Đạo diễn Victor Vũ: Bị nghi là "đạo phim"

Thứ Ba, 15/02/2011, 12:59
“Tôi rất buồn. Nhưng khán giả có quyền có ý kiến và phê bình cũng như người làm nghệ thuật có quyền bảo vệ những gì họ tin là tác phẩm của họ. Tôi chấp nhận vì đây là một phần, là cái giá của nghề đạo diễn…” - đạo diễn Victor Vũ chia sẻ.

Victor Vũ có lẽ là đạo diễn Việt kiều thành công nhất khi quyết định về nước lập nghiệp. Ngay từ khi phim "Oan hồn" (Spirits) tạo được tiếng vang ở nước ngoài thì một đơn vị phát hành phim trong nước muốn nhập về chiếu nhưng không qua được khâu kiểm duyệt, đó là năm 2006. Hai năm sau, Victor chính thức về nước và tạo được tiếng vang với "Chuyện tình xa xứ".

Và cũng từ đây, những rắc rối bắt đầu nảy sinh mà đỉnh điểm là "Giao lộ định mệnh" - bộ phim bị giới truyền thông kết án là đạo ý tưởng của một phim Mỹ. Buổi trò chuyện đầu năm giữa vị đạo diễn này và tôi không phải để phân minh trắng đen, chỉ đơn thuần là một buổi gặp nói về những dự định, những kế hoạch và cả phim Tết "Cô dâu đại chiến" vừa đạt doanh thu gần 18 tỷ đồng (tính đến hết ngày 9/2) tại các phòng vé.

Thế nhưng, câu chuyện cuối cùng cũng lại vòng về "Giao lộ định mệnh" để Victor Vũ kết thúc bằng một câu: Tôi rất buồn vì những chuyện xảy ra. Khán giả có quyền có ý kiến và phê bình cũng như người làm nghệ thuật có quyền bảo vệ những gì họ tin là tác phẩm của họ. Tôi chấp nhận vì đây là một phần, là cái giá của nghề đạo diễn.

Tôi thích sự đa dạng trong cách làm phim

- Hãy bắt đầu bằng phim Tết nhé! Tôi thấy Huy Khánh khá hợp vai và lại thấy một cách làm phim quen thuộc của anh là để nam nhân vật chính đối thoại với khán giả, có điều gì mà cuốn hút anh đến vậy trong cách làm phim như thế?

- Đây cũng chỉ là một cách kể chuyện trong nhiều cách kể chuyện mà đạo diễn được phép lựa chọn mà thôi. Phong cách kể chuyện này khá thông dụng nhất là trong các phim nước ngoài như là phim của Woody Allen.

- Cách làm phim đó có thể rất hứng thú nhưng nó cũng đặt một áp lực lên diễn viên bởi nếu không khéo thì những yêu cầu về diễn xuất có thể biến diễn viên thành "trò hề" trong mắt người xem…

- Không phải đến "Cô dâu đại chiến” mà trước đó "Chuyện tình xa xứ" tôi cũng đã xây dựng bộ phim của mình theo phong cách này trong vai diễn của Bình Minh và cũng đã đạt một số thành công nhất định. Tôi cảm thấy thích thú với phong cách này, do vậy, trong "Cô dâu đại chiến" tôi đã sử dụng một lần nữa với vai diễn của Huy Khánh nhưng được phát triển sâu sắc và thú vị hơn.

- Được biết, "Cô dâu đại chiến" được coi như màn "chữa cháy" sau khi dự án "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt" của Vũ Ngọc Đãng bị hoãn, cảm giác của một người "thế thân" sẽ như thế nào nhỉ?

- Đây là lần đầu tiên tôi nghe về việc "thế thân". Thật ra tôi đã bắt đầu dự án "Cô dâu đại chiến" với Saiga Films từ khi làm hậu kỳ cho "Giao lộ định mệnh" để có thể kịp ra mắt vào 30 tháng 4 năm 2011. Sau đó tôi nghe Saiga Films thông báo về việc hợp tác với BHD để phát hành phim này trong dịp Tết 2011. Có thể BHD mong muốn hợp tác vì phim của Vũ Ngọc Đãng bị hoãn. Tôi ủng hộ và rất vui với việc hợp tác này vì thể loại phim "Cô dâu đại chiến" phù hợp để ra mắt vào dịp Tết.

