Cuộc "đương đầu" với an ninh nội địa Mỹ của một bố vợ Mỹ

Thứ Năm, 11/02/2010, 09:07
Tôi đi Mỹ đã nhiều lần, ít là hơn tháng, nhiều cũng cỡ nửa năm. Có chặng bay, như chặng Seoul-New York,quen mặt cả mấy cô chiêu đãi viên hàng không. Quen quá cỡ nên hôm tháng tư vừa rồi gặp Lê Văn Thảo ở Hội nhà văn trước lúc cùng ông Hữu Thỉnh đi Mỹ, lão "phán" một câu không biết đùa hay mỉa: Ông Vỹ đi Mỹ thì phải gọi là "về nhà"! Nói dông dài là để nói rằng, chuyện "xáp" mấy anh an ninh Mỹ ở cửa khẩu dĩ nhiên tôi không lạ lẫm gì. Nhưng hóa ra, "dậy mà không dậy". Tôi vừa bị "bổ chửng" một cú tại biên giới Mỹ- Canada mới đây.

Đang lúc "thư giãn" giữa đợt làm việc với Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts, tôi được Nguyễn Đức Tùng ở Vancouver - Canada nói gửi ngay vé máy bay khứ hồi mời sang chơi với anh em, biết tên nhau đã lâu mà chưa gặp mặt bao giờ.Tôi lại chưa đến Canada lần nào nên vui vẻ nhận lời ngay. Tùng là bác sĩ, là nhà thơ hậu hiện đại, lại là nhà phê bình.

Theo hướng dẫn của cơ quan Lãnh sự Canada, con gái tôi đã làm hồ sơ của tôi xin visa nhập cảnh rất sớm (đơn xin vào chơi Canada 1 tuần cùng 2 ảnh chân dung, giấy mời của William Joiner Center, visa của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà Nội cấp cho phép tôi vào Hoa kỳ thời hạn 1 năm, biên lai nộp lệ phí 75 đồng Canada) và gửi ngay lên New York. Tôi nghĩ, lâu nay việc đi lại giữa người Mỹ và người Canada như trong... làng với nhau, dù mình là ngoại đạo nhưng vào Mỹ rất rắc rối mà còn vô được huống hồ "tạt qua thăm hàng xóm của họ", chắc dễ.

Hai hôm sau có giấy báo của cơ quan Lãnh sự là phải đợi hai tuần mới có kết quả! Nhưng chỉ 6 ngày sau tôi nhận được một gói đồ từ cơ quan Lãnh sự Canada. Nhưng mở bọc giấy ra, hai cha con ngẩn cả người: cả bộ hồ sơ gửi mấy hôm trước bị trả lại với hai lý do: không có tem kèm theo để họ trả kết quả và lệ phí chỉ 65 đồng chứ không phải 75 đồng! Lạ quá: thiếu cái tem mấy chục xu mà tiền họ gói ghém hồ sơ trả lại cho mình đã nhiều gấp mười lần con tem và họ không thể "linh hoạt" nhận giúp mình 10 đồng nộp quá mức. Họ "cứng nhắc" khiến mình mất thêm cả tuần chờ đợi nữa!

Hỏi Nguyễn Bá Chung, người đã ở Mỹ từ 1970, răng tụi ni cứng nhắc quá cỡ thợ mộc rứa mà không linh hoạt như ở Việt nam cho mình nhờ, Chung ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của tôi: "Không thể! Số tiền nhiều gấp mười lần con tem nhưng có quy định được phép trong giao dịch chứ không đủ thủ tục mà chấp nhận là phạm luật. Còn  chuỵên nhận "giúp" ông mười đồng, ví dụ nhân viên xử lý hồ sơ đó lẹ lẹ đút túi,  là nhận hối lộ, nhận mười đồng mà mất việc thì có mà ngu à? Còn nếu "báo cáo" công khai thì không có khoản quy định nào cho phép nhận như vậy. Mấy chuyện vặt nhưng là kỷ cương của cả đất nước đó ông à".

