Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3: Cũ, già và "nặng nợ" 1.000 năm

Thứ Sáu, 31/12/2010, 15:00
Kéo dài 3 năm (2006 - 2009), tiêu chí cập nhật: Chào mừng Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi, lại phải "cạnh tranh" với những đợt vận động sáng tác đầy danh giá khác diễn ra cùng thời điểm, nhưng cuộc thi vẫn nhận được 247 tác phẩm của 245 tác giả tham dự, chứng tỏ, giấc mộng văn chương không chỉ thuộc về số ít.

Tay bắt mặt mừng, ngập tràn hoa và những khuôn mặt phấn chấn, như thường lệ, lễ trao thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 do Hội Nhà văn Việt Nam đăng cai diễn ra trong niềm vui, sự hoan hỉ của cả người được giải lẫn không được giải, dù đã trễ hẹn tới gần năm trời.

Giải thưởng: Muộn 12 tháng

Tháng 6/2009, Ban tổ chức Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 đã họp phiên đầu tiên, thông báo 51 tác phẩm được chọn vào chung khảo. Lúc đó, nhà văn Lê Minh Khuê, Trưởng ban sơ khảo phấn chấn tiết lộ, cuộc thi đã có sự hiện diện của khá đông cây viết trẻ. Các tác giả, hào hứng mở rộng biên độ đề tài, ngoài mô típ quen thuộc như chiến tranh, nông thôn, thì những tranh cãi của lịch sử và đặc biệt, những xung đột gắt gay, có phần nhạy cảm ngay trong cuộc sống đương thời cũng được thẳng thắn đề cập tới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội đồng chung khảo hứa, các giám khảo sẽ chấm thi nghiêm túc, cẩn trọng, theo sát quy định để sớm trao giải. Lễ trao giải đã được lên lịch, vào cuối năm 2009, hoặc muộn nhất là đúng dịp ngày thơ Việt Nam, tháng giêng năm Canh Dần, khi tiết xuân còn dâng đầy, bảng lảng.

Các nhà văn được giải C trong lễ trao giải.

Thực tế diễn ra trái ngược hoàn toàn với dự định ban đầu. Trung tuần tháng 12/2010, đúng lúc các đơn vị liên quan đã nhóm họp, tổng kết, rút kinh nghiệm mọi hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban tổ chức mới chính thức công bố giải thưởng. Nhiều nhà văn có tác phẩm vào chung khảo gần như quên bẵng cuộc thi, tâm trạng háo hức chờ đợi đã bị cùn mòn, hao tổn theo sự "câu giờ" của Ban tổ chức.

Lý giải cho việc quá ì ạch, muộn mằn trong quá trình chấm giải, Ban tổ chức phân bua, vì có quá nhiều tác phẩm trong danh sách chung khảo, nên không dễ để các thành viên Hội đồng đọc vừa nhanh, vừa nghiền ngẫm lại vừa phải chính xác, công tâm. Không hề giản đơn để một người, cùng lúc "ngốn" hết 51 cuốn tiểu thuyết, trong trạng thái rạch ròi phân tích, săm soi, và đối chiếu chứ không thuần túy thưởng thức. Hơn nữa, hầu hết các thành viên Hội đồng chung khảo ôm đồm quá nhiều việc, kiêm nhiệm quá nhiều trọng trách trong cái năm quá đặc biệt, quá nhiều sự kiện lớn đồng loạt diễn ra, nên đương nhiên, thứ tự ưu tiên đã không đến lượt Cuộc thi tiểu thuyết.

