10 gương mặt trẻ Công an Hà Nội

Đại úy Trần Văn Tuân: Phía sau một trận tuyến khốc liệt

Thứ Bảy, 04/06/2011, 15:41
Một buổi trưa rảnh rỗi hiếm hoi của anh chàng trinh sát trẻ, bên một góc quán nhỏ quen thuộc ở phố Tuệ Tĩnh. Đại úy Trần Văn Tuân, Đội CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an quận Hai Bà Trưng nhâm nhi chén rượu, vừa kể lại những câu chuyện của mình.

Gương mặt phong sương của đời lính trinh sát, từng vào sinh ra tử với trận chiến ma túy khốc liệt ngay trong lòng Thủ đô, khiến Tuân già đi nhiều so với tuổi. 10 năm mải mê chinh chiến, có những lúc mỏi mệt, nhưng chưa lúc nào, Tuân nghĩ mình sẽ từ bỏ cái nghề mà số phận đã chọn cho anh, dù vô cùng nguy hiểm và rủi ro.

1. Nhớ lại một năm với rất nhiều hào quang, khi Tuân được vinh danh là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của Công an TP Hà Nội năm 2010. Tuân bảo, những hào quang đến với anh rất nhanh và cũng qua đi rất nhanh. Bởi anh chưa bao giờ sống và làm việc bằng điều đó.

Chàng trinh sát trẻ, sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đông Anh, Hà Nội, nhà đông anh em, nghèo đến nỗi, từng phải đi bới khoai ngoài ruộng để kiếm ăn cho đỡ đói và học. Nhưng cũng vì nghèo quá mà quyết chí đi học để thoát khỏi nghèo. Nên, dù không phải là gia đình "nòi" như nhiều bạn bè, Tuân vẫn quyết chí thi vào Công an. Lúc đó chỉ nghĩ, là thích Công an, thế mà rồi trở thành cái nghiệp của đời mình. 

Tuân không còn trẻ nữa, gương mặt anh hằn lên dấu vết bởi những phong sương của một đời làm trinh sát. Anh không chọn ma túy, mà có lẽ nghề trinh sát ma túy chọn anh. Sự sắc sảo, nhanh trí, gan lì hiếm có giúp anh thành công trên con đường gian nan của mình.

Tuân không kể nhiều về những chiến công, bởi với anh, đằng sau những chiến công đó, là nước mắt, là nỗi đau của nhiều con người đang quằn quại vì ma túy, sống chết cũng vì ma túy. Nên có lẽ, bí quyết thành công trong việc phá án của anh, đó là ám ảnh về những nạn nhân của “cái chết trắng”. Sự ám ảnh đến nỗi, theo Tuân cả vào giấc ngủ, những cơn mộng mị. Bởi hơn ai hết, Tuân hiểu, sự hủy hoại của ma túy ghê gớm đến chừng nào.

2. Vào nghề từ lúc 23 tuổi, Tuân đã có "thâm niên" trong việc phá án ma túy. Ra trường, được điều về công tác ở một địa bàn khi xưa là một trong những điểm nhạy cảm của Hà Nội như quận Hai Bà Trưng, Tuân chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ rời bỏ vị trí.

Những tụ điểm nóng một thời, như Thanh Nhàn, ngõ Lò Lợn đều có bước chân Tuân. Mỗi lần phá án là một kỷ niệm không thể nào quên. Nhưng đó là trận tuyến mà nước mắt, nỗi đau đã đổ xuống sau những chiến công. Tuân trăn trở, "bọn tội phạm ma túy giờ có những biến thái rất tinh vi, nếu không tinh, sẽ rất khó phát hiện và truy quét được đối tượng". Những câu chuyện của anh, kể lại như một cuốn phim sống động về cuộc chiến, mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

Tuấn nhớ, vụ án đầu tiên, khi anh là lính mới về đội, một kỷ niệm không thể nào quên trong đời trinh sát của mình. Đó là năm 2001. Ngày đó, ma túy đang đốt cháy nhiều ngõ nhỏ ở quận Hai Bà Trưng, với sự hăng hái lập công của một lính trẻ, Tuân đã lao vào trận tuyến mà không màng đến hiểm nguy. Đó là chuyên án anh được giao bắt hai đối tượng, trong đó có một tên cộm cán ở Thanh Nhàn, một địa bàn nóng với hơn 300 đối tượng.

