Đau đớn trước cảnh đời bất hạnh của nữ công nhân bị bảo vệ lái xe cán chết

Thứ Tư, 27/07/2011, 07:22
Là lao động chính trong gia đình, Liễu ra đi để lại 6 người thân già nua, bệnh tật, trẻ thơ trong ngôi nhà xập xệ. Mấy ngày qua, vì quá sốc với tai nạn kinh hoàng xảy ra với người vợ trẻ, di chứng của chất độc da cam trong người chồng Liễu bộc phát biến anh thành một người ngẩn ngơ như mất vía lạc hồn.

Tận cùng bất hạnh

Ngày 23/6/2011, khoảng 300 công nhân Công ty Vật liệu đặc biệt Giai Đức tập trung đình công tại cổng công ty ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Trước đó, công nhân của công ty này đã có đơn đề nghị Ban Giám đốc tăng lương từ 1.350.000 đồng lên 1.700.000 đồng, tăng tiền ăn trưa từ 10.000 đồng lên 13.000 đồng, hỗ trợ tiền xăng xe, tiền ăn khi tăng ca, tiền làm ngoài giờ… cho mỗi công nhân. Tuy nhiên lá đơn trên đã không nhận được sự phản hồi từ phía công ty nên mới dẫn đến cuộc đình công sáng 23/6.

Khoảng 8h50 cùng ngày, các công nhân phát hiện và chặn một chiếc xe tải chở phế thải đi về phía cổng. Cùng lúc đó, bảo vệ Lê Tuấn Minh đã trèo lên cabin, lái chiếc xe này lao thẳng về phía hàng trăm công nhân. Nhiều người không kịp chạy đã bị xe cán qua và hất văng ra xa. Chị Nguyễn Thị Liễu là nữ công nhân duy nhất tử vong trong số 8 người bị chiếc xe đâm phải.

Một ngày sau khi sự việc động trời xảy ra, chúng tôi đã tìm về thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội để thắp cho chị Nguyễn Thị Liễu nén hương tiễn biệt. Nhìn di ảnh của người phụ nữ trẻ trong ngôi nhà ngói lụp xụp, không ai nén nổi tiếng thở dài. Bà Nguyễn Thị Thư, mẹ chồng chị Liễu, khóc ngất đi bên bàn thờ người con dâu hiếu thảo. Ôm 2 đứa cháu nhỏ vào lòng, bà chỉ biết khóc thay cho các cháu vì chúng nhỏ quá, còn chưa hiểu vì sao mẹ chúng lại ra đi. Ông Nguyễn Văn Thực, chú chồng của Liễu, có lẽ là người còn bình tĩnh nhất trong gia đình, đã chia sẻ với chúng tôi hoàn cảnh éo le của người cháu dâu vắn số.

Theo lời ông Thực thì Liễu sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em. Vì cuộc sống ở quê hương Chương Mỹ khó khăn, bố mẹ Liễu đã mang theo các con vào Lâm Đồng làm kinh tế mới. Cuộc sống ổn định được chưa lâu thì bố Liễu đem lòng thương yêu người đàn bà khác, bỏ rơi người vợ tần tảo và 3 đứa con thơ. Không biết nương tựa vào đâu, mẹ Liễu lại mang các con trở về quê hương sống lắt lay cùng mảnh ruộng. Năm 2002, Liễu lên xe hoa về nhà chồng ở thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến khi vừa 17 tuổi.

Những tưởng lấy chồng cuộc đời Liễu sẽ qua cơn bĩ cực, nào ngờ gánh nặng nhà chồng lại đổ dồn hết lên đôi vai mảnh mai của cô gái trẻ. Bố chồng Liễu là bộ đội đi B năm 1973, từng bị địch bắt giam cầm và bị nhiễm chất độc màu da cam. Hòa bình lập lại, ông lấy vợ và sinh được 2 người con. Người con trai Nguyễn Văn Hiển bị nhiễm chất độc da cam dẫn đến mắt kém, tai điếc và đôi lúc thần kinh bất ổn, hay đập phá đồ đạc trong nhà. Người con thứ 2 là Nguyễn Thị Sáu bị bệnh Down, chậm phát triển trí tuệ, hiện cũng đang được hưởng chế độ dành cho nạn nhân chất độc da cam. Những lúc tỉnh táo, không ốm đau, Hiển là người đàn ông hiền lành, chịu thương chịu khó. Cũng vì lẽ đó mà Liễu đem lòng thương yêu Hiển dù biết rằng phía trước đầy rẫy những chông gai.