Một tuần Vancouver vèo cái đã hết. Visa tôi xin vô Canada chỉ một tuần, từ 20 tháng 6 và đến ngày 28 tháng 6 thì trở lại Hoa kỳ. Và phía Canada cấp phép đúng như vậy. Sở dĩ "đi như chớp" rứa bởi con gái tôi là Diệu Linh và cháu ngoại tôi là cu Lan đi ô tô từ Boston lên Montreal thăm gia đình chị bạn vào chiều 26 tháng 6, cùng lúc tôi bay chuyến tối đến Montreal.  Bịn rịn chia tay gia đình chị bạn ngay bến xe, chúng tôi ung dung thư giãn và ngắm cảnh hai bên đường xe qua. Chừng một tiếng sau xe đến trạm kiểm tra biên giới. Từ trước tới nay công dân hai nước qua lại như người trong nhà, chẳng cần giấy tờ gì đặc biệt, ngoại trừ cái hộ chiếu bình thường. Nhưng hình như hơn tháng nay, vì lý do sao đó tôi không rõ, dân hai bên qua lại bị xét hỏi kỹ hơn mọi năm. Nhưng với người ngoài như chúng tôi thì khi nào cũng phải khám đồ và xét giấy kỹ càng. Y như rằng, tới lượt tôi, cô an ninh nội địa Mỹ dầy dầy tuổi, gõ gõ máy tính, ngước nhìn tôi rồi hỏi:

- Ông có đem theo giấy mời vào Hoa kỳ không?

- Có. - Tôi thật thà trả lời và lục trong đáy túi moi cái giấy mà William Joiner Center mời tôi qua Mỹ lần này.

Cô An ninh ra hiệu mời tôi theo cô đi vào phía phòng sau cái ngách dài. Có chuyện rồi! Một cậu cao to, trẻ và đẹp trai nữa, tiếp nhận giấy tờ của tôi từ cô dầy dầy, rồi cùng một cô còn dầy dầy hơn cô kia, chắc là xếp nhỏ của đám này, chụm đầu xem mớ giấy tờ của tôi, lúc lúc liếc xéo qua tôi, rồi cậu to cao đẹp trai biến đi đâu đó chừng vài phút.  Trở lại, cậu không nhìn ai hết, phăm phăm đến cắm mắt vô máy tính bấm lui bấm tới, có lúc in ra  dung giấy dài cả nửa mét, cúi đầu vô đọc đọc khoanh khoanh chi đó. Rồi lại cắm mặt vô máy tính...

Bốn mươi lăm phút vèo qua. Mà xe chỉ dừng tối đa sáu mươi phút, ai quá hạn đó mà còn kẹt thủ tục thì xe được phép đi, một mình họ phải ở lại giải quyết. Tôi sực nhớ nhiều người cho biết, sau vụ Tháp đôi 9/11/2001, An ninh nội địa Hoa kỳ (Security homeland) có quyền ghê gớm lắm. Nghe nói các Đại sứ quán hay Bộ Ngoại giao cho phép nhập cảnh rồi nhưng đến cửa khẩu mà vì một lý do nào đó, An ninh nội địa, đôi khi chỉ từ một nhân viên xử lý như cái cậu cao to đẹp trai kia, không cho vô thì cứ phải... không được vô! Mà cậu ta vẫy cha con tôi tới rồi kia.

- Ông không được nhập cảnh Hoa kỳ mà phải trở lại Canada.

Tôi như nghe một tiếng sấm nổ đùng bên tai.

- Lý do? - con gái tôi hỏi mà mặt biến sắc.

- Giấy mời ông từ 28 tháng 3 đến 28 tháng năm, nghĩa là chương trình kết thúc ngày 28 tháng 5. Ông chỉ được ở thêm sau thời hạn đó 1 tháng, tức đến ngày 28 tháng 6, là ngày hôm nay, ông phải rời khỏi Hoa kỳ. Nhưng lúc này ông đang ở đây mà lẽ ra ông phải trở lại Hoa kỳ ngày 27 tháng 6 hôm qua để, trong một ngày, ông hoặc xin gia hạn lưu trú hoặc phải rời khỏi Hoa kỳ.

