Cuộc chiến tại Libya: Thủ đô thất thủ

Thứ Tư, 31/08/2011, 11:09
Ngay sau khi khu dinh thự Bab al-Aziziya rơi vào tay lực lượng nổi dậy tối 23/8, ngày 24/8, Tổng thống Muammar Gaddafi đã có bài phát biểu trên đài phát thanh với lời cam kết, sẽ chiến đấu đến khi giành thắng lợi hoặc hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lược.

Quyết không đầu hàng

Hãng tin Reuters dẫn lại đài Al-Urubah cho biết, Tổng thống Muammar Gaddafi khẳng định, việc rút khỏi thành trì Bab al-Aziziya chỉ là bước đi chiến thuật bởi nơi này đã bị san bằng sau 64 đợt tấn công liên tiếp của không lực NATO. Người phát ngôn chính phủ, ông Moussa Ibrahim cũng nhấn mạnh, lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi sẽ chống lại lực lượng nổi dậy trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa.

Cha con ông Gaddafi vừa có cuộc điện đàm với Chủ tịch liên đoàn cờ vua Nga Kirsan Ilyumzhinov tối 23/8 (người đã chơi cờ với Tổng thống Muammar Gaddafi hồi tháng 6) để khẳng định, sẽ ở lại Tripoli và không có ý định rời bỏ đất nước. Tổng thống Muammar Gaddafi tin tưởng sẽ chiến thắng và yêu cầu mọi người không tin vào những thông tin xuyên tạc của các hãng truyền hình phương Tây.

Cuộc điện đàm diễn ra ngay sau khi dinh thự Bab al-Aziziyah bị chiếm. Kênh truyền hình Al-Arabiya có trụ sở ở Dubai đưa tin, các lực lượng ủng hộ Tổng thống Muammar Gaddafi đang tấn công thị trấn Ajelat ở phía Tây Tripoli bằng tên lửa và xe tăng. Người phát ngôn chính phủ Moussa Ibrahim cho biết, hàng ngàn người thuộc các bộ lạc đang tụ tập về Tripoli để chiến đấu chống lại lực lượng đối lập, trong khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã rút quân về thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Libya.

Ngày 23/8, ông Abdel Hakim Belhaj, chỉ huy lực lượng nổi dậy cho biết, đã giành chiến thắng trong trận chiến đánh vào thành trì Bab al-Aziziya. Phe nổi dậy phá căn nhà của ông Gaddafi và căn lều của Tổng thống thường dùng để đón khách nước ngoài cũng bị đốt cháy. Tờ Telegraph cho rằng, ông Gaddafi đã trốn khỏi khu vực dinh thự qua một số đường hầm bí mật. Được biết, đến tối 23-8 giao tranh vẫn diễn ra dữ dội ở khách sạn Rixos và sân bay Tripoli. Chiến sự chỉ kết thúc sau khi phe chống đối có thêm 4.000 tay súng tiếp viện từ Benghazi đến Tripoli.

Phát ngôn viên lực lượng nổi dậy Ahmed Bani thông báo, tổng hành dinh của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) sẽ được chuyển từ thành phố Benghazi về thủ đô Tripoli trong vòng hai ngày nữa. Đặc phái viên của Nga tại NATO Dmitry Rogozin cho rằng, mặc dù không tham gia trực tiếp, nhưng vai trò của NATO trong việc công phá thủ đô là vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đối với cuộc quyết chiến kể trên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nhận định, tình hình ở Tripoli hiện vẫn đang tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Sau khi quân nổi dậy tiến vào thủ đô Tripoli, lãnh đạo NATO đã yêu cầu tạm dừng chiến thuật ném bom.

Ngày 23/8, một phát ngôn viên của NATO cho biết, họ không chủ tâm tìm diệt Đại tá Gaddafi bởi có thể chấp nhận để Tổng thống Libya rời khỏi đất nước sau khi đầu hàng và từ bỏ quyền lực. Nhưng Ngoại trưởng Anh William Hague lại cho rằng, không còn đường quay về cho ông Gaddafi. Ông William Hague cũng  tái khẳng định sự cần thiết phải tìm thấy kho vũ khí hóa học vì lo ngại Đại tá Muammar Gaddafi sẽ sử dụng để kháng cự và chiếm lại thủ đô Tripoli.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đang theo dõi chặt chẽ những nơi được cho là cất giấu vũ khí hoá học của ông Gaddafi để đề phòng. Trước đó, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil từng tuyên bố, muốn bắt cha con Đại tá Muammar Gaddafi để đưa ra toà xét xử một cách công bằng với các tội danh chống lại loài người.