Gánh nặng cho người còn sống

Sau khi vợ chồng Liễu sinh được 2 mụn con kháu khỉnh thì chất độc chiến tranh trong cơ thể bố chồng Liễu bộc phát thành căn bệnh ung thư quái ác. Tiêu hết đồng tiền cuối cùng trong nhà, bố chồng Liễu bỏ đi để lại một khoản nợ lãi khổng lồ mà có lẽ cả cuộc đời các con ông cũng không thể nào trả hết. Không có tiền trả nợ và đóng học cho con, tháng 2/2011, Liễu xin vào làm việc tại Công ty Vật liệu đặc biệt Giai Đức.

Mỗi ngày Liễu làm việc 8 tiếng, nhiều ngày phải làm tăng ca đến hơn 20h mới được về, tuy vậy lương của Liễu cũng chỉ ba cọc ba đồng hơn triệu bạc. Cộng với 700.000 đồng tiền chế độ chất độc màu da cam của 2 anh em Hiển, Liễu dành toàn bộ số tiền ít ỏi này vào việc mua thuốc cho 2 người bệnh, đóng học cho các con và trả nợ lãi hàng tháng. Bữa ăn trong nhà thường xuyên chỉ có rau dưa. Hôm nào sang lắm thì có thêm bìa đậu phụ. Mỗi sáng đi làm, Liễu chỉ dám mua chiếc bánh mỳ không hoặc mấy nghìn xôi trắng. Liễu ăn một nửa, còn một nửa để dành ăn thêm vào khẩu phần ít ỏi và khó nuốt buổi trưa.

5 người già cả, bệnh tật, trẻ thơ giờ trông cả vào người đàn ông bệnh tật Nguyễn Văn Hiển.

Ngôi nhà xập xệ của vợ chồng Liễu chẳng có cái gì đáng giá. Tất cả đều trống trải và cũ kỹ. Trong một góc nhà nơi đặt bàn thờ của Liễu vẫn ngổn ngang đống cát nằm chờ gạch, xi để sửa lại những nơi dột nát. Chuồng lợn bị vỡ mái che, chuồng gà chưa lợp nóc đều còn chờ những đồng tiền tần tảo mà Liễu mang về. Thế nhưng giờ đây những dự định nhỏ nhoi đó chẳng biết bao giờ mới có thể thực hiện được khi mà những người còn lại trong gia đình bất hạnh này đang phải đối mặt với manh áo, bát cơm.

Khóc lả đi vì đau đớn, bà Nguyễn Thị Thư, mẹ chồng Liễu nghẹn ngào: "Liễu là người con dâu hiếu thảo. Dù đồng lương ít ỏi nhưng Liễu vẫn luôn chăm sóc tốt nhất cho mọi người trong gia đình. Trước khi tai nạn xảy ra, Liễu đang nghỉ ốm nhưng vẫn cố gặt xong cho tôi đám ruộng. Ngày 22/6, cháu nội tôi là Nguyễn Văn Hiệp trèo lên bờ tường bao bờ rào nghịch bị ngã xuống đất bất tỉnh. Nhờ sự cấp cứu kịp thời của các bác sĩ ở trạm xá xã, cháu đã tỉnh lại nhưng vẫn còn kêu đau đầu, buồn nôn. Tôi định bảo Liễu nghỉ thêm ngày 23 để đưa con đi khám. Thế nhưng tiền trong nhà cạn hết, Liễu tiếc việc nên lại đi làm. Liễu vừa đi khỏi nhà được mấy tiếng thì sự việc đau lòng đã xảy ra".

Nhận được tin dữ từ công ty báo về, ông Nguyễn Văn Tám - chú ruột chồng Liễu - vội vã chạy ra Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thì Liễu đã mất rồi. Ông Tám đau đớn nhớ lại: "Cháu tôi nghỉ ốm ở nhà mấy hôm nên có biết chuyện công nhân đình công đòi tăng lương, thêm phụ cấp đâu. Nếu hôm đó trong nhà còn tiền thì chắc vợ chồng Liễu đã đưa thằng cu Hiệp đi kiểm tra sức khỏe vì vẫn buồn nôn sau khi bị ngã. Trước khi đi làm, Liễu còn dậy sớm gặt nốt lúa cho mẹ chồng. Nếu chúng tôi biết có việc đình công thì đã khuyên cháu không đi làm để tránh những rắc rối có thể xảy ra. Đâu ngờ tai họa lại giáng xuống cháu tôi như thế!".

