Cuộc sống mới của người đàn ông từng muốn con mình biến mất!

Thứ Hai, 27/06/2011, 17:15
"Muốn con mình chết có phải là tội ác hay không?". Đã nhiều năm nay, ông ám ảnh cắn rứt chính mình vì câu hỏi ấy. Con gái ông đã quá hư hỏng khi lạnh lùng vuột khỏi vòng tay cha mẹ và tham gia những nhóm bạn đua đòi, đầu gấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đã biết bao lần ông giận con và hận đời đến nỗi chỉ muốn giết nó đi rồi tự tử cho nhẹ lòng…

Dẫu sao, cho đến bây giờ, ý muốn đó vẫn chỉ nằm trong suy nghĩ của ông, trong cái đầu bao năm nay không được thanh thản. Có những ngày tuyệt vọng quá, ông đã nằm nhà và nghĩ ra những cách chết nhẹ nhàng nhất để dành cho con và cho mình. Vợ ông đã bỏ đi theo một người đàn ông khác khi con bé mới vào lớp 1. Ông đã một tay nuôi nó lớn lên mà không đi bước nữa. Chỉ có đứa con gái duy nhất, vậy mà ông đã làm hỏng nó, ông còn biết trách ai, ông còn thiết sống làm gì?

Con gái ông năm nay mới 16 tuổi. Cái tuổi tròn trịa, đẹp đẽ như trăng rằm mà ai cũng luyến thương. Cũng bao năm nay ông lẻ bóng, bận bịu mưu sinh và chật vật nuôi con lớn lên. Ông đã cố quên đi hạnh phúc riêng tư của chính mình, ông chỉ không cưỡng được đôi khi phải lòng một ai đó, nhưng ông không đủ can đảm để đưa một người phụ nữ về nhà làm mẹ kế của con. Ông sợ cái ông tưởng là hạnh phúc của mình biết đâu lại làm con gái hoặc chính mình tổn thương, ông sợ đến lúc đó, ông không thể chuyên chú lo cho con được nữa. Thêm vào đó, nỗi ám ảnh bị đàn bà phản bội khiến ông không thể hết lòng yêu thương ai khác. Đôi khi nghĩ ra là con mình cũng là con gái, rồi nó cũng sẽ trở thành một người đàn bà, ông vừa thương vừa sợ, lại vừa lóe lên những tia căm hận.

Nhưng vượt trên tất cả, ông vẫn thương con. Thế nên khi nó bỏ ông ra đi, ông lại thêm phần suy sụp, mọi hi vọng, mọi chỗ để bấu víu đều đã mất. Nó đi nhưng không đi hẳn, nó biết ông còn thương nó, không dám làm nó đau, nên cứ hết tiền hay mỏi mệt, nó lại trở về nhà ngủ như chưa bao giờ được ngủ, rồi hết xin tiền ông lại thó cái nọ, nhấc cái kia trong nhà đem đi bán. Đã bao nhiêu lần ông rớt nước mắt khuyên nhủ nó mà không ăn thua. Ông cũng đã dùng roi vọt để đánh nó, trừng phạt nó nhưng nó vẫn không suy suyển. Con bé đã thực sự trở thành con ngựa bất kham mà ông không tài nào quy phục được nó.

Khỏi phải nói cuộc sống của ông tăm tối, bức bối và tuyệt vọng như thế nào. Những lúc con bỏ đi, còn lại trong nhà một mình một bóng, ông chỉ biết lặng lẽ khóc thầm. Một người đàn ông luống tuổi khóc thầm trong ngôi nhà hiu quạnh, tưởng chẳng có cảnh nào cô liêu buồn bã hơn. Những lúc ấy, ông cứ nhớ về tuổi thơ ông, rồi lại nhớ về những ngày con gái ông còn đủ cha đủ mẹ. Tuổi thơ bao giờ cũng lung linh đẹp đẽ, nó cứu rỗi linh hồn ông, khiến cho ông chìm trong những phút giây hồi tưởng dịu dàng. Chỉ những lúc như thế, cuộc đời hình như mới nương tay cho ông.

Ngày nào con đi biền biệt là ông khó ngủ ngày ấy. Ban đầu ông tìm mọi cách liên hệ với con, đưa nó về, nhưng con bé cũng tìm đủ mọi cách để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của bố. Nó dám làm thế và làm được như thế bởi vì xung quanh nó là những đứa bạn đầu gấu không biết e sợ một thứ gì. Bị bọn chúng lôi kéo, được bọn chúng bảo bọc, con bé những tưởng đó mới là gia đình của nó. Nó bảo, chỉ có bạn con mới hiểu được con, bố chẳng hiểu cái gì cả. Con ghét bố! Có những lúc nó đã hét lên như thế, ánh mắt vằn lên giận dữ rồi chạy ào ra đi.

