Cuộc chạy đua sở hữu bom tử thần

Thứ Hai, 11/07/2011, 05:31
Thời gian gần đây, Iran đã tuyên bố và đưa ra thử nghiệm một loại bom điều khiển thế hệ mới với khả năng công phá, độ chính xác cao hơn các thế hệ bom oanh tạc trước đó của không quân nước này. Bộ Quốc phòng Iran đã khai trương một dây chuyền sản xuất bom Qased (Sứ giả), một loại bom được miêu tả là cực kỳ hiện đại do nước này chế tạo. Qased có trọng lượng 900kg, được giới chức Iran gọi là "bom thông minh".

Rất nhiều nước trên thế giới đã cho ra đời và trang bị cho quân đội nước mình nhiều loại vũ khí thông minh như bom, đạn, tên lửa chính xác, được trang bị bộ phận dẫn hướng chứa các thiết bị điện tử có khả năng tự động dẫn chúng đến mục tiêu. Thiết bị dẫn hướng được thiết kế để cảm nhận sự phát xạ hay sự phản xạ điện từ trong dải quan sát của nó. Chế độ thu dùng cho vũ khí thông minh có các kiểu sau: mắt điện tử, hệ thống radar, sóng vô tuyến, tia hồng ngoại, tia laser. Bom thông minh cũng là một trong những vũ khí hiện đại mà nhiều nước đã và đang sử dụng. Được gọi là bom thông minh bởi nó có những tính năng vượt trội mà không phải loại vũ khí nào cũng có được.

Iran chế tạo thành công bom thông minh

Thời gian gần đây, Iran đã tuyên bố và đưa ra thử nghiệm một loại bom điều khiển thế hệ mới với khả năng công phá, độ chính xác cao hơn các thế hệ bom oanh tạc trước đó của không quân nước này. Bộ Quốc phòng Iran đã khai trương một dây chuyền sản xuất bom Qased (Sứ giả), một loại bom được miêu tả là cực kỳ hiện đại do nước này chế tạo. Qased có trọng lượng 900kg, được giới chức Iran gọi là "bom thông minh".

Hãng tin FARS dẫn lời chuẩn tướng Mostafa Mohammad Najjar cho biết: "Qased là loại bom không đối đất tầm xa có điều khiển, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay". Một khi Qased được triển khai, máy bay chiến đấu của Iran có thể bắn phá mục tiêu kẻ địch từ xa mà không cần mạo hiểm xông vào tầm bắn của đối phương. Ông còn cho biết đây là loại bom hoàn toàn do Iran sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường vũ khí hiện đại cho không quân nước này.

Việc cho ra đời bom thông minh là bước tiến mới nhất trong ngành công nghiệp vũ khí của Iran, vốn chỉ mới hình thành từ giữa cuộc chiến Iran - Iraq cách đây hơn 20 năm, sau khi Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia vùng Tây Nam Á. Từ đó đến nay, Tehran không ít lần tuyên bố đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong các lĩnh vực sản xuất máy bay, chế tạo tên lửa, bom và các loại vũ khí khác.

Thiếu tướng, Tư lệnh không quân Iran Hassan Shahsafi thông báo trên các phương tiện truyền thông rằng các mẫu bom thông minh có tên Quassed thế hệ mới sẽ tiếp tục được quân đội nước ông đưa ra thử nghiệm. Họ tin tưởng vào ngành công nghiệp chế tạo vũ khí tiên tiến và hiện đại.

Đây là loại bom thông minh có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom. Bộ điều khiển quỹ đạo của bom sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) làm tăng độ chính xác cho bom, sử dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có khả năng ném bom tự động. Bom thông minh Quassed cũng lấy phiên bản từ loại bom có tên là bom GBU-31 JDAM được Mỹ nghiên cứu vào những năm 1990 và được liên quân sử dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan.

