Đại thi hào Nguyễn Du và rượu

Thứ Bảy, 29/01/2011, 14:24
Không mấy ai nghĩ rằng cụ Nguyễn Du cũng là người hay uống rượu, có triết lý về uống rượu, và khổ cho Cụ, vì nghèo, nhiều khi không có rượu để uống. Nếu chỉ đọc Truyện Kiều thì ta chỉ biết Cụ coi uống rượu là một niềm vui của cuộc sống, nên nói tình bạn của Kim - Kiều sau khi đoàn viên, cụ viết: "Khi chén rượu, khi cuộc cờ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên".

Xưa nay các thi nhân thường thích rượu, hình như men rượu gây men cho thơ, có rượu hồn thơ được bay bổng hơn. Bởi thế mà bầu rượu thường đi theo túi thơ, nhiều nhà thơ là đệ tử của Lưu Linh, thích uống rượu và cũng hay làm thơ về rượu. Người thường thì "tửu nhập ngôn xuất", với nhiều nhà thơ thì "tửu nhập thi xuất" cũng là chuyện dễ hiểu. Lý Bạch đời nhà Đường bên Trung Quốc, ở nước ta như cụ Tản Đà là những người không những sành thơ mà rất sành rượu. Đó là người ngày xưa, chứ ngày nay nếu kể tên các nhà thơ hay uống rượu thì e rằng báo không đủ giấy mà in.

Thế nhưng nhắc đến Đại thi hào Nguyễn Du là độc giả nghĩ ngay đến một con người tóc bạc sớm, đa sầu đa cảm, có trái tim lớn đau nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh, đặc biệt có tài thơ không ai sánh kịp… Không mấy ai nghĩ rằng cụ Nguyễn Du cũng là người hay uống rượu, có triết lý về uống rượu, và khổ cho Cụ, vì nghèo, nhiều khi không có rượu để uống. Nếu chỉ đọc Truyện Kiều thì ta chỉ biết Cụ coi uống rượu là một niềm vui của cuộc sống, nên nói tình bạn của Kim - Kiều sau khi đoàn viên, cụ viết:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du nhiều lần nói việc uống rượu của bản thân mình. Chỉ có một lần nhà thơ uống rượu để tiễn bạn trong bài Lưu biệt Nguyễn Đại Lang:

Tây phong tiêu táp phất cao lâm
Khuynh tận ly bôi, thoại dạ thâm

Nghĩa là: "Gió tây hiu hắt thổi qua rừng cây cao. Hãy cạn chén rượu biệt ly và nói chuyện tận khuya". Chỉ đọc hai câu này chúng ta không thể kết luận nhà thơ thích uống rượu được, vì rượu ở đây là chén biệt ly, uống để mà nói chuyện với nhau khi chia tay.  Nhưng đọc hai câu này trong bài Tạp thi thì rõ ràng thi nhân hay uống rượu rồi:

Thôn cư bất yếm tần cô tửu
Thượng hữu nang trung tam thập tiền

(Ở thôn quê mua rượu hoài không chán. Trong túi vẫn còn ba mươi đồng tiền). Có nghĩa là còn tiền thì còn mua, chỉ hết tiền mới chịu nhịn. Trong bài thơ tặng một người bạn, Nguyễn Du nói nguyện vọng của bạn và cũng là ý muốn của mình:

Phù thế kỷ kinh tang lỗ biến
Sàng đầu y cựu tửu doanh tôn

Nghĩa là:

Trăm năm thay đổi cuộc đời
Chỉ mong chai rượu không vơi đầu giường.

Cụ uống rượu để thay đổi dung nhan rầu rĩ của mình:"Đăng tiền đấu tửu khởi suy nhan" (trước đèn uống chén rượu cho mặt mày tiều tuỵ tươi tỉnh lên). Và khi đi đường mùa đông Lạng Sơn, Cụ cũng uống rượu để chống rét: " Nhất lộ hàn uy trượng tửu ôn" (dọc đường trời lạnh, nhờ hơi rượu mà ấm lòng).  Nguyễn Du nhiều lần nói mình thiếu rượu, trong nhà ở Hồng Lĩnh thì vò trống không, không có rượu đãi khách, khi sống tha phương thì ngay tiết thanh minh cũng không có rượu uống: "Thiên nhai vô tửu đối thanh minh".