Chỉ học được đến lớp 10 là con bé tự ý nghỉ. Nếu nó không tự ý nghỉ thì nhà trường cũng sẽ đuổi học vì những thành tích bất hảo của nó. Trốn học, đến lớp không ghi bài, về nhà không làm bài tập, trong lớp thì nói chuyện riêng, ra chơi thì tụ tập nghịch ngợm… bao nhiêu tội của con bé là bấy nhiêu lần cô giáo nó gọi đến cho ông, đến tận nhà nói chuyện với ông. Nhiều lần như thế, nhà trường cũng không thể chấp nhận được nữa. Con bé nghỉ học, đồng nghĩa với việc nó chính thức bước chân vào chốn "giang hồ". Nó yêu đương liên miên, ăn mặc không ra thể thống nào, nó vô lễ và bất cần mọi sự. Với nó, gia đình chính là lũ thanh niên mới lớn hư hỏng suốt ngày tụ bạ bàn chuyện chơi bời.

Đầu tiên, ông cũng cố tìm hiểu về lũ bạn của con, đến gặp gia đình của chúng để nói chuyện với bố mẹ của những đứa tiểu yêu ấy, nhưng sự thể cũng chẳng đi đến đâu, khi hầu hết họ đều là những ông bố bà mẹ suốt ngày mải miết kiếm tiền hoặc đâm đầu vào rượu chè cờ bạc.

"Loạn, loạn hết cả rồi. Điên, điên không còn thuốc chữa". - Ông đau khổ nghĩ thầm như thế mỗi khi thất bại trở về sau những nỗ lực tìm kiếm các phụ huynh để nghĩ cách cứu vớt đám con cái hư hỏng. Trong khi đó thì chúng vẫn nhong nhong như ngựa vía không biết ở nhà nghỉ hay quán bar nào. Đời ông, ông có bao giờ ngờ lại có những ngày như thế. Đã đôi lần ông định bỏ xứ mà đi. Đằng nào cũng không thể giữ con được, không quản được nó thì thà rằng bỏ đi cho khuất mắt trông coi. Nhưng rồi ông lại không đủ can đảm. Ông lại sợ một ngày nó về nhà và chẳng còn căn nhà xưa cho nó tá túc. Cùng với nỗi sợ đó, ông âm thầm nuôi hi vọng, ông hi vọng rằng đến lúc nào đó, nó sẽ hồi tâm chuyển ý, từ bỏ con đường lầm lạc.

Thế rồi niềm hi vọng của ông đã thành sự thật. Một ngày, con gái ông trở về, đôi mắt thâm quầng trên gương mặt thiếu ngủ xanh xao, làn da bủng beo không thể tưởng tượng được đó lại là của một đứa con gái trẻ. Nó nhào vào nhà và phủ phục xuống dưới chân ông. Nó xin ông tha thứ. Nó xin ông hãy thương nó, cứu nó, để nó làm lại cuộc đời. Nó bảo bạn bè của nó đã bị bắt tạm giam trong một đợt truy quét tệ nạn xã hội khi đang say sưa "đập đá" trong một nhà nghỉ. Hôm đó nó ốm nên không chơi, chỉ nằm trong góc nhà. Biết tin "chúng bạn" bị sa lưới, nó đã cố sức tàn lết về nhà để quỳ xuống trước mặt bố, xin bố giúp nó thoát khỏi cảnh đời sa đọa.

Dù sao thì con cũng đã về. Hai giọt nước mắt chứa đầy tuyệt vọng đã trào ra khỏi đôi mắt của ông. Ông đã đi qua cơn tuyệt vọng rồi, ông không còn muốn giết con và muốn giết chính mình nữa. Ông quyết tâm phải cứu con một lần sau cuối.

Sau hôm đó, khi con đã trở về, ông bán ngôi nhà cũ và hai cha con chuyển tới sống ở một thị trấn yên bình ở Lâm Đồng. Ông mua một ngôi nhà nhỏ và một khoảnh vườn. Hai cha con cùng trồng hoa. Trong những luống hoa đó, ông yêu thích nhất những cây hoa hướng dương. Mỗi lần nhìn cây, ông lại nghĩ tới những đóa hoa vàng rực rỡ, vươn mình về phía mặt trời.

Ông không phải là người quá sâu sắc, ông cũng không được đọc nhiều sách này truyện nọ. Trước đây, ông chỉ là một công nhân in, không phải là trí thức biết nhiều hiểu rộng, nhưng ông dễ dàng nhìn thấy một sự sống đang ngày một tươi tắn hơn với bố con ông. Ở nơi bình yên này, con gái ông và chính ông sẽ được chữa trị những tổn thương trên cơ thể và trong tâm hồn. Một ngày, con gái ông sẽ phục hồi sức khỏe và tinh thần của tuổi trẻ. Ông vẫn tin như thế. Cuộc đời của ông chưa bao giờ bình yên và nhiều niềm vui như những ngày này

Ban Mai (ghi) (số 46)
.
.
.