Bom GBU-31 JDAM có thể ném từ độ cao 6 đến 15 dặm (8 - 24km). Do đó không đòi hỏi phi công phải hạ thấp máy bay để tìm mục tiêu nên phi công có thể thả bom từ độ cao an toàn. Bom cũng cho phép ném từ bất kỳ góc độ nào trong khi máy bay đang lao xuống hoặc bay lên, đang bay thẳng trục hay lệch trục ném bom. Sự dẫn hướng của bom được thực hiện khép kín bởi sự kết hợp giữa hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS và hệ dẫn quán tính 3 trục INS. INS là bộ phận phụ dẫn, chỉ có ý nghĩa khi GPS không hoạt động, như khi GPS bị làm nhiễu. Khả năng này của JDAM cho phép bom chống lại nguy cơ làm nhiễu GPS bằng kỹ thuật cao của đối phương. Trong khi đó bom định vị bằng tia laser như trước đây rất dễ bị lạc nếu gần mặt đất có khói hay sương mù.

Trước khi máy bay cất cánh, kế hoạch chiến đấu được lập trình sẵn và được cài đặt vào bộ nhớ của máy. Kế hoạch này bao gồm cả việc đưa bom vào trạng thái chiến đấu, các số liệu về tọa độ của mục tiêu và phạm vi hoạt động của bom. Khi máy bay đến khu vục ném bom, máy chủ sẽ nhận biết, bom được phóng ra. Việc thu tín hiệu được thực hiện bằng hệ thống máy thu GPS gắn sẵn trên bom. Trong quá trình bay, GPS luôn nhận biết được tọa độ của nó ở thời điểm bất kỳ và so sánh với tọa độ mục tiêu, phân tích, truyền tín hiệu đến bộ điều khiển bay. Bộ điều khiển bay thay đổi cánh lái, dẫn bom đến mục tiêu

Trong cuộc chiến tranh tàn khốc đánh vào Iraq của Mỹ, các loại vũ khí không đối đất đã bộc lộ một số tính năng không khả thi: với các loại bom không điều khiển, khi máy bay thả bom ở độ cao trung bình và độ cao lớn, độ chính xác của bom rất kém. Với các loại vũ khí có điều khiển, điều kiện thời tiết xấu cũng gây cản trở làm giảm hiệu quả đáng kể. Do đó việc nghiên cứu và phát triển một loại "vũ khí điều khiển chính xác trong cả điều kiện thời tiết không thuận lợi" đã bắt đầu được Quân đội Hoa Kỳ triển khai từ năm 1992. Năm 1997, những quả bom GBU-31 JDAM đầu tiên đã ra đời và quá trình thử nghiệm được tiến hành trong 2 năm1998 và 1999. Hơn 450 quả được thả trong các cuộc thử nghiệm đạt độ tin cậy 90 - 95% và sai lệch là không đáng kể.

Khi quân đội Iran tung ra vũ khí thông minh thì giới chức quân sự Mỹ đã cho biết, Washington đã mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa cả trên biển và đất liền để sẵn sàng ứng phó, bắn chặn những mối đe dọa xuất phát từ các tên lửa và những quả bom thông minh tấn công của Iran. Hiện tại, 4 quốc gia  ở Trung Đông hiện nay là Kuwait, UAE, Bahrain (Tổng hành dinh Hạm đội 5 hải quân Mỹ) và Qatar (Trung tâm chỉ huy các chiến dịch không quân Mỹ) đã có sự hiện diện của vũ khí phòng thủ Mỹ trên lãnh thổ của các quốc gia này.

Mục đích của các căn cứ quân sự này vừa góp phần tích cực vào các chiến dịch quân sự của Mỹ và các đồng minh trên chiến trường Iraq và Afghanistan, vừa là nơi người Mỹ triển khai vũ khí phòng thủ chiến lược để đánh chặn các tên lửa trong trường hợp xảy ra đụng độ với quân đội Iran.

Hàn Quốc trang bị bom thông minh cho máy bay KF-16

Ngày 9 tháng 2, Không quân Hàn Quốc cho biết họ đang trang bị bom tấn công trực tiếp chung (JDAM) điều khiển bằng vệ tinh cho máy bay chiến đấu KF-16 của họ nhằm nâng cao khả năng vô hiệu hóa pháo tầm xa của Triều Tiên. Từ năm 2008, Không quân Hàn Quốc đã phối hợp với quân đội Mỹ nhằm nâng cấp các hệ thống máy tính của máy bay chiến đấu KF-16 để mang theo bom "thông minh" được điều khiển bằng một hệ thống dẫn đường nội bộ. Đây là loại vũ khí có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết.