Tôi yêu sự trải nghiệm…

- Nhìn vào một số phim anh làm gần đây, tính từ "Chuyện tình xa xứ" cho đến "Giao lộ định mệnh" và mới nhất là "Cô dâu đại chiến", có thể thấy anh đã thay đổi và đa dạng hóa cách làm phim của mình rất nhiều. Tôi nói thế bởi vì trong "Oan hồn" anh đã sử dụng cách kể chương hồi với 3 phần rõ ràng nhưng liên kết rất chặt với nhau trong toàn thể bộ phim. Cũng đã đến lúc "miếng cơm manh áo" lên tiếng để xếp lại những thử nghiệm của anh?

- Những cách làm phim khác nhau cũng chỉ là những "phương thức" kể chuyện khác nhau mà thôi. "Oan hồn" bản thân nó là một kịch bản tốt, được xâu chuỗi liền mạch nên cách kể đó hoàn toàn hợp lí và đủ sức thuyết phục. Với những bộ phim sau này vì thể loại và cốt truyện phim thì cách làm phim đó không thực sự phù hợp. Với lại tôi cũng muốn thử sức mình ở những thể nghiệm mới chứ không chỉ bó gọn vào một cách nào đó. Nếu bạn nhìn lại tất cả các phim tôi đã thực hiện, bạn sẽ thấy mỗi phim là một thể loại khác nhau. Tôi yêu làm phim chứ tôi không yêu một thể loại hay một phong cách nhất định.

Victor đang chỉ đạo quay phim “Cô dâu đại chiến” và trong buổi ra mắt bộ phim.

- Thế thì tôi lại phải nhắc lại trường hợp của "Buổi sáng đầu năm", đó không phải là một phim quá xuất sắc nhưng sự thực là nó mang lại một cảm giác trong trẻo và tinh khôi cho người xem, điều mà sau này những tác phẩm của anh gần như "mất sạch". Không nói chuyện nội dung hay thời điểm anh làm phim mà tôi chỉ nói cách mà anh "thả" cảm xúc của mình qua những tác phẩm mà anh gây dựng. Có đúng là nó đã thay đổi?

- Mỗi phim là một bước phát triển và cũng là một bài học kinh nghiệm trong nghề làm phim của tôi. Những phim đầu tay như “Buổi sáng đầu năm” và “Oan hồn” cũng như các  phim khác mà tôi đã làm gần đây, mỗi phim đều có nhiều khán giả khen cũng như nhiều lời phê bình. Đó là tùy thuộc vào cảm nhận và sở thích của từng khán giả. Tôi làm phim theo cảm xúc và cảm hứng mà cảm xúc và cảm hứng thì luôn thay đổi theo thời gian. Tôi rất thích phong cách kể chuyện 3 phần của "Oan hồn" và thể loại tâm lý, bi kịch của "Buổi sáng đầu năm". Biết đâu đó, một trong những phim sắp tới của tôi sẽ là sự kết hợp của phong cách và thể loại của cả 2 phim này.

- Cũng nói về "Oan hồn", tôi thấy trong phim có một số diễn viên thường xuyên cộng tác với anh ở giai đoạn đầu như Catherin Ai, Kathleen Lương, Tuấn Cường và giờ đã không thấy họ xuất hiện trong những phim sau này của anh. Vì sao vậy?

- Catherin Ai và Kathleen Lương giờ đã không còn mặn mà gì với phim ảnh. Những diễn viên này rất có tài và đã có một thời rất đam mê, do vậy nếu họ muốn trở lại với điện ảnh thì tôi sẵn sàng hợp tác lần nữa. Tuấn Cường với tôi vẫn giữ liên lạc và tôi đang chờ đợi những cơ hội được hợp tác cùng người diễn viên mà tôi đánh giá cao này. Có thể là phim tới chăng (cười).

Phán quyết cuối cùng thuộc về khán giả

- Khi bài báo này đến với bạn đọc, tôi biết rằng những thông tin về "Giao lộ định mệnh" và nghi án "copy" của anh đã được những luật sư bên Mỹ giải quyết xong. Những uẩn khúc quanh nó nói lại thì cũng sẽ là cũ, nhưng tôi muốn hỏi về cảm xúc của anh trong những ngày căng thẳng như thế?