Nhiều người nói rằng, việc ông Gaddafi chạy trốn khỏi Tripoli trong thời điểm hiện nay là vô cùng khó khăn và nguy hiểm bởi tất cả các con đường đều nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chống đối. Lầu Năm Góc cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ không tin Đại tá Gaddafi đã rời Libya ra nước ngoài trú ẩn. NATO tin rằng, ông Gaddafi có thể chạy nhưng không thể trốn và vẫn còn ở Libya và họ đang cùng với phe nổi dậy tìm kiếm trong hàng trăm km đường hầm xuất phát từ thủ đô.

Giới truyền thông đang quan tâm tới tuyên bố của cựu Tổng thống Croatia Stipe Mesic, người có mối quan hệ khá mật thiết với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cho biết, Tổng thống Libya từng nói sẵn sàng từ chức nếu NATO chấm dứt các cuộc không kích. Ông Stipe Mesic cho biết, nhận được thông điệp miệng từ ông Gaddafi hồi tuần trước và đã thông báo lại với các đại sứ Trung Quốc, Nga và Mỹ tại Croatia về vấn đề này hôm 22/8.

Dư luận cũng quan tâm tới thông tin của hãng AFP - các phóng viên nước ngoài đưa tin về cuộc chiến Libya đang bị lực lượng an ninh trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi cầm giữ trong khách sạn Rixos ở thủ đô Tripoli 3 ngày qua trong tình trạng bị cắt điện nước, không nhân viên phục vụ. Hơn 30 nhà báo đã bị tập hợp dưới tầng một, đội mũ bảo hiểm và mặc áo chống đạn.

3 nguyên tắc can dự của NATO

Chiều 23/8, tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ đã diễn ra cuộc họp báo về diễn biến tình hình tại Libya và các hoạt động của lực lượng này tại đất nước Bắc Phi. Người phát ngôn của NATO, bà Oana Lungescu cho biết, sự can dự của NATO trong tương lai sẽ tuân thủ 3 nguyên tắc. Thứ nhất, Liên hợp quốc và Nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya sẽ giữ vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ nhân dân Libya trong giai đoạn hậu Gaddafi và NATO chỉ giữ vai trò thứ yếu. Thứ hai, NATO sẽ không có lực lượng đóng trên lãnh thổ Libya. Thứ ba, bất kỳ vai trò nào của NATO tại Libya trong tương lai sẽ phải tùy thuộc vào tình hình thực tế ở quốc gia này.

Ngày 23/8, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cũng khẳng định, các lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã bắn 3 tên lửa Scud xuống khu vực duyên hải Misrata trong cuộc chiến hôm 22/8, nhưng không gây thiệt hại gì. Đây là lần thứ hai quân đội Libya sử dụng tên lửa Scud kể từ khi NATO tiến hành không kích xuống nước này. Mỹ cho rằng, Libya hiện nay có 240 tên lửa đạn đạo và Scud.

Vai trò của Anh, Pháp, Mỹ, EU, NATO và Liên hợp quốc sau cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến tình hình Libya thời kỳ hậu Gaddafi. Libya sẽ ra sao thời kỳ hậu Gaddafi được giới bình luận gói gọn trong 4 chữ: bất ổn, bấp bênh. Khi mới khai hỏa cuộc chiến ở Libya, không ít người đã nói, có mùi dầu phát ra từ nòng súng bởi nguồn cung dầu của Libya tuy nhỏ nhưng đặc biệt quan trọng đối với Italia, Pháp, Thụy Sỹ, Áo.

Tính tới ngày 23/8, mới có hơn 30 quốc gia trên thế giới công nhận NTC và chỉ riêng trong ngày 23/8, đã có 4 nước (Iraq, Morocco, Bahrain và Nigeria) công nhận NTC là đại diện hợp pháp của Libya. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Doha, Qatar, Phó Chủ tịch NTC Mahmud Jibril cho biết, quá trình chuyển tiếp tại Libya sẽ được xúc tiến ngay lập tức.

