Đằng sau thông tin gạo nhựa, trứng nhựa, hạt đỗ nhựa: Kẻ nhiễu loạn chưa “lộ mặt”?

Thứ Ba, 01/02/2011, 14:11
Hàng loạt thông tin gây sửng sốt liên quan thực phẩm làm từ nhựa nhưng người ta lại quên rằng tính xác thực có thể chỉ 0%. Cách luận giải sau đây của Cảnh sát toàn cầu giúp bạn đọc nhìn nhận rõ hơn bản chất vấn đề và cần được quan tâm dưới góc độ an ninh kinh tế.

Hàng loạt báo cùng trích dẫn nguồn tin từ một tờ báo ở Hồng Kông (Trung Quốc) nói rằng đã phát hiện gạo làm giả từ nhựa cực kỳ độc hại. Gạo nhựa, cùng với trứng nhựa, hạt đỗ nhựa, thịt nhựa, ô mai, xí muội nhựa làm hoang mang dư luận. Ở đây, chúng tôi muốn bạn đọc nắm ở gốc gác vấn đề: tính xác thực những thông tin như vậy đến đâu và tại sao lại bùng phát kiểu "hội chứng nhựa" như vậy? Trong trường hợp này, cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định thông tin và đặt ra vấn đề gì về an ninh kinh tế? 

1. Thông tin gạo nhựa, trứng nhựa, hạt đỗ nhựa… có đủ tin cậy? Hầu hết thông tin nói hiện tượng gạo nhựa đều trích dẫn: "Một tờ báo Hồng Kông dẫn các nguồn tin không chính thức nói rằng những kẻ bất lương tại Trung Quốc sản xuất gạo giả từ khoai tây, khoai lang, nhựa rồi bán ra thị trường". Chi tiết hơn, tin cảnh báo "người ta nhào nặn bột khoai tây và khoai lang thành hình hạt gạo rồi cho thêm nhựa tổng hợp resin vào hỗn hợp đó. Do các hạt gạo giả hoàn toàn khác gạo thật nên chúng rất cứng sau khi nấu". Phần bình luận về tính độc hại, ghi: "Một quan chức của Hiệp hội nhà hàng Trung Quốc cảnh báo rằng ăn ba bát gạo nhựa sẽ tương đương với việc nhét một túi nilon vào dạ dày".

Như vậy, nguồn tin đều trích dẫn tờ báo tại Hồng Kông, trong khi tờ báo này được nói "dẫn nguồn không chính thức". Người nói về tính độc hại cũng không có tên tuổi, địa vị mà chỉ "một quan chức".  

Nguồn tin như vậy, hiển nhiên độ tin cậy quá thấp.

Trước đó, dư luận bàng hoàng về "công nghệ làm trứng gà giả" được quảng bá rầm rộ trên internet, kèm clip được coi "hướng dẫn". Nhưng đi tìm gốc gác, hầu hết báo chí dẫn nguồn từ tờ "Pháp chế Buổi chiều" của Trung Quốc ngày 27/12/2010. Tìm hiểu nguồn tin ở Pháp chế buổi chiều, hóa ra bài báo này cũng chỉ dựa vào mạng internet, nói rằng "ở Trung Quốc có rất nhiều công ty công khai quảng cáo trên mạng về việc chuyển giao công nghệ làm trứng gà giả"…

Trong khi nhiều nhà khoa học ở Trung Quốc khẳng định clip "công nghệ làm giả trứng gà" chỉ là trò ảo thuật!

Một clip trên mạng thì tính chính xác được mấy phần trăm và có thể tin được rằng, những gì trong clip đó là sự thật? Xin nhắc lại rằng, từng có clip mô tả cảnh rất rùng rợn kiểu "ăn thịt đồng loại" gây chấn động dư luận, song kỳ thực 100% clip chỉ là sự biến tấu bằng công nghệ tin học và tung lên mạng. 

Tương tự, các tin hạt đỗ nhựa, xí muội, ô mai gây ung thư, vòng lắc nhiễm kim loại chì, quần áo trẻ em chứa chất độc, bát đĩa Trung Quốc cũng… chứa chất gây ung thư! Tất cả đều thiếu sự kiểm chứng. 