"Bom JDAM được xem là loại vũ khí tối ưu nhất để vô hiệu hóa các khẩu đội pháo tầm xa được che giấu trong các hang động dưới các dãy núi của Triều Tiên," Không quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố. Mang theo một hệ thống định vị toàn cầu ở phần đuôi, bom JDAM được chuyển đổi từ những loại bom không được điều khiển thông thường hiện tại thành những vũ khí có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên mặt đất của đối phương. Hàng trăm khẩu pháo tầm xa và tên lửa đa nòng của Triều Tiên đã được triển khai dọc đường biên giới liên Triều gần thủ đô Seoul. Những tên lửa và pháo tầm xa đó, có khả năng tấn công thủ đô của Hàn Quốc chỉ nằm cách đường biên giới 50km, là mối lo ngại phòng thủ lớn nhất đối với Hàn Quốc.

Phi đội máy bay chiến đấu KF-16 của Hàn Quốc được trang bị bom JDAM loại nhỏ với trọng lượng 1.000 pound (454kg). Một quả bom JDAM bình thường có trọng lượng 2.000 pound. Căng thẳng vẫn tồn tại trên bán đảo Triều Tiên sau vụ nã pháo của Triều Tiên vào đảo Yeonpyeong hồi tháng 11 năm 2010 làm 2 lính thủy quân lục chiến và 2 thường dân thiệt mạng. Vụ nã pháo này diễn ra sau khi một cuộc điều tra đa quốc gia kết luận Triều Tiên đã phóng ngư lôi làm chìm một chiếc tàu chiến của Hàn Quốc, làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

Canada đặt mua 1.300 quả bom thông minh để đánh Libya

Ngày 18 tháng 5, báo Ottawacitizen của Canada đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này đã đặt mua hơn 1.300 quả bom thông minh dẫn đường bằng laser để sử dụng tại Libya khi mà cuộc chiến tại nước này chuẩn bị bước sang tháng thứ ba. Bộ Quốc phòng không bình luận gì cũng như tiết lộ gì thêm về kế hoạch mua số bom thông minh 500 pound (khoảng 230kg) này nhưng các nguồn tin xác nhận rằng số vũ khí mới này được dành cho chiến dịch quân sự tại Libya, để thay thế cho số bom đã được sử dụng và cho các phi vụ trong tương lai tại đất nước Bắc Phi này. Không có thông tin chi tiết về chi phí của đơn hàng này.

Tuy nhiên, ông John Pike, Giám đốc tổ chức nghiên cứu quốc phòng GlobalSecurity.org có trụ sở tại Washington, cho biết mỗi quả bom thông minh này có giá khoảng 100.000 USD. Ông Pike cho biết ông không ngạc nhiên về việc Canada đặt mua thêm số bom này bởi vì từ nhiều tuần trước đó đã có thông tin cho rằng hiện tại các quốc gia NATO tham gia cuộc chiến Libya đang thiếu vũ khí. Nhưng Đô đốc Giampaolo Di Paola, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, đã phủ nhận các nước thành viên của liên minh quân sự này sẽ thiếu vũ khí.

Ông Pike cho biết hệ thống bom thông minh không đắt tiền, nhưng không có nó máy bay chiến đấu sẽ không hiệu quả. Đối với cuộc chiến tại Libya, các máy bay chiến đấu CF-18 của quân đội Canada đã và đang sử dụng bom Paveway GBU-12, loại bom mà họ đã sử dụng trong chiến dịch ném bom Kosovo năm 1999. Tính đến ngày 16 tháng 5, các máy bay chiến đấu CF-18 của Canada đã thực hiện khoảng 300 phi vụ nhưng Bộ Quốc phòng nước này đã không cho biết các máy bay này đã ném bao nhiêu quả bom.

Trong thời gian gần đây, chiến dịch quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhằm vào một số mục tiêu mà họ cho là các trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Nhưng Chính phủ Libya đã cáo buộc liên minh này đang nỗ lực ám sát nhà lãnh đạo Gadhafi.

Mặc dù, gần đây Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh David Richards đã kêu gọi tăng cường chiến dịch ném bom tấn công các cơ sở hạ tầng của Libya, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay cho biết Canada không có ý định triển khai thêm máy bay hay mở rộng vai trò của mình tại Libya.