Cha con tôi ớ người. Diệu Linh vận dụng tất cả khả năng hiểu các thủ tục, giấy tờ vốn rất giỏi của mình để thuyết phục, năn nỉ. Diệu Linh gắng bình tĩnh nhưng giọng cháu không giấu nổi lo lắng. Diệu Linh trình bày các lý lẽ của tôi. Rằng cái giấy mời  chỉ có chữ ký của Đại học Massachsetts này tôi cũng đã phải nộp cho Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà nội và tôi được cấp Visa loại J1 thời hạn một năm. Tờ giấy này, có ảnh in vô hẳn hoi, lại không giá trị bằng cái giấy trắng này à? Rằng tất cả giấy tờ này tôi cũng đã nộp cho cơ quan lãnh sự Canada để xin nhập cảnh,  thì sao họ vẫn cho tôi đến ngày 28 trở lại Hoa Kỳ mà không là ngày 27? Rằng tôi có việc phải làm ở Boston giữa tháng 7 này. Rằng tôi đã vào Hoa kỳ 7 lần mà 3 lần sau này đều với visa J1(loại visa dùng cho khách mời và học giả)...

Tất cả đều được trả lời bằng cái lắc đầu. Thậm chí con gái tôi đã tức điên lên khi cậu trai trẻ cho rằng tôi đã có âm mưu nhập cảnh bất hợp pháp! Xe khách đã nổ máy.  Tôi lờ mờ nhận ra một trạng thái tinh thần không mấy ổn định của nhóm An ninh nội địa này khi tôi nhớ lại mới đây họ cùng An ninh Canada bắt cả băng nhóm "trồng cỏ" (trồng cây thuốc phiện) gần hai trăm tên mà phần đông là dân châu Á, trong đó có nhiều người gốc Việt. Sự coi thường, và cả thái độ trịch thượng, mệt mỏi khiến tắc trách, có thế bắt nguồn từ đây chăng? Tôi nói với Diệu Linh:

- Con cứ đi đi, hai nước "văn minh lịch sự cỡ siêu" này không thể quăng ba ở cái xó xỉnh biên giới lâu được.

Khi còn lại một mình, tôi gặng hỏi nếu mai hoặc ngày kia tôi có giấy mời bổ sung của Đại học Massachsetts, kèm với hộ chiếu này, tôi có qua cửa khẩu được không, thì thằng cha đẹp trai vẫn nhất mực tôi phải gặp Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Montreal làm thủ tục  xin visa mới thì mới nhập cảnh Hoa kỳ được. Tuyệt đối không có cách nào khác. Tôi mệt mỏi thực sự, khi mọi giải thích, lý lẽ, năn nỉ đều như nước đổ lá môn. Căng cứng và cứ một mực chỉ duy nhất một cách đó... khiến tôi bỗng có cảm giác cậu này đang "chơi" mình? Nó "chơi" mình để làm gì đây? Hay nó có người thân chết ở Việt Nam nên giờ nó thù mình? Thôi, đừng nghĩ vớ vẩn nữa mà... hỏng người. Tôi ngồi xoải hai chân hai tay trên băng ghế dài, thở nhẹ và sâu và gắng phớt lờ một số người Mỹ đang thực sự chú ý đến tôi, trong đó tôi vẫn thi thoảng thấy đôi ánh mắt như thông cảm. Tôi lo cho cái thân tôi đã: lấy lương khô ra nhâm nhi, phòng đường huyết tăng đột biến, trong lúc chờ xe đến đón tôi đem "trả lại" cho phía Canada xử lý tiếp.

Mười phút sau có chiếc taxi của một người Mễ tới chở tôi qua đồn Canada cách đó chừng hai trăm mét. Tay tài xế đưa giấy tờ bên Hoa kỳ cho nhân viên Canada. Năm phút sau, một cô gái tầm thước, khá trẻ, từ một phòng sau bước ra. Khuôn mặt của cô đẹp và tươi quá, không ăn nhập tý nào vẻ làm nghiêm và trang phục lính tráng chỉnh tề của cô. Cô hỏi và tôi trả lời tôi không biết tiếng Pháp. Tiếng Anh? Không đủ để nói dài dòng chuyện phức tạp. Cô cười cười rồi dẫn tôi  vào phòng của cô phía sau. Nụ cười thân thiện của cô khiến tôi đỡ mệt. Cô giải thích bằng tiếng Anh là cô nhờ nhân viên phiên dịch tiếng Pháp để hai bên tiện trao đổi tất cả vấn đề liên quan. Tôi cảm ơn. Ngay lúc đó, qua hệ thống điện thoại viễn liên, giọng một cô gái nói tiếng Việt vang lên. Giọng Nam ấm áp:

 - Tôi là phiên dịch Pháp - Việt, tôi sẽ dịch tất cả những gì nhân viên an ninh biên giới và ông trao đổi với nhau, xin ông cứ tự nhiện, cần gì ông cứ nói. Tôi cảm ơn người con gái có giọng nói dễ thương mà không thấy mặt.  Thấy "có không khí", tôi lại trình bày những ngạc nhiên của tôi trước hai lý do khiến tay an ninh đẹp trai không cho tôi trở lại Boston. Cô gái chỉ lắng nghe. Và cười. Nụ cười rất nhẹ và đẹp. Tôi "vặn" cả cơ quan nhập cảnh Canada:

- Và vì sao, Canada với Hoa kỳ như người một nhà trong công việc xuất nhập cảnh mà Canada "không biết" tôi phải có mặt tại Boston ít nhất là ngày 27  để cho tôi kẹt đúng ngày 28 mà Canada cho phép, trong lúc vẫn có trong tay giấy mời tôi của Đại học Massachusetts? Nói cách khác, Canada biết tôi quay lại ngày 28 sẽ bị "trục xuất" mà vẫn cấp phép rời Canada đúng ngày 28 là bởi lý do gì? Hay chỉ vì tay An ninh nội địa Hoa kỳ chơi xấu tôi?

- Xin ông bình tĩnh - giọng cô phiên dịch bỗng nhỏ xuống, chen ngang.

- Cô cứ dịch nguyên câu của tôi!- Tôi hăng máu cao giọng với cô phiên dịch "tàng hình".

Còn cô gái Canada vẫn lắng nghe và... cười đẹp. Rồi rót tiếp cho tôi một ly nước mát nữa. Xong, cô từ tốn:

- Tôi tin ông là một người đàng hoàng, nhưng hiện nay tình thế của ông là không vào lại Hoa kỳ được và hạn lưu trú tại Canada cũng đã hết.

Đến đây tôi mới sực nhớ là mình chỉ xin ở lại tới ngày 28 tháng 6, tức ngày hôm nay!

- Ông chỉ có thể chọn một trong hai con đường : Rời khỏi Canada để về ngay Việt Nam hoặc xin bổ sung gấp giấy tờ từ phía Hoa kỳ để trở lại Boston. Trong cả hai trường hợp, ông đều cần thời gian tối thiểu lưu trú tại Canada...

Tôi nhẩm tính, tối nay Diệu Linh đã liên hệ với Kevin và Nguyễn Bá Chung, ngày mai là thứ 2 họ lo bổ sung giấy tờ... Hy vọng 3 đến 4 ngày có giải pháp. Vậy thì chỉ cần cô gái này giải quyết cho mình ở lại đây chừng một tuần là đủ.

- Tôi cấp cho ông, ngay tại đây,  visa du lịch có thời hạn... một tháng, để ông có thời gian sắp xếp hoặc bay về Việt Nam hoặc gặp Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Montreal làm thủ tục trở lại Boston.

Tôi xuýt... toát mồ hôi mừng rỡ.

- Một tháng?!- Tôi hỏi lại.

- Ông thấy thời hạn đó chưa đủ cho ông giải quyết công việc ư?

- Không không. Cảm ơn cô rất nhiều.

Tự dưng tôi thấy chỉ cách nhau hai trăm mét mà thái độ, cung cách đối xử của an ninh biên giới giữa hai nước sao khác nhau một trời một vực. Sau khi  soạn một vài loại giấy tờ và gọi điện cho nơi nào đó, cô quay lại hỏi tôi:

- Trở lại Montreal ông sẽ ở đâu?

 Tôi cho biết sẽ ở lại nhà chị bạn vừa rời đi sáng nay. Cô xin số điện thoại nhà chị bạn tôi rồi lập tức quay máy. Nhưng mãi không có ai trả lời, chắc chủ nhật cả nhà bạn tôi đi chơi chưa về.

 - Ông có tin chắc gia đình đó sẽ đón tiếp ông và cho ông ở lại không?

 - Họ sẽ đón tôi ngay khi tôi trở lại bến xe. - Tôi tin như vậy vì Diệu Linh đã gọi điện cho cả nhà đó, chuẩn bị đón "người tỵ nạn" trở lui.

 - Ông có tiền Canada không?

- Cô hỏi điều đó để làm gì? - Tôi ngạc nhiên thực lòng. Nhưng nhìn nét mặt cô, tôi biết đây là một câu hỏi "làm việc"

- Xin ông cho biết, ông có tiền Canada không?

- Không, tôi không có tiền Canada.

