Chuẩn bị xét xử lại vụ án Nông trường Sông Hậu:

Công và tội, lý và tình

Thứ Tư, 16/03/2011, 10:15
Cơ quan tiến hành tố tụng đang thực hiện các công đoạn tố tụng xét xử lại vụ án Nông trường Sông Hậu và một lần nữa, các luồng tranh luận lại nóng. ở bài viết này, chúng tôi muốn tiếp cận vụ án sâu hơn cả mặt công và tội, lý và tình.

Tới nay, vụ án Trần Ngọc Sương gần tròn 3 năm kể từ ngày CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (9/4/2008) và 5 năm kể từ khi cơ quan Thanh tra vào cuộc. Không chỉ chiếm thời gian tố tụng dài, vụ án thực sự gây phản ứng đa chiều, trong đó nổi lên hai hướng có quan điểm ngược nhau: quan điểm khẳng định có tội của cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm và quan điểm từ dư luận xã hội, cho rằng không có tội hoặc có tội nhưng không đến mức phải áp dụng trách nhiệm hình sự.

Phản ứng này tạm lắng xuống sau khi Tòa hình sự TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên huỷ án và điều tra, xét xử lại từ đầu. Nhưng trước phiên xét xử lại, các luồng tranh luận một lần nữa lại nóng. 

Trong vụ án Nông trường Sông Hậu, thực tế, dư luận xã hội hầu hết đều nghiêng theo hướng ủng hộ người bị kết án (bà Trần Ngọc Sương), thậm chí có người nghĩ rằng, vụ án này chỉ có duy nhất bà Trần Ngọc Sương bị truy tố. Thực tế, ngoài bà Sương với chức vụ nguyên Giám đốc nông trường, còn có các bị can khác, gồm: nguyên Phó Giám đốc Trương Hồng Nhung, nguyên quyền Kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng, nguyên thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn, nguyên kế toán Hoàng Thị Bình.

Khi dư luận vào cuộc với vai trò "gỡ tội", thì lại chỉ quan tâm bà Trần Ngọc Sương mà quên 4 bị can còn lại. Điều này xuất phát từ vị trí đặc biệt của chủ thể tội phạm: bà Trần Ngọc Sương, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, bố đẻ bà Sương cũng là Anh hùng Lao động, bản thân Nông trường Sông Hậu 2 lần được vinh danh Anh hùng Lao động. Về mặt xã hội, bà Sương cũng từng được phong tặng danh hiệu "Người phụ nữ Ấn tượng châu Á" cùng hàng loạt phần thưởng khác.

Nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu cùng các bị cáo trong một phiên tòa xét xử.

Thực tế, dư luận bị "hút" bởi tính đặc biệt của chủ thể tội phạm và dường như chỉ nhắc lại bảng thành tích trong các lập luận "gỡ tội". Điều này dễ hiểu, nhưng sẽ là chưa hợp lý bởi lẽ, vụ án ngoài bà Sương, 4 bị can còn lại không lẽ vì không phải chủ thể đặc biệt nên bị coi "ngoài lề"?

Nhưng về mặt lý: chủ thể đặc biệt không phải là căn cứ xác định miễn tội, nếu như người đó có tội. Điều 46 - BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với 18 điểm, trong đó điểm s quy định tình tiết giảm nhẹ nếu "Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác".

Theo Hướng dẫn tại điểm c, mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, gồm các trường hợp: vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước. 

Như vậy, trường hợp của bà Trần Ngọc Sương là Anh hùng Lao động, bố của bà Sương cũng là Anh hùng Lao động nên hiển nhiên đảm bảo theo Hướng dẫn của TAND Tối cao. Tuy nhiên, cần thấy rằng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là căn cứ để tòa án cân nhắc, xem xét việc áp dụng hình phạt theo hướng nhẹ hơn đối với người phạm tội, nó phản ánh các diễn biến bên ngoài của mặt khách quan cũng như diễn biến tâm lý bên trong của mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm hoặc phản ánh yếu tố nhân thân người phạm tội.

Điều này giúp chúng ta hình dung được mức độ nguy hiểm ít hơn của hành vi phạm tội nếu đặt nó trong sự so sánh với trường hợp phạm tội tương tự mà không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (như giữa bà Sương với 4 người còn lại).

Quy định này cũng cho thấy, tình tiết giảm nhẹ với quy định là chủ thể đặc biệt (Anh hùng Lao động, các huân, huy chương khác) chỉ có ý nghĩa giảm nhẹ hình phạt chứ không có ý nghĩa trong định tội. Do đó, một người phạm tội, dù là chủ thể nào, đặc biệt hay không đặc biệt, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm. Chủ thể đặc biệt nếu là tình tiết giảm nhẹ thì mức áp dụng hình phạt sẽ nhẹ hơn. 

Làm rõ căn cứ trên cũng là mấu chốt của vụ án Nông trường Sông Hậu. Vấn đề cần làm rõ là: hành vi các bị can có cấu thành tội phạm hay không, ở đây là tội "lập quỹ trái phép". Nếu CQĐT chứng minh rằng, có đủ căn cứ xử lý tội "lập quỹ trái phép" thì các bị cáo bị xử lý tội danh này. Khi đó, tình tiết giảm nhẹ như chủ thể là Anh hùng Lao động sẽ được làm căn cứ giảm mức hình phạt.