Canada đã triển khai 560 nhân viên quân sự, 7 máy bay chiến đấu, 2 máy bay tiếp dầu và 2 máy bay trinh sát hải quân Aurora tham gia chiến dịch này. Ngoài ra, một chiếc khinh hạm cũng được triển khai tham gia và đang tuần tra tại Địa Trung Hải để thực thi một lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Dự kiến, vào tháng 6 tới, Quốc hội Canada sẽ đánh giá lại chiến dịch quân sự tại Libya và thảo luận xem quân đội Canada sẽ cần phải đóng góp cho chiến dịch quân sự này trong bao lâu nữa.

Mỹ với những quả bom thông minh

Hãng sản xuất máy bay Boeing thông báo trung tuần tháng 4 vừa qua, họ đã bắt đầu chuyển giao cho Không quân Mỹ những bộ thiết bị dẫn đường bằng laser đầu tiên cho bom thông minh JDAM. Theo Boeing, những quả bom thông minh có khả năng truy sát mục tiêu di động ở những nơi như IraqAfghanistan.

Sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, nhận thấy cần phải có vũ khí dẫn đường chuẩn xác hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, Không quân Mỹ triển khai chương trình JDAM (Joint Direct Attack Munition - Đạn tấn công trực tiếp đồng loạt). Dự án được giao cho McDonnell Douglas nhưng đến năm 1997 thì chuyển cho Boeing sau khi McDonnell Douglas sáp nhập với hãng này. Năm 1998, Boeing bắt tay chế tạo bộ thiết bị điều khiển JDAM cho loại bom nặng 907kg phục vụ không quân và hải quân.

Cuộc chiến Kosovo năm 1999 là "sân khấu" đầu tiên Mỹ trình diễn loại bom thông minh có gắn bộ điều khiển JDAM ở phần đuôi. Sau đó, hàng nghìn quả được sử dụng trong cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan năm 2001. Bom JDAM cũng chính là con át chủ bài của Lầu Năm Góc trong cuộc chiến xâm lược Iraq, lật đổ chế độ Saddam Hussein hai năm sau đó.

Bộ kit JDAM sử dụng hệ thống dẫn đường do máy tính điều khiển và dữ liệu do hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh (GPS) cung cấp để xác định mục tiêu và tránh gây sát thương cho dân thường. Bom JDAM có thể được lập trình trước khi xuất trận hoặc trong lúc lâm trận. Mỗi bộ kit JDAM giá khoảng 20 ngàn USD, nếu tính luôn đầu đạn và kíp nổ cũng chưa tới 25 ngàn USD, rẻ hơn rất nhiều so với loại bom dẫn đường bằng laser vốn có giá hàng trăm ngàn USD hay bom dẫn đường bằng truyền hình, giá có thể lên đến 1 triệu USD. Đến nay, Boeing xuất xưởng hơn 190.000 bộ kit JDAM.

"JDAM có lẽ là chương trình đạn dược thành công nhất của Mỹ trong thế hệ này", nhà phân tích Loren Thompson của Viện Lexington ở bang Virginia nhận xét. Theo Thompson, không những ít tốn kém và chuẩn xác nhiều hơn so với những gì Lầu Năm Góc mong đợi mà trên hết là bom JDAM hoạt động tốt trong mọi tình trạng thời tiết.

Thời Chiến tranh Vùng Vịnh và cả chiến tranh Nam Tư, loại bom dẫn đường bằng laser không phát huy hiệu quả vào những lúc trời u ám, nhiều mây hoặc trong điều kiện mịt mù khói lửa. Vì thế Lầu Năm Góc phải huy động các loại vũ khí, và trong một vài trường hợp phải thực hiện nhiều vụ tấn công để triệt hạ chỉ một mục tiêu. Các chuyên gia cho rằng bom JDAM khắc phục được tất cả yếu kém của bom dẫn đường.