- Vậy ông có đô la Mỹ không?

- Có môt ít.

- "Một ít" là bao nhiêu?

- Sáu bảy chục đô. Đi với con gái thì cần gì nhiều tiền? Nhưng an ninh Hoa kỳ khiến cha con tôi rối cả lên nên không còn nhớ gì đến tiền bạc hết.

  Cô gái mỉm cười thông cảm.

- Ông có bị bệnh gì nặng không?

- Không hề.

Tôi sực nghĩ, cô này hỏi vậy, nếu mình nói là không có xu nào và đang bị bệnh tiểu đường tip 2 mức vừa vừa… thì răng hè? Cô cho tiền dắt túi chắc?

Ngay lúc đó tôi đã lờ mờ đoán mục đích của các câu hỏi rất bếp núc đó và sau này bạn bè Canada cho biết thêm, nếu tôi khai vậy thì chắc chắn trạm biên giới này sẽ phải bảo đảm cho tôi số tiền ăn tối thiểu, và cả chỗ tạm trú nếu anh không có chỗ ở để không phải lang thang. Còn nếu anh có bệnh nặng thì họ cũng phải làm sao đó để tôi không bị nguy hiểm một khi bệnh bột phát bất ngờ. Bởi, nếu trường hợp xấu đó xảy ra, một khi điều tra phát hiện tai nạn do sự không chu đáo từ trạm biên giới này thì cô nhân viên đó và cả trạm sẽ bị kỷ luật rất nặng. Ô chà chà, dù là trách nhiệm có trong quy định tác nghiệp, nhưng quy định sao mà nhân đạo, sao quá hay vậy!

Cô gái đi vào phía trong chừng năm phút thì quay lui. Cô đưa cho tôi tờ visa du lịch và lại cười: Với giấy này, từ hôm nay ông được phép ở lại Canada hợp pháp trong một tháng. Chúc ông mọi sự may mắn. Rồi cô dẫn tôi ra phía xe khách từ Hoa kỳ tới làm thủ tục để vào Canada, trao đổi với nhân viên kiểm soát trường hợp quay lại Montreal miễn phí của tôi. Nhưng phải đợi mười lăm phút nữa mới có xe, cô kéo tôi vô phòng nghỉ phía sau phòng chờ. Và cô đứng luôn đấy đợi xe cùng tôi. Lúc đó giữa tôi và cô đã có sự thân thiện, tôi thực lòng cảm ơn những gì cô đã thông cảm với tôi, chỉ riêng chuyện tôi bực phía Hoa kỳ thì cô tuyệt nhiên không bình luận.  Cô lại chỉ cười và nói đó là trách nhiệm của cô phải làm. Tôi hỏi cô đã đi Việt nam lần nào chưa, cô nói rằng cô rất mong nhưng chưa có dịp.

- Nếu có dịp đến Huế, cô cứ gọi điện cho tôi, tôi và gia đính sẽ rất vui được đón cô và đưa cô đi thăm những gì mà du khách khắp nơi muốn đến ở quê hương tôi. Tôi đưa cho cô gái tấm danh thiếp với lòng cảm ơn chân thành.

Cô gái ríu rít cảm ơn khi cầm tờ danh thiếp và bắt chặt tay tôi. Lẽ ra tôi ôm hôn cô để cảm ơn và tạm biệt nhưng với bộ quân phục xa lạ quá nên tôi cũng "cứng" cả người luôn.  Canada nếu có gì để lại ấn tượng mạnh nhất trong tôi thì phần lớn là từ cô gái xinh đẹp và chu toàn trách nhiệm này.

Sáng hôm sau tôi tới Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Montreal. Nhân viên an ninh đưa ngay cho tôi tờ giấy ghi số điện thoại và websites dành riêng hướng dẫn cách đăng ký để gặp cơ quan Lãnh sự, chứ không "chen ngang" được. Tôi năn nỉ là tôi vừa gặp trục trặc ngay biên giới khi vào Mỹ nên cần gặp Tổng Lãnh sự quán gấp. Lắc đầu. Không có ngoại lệ. Về nhà, tôi mở ngay máy,  vô mục đăng ký giải quyết chuyện visa. Tôi tá hỏa: số người đăng ký đã kín mít đến gần 2 tháng sau! Theo lời khuyên của vợ chồng người bạn, gần sáng tôi thức dậy (đoán là khi đó chưa ai vô đăng ký) xem có ai bỏ cuộc thì "điền" tên mình vô. Không những không có ai bỏ cuộc mà số đăng ký đã kín đến 2 tháng rưỡi sau!! Vô phương cứu chữa kiểu "chánh đạo quan liêu" này rồi. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao cô gái Canada  cho tôi visa một tháng. Cô biết sự lê thê đợi lấy hẹn ở Tổng Lãnh sự quán Hoa kỳ.