Để hiểu thêm quan niệm của Nguyễn Du về việc uống rượu, cũng như về cuộc đời, mời các bạn đọc lại bài thơ Đối tửu (uống rượu):

Phu tọa nhàn song tuý nhãn khai
Lạc hoa vô số há thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi?
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý
Thế sự phù vân chân khả ai.

Dịch nghĩa: "Ngỗi xếp bằng tròn trước cửa sổ, rượu vào hơi say, mắt lim dim. Vô số cánh hoa rơi trên thảm rêu xanh. Lúc sống không uống cạn bình rượu, chết rồi ai rưới rượu lên mồ cho ? Sắc xuân thay đổi dần, chim hoàng oanh bay đi. Năm tháng ngầm thôi thúc đầu bạc. Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày. Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn". (theo Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính).

Đây là bài thơ duy nhất trong số 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du chỉ tả việc uống rượu. Hai câu đầu mở ra một quang cảnh: trong nhà người ngồi xếp bằng lim dim vì rượu, ngoài sân rêu hoa rụng vô số. Không phải vô tình mà nhà thơ tả cảnh hoa rụng chứ không phải hoa nở trên cây, càng không phải những nụ hoa, vì hoa rụng ngụ ý nói rằng những bông hoa vừa từ giã cuộc đời, cuộc đời của hoa thật ngắn ngủi, chuẩn bị cho người đọc nghĩ về cuộc đời của con người cũng ngắn ngủi lắm. Đây là một trong số khá ít bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du có vẻ mang chất hiện sinh, thể hiện rõ nhất ở hai câu thứ ba và thứ tư:

Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi.

Nói nôm na ra là: còn uống được thì uống đi, chứ chết rồi thì ai cho uống nữa!  Ý này ta cũng gặp trong bài Mạn hứng của tác giả:

Ninh tri dị nhật tây lăng hạ
Năng ẩm trùng dương nhất trích vô

(Đến khi về với đất rồi/ Tiết trùng dương rượu ai người rót cho).

Và cũng diễn đạt theo kiểu nôm na, thì hai câu 5, 6 nói rằng: mà đừng nghĩ cuộc đời là dài (hãy xem cuộc đời của những bông hoa kia), sắc xuân thay đổi nhanh, những cái gì thuộc về mùa xuân như chim hoàng oanh sẽ không còn nữa, thời gian sẽ đưa cái già về tận nơi.  

Chỉ đọc những câu thơ này, ta dễ nghĩ Nguyễn Du có dáng dấp chủ nghĩ hiện sinh, nhưng đọc hai câu kết:

Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý
Thế sự phù vân chân khả ai

thì biết được thực chất của vấn đề: Tác giả muốn dùng rượu để tìm quên, trước thế sự như đám mây trôi nổi thật đáng buồn, chứ không phải theo triết lý sống gấp.

Đọc những câu thơ về rượu của Đại thi hào, ta thấy Cụ lo cho khi chết rồi khi không ai cho uống rượu nữa. Thế thì, với lòng kính trọng và yêu mến một tài năng bậc nhất về văn chương, những lần viếng mộ Cụ ở Tiên Điền, Nghi Xuân, nhất là vào dịp mùa xuân, chúng ta nên đem theo ít rượu, rưới xuống mồ Cụ, như một lời mời Cụ cùng cạn chén với hậu thế.

Nhân tiện tôi xin dịch lại bài thơ Đối tửu để các bạn tham khảo.

Uống rượu

Lim dim nhấp chén bên song
Nhìn ra hoa rụng chất chồng trên rêu
Sống mà uống chẳng bao nhiêu
Chết rồi, ai xách rượu theo rưới mồ?
Thời gian giục tóc bạc phơ
Chim hoàng oanh chẳng thể chờ xuân phai
Suốt ngày chỉ muốn say thôi
Cuộc đời như đám mây trôi, thật buồn

Vương Trọng
.
.
.