây như thầy tuồng, đạo diễn, bà đã bỏ tiền ra xây mồ mả cho nhiều người. Trong đó có việc cải táng mộ Đốc phủ Lê Công Sủng và 2 người con của bà với Bạch công tử đưa về Sài Gòn. Riêng mộ Bạch công tử thì vẫn còn tại Chợ Gạo

Song Minh – CSTC tuần số 59
.
.
.