2. Sự thật, có thể làm giả sản phẩm như gạo, trứng bằng nhựa hay không? Nếu làm giả, mục đích là gì và người tiêu dùng có thể bị đánh lừa? Các nhà khoa học đều khẳng định: Không thể làm giả trứng gà bằng nhựa bởi một quả trứng muốn thành hình phải cần rất nhiều chất như axit amin, magie, vôi… Trong mỗi quả trứng có lòng trắng, lòng đỏ tách biệt nhau bởi một lớp màng và dây chằng ở hai đầu để giữ cho hai lòng, tiếp đến là lớp màng bao bọc, ngoài cùng là lớp đá vôi và hàng trăm hàng ngàn lớp thoát khí. Với từng ấy công đoạn thì bất kể quả trứng giả nào cũng khó làm được. Giả sử có thì chi phí bỏ ra một trứng giả bằng hàng vạn trứng thật. Như mô tả "lòng đỏ trứng dai như kẹo cao su" thì làm sao đánh lừa được? Làm giả mà chi phí bằng vạn lần thật, lại không đánh lừa được thì làm giả để làm gì?

Tương tự, với gạo, nghịch lý ở chỗ, tin nói gạo làm bằng nhựa nhưng "sau khi được nấu chín, loại gạo này vẫn cứng như đá còn nhựa tổng hợp thì cực kỳ độc hại". Thật hài hước, mục đích làm giả là để đánh lừa hàng thật, nhưng "ăn cứng như đá", tức không thể đánh lừa được thì làm giả để làm gì khi ai cũng biết đó là gạo nhựa!

Thông tin về gạo nhựa rất có thể chỉ là “tin vịt”.

3. Vậy, tại sao lại có những thông tin gây sốc kiểu trên? Đây là lần đầu tiên xuất hiện tin gạo làm bằng nhựa. Trong khi đó, trứng làm bằng nhựa đã xuất hiện cách đây 5 năm. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ít nhất đây là lần thứ 5 rộ lên tin trứng giả Trung Quốc: lần 1 vào năm 2003; lần 2 năm 2005; lần 3 năm 2009, riêng năm 2010 vào tháng 1 và tháng 12. 

Theo dõi kỹ 5 lần tung tin trứng gà làm bằng nhựa thì tăng dần cấp độ, nếu như cấp độ 1 chỉ là tin thuần tuý thì đến cấp độ 5 thì kèm cả clip hướng dẫn làm trứng giả. Làm giả phải giấu bí quyết, đằng này lại công khai trên mạng. Từ đó cho thấy, nhiều vấn đề về an ninh đặt ra đằng sau những thông tin trứng nhựa, gạo nhựa, đỗ nhựa, thịt nhựa...

4. Tin mập mờ nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Không chỉ gây hoang mang tâm lý, hàng vạn hộ chăn nuôi điêu đứng vì tin trứng gà nhựa. Một lô gích có thể sẽ tái diễn với "hội chứng gạo nhựa" nếu không có giải thích sớm.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, bất kỳ thông tin nào nhạy cảm cũng dễ lan truyền chóng mặt và gây hậu họa lớn. Môi trường hội nhập, những yếu tố cạnh tranh phi pháp, động cơ gây hại làm bất an trong sản xuất, kinh doanh và gây phức tạp đến đời sống đều có thể xảy ra. Các vụ việc liên quan "hội chứng nhựa" nói trên cần được cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc với cách nhìn như vậy.

Người Trung Quốc nói gì?

- Giáo sư Trương Quân Dinh, Đại học Công nghệ hóa học Bắc Kinh: "Công nghệ làm trứng giả chỉ là trò lừa đảo. Làm một quả trứng giả còn khó hơn bắt gà trống đẻ trứng thật".

- Ông Châu Bảo Lợi, Phó Giám đốc Cơ quan thực phẩm và dược phẩm huyện Hối Thông, tỉnh Hồ Nam: "Một người huấn luyện làm trứng giả nói với tôi rằng công nghệ làm trứng giả chỉ là trò bịp. Những công ty đó lừa bạn bằng cách biểu diễn một hành động ảo thuật hóa học tưởng tượng".