"Đã làm thì không sợ, còn đã sợ thì không làm". Bởi đối tượng rất ma mãnh, nếu không cẩn trọng có thể nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng Tuân quyết liệt phá án và anh đã thành công. Chiến tích đầu tiên đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đồng đội anh, bởi sự dấn thân và nhanh trí của một chàng lính trẻ. Nhưng Tuân khiếm tốn, "đôi khi có một chút may mắn và cơ duyên trong làm nghề thôi".

33 tuổi đời, 10 năm tuổi nghề, Tuân đã có mặt trong hàng nghìn vụ án lớn nhỏ ở địa bàn, trong đó có nhiều vụ kết hợp với Công an các quận, và Cục CSĐT tội phạm về ma túy. "Đánh án cũng là cả một nghệ thuật đấy, và có những nguyên tắc nhất định, phá được án, tôi sướng lắm. Dù nhiều khi, chả còn một xu dính túi, nhưng những thứ mình làm được thì không đo đếm bằng tiền bạn ạ".

Tuân nhớ, có lần, cách đây chừng 5 năm, trong một lần rượt đuổi tội phạm về Bắc Giang, Tuân cùng Đội phó, Đại úy Toàn, đang hóa trang thành người đi thể dục buổi sáng, không kịp về thay quần áo, vớ lấy xe máy rượt đuổi theo đối tượng khi phát hiện chúng đang đi về Bắc Giang. Tuân và Toàn đi xe Start của SYM, còn đối tượng đi Future Neo, phóng cực lướt. Trời đột ngột chuyển mùa, lạnh run cả người, chiếc xe ì ạch vượt qua con đường đèo, nhiều lúc tưởng như mất dấu đối tượng.

Đi qua đò Đông Chuyên, đường vắng, đối tượng bỏ lại Tuân và Toàn một quãng rất xa. Trời tối như mực, gió thổi hun hút. Tuân chỉ còn cách lần theo đèn pha để biết đối tượng vẫn còn. Lên một quả đồi, Tuân và Toàn co ro nằm phục mấy tiếng đồng hồ, phải cởi cả chiếc áo lót cuối cùng để đảm bảo bí mật điều tra. Khu đồi hoang vắng, lúc đó, không hề nghĩ đến những nguy hiểm đang rình rập mình. Sau này nghĩ lại, sởn cả gai ốc. Nhưng cuối cùng, kiên trì theo dõi, Toàn và Tuân đã phá án thành công. Trở về đến đò Đông Chuyên, chuyến đò cuối cùng đã rời bến.

May mà có bà con thương tình, cho đò chở qua để kịp báo cáo tình hình. Đêm càng về khuya càng lạnh, học cách tránh rét của các cụ xưa, hai anh lấy báo quấn quanh người và chạy xe về đến Hà Nội, đã 2 giờ sáng. Cả người tím lịm vì rét.

3. Năm 2009, Tuân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khi anh cùng đồng đội tham gia phá vụ án tàng trữ và mua bán trái phép 1.000 viên thuốc lắc ở địa bàn Hà Nội. Với số lượng thuốc lắc này mà trót lọt, thì hậu quả của nó sẽ khó lường đến chừng nào. Lần đó, Tuân là người lập chuyên án và chịu trách nhiệm chính. Đối tượng là hai tay chơi Hải Dương và Hải Phòng.

Để tiếp cận được chúng, anh chỉ đạo đồng đội phải hóa trang thành những tay chơi sành sỏi, những vai diễn mà anh vẫn thường phải hóa thân trong cuộc đời chinh chiến của mình. Đầu cạo trọc, râu để lởm chởm, nói tiếng lóng như một dân chơi thứ thiệt. Lân la làm quen để chúng tin, và giao hàng, thì kế hoạch bắt gọn sẵn sàng. Nhưng hai tên này rất cáo già, chúng ngủ một nơi, và thuê nhà để hàng một nơi. Đúng hẹn, có điện thoại, bỏ dở cả tiết học, Tuân cùng đồng đội lên đường.