Tôi đang lúng túng chưa biết bắt đầu gỡ rối từ đâu thì Nguyễn Đức Tùng và Vân Hải gọi điện từ Vancouver tới. Tùng bảo, anh nên yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam can thiệp gấp. Gì thì họ vẫn phải có trách nhiệm khi công dân mình kêu cứu chứ. Mà biết đâu nghe nói… nhà văn thì họ nhiệt tình hơn  một chút? Tôi cười trong bụng: nhiệt tình hơn chút hay ghét hơn chút vì mấy cha nhà văn mình thiếu gì cha xuất ngoại hay "thiên gia củ lấu" lắm. Còn Vân Hải thì rủ quay lại Vancouver chơi vài tuần, "tôi gửi ngay vé máy bay qua cho anh. Mua cả vé từ Vancouver về Việt Nam luôn, vứt vé từ Boston - Hà Nội! "Tội nghiệp Vân Hải. Nhưng bụng dạ mô lúc ni mà chơi với bời. Đang còn việc giữa tháng 7 ở Boston và chỉ tuần sau đã là sinh nhật 2 tuổi của thằng cu Liam, em cu Ian rồi.

Tôi thử làm theo cách Tùng bày. Cháu Diệu Lan gửi ngay cho tôi một số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của Đại sứ quán Việt NamOttawa. Tôi gửi ngay thư kêu cứu tới Đại sứ Nguyễn Đức Hùng, tham tán văn hóa - báo chí Đào Ngọc Dinh và cô thư ký Đại sứ. Ngay trong đêm, có điện thoại của tham tán Đào Ngọc Dinh và sáng hôm sau của Đại sứ Nguyễn Đức Hùng giục tôi fax ngay các loại giấy tờ mà tôi có trong tay để Đại sứ quán căn cứ vô đó làm công hàm khẩn gửi tới Tổng Lãnh sự quán Hoa kỳ tại Montreal đề nghị xếp lịch sớm nhất có thể để giải quyết cho tôi trở lại Boston.

Chẳng biết Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tôn trọng đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam đến mức nào, nhưng cảm giác ấm áp tràn ngập trong lòng vốn… lộn tùng phèo hai hôm nay của tôi. Rồi ngay chiều hôm đó, nghĩa là chỉ sau một ngày rưỡi, giấy mời bổ sung từ Đại học Massachusetts cùng một thư riêng "thống thiết" của Kevin Giám đốc William Joiner Center  gửi Tổng Lãnh sự Hoa kỳ "liệt kê" đóng góp của tôi trong việc mở ra quan hệ văn hóa Hoa kỳ - Việt Nam… Và Nguyễn Bá Chung cho biết Văn phòng Thượng nghị sĩ John Kery (người luôn bảo trợ cho hoạt động của William Joiner Center từ ngày thành lập đến nay) cũng đã can thiệp đến Tổng lãnh sự Hoa kỳ. Ôi chao, cả một guồng máy dính vô sự vụ bé tý, hoàn toàn không phải hay ho gì.

Hóa ra ở Mỹ cũng không ngoại lệ, những binh đoàn lớn luôn luôn có lý. Ngay lập tức tôi liên tiếp nhận được 5 thư điện tử của cơ quan Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Montreal trao đổi và hướng dẫn làm thủ tục trở lại Boston. Trong năm lá thư đó, có một thư hỏi "Hiện visa của ông đã bị hủy chưa?" Riêng câu hỏi này thì Nguyễn Bá Chung bình luận ngay:

 - Bọn này quan liêu! Nó chỉ cần vô mạng xuất nhập cảnh của chính nó là biết visa của anh đã bị hủy hay chưa chứ anh làm sao mà biết được!