Ông Tám tiếp: "Sau khi sự việc xảy ra, các đồng nghiệp của Liễu ở công ty đã lập ban thờ và muốn đưa thi hài của cháu vào công ty để bắt họ chịu trách nhiệm. Thế nhưng gia đình tôi nghĩ rằng cháu xấu số nên đã thiệt mạng rồi, chúng tôi không muốn cháu phải chịu thêm nhiều vất vả nữa nên quyết định đưa thi hài cháu về quê mai táng. Ngay tại thời điểm đó, chúng tôi cũng đã buộc bà Phó giám đốc công ty phải lập một bản cam kết chịu mọi trách nhiệm về cái chết của Liễu. Tôi tin rằng pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh những kẻ gây ra tội ác. Hiện tại, chúng tôi chỉ lo lắng những người còn sống rồi sẽ ra sao khi gia đình Liễu mất đi lao động chính. Ở quê gia đình nào nỗ lực lắm cũng chỉ đủ ăn, làm sao đùm bọc nhau khi tất cả đều là lá rách".

Giờ đây việc nuôi dưỡng, chăm sóc bà nội đã hơn 80 tuổi, người mẹ già hay ốm đau, cô em gái ngơ ngẩn và 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học dồn cả lên vai chồng Liễu. Những lúc tỉnh táo, anh Hiển đi đập đá, vác đá thuê nhưng cũng chỉ kiếm được dăm bảy chục nghìn mỗi ngày. Mỗi tháng cũng chỉ có vài ngày anh khỏe mạnh. Cuộc sống trong ngôi nhà thiếu vắng Liễu chẳng biết rồi sẽ ra sao!

Ngay trong buổi chiều 23/6, lãnh đạo huyện Chương Mỹ, đại diện Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Chương Mỹ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam. Trong buổi làm việc, ông Lee Yu Yu, Phó Giám đốc công ty, cho biết: "Nhất trí tăng tiền ăn lên 13.000 đồng/suất bao phí dịch vụ nấu ăn, điện nước; hỗ trợ 100.000 đồng tiền xăng/xe/tháng; đồng ý tăng lương tối thiểu lên 1.420.000 đồng (tăng 5%)".

Về động thái này của Công ty Giai Đức, ông Lưu Quang Sáng - ông trẻ của nạn nhân Nguyễn Thị Liễu - chua chát: "Giá như khi công nhân có đơn đề nghị tăng lương và hỗ trợ phụ cấp để đảm bảo cuộc sống, Ban Giám đốc công ty quan tâm, xem xét và tăng lương cho họ thì đâu dẫn đến việc đình công và tai họa xảy ra. Giờ đây khi đã có nhiều người chết và bị thương rồi thì việc tăng lương, hỗ trợ phụ cấp của công ty chẳng còn ý nghĩa nữa. Công ty Giai Đức cũng đã hỗ trợ gia đình chúng tôi 20 triệu đồng để tổ chức mai táng cho cháu. Tiền đối với gia đình tôi rất cần thiết nhưng mất đi người thân rồi thì tiền chỉ làm cho chúng tôi thêm đau đớn mà thôi".

Sau khi đâm xe vào công nhân, bảo vệ Lê Tuấn Minh đã bị công nhân đánh ngất xỉu và phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sau khi tỉnh lại, Minh bỏ trốn về nhà người quen ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. 12h15’ ngày 23/6, Minh đã ra đầu thú và được dẫn giải về Công an huyện Chương Mỹ. Tại đây Minh khai là nhận lệnh của lãnh đạo công ty yêu cầu dẹp bằng được công nhân để đưa xe vào. Minh cho rằng do sức ép từ lãnh đạo công ty và nóng lòng muốn ổn định nhanh tình hình nên đã làm như vậy. Công an huyện Chương Mỹ đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Lê Tuấn Minh để phục vụ công tác điều tra.

Là lao động chính trong gia đình, Liễu ra đi để lại 6 người thân già nua, bệnh tật, trẻ thơ trong ngôi nhà xập xệ. Mấy ngày qua, vì quá sốc với tai nạn kinh hoàng xảy ra với người vợ trẻ, di chứng của chất độc da cam trong người chồng Liễu bộc phát biến anh thành một người ngẩn ngơ như mất vía lạc hồn.

Linh Huệ - số 49
.
.
.