Qua nhiều điểm hẹn khác nhau, đến điểm cuối giao hàng là ngõ Giáp Bát, hơn 800 viên thuốc lắc cùng hai đối tượng lọc lõi đã bị tóm gọn, trước sự kinh ngạc của chúng...

Lính ma túy thường xuyên phải đối diện với cái chết. Nhiều đối tượng nhiễm HIV, dùng thứ virus chết người này như một lợi thế để tấn công lại các chiến sĩ trinh sát. Tuân bảo, một trong những nguyên tắc, đối với lính ma túy, là cố gắng tránh va chạm và chảy máu. Nhưng nguyên tắc thì nguyên tắc, cuộc chiến có những tình huống quá bất ngờ, và đối tượng lại cực kỳ ma mãnh."Nhiều nghi phạm manh động có thể dùng súng, dao chống trả lại, anh em không tỉnh táo thì dính đòn ngay.

Kẻ đã nhiễm HIV lại thường cố tình dùng kim tiêm dính máu, hay cào cấu, cắn nhằm làm lây bệnh cho Công an", Tuân chia sẻ. Điển hình là vụ truy quét "chợ" mua bán và sử dụng trái phép heroin tại ngõ Lò Lợn, phố Bạch Mai năm 2007. Chuyên án thành công nhưng 3 trinh sát đã bị một số người trong đám này tấn công chảy máu.

Không chỉ đối diện với hiểm nguy, với nguy cơ nhiễm HIV, lính ma túy còn phải đối mặt với những cám dỗ của đồng tiền. Rất nhiều người đã sa ngã trước trận chiến không kém phần khốc liệt này. Bởi nếu không có bản lĩnh, và chỉ cần một phút yếu lòng, là có thể con đường của anh sẽ trượt dài. Nhưng câu chuyện của người lính trinh sát dũng cảm này, lại rất cảm động, khi anh nhớ như in, có lần, phá xong một chuyên án ở ngõ Lò Lợn, ngày đó còn là một tụ điểm nhức nhối, có một cụ già mang đến tận cơ quan anh mấy củ khoai luộc và bánh đa, bảo biếu mấy anh em trinh sát vừa đi phá án về. Câu chuyện cảm động đó khiến anh nhớ mãi.

"Nhiều lúc đi phá án xong, trong túi không còn một đồng, trước mặt là những tép hàng trắng, lúc đó mà nổi lòng tham là chết toi rồi, nên phải bản lĩnh lắm".

Trong đời phá án của mình, với hơn 1.000 vụ lớn nhỏ, Tuân không biết đã vào bao nhiêu vai diễn khác nhau. Khi là một tay nhà giàu, vào hộp đêm sành điệu như một dân chơi; khi là người nhặt rác, kẻ bán lô đề. Thôi thì đủ hạng khác nhau. Đó là những trải nghiệm thú vị, mà Tuân nghĩ, chỉ có công việc của một lính ma túy mới cho anh nếm trải những cung bậc khác nhau của cuộc sống như vậy. Có lẽ điều đó là một phần cuốn hút anh vào trận tuyến khốc liệt và nguy hiểm này.

Có khi cả tháng, không về nhà ăn cơm được một bữa với vợ con. Đôi khi thèm lắm những khoảnh khắc bình yên bên gia đình, bè bạn. Nhưng cuộc chiến vẫn còn ngổn ngang phía trước, và những người lính trinh sát nơi đầu trận tuyến như anh lại phải lên đường, gác lại những mong muốn riêng tư… Anh không nói nhiều về điều đó, nhưng nhìn sâu vào đôi mắt anh, tôi hiểu chỉ có sự hy sinh, và niềm đam mê mới có thể làm được những điều tưởng như bình dị mà vô cùng lớn lao ấy. Bởi nếu "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ biết dành phần ai".

Trời xế chiều, điện thoại lại reo, Tuân vội vàng đứng lên, có một chuyên án mới bắt đầu, và anh lại vào cuộc, bỏ lại đằng sau những mỏi mệt, những niềm vui bình dị chỉ với một niềm tin và hy vọng, cuộc chiến này sẽ có lúc dừng lại…

Hà Việt – CSTC tuần số 60
.
.
.