Tôi điện thoại cho Diệu Linh nói cháu điện cho cậu đẹp trai nơi cửa khẩu Mỹ hôm nọ, có cho số điện thoại của nó,  để hỏi lại là tôi đã có giấy mời bổ sung và từ Boston người ta dặn chỉ cần giấy bổ sung này, cộng với Hộ chiếu là qua cửa khẩu được, phải như vậy không. Cậu ta trước sau như một vẫn tuyên bố là visa của tôi đã bị chính nó hủy rồi, phải xin lại visa mới!

Tôi đành trả lời Tổng Lãnh sự quán Hoa kỳ là visa của tôi đã bị An ninh cửa khẩu Hoa kỳ hủy rồi. Qua mạng, họ hướng dẫn tôi làm visa mới và cho cái hẹn ba ngày sau thì đem hồ sơ đến Tổng Lãnh sự quán giải quyết. Tôi đã làm visa vào Mỹ nhiều lần từ khi phải qua Bangkok làm visa đi Mỹ chuyến 1994 cùng với Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa khi hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến những lần làm tại Hà Nội, đủ loại visa B1,  B2 rồi J1. Và bây giờ là tại Montreal theo một mẫu mà chưa bao giờ tôi biết. Kẹt nhất là phải ép ảnh chân dung vào ngay tờ khai trên máy chứ không phải khai rồi in ra và dán ảnh vào tờ khai đó. Tôi phải nhờ Huy, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm tiến sĩ  tại Montreal đem máy đặc dụng tới tận nhà chị bạn để  chụp ảnh mới rồi ép đi ép lại trên máy, cho đến khi máy ok thì mới được khai tiếp trang sau. Tờ khai có ép ảnh đó gửi đi rồi,  mới có một giấy chứng nhận đã gửi hồ sơ và mang nó đến nộp lệ phí 131 USD tại ngân hàng đã chỉ định… Rất mất thì giờ và lắt nhắt,  tất cả chỉ vì cậu đẹp trai đã hủy visa của tôi rất ngang ngạnh. Nguyễn Đức Tùng đã lờ mờ nghi vấn sau khi hỏi về tình trạng Visa mà Đại sứ quán Hoa kỳ tại Hà nội cấp cho tôi:

 - Trên Visa không có bất cứ dấu vết nào hủy bỏ giá trị chứng tỏ nó dọa anh đó!

Tôi cũng lờ mờ nghi ngờ như thế nhưng lại nghĩ,  nhỡ trên vi sa không có dấu hiệu hủy bỏ nhưng trên mạng an ninh nó đã hủy thì sao. Nên cứ làm như nó đã hủy cho chắc ăn.  Nhưng tôi bị một cú bò đá, hơn cả bò đá nữa, khi đến Tổng Lãnh sự quán. Cô nhân viên xử lý công việc thấy tôi,  chắc đã biết trước, mà biết đâu chính cô đã thư từ qua lại mấy hôm nay với tôi,  cầm ngay xấp hồ sơ đi vào phòng phía sau. Năm phút sau, cô bước ra, nói tỉnh bơ:

 - Visa của ông vẫn còn giá trị. Ông cầm visa này cùng  giấy mời mới là qua cửa khẩu bình thường, không cần làm vi sa mới.

Đúng như Tùng dự đoán, cậu đẹp trai cửa khẩu Hoa kỳ đã bịa visa đã bị hủy để hành hạ tôi, hành hạ cả gia đình bạn bè tôi, và cả cơ quan công quyền của Việt Nam, và cả của chính nước Mỹ nữa,  suốt hơn mười ngày qua. Tất cả sự quan liêu, hách dịch, cửa quyền tệ hại không chỉ có ở các nước nghèo nàn lạc hậu mà nó vẫn ngự trị, hoành hành ngay tại quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Rứa thì chuỵện hách dịch của quyền mi tau như nhau cả ! Tối về  nhà tôi còn tức, ngồi vô bàn viết thư mà cả người vẫn bừng bừng. Bây giờ tôi không sợ chi mấy thằng cha hách dịch ở cửa khẩu nữa, mà chỉ cảm thấy tức giận ghê gớm, dù ngày mai mày có giở trò gì nữa tao cũng cóc sợ. Tôi viết thư cùng lúc gửi cho tất cả bạn bè ở Vancouver, Chung và Kevin ở Boston, Đại sứ Nguyễn Đức Hùng tham tán Đào Ngọc Dinh ở Ottawa và vợ con tôi . "Ngày mai tôi sẽ qua cửa khẩu. Với vốn tiếng Anh kém cỏi, tôi sẽ đương đầu với tệ quan liêu hách dịch và trạng thái tinh thần sợ hãi quá đáng của một bộ phận công quyền nước Mỹ. Nếu họ không thay đổi,  tôi sẽ không bao giờ vào nước Mỹ nữa!..."