Thêm vào đó, để Cuộc thi tiểu thuyết lẽ ra chỉ trong giới hạn thời gian 2006-2009 đã kéo sang thành 2006-2010, Ban tổ chức còn muốn gắn với dấu mốc 2010, gắn với sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho hoành tráng, lưu dấn ấn. Tổng trị giá tiền thưởng của cuộc thi (gồm 1 giải A: 35 triệu đồng/giải, 3 giải B: 25 triệu đồng/giải và 10 giải C: 15 triệu đồng/giải) đã được tài trợ từ Văn phòng Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tác giả trẻ… thất sủng

Đối lập với những hồ hởi hơn một năm trước của Trưởng ban sơ khảo, rà soát danh sách các tác giả giành giải, khó kiếm được cây bút nào trẻ và mới. Nhà văn bây giờ, được coi là trẻ, thì cũng đều thuộc lứa 7X, tuổi suýt soát 40. Lứa nhà văn 7X, 8X, ít nhất đã có một vài tên tuổi đang "hot" trên văn đàn lọt được vào chung khảo, tạo nên hy vọng cho những người mong muốn một luồng gió mới thổi tới các giải thưởng thuộc hàng chính thống nhất của văn chương.

Nhưng, Nguyễn Đình Tú với "Nháp", Đỗ Tiến Thụy với "Màu rừng ruộng", Nguyễn Văn Học với "Rừng héo", Kiều Bích Hậu với "Xuyến chỉ xanh", Đặng Thiều Quang với "Bóng giai nhân"…, lần lượt bị "nốc ao" khỏi đích đến. Tất cả những nhà văn U40, U30 đều trắng tay với giải thưởng. Dư luận cho rằng, hoặc trị giá giải thưởng lần này ra tấm ra món (vì gắn với Đại lễ 1.000 năm), hoặc chưa thực lòng cởi mở, bao dung với người trẻ, nên Hội đồng chung khảo đã thiếu quyết đoán, dè dặt lòng tin vào thế hệ sau mình.

Bìa tiểu thuyết Hội thề và bìa tiểu thuyết Quyên.

Công bằng mà nói, có những tác phẩm trong số vừa kể ở trên, đặt bên cạnh một vài cuốn được giải, phần nào nhỉnh hơn về độ hấp dẫn, và sự tìm tòi, đổi mới trong bút pháp tiểu thuyết. Tác giả 7X duy nhất "lọt" vào tầm ngắm của Hội đồng chung khảo là nhà văn Thiên Sơn với tiểu thuyết "Dòng sông chết", được nhận giải C. Bởi vậy, giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần 3, vẫn chỉ là sự góp mặt của những tên tuổi đã thành danh, nhiều năm lăn lộn trên luống cày chữ nghĩa và tạo được chỗ đứng riêng cho mình. Các nhà văn Nguyễn Quang Thân (Giải A với Hội thề), nhà văn Nguyễn Quang Hà (Giải B với Vùng lõm), nhà văn Bùi Bình Thi (Giải C với Xiêng khoảng mù sương), nhà văn Y Ban (Giải C với Xuân từ chiều), nhà văn Đỗ Minh Tuấn (Giải C với Thần thánh và bươm bướm)… đều hơn một lần đăng quang trong các cuộc đua tài. Rốt cục, Hội đồng chung khảo vẫn cầu viện sự an toàn, để không khí hội hè mang âm hưởng Đại lễ 1.000 năm được trọn vẹn, xuôi chèo mát mái.

245 tác giả với 247 tiểu thuyết tham dự, 51 tác phẩm vào chung khảo, 14 tác phẩm được tặng giải, cuộc thi đã có mùa vụ "bội thu", như nhận định của Chủ tịch Hội đồng chung khảo, nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhìn từ những con số thống kê, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng hùng hồn tuyên bố, tiểu thuyết chưa chết, tiểu thuyết không thoái trào như nỗi niềm âu lo mà những người bi quan xưa nay hay bày tỏ.

Nhà văn Đỗ Minh Tuấn cũng chia sẻ: "Cách đây gần 40 năm, tôi đã viết tiểu thuyết. Nhưng nếu so sánh, cách viết bây giờ thay đổi nhiều, không "comple nghiêm chỉnh" như trước mà "làm xiếc" và đi vào những vấn đề cao hơn, tìm mọi cách hấp dẫn độc giả, dù chỉ ở một trang văn. Độc giả đã thay đổi, cách đọc của họ cũng đổi khác. Họ không đủ thời gian đăm chiêu ngẫm ngợi mà có thể chỉ "liếc qua" một trang sách, nhất là khi quyển sách đó đặt cạnh hàng trăm cuốn sách khác"... Bởi vậy, cái còn lại với văn chương, không phải số lượng, mà chính là sự tồn tại dài lâu trong tâm tưởng độc giả, và những ám thị sâu xa mà nó đem lại, cho đương thời.