Ngày 24/8, Qatar tổ chức hội nghị nhằm tìm kiếm khoảng 2,4 tỷ USD viện trợ cho Libya. Ngày 23/8, Mỹ cho biết đang tìm cách giải ngân 1,5 tỷ USD trong số tài sản bị phong tỏa của Libya để giúp NTC thành lập một chính phủ bền vững và đáp ứng các nhu cầu nhân đạo. Mỹ đang cân nhắc hỗ trợ tài chính cho NTC mà không vi phạm lệnh phong tỏa tài sản khi Liên hợp quốc chưa dỡ bỏ các lệnh cấm. Giới truyền thông đưa tin, nhóm tiếp xúc quốc tế về Libya gồm Anh, Mỹ, Pháp và hầu hết các nước tham chiến đã và đang làm việc với NTC để sắp xếp một chế độ hậu Gaddafi không xảy ra hỗn loạn.

Chính phủ Libya tuyên bố, NATO đã bắt đầu các chiến dịch trên bộ, đặc biệt ác liệt hôm 21/8 - chúng tôi bị tấn công từ trên không, trên bộ và từ biển vào. Tối 21/8 máy bay trực thăng liên tục chở các lực lượng đặc nhiệm của NATO và lính đánh thuê nước ngoài như biệt kích SAS của Anh, GIGN của Pháp… tiến vào đánh phá Tripoli. Ngay từ đầu tháng 3, chính phủ Libya đã bắt được một số lính đặc nhiệm Anh, Hà Lan ở khu vực gần thành phố Benghazi.

Còn Ai Cập cũng cử hơn 700 biệt kích sang hỗ trợ quân nổi dậy. Trong khi đó Hãng RIA Novosti cũng đưa tin, có từ 300-500 lính đánh thuê đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang chiến đấu trong lực lượng bảo vệ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Lính đánh thuê được nhận 2.000 USD/ngày và họ đến cũng như rời Libya từ các sân bay quân sự nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng trung thành với ông Gaddafi.

Triệt để áp dụng chiến tranh tâm lý

Ngày 23/8, người phát ngôn Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Fadi el-Abdallah cho biết, ICC chưa từng nhận được xác nhận của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) về việc bắt giữ Seif al-Islam Gaddafi. Điều này càng khẳng định những tuyên bố đêm 22, sáng 23/8 của ông Saif al-Islam Gaddafi, con trai thứ của Tổng thống Muammar Gaddafi, người từng bị NTC tuyên bố bắt giữ - đây chỉ là trò lừa đảo rẻ tiền nhằm lung lạc ý chí chiến đấu của binh sĩ chính phủ.

NATO không ngừng rải tờ rơi xuống các khu vực xung quanh Tripoli nhằm kêu gọi binh sĩ chính phủ hạ vũ khí đầu hàng hoặc tham gia vào chiến dịch nổi dậy của phe đối lập. Có 4 loại tờ rơi được rải kín mặt đất chủ yếu nhằm vào quan chức cấp cao của chính phủ Gaddafi, lính đánh thuê, cá nhân Tổng thống Gaddafi và binh lính. Giới chuyên môn cũng đặc biệt quan tâm tới sự xuất hiện của bản dự thảo Hiến pháp mới của Libya trên mạng internet, trong đó kêu gọi thực hiện Luật Shariah của người Hồi giáo.

Ngày 23/8 (theo giờ Việt Nam), cư dân mạng thấy bức ảnh về xác chết đẫm máu của Tổng thống Gaddafi. Điều đáng nói là bức ảnh gây sốc này xuất hiện đúng thời điểm phe nổi dậy tuyên bố chiếm được 80% thủ đô Tripoli và đang truy bắt Tổng thống Gaddafi. Bức ảnh kể trên xuất hiện đầu tiên từ một trang Twitter sau đó đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, đặc biệt sau khi được đăng tải trên trang Liveleak.

Giới chuyên môn nhanh chóng khẳng định, đây là sản phẩm photoshop lấy từ bức ảnh thi thể một vệ sĩ của trùm khủng bố Osama bin Laden. Cho tới nay người ta vẫn chưa biết tung tích của Tổng thống Gaddafi và nhiều máy bay chiến đấu RAF của không quân Hoàng gia Anh cùng máy bay do thám của Mỹ và NATO đã được triển khai ở Libya để truy tìm ông.

Giới chuyên môn đề cập tới hệ thống hầm ngầm bí mật đang giúp ông Gaddafi thoát khỏi các cuộc săn lùng của NATO và phe đối lập được bố trí dầy đặc xung quanh thủ đô Tripoli dài tới hàng trăm km cùng các boongke tránh bom

Lê Tuấn Cường - Lê Quỳnh Trang (tổng hợp) - CSTC tuần số 73
.
.
.