Khi tôi đã ngồi ở nhà con gái tôi ở Boston, Nguyễn Đức Tùng bình luận "Mấy cha Mỹ sợ anh tẩy chay nên vội chào anh cái rụp mời vô đó nghe!".

Khi xe khách dừng ở trạm biên giới, lái xe gọi tôi vô trước. Lại ngóc ngách hôm nọ. Lần này làm thủ tục cho tôi là một tay chừng bốn mươi tuổi, râu kẽm rậm đen kịt, dáng người Mễ tây cơ. Anh ta cầm visa của tôi rẹt qua rẹt lại nơi máy. Và gật gật.

 - Ông là nhà văn à?- Anh ta bỗng quay sang tôi vừa cười vừa hỏi.

 - Tôi là nhà văn Việt Nam.

Tôi sực nhớ vụ giấy mời của Nguyễn Quang Thiều mới đây và đoán cha này dân châu Mỹ,  có khi là dân Colombia không biết chừng. Thiều được mời dự Hội thơ thế giới ở Colombia. Hôm qua cửa khẩu trời mưa tầm tã, giấy tờ quan trọng để nhập cảnh bị ướt nhèm, chẳng còn đọc ra cái gì cả. Cậu an ninh cửa khẩu lật lui lật tới, dí mắt vô sát tờ giấy vẫn không đoán được nội dung. Vậy là Thiều mở máy nói tiếng Tây Ban nha véo von,   về Hội thơ và mình là đại diện của Việt nam vinh dự được tham dự Hội thơ Colombia vĩ đại này. Rồi Thiều rút trong ngực ra một tờ báo của Colombia đăng mấy bài thơ cùng bức ảnh râu rậm và nét mặt cũng rất chi là Colombia của Thiều. Thiều huơ tờ báo xoẹt qua xoẹt lại như múa kiếm sắc trước mặt mấy cậu an ninh biên giới. Cả đám cầm lấy tờ báo và ồ lên sung sướng như gặp được thần linh hạ giới. Cả nước Colombia mấy ngày nay đang như phát điên phát rồ lên vì cả thế giới đang dành riêng cho họ gần như tất cả hương thơm ,  tinh túy của loài người. Vậy chi mà họ không điên lên vì tự hào. Cả đám an ninh biên giới không những không vặn vẹo giấy tờ lèm nhèm của Thiều mà còn cảm ơn Thiều đã đến với Colombia cùng tất cả hương thơm tâm hồn của mình. Và ngay sau đó Thiều đã "lãnh đủ" sự điên cuồng này của dân Colombia. Dưới trời mưa tầm tã,  hàng ngàn người đứng nghe đọc thơ suốt… 5 tiếng đồng hồ! Thiều tới nơi chưa kịp về khách sạn, chưa có chút gì trong bụng, đã phải ra ngay quảng trường thơ. Trong mưa rét,  trong quặn réo của cái bụng rỗng. Cả những cơn run lạnh buốt. Và Thiều xuýt chết xỉu trong tình yêu thơ ca bất diệt đó.

Tôi ngẫm chắc cha an ninh hôm nay cũng là dân Colombia nên lão mới cười vui hỏi tôi có phải nhà văn không. Rồi hỏi tôi đến Boston thì ở đâu,  tôi nói nhà con gái tại…Lão xua tay,  bảo hỏi thăm vậy chứ không cần biết cụ thể. Rồi lão trả lại tôi tất cả giấy tờ

- Chúc anh may mắn- lão cười và bắt tay tôi.

- Chào anh bạn Colombia!

- Anh biết tôi là Colombia à?

- Nhìn anh tôi đoán là dân Colombia rất trọng văn chương!

- Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!- Lão Colombia toét miệng cười thật rộng, vẫy tay chào tôi.

Đi vài bước ra phía xe khách,  tôi vô tình xáp cậu đẹp trai trốn đâu hồi giờ mới thấy. Tôi không cần lịch sự nữa, độp  một câu:

-         Mày không tốt ! Mày làm tao quá mệt!

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (CSTC Xuân 2010)
.
.
.