Ngược lại, nếu không có đủ căn cứ cáo buộc tội danh này, thì không chỉ bà Sương mà 4 bị can khác cũng đều vô tội. Hoặc nếu xác định có tội, nhưng do sự chuyển biến tình hình, tòa án ra quyết định miễn truy cứu hình sự.

Về mặt pháp lý, cơ quan tố tụng xét xử phải tuân thủ luật chứ không phải xử theo áp lực dư luận. Tuy nhiên, một khi bản án hay quyết định của tòa gây hiệu ứng xã hội trái ngược, thì dư luận cũng chính là kênh để cơ quan tiến hành tố tụng kiểm nghiệm lại việc áp dụng pháp luật đã đúng hay không.

Hiểu thế nào về "lập quỹ trái phép"

CQĐT: Có tội

Theo bản kết luận điều tra mới nhất của Cơ quan điều tra, từ năm 2001-2007, Giám đốc Trần Ngọc Sương cùng với các thuộc cấp đã duy trì nguồn quỹ trái phép từ giám đốc tiền nhiệm và tiếp tục thu nhiều nguồn, không báo cáo tài chính theo quy định với số tiền trên 10,1 tỷ đồng. Các bị can đã chi tiêu, sử dụng trái phép gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng.

Trong đó, riêng bị can Trần Ngọc Sương đã duyệt chi trên 4,9 tỷ đồng và sử dụng cá nhân trên 3,8 tỷ đồng. So với kết quả điều tra trước đây, số tiền lập quỹ trái phép tăng thêm khoảng 1 tỷ đồng (trong bảng kết luận điều tra trước đây cáo buộc số tiền lập quỹ trái phép là khoảng 9,1 tỷ đồng) và số tiền gây thiệt hại cũng tăng trên 300 triệu đồng (tiền thiệt hại được xác định trước đây là 4,7 tỷ đồng).

Nhà nghiên cứu kinh tế: Không có tội "lập quỹ trái phép"

"Với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo 4 chức năng (tìm kiếm lợi nhuận tối đa; nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn cho nhà nước; bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nguồn nhân lực và chăm lo đời sống vật chất, văn hóa cho người lao động), Nông trường Sông Hậu hoàn toàn có thể lập "quỹ công đoàn" để phục vụ nhu cầu quản lý kinh doanh của mình mà không bị pháp luật cấm. Không có tội danh "lập quỹ trái phép" ở những doanh nghiệp đã hoàn thành 4 chức năng nói trên, trong nền kinh tế thị trường.

Tội danh “lập quỹ trái phép” chỉ có thể có ở các cơ quan công quyền sử dụng ngân sách Nhà nước hay quỹ có nguồn gốc Nhà nước do các công chức lãnh đạo lập ra để phục vụ lợi ích cục bộ hoặc cá nhân họ mà thôi. Bởi, công chức chỉ được làm những gì mà luật cho phép chứ không phải luật không cấm". (PGS, TS. Vũ Trọng Khải).

Phải xem động cơ,  mục đích của hành vi

Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng Vụ 1 là người được Viện trưởng VKSND Tối cao giao tiếp xúc, trao đổi về đơn kiến nghị của bà Sương ngay từ khi vụ án chưa khởi tố, điều tra, trong phần trao đổi với CSTC, nói:

"Tôi nghĩ rằng khi kinh tế của ta đang đổi mới, có nhiều vấn đề đặt ra rất mới mẻ, nhất là khi chuyển đổi cơ chế hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, kể cả từ phía Nhà nước, trong quản lý không phải không có sai sót. Đối với các đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp, cũng không phải đúng cả. Vậy cho nên mình đã có chuyển đổi mà chưa hoàn thiện, chưa hoàn thiện cả về vấn đề nhận thức xã hội, chưa hoàn thiện về hành vi kinh tế, chưa hoàn thiện về tư duy, nhận định, đánh giá pháp luật. Thế thì người làm án kinh tế phải có kiến thức rất rộng, phải nắm bắt được cái mới, ủng hộ cái mới. Có những cái mới rất đúng nhưng so quy định pháp luật lại vi phạm.

- Cái sai này cần hiểu trong cơ chế quản lý đổi mới?

Đúng là cơ chế quản lý, nhưng vấn đề là phải xem động cơ, mục đích của hành vi. Tức là phải làm rõ nguyên nhân vì sao có sai phạm đó, do khách quan hay chủ quan. Những hành vi đó có thể xảy ra nhưng mà trong cơ chế như thế, để tồn tại, người ta cũng có những cái sai. Song cái sai đó không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, không gây ra thiệt hại mà có thể vì mục đích muốn phát triển mô hình kinh tế mới nên mạnh dạn làm, và xảy ra sai sót…

- Ở tầm nhìn bao quát đó có thể đưa ra đánh giá gì?

…Tôi cũng nói thêm thế này, giữa cái tôn vinh và cái sai, xảy ra trong cùng khoảng thời gian. Điều này khiến người ta phân vân, rằng cùng con người đó, cùng khoảng thời gian đó, tại sao lại vừa có tôn vinh anh hùng, lại vừa ràng buộc về lao lý. Cái khó của ta là phải phát hiện ra cái mới, nhân tố mới, có thể đó là những cái sáng tạo và phải xem nó có tiến bộ, tích cực không, nếu tích cực thì phải ủng hộ chứ nếu mình lại căn cơ làm theo kiểu cực đoan thì rất khó...

(Trích cuộc phỏng vấn của CSTC với ông Nguyễn Mạnh Hiền)

Đăng Trường - CSTC tuần số 49
.
.
.