Tiếng nói người trong cuộc:

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội đồng chung khảo: Từ năm 1998 tới nay đã có 3 cuộc thi tiểu thuyết diễn ra. So sánh số lượng tác phẩm trong mỗi kỳ, ai cũng thấy lạc quan. Năm 1998, ở lần thứ nhất, có 176 tiểu thuyết tham dự. Năm 2002, lần thứ 2, có 200 tác phẩm gửi về cho Ban tổ chức. Lần này, số lượng đã vượt trội. Cuộc thi giúp phát hiện nhiều cây bút ở mọi lứa tuổi. Các cây bút đã dũng cảm thử sức ở một thể loại đòi hỏi tài năng, vốn sống và độ tập trung cao. Dù viết về lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống thời kì đổi mới thì thông điệp quan trọng nhất mà các tác phẩm truyền tải chính là việc xây dựng, khẳng định những giá trị đạo đức, tinh thần luôn trường tồn… Điều đó chứng tỏ, tiểu thuyết không bao giờ chết, cũng như văn chương sẽ mãi tồn tại như bằng chứng về sự thăng hoa của đời sống con người.

Nhà văn Bùi Bình Thi - Tác giả "Xiêng khoảng mù sương" được giải C: Tôi không có cảm giác gì khi đón nhận thông tin mình được giải, bởi trước đó, "Xiêng khoảng mù sương" đã nhận được nhiều giải thưởng khác. Có hay không có giải, giải A hay giải B, giải C tôi cũng không lăn tăn nghĩ ngợi nhiều. Điều quan trọng nhất với tác phẩm, vẫn là sức sống trong lòng độc giả.

Tôi nghiệm thấy, cái còn lại lâu dài, tồn tại được với thời gian chính là tiểu thuyết lịch sử. Nếu Hội Nhà văn không chú trọng thể loại này, thì rất lãng phí. Thử xem trong quá khứ, nhìn sang văn học Trung Quốc, "Thủy hử", "Tam Quốc chí", "Đông Chu liệt quốc" đều là tiểu thuyết lịch sử đấy chứ. Nhưng thôi, ngày mai, ngày kia, người ta lại quên hết giải thưởng ngay ấy mà. Tôi chỉ biết, mình đã bỏ ra nhiều năm để thu thập tài liệu cho "Xiêng khoảng mù sương", mặc dù, chính tôi cũng mất một phần đời chiến đấu ngay tại chiến trường đó.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - Tác giả được giải B với tiểu thuyết "Quyên": Qua những cuốn mà tôi đã đọc, tôi thấy "Hội thề" xứng đáng được giải A, nhất là khi đặt trong tiêu chí chào mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Dù gì thì Cuộc thi tiểu thuyết cũng gắn mác Đại lễ rồi.

Tôi thích tầm tư tưởng của "Hội thề" mà nhà văn Nguyễn Quang Thân đề cập tới. Đấy là thái độ của trí thức với vận mệnh dân tộc. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, "dầu sôi lửa bỏng", người trí thức cũng phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, trên cả lợi ích cá nhân, trên cả tình yêu. Đó mới là cách hành xử của kẻ sĩ. Tôi chỉ ngạc nhiên là nhiều người thiếu thiện chí, cứ nói này nọ về "Hội thề". Mà, họ toàn nói những chuyện ngoài văn chương. Là người viết với nhau, cứ ẩn danh núp bóng trên các diễn đàn mạng, giấu tên giấu mặt chê bai theo kiểu đường phố, thì lạ lung quá.

Ngô Hương Sen - CSTC tuần số 39
.
.
.