Hè năm 2010, Boeing ký với Lầu Năm Góc hợp đồng trị giá 28 triệu USD, theo đó sản xuất 600 thiết bị dẫn đường bằng laser cho loại bom nặng 225kg. Thiết bị sử dụng năng lượng laser do mục tiêu phản chiếu để dẫn đường bom đến mục tiêu chỉ định, ngay cả khi mục tiêu ở trạng thái động. Việc chế tạo hoàn tất vào tháng 3 vừa qua và Không quân Mỹ tiến hành thử nghiệm bom thông minh JDAM được gắn thiết bị dẫn đường bằng laser ở phần mũi 2 máy bay chiến đấu F-15E và F-16. Kết quả cho thấy bom JDAM có thể tấn công và phá hủy mục tiêu đang di chuyển với tốc độ 110km/giờ. Lần cải tiến này cho phép máy bay ném bom JDAM trúng mục tiêu từ khoảng cách 64km.

Cả Không quân và Hải quân Mỹ đều dự tính đưa bom JDAM vào sử dụng trong năm nay. Đây sẽ là một trong những vũ khí chủ lực trên chiến trường AfghanistanIraq. Nhưng liệu bom JDAM thông minh đến đâu thì còn phải chờ thực tế kết luận.

Lầu Năm Góc ngày 25 tháng 5 xác nhận, quân đội Mỹ đang vận chuyển bom thông minh và các khí tài khác cho quân đồng minh trong chiến dịch oanh kích Libya do NATO cầm đầu. Trong một bức thư điện tử gửi các hãng thông tấn lớn trên thế giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Dave Lapan viết: "Chúng tôi đang hỗ trợ vật chất, gồm đạn dược, cho quân đồng minh và các đối tác tham gia chiến dịch tại Libya" từ ngày 1 tháng 4.

Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ công khai xác nhận đang vận chuyển đạn dược cho đồng minh NATO, trong bối cảnh có tin cho rằng quân đội một số nước đang cạn kiệt nguồn cung bom dẫn đường chính xác hoặc một số bộ phận cấu thành của nó. Ông Lapan cũng đã xác nhận rằng số đạn dược mà phía Mỹ hỗ trợ gồm cả bom thông minh dẫn đường chính xác.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, kể từ khi NATO đảm nhận nhiệm vụ cầm đầu chiến dịch không kích Libya từ ngày 1 tháng 4, Mỹ đã cung cấp cho đồng minh và các đối tác 'sự hỗ trợ kĩ thuật và đạn dược' có giá trị lên tới 24,3 triệu USD. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh một quan chức quân sự cấp cao NATO tuyên bố quân đồng minh đang nỗ lực giáng đòn quyết định nhằm đánh đổ chế độ của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi, với đợt oanh kích Tripoli dữ dội nhất từ trước đến nay.

Anh sẽ sớm trang bị bom thông minh Paveway IV

...Quân đội Anh vừa thử nghiệm thành công bom thông minh, chuẩn bị cho kế hoạch vũ trang đầu năm 2012. Quân đội Anh đã thả thành công quả bom có điều khiển chính xác Paveway IV đầu tiên từ máy bay Typhoon. Cuộc thử nghiệm kéo dài 1 giờ trên thao trường Aberporth, xứ Wales...

Quân đội Anh vừa thử nghiệm thành công bom thông minh, chuẩn bị cho kế hoạch vũ trang đầu năm 2012. Quân đội Anh đã thả thành công quả bom có điều khiển chính xác Paveway IV đầu tiên từ máy bay Typhoon. Cuộc thử nghiệm kéo dài 1 giờ trên thao trường Aberporth, xứ Wales. Bom trang bị hệ thống điện tử hàng không để điều khiển vũ khí an toàn. Việc thử nghiệm bom Paveway IV thể hiện cam kết tăng cường và nâng cấp khả năng tấn công mặt đất của máy bay Typhoon và hình thành mô hình máy bay Typhoon nâng cấp tương lai.

Phi công thử nghiệm máy bay Typhoon, Nat Makepeace, cho biết: "Đây là chuyến bay thử nghiệm thành công, chứng minh hệ thống điện tử hàng không có thể sử dụng dữ liệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và thông tin mục tiêu từ máy bay để chuẩn bị tấn công bằng bom. Tất cả quá trình thông tin liên lạc với máy bay và quá trình thả bom an toàn đã thực hiện đúng kế hoạch." Bom Paveway IV có chi phí rất thấp, có độ chính xác cao trong mọi điều kiện tác chiến, bất kể thời tiết, ngày đêm

Phương Anh (tổng hợp) - số 47
.
.
.