(theo Đài CRI Trung Quốc)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không loại trừ ý đồ gây nhiễu loạn!

Bà Phạm Chi Lan: Thông tin nhạy cảm phải được kiểm chứng và trả lời trước công luận.

"Báo chí trích dẫn nguồn thông tin từ báo nước ngoài, chưa đảm bảo tính xác thực. Cơ quan quản lý nhà nước phải thẩm định và trả lời có hay không" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận sau hàng loạt thông tin trứng nhựa, gạo nhựa gây nhiễu động thị trường…

- Thưa bà, chúng tôi muốn nói tính xác thực về những thông tin đã được đăng tải ồ ạt trên báo chí: tất cả đều trích dẫn theo báo nước ngoài: trứng gà nhựa, nay lại gạo nhựa… Tất cả đều chưa được kiểm chứng?

+ Đây là thông tin nhạy cảm. Báo chí trích dẫn nguồn từ báo nước ngoài, rõ ràng đó mới chỉ là một kênh chưa xác thực. Nhưng ai có trách nhiệm thẩm định? Trách nhiệm ở đây là cơ quan quản lý nhà nước (chẳng hạn các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Có hay không có chuyện gạo giả, trứng giả, nếu có thì tính chất, mức độ ra sao, ở thị trường Việt Nam có hay không, tính độc hại đến đâu và ngăn chặn như thế nào. Còn nếu không có, chỉ là tin bịa đặt cũng phải có trả lời rõ ràng. Việc thông tin chính thống của cơ quan chức năng trong bối cảnh như vậy có ý nghĩa rất lớn, tránh những diễn biến tâm lý bất lợi…

- Ví dụ như thông tin gạo được làm từ nhựa, dưới góc độ an ninh kinh tế, bà nghĩ sao? 

+ Khi lan truyền trong dư luận rất khó lường. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc báo chí đưa tin rầm rộ nhưng cuối cùng kết quả xác minh không phải như vậy.

- Vậy theo bà, trước thông tin nhạy cảm gây hoang mang dư luận, trách nhiệm xác định thế nào?

+ Tôi cho rằng, không thể đổ lỗi cho báo chí được. Nếu phải chờ kiểm định tin có chính xác không, có đúng không rồi mới đưa cũng không phù hợp với tính nhanh nhạy, kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Khi đó, báo chí lại có lỗi với bạn đọc, có khi lại bị quy chụp là bịt thông tin. Trách nhiệm ở đây, như tôi nói, là cơ quan nhà nước, phải nhanh chóng vào cuộc, thẩm định thông tin chính xác hay không để trả lời trước công luận. Càng chậm chạp, càng gây hoang mang dư luận, tác hại nhiều mặt.

- Vấn đề đặt ra: Có hay không hành vi gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng an ninh kinh tế nhằm phục vụ cho mục đích, ý đồ tiêu cực hoặc là một chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh?  

+ Vấn đề này theo tôi cần được xem xét kỹ. Với những gì đang xảy ra, cũng chưa thể có đủ cơ sở để kết luận nhưng không loại trừ mục đích phá hoại, gây nhiễu loạn thị trường. Vì đây đang là những hàng hóa bên ngoài chứ không phải hàng hóa Việt Nam, nếu như thông tin gạo Việt Nam bị làm giả thì vấn đề sẽ khác.

- Với kinh nghiệm của bà, chuyện gạo giả có thể có hay không?

+ Tất nhiên, mọi tình huống đều phải tính đến. Nhưng gạo nhựa là khó xảy ra. Thực tế Việt Nam ta là nước xuất khẩu gạo lớn, còn đối với gạo nhập thì cũng chủ yếu nhập từ các nước khác chứ không phải từ Trung Quốc. Có điều, vì nhiều loại thực phẩm nhập từ Trung Quốc có chất lượng không tốt (ví dụ như các lô hàng gia cầm, gia súc nhập lậu chứa hóa chất bảo quản - PV) nên người tiêu dùng thường nhạy cảm với những thông tin như vậy.

Phan Trường - CSTC tuần số 44
.
.
.