- Tôi rất buồn. Nhưng khán giả có quyền có ý kiến và phê bình cũng như người làm nghệ thuật có quyền bảo vệ những gì họ tin là tác phẩm của họ. Tôi chấp nhận vì đây là một phần, là cái giá của nghề đạo diễn. Thật ra chuyện phim giống nhau như trong trường hợp của "Giao lộ định mệnh" và "Shattered" cũng đã xảy ra với các phim cùng thể loại huyền bí ly kỳ của các đạo diễn và nhà sản xuất rất nổi tiếng trên thế giới. Hai trường hợp gần đây nhất là phim "The Island" của đạo diễn Michael Bay và phim "Disturbia" do đạo diễn Steven Spielberg sản xuất bị giới truyền thông cho là rất giống với hai phim khác, trong đó có một phim của Alfred Hitchcock đã sản xuất 20 năm trước. Tuy tòa án Mỹ đã có quyết định nghiêng về phía Steven Spielberg và Michael Bay nhưng thật ra phán quyết cuối cùng cũng vẫn là từ phía khán giả.

- Dư âm của nghi án "đạo phim" cho dù có được minh oan thì một điều hiển nhiên rằng bất cứ bộ phim nào anh thực hiện sau đó sẽ luôn bị "soi" và bị đi "tìm hiểu" có giống phim này, sao chép phim kia hay không. Nhìn thấy và nghe thấy điều đấy có làm anh cảm thấy bị xúc phạm và đó phải chăng cũng chính là một trong những lí do khiến anh thất vọng?

- Một lần nữa, đón nhận lời nhận xét, dù xấu hay tốt của khán giả và giới truyền thông khi tác phẩm của mình được ra mắt trước công chúng là một phần của nghề đạo diễn. Tôi chỉ mong muốn rằng mỗi lần làm phim là một lần được sống thoải mái nhất với tình yêu lớn nhất của mình. Những phán xét khác xin dành cho mọi người.

- Một giải thưởng liệu có giúp anh cải thiện được hình ảnh trong mắt công chúng không thưa anh?

- Nếu có giải thưởng thì đó là một điều đáng mừng, nhưng tôi không làm phim vì giải thưởng. Không phải tôi tài năng hay cao ngạo bởi từ khi bắt đầu cho tới bây giờ, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất là mình làm phim bằng tình yêu của mình, còn chuyện giải thưởng là thứ đến sau và đó là sự tự hào của nhà sản xuất và của cả một ekip chứ không riêng gì đạo diễn.

- Xin cảm ơn anh!

Vẫn là nghi án!

Nghi án "đạo phim" bị gán cho Victor Vũ khi blogger Thỏ Trắng phát hiện trên Facebook có quá nhiều điểm tương đồng, kể cả cách kể chuyện, đường dây bộ phim cho đến… những thắt nút câu chuyện giữa phim "Giao lộ định mệnh" do Victor Vũ làm đạo diễn và gây được tiếng vang với bộ phim "Shattered" của Mỹ, một phim được sản xuất đầu những năm 1990. Sau đó, Victor Vũ có buổi gặp gỡ với giới truyền thông để giải thích chuyện này, nhưng nhiều nhà báo đã không chấp nhận và có nhiều bài báo "kết án" Victor Vũ là kẻ đạo phim.

Trong buổi họp báo ra mắt phim "Cô dâu đại chiến" ngày 22/1, báo giới lại "xoay" Victor Vũ về chuyện "đạo phim" và có nhiều ý kiến cho rằng, phim này có nét giống nhiều phim nước ngoài. Victor Vũ thẳng thắn: "Đề tài phổ biến, quen thuộc là chuyện bình thường, cái khác biệt ở mỗi bộ phim chính là những khai thác về các nhân vật, chi tiết nội dung câu chuyện với những thú vị riêng và làm sao để bộ phim gần gũi với khán giả nhất. Khán giả có quyền đưa ra những lời bình luận và người làm nghệ thuật có quyền bảo vệ bộ phim do chính mình làm ra".

Victor Vũ là một trong những đạo diễn Việt kiều tìm kiếm được thành công nhanh chóng nhất tại thị trường điện ảnh nội địa. Chỉ với phim đầu tiên làm tại Việt Nam là "Chuyện tình xa xứ", anh đã được đánh giá như một niềm hy vọng mới và nói một cách công bằng thì phim nào của Victor Vũ cũng có cái để xem. "Cô dâu đại chiến" thắng lớn tại phòng vé dịp Tết Tân Mão là dẫn chứng cụ thể và nhãn tiền nhất. Tuy nhiên, nghi án "đạo phim" có thể coi là một "vết nhơ" trong lý lịch điện ảnh của vị đạo diễn trẻ này. Được biết, phía Saiga Films và Victor Vũ đã làm việc với các luật sư Mỹ và sớm có thông tin cuối cùng về "nghi án" này.

Nguyễn Hà (thực hiện) - CSTC tuần số 45
.
.
.