Đau lòng từ một vụ án vùng cao

Thứ Bảy, 19/03/2011, 08:48
Đã hơn một lần Lường Văn Phanh tự tử nhưng không thành. Có lẽ số phận đã bắt con người này phải sống để trải nghiệm tới tột cùng đau đớn khi mà vợ và con trai không còn trên cõi đời này nữa. Xét cho cùng, Lường Văn Phanh không phải là một kẻ độc ác, bởi cội rễ sâu xa của cái kết cục bi thảm, vợ chết, con chết, bản thân tự tử nhưng không thành cũng không hẳn do lỗi của Phanh mà do sự ngu muội về nhận thức.

Dường như cả Phanh và người vợ xấu số không hề ý thức được rằng mọi thứ đều có thể lấy lại, trừ mạng sống. Thế nên họ đã tự hủy hoại mạng sống của mình và của chính đứa con trai mà họ đứt ruột đẻ ra một cách quá dễ dàng chỉ vì một lý do khó có thể chấp nhận được: mâu thuẫn với bố vợ Phanh…

Đêm kinh hoàng tại bản Nhỏm, Điện Biên

Người dân bản Nhỏm choàng tỉnh trong đêm tối, đấy là khi ngọn lửa từ ngôi nhà Lường Văn Phanh bốc cháy ngùn ngụt. Mọi người trong bản hốt hoảng gọi nhau đi cứu cháy. Nhưng hỡi ơi, khi đến nơi thì hậu quả đau lòng đã xảy ra. Vợ, và con trai của Phanh đã tắt thở nằm trên giường với những vệt máu loang lổ. Bản thân Lường Văn Phanh thì đang thở hắt ra, trên cổ và trên bụng vẫn còn nham nhở những vết đâm.

Thấy Phanh còn thở, bà con trong bản vội vã đưa anh ta đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên. Kết quả, Phanh thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng có lẽ sự sống khi ấy còn đau đớn hơn cả cái chết. Bởi lẽ khi trở về anh ta không chỉ phải đối diện với bản án chung thân tòa tuyên mà còn phải đối diện với chính sự day dứt, đau đớn khôn nguôi khi đã cướp đi mạng sống của những người thân yêu nhất cho dù anh ta đã không hề muốn làm điều đó.

Căn nguyên của vụ án đau lòng ấy lại quá nhỏ bé. Chỉ vì hai vợ chồng Phanh cùng mâu thuẫn với bố vợ của Phanh. Đáng lý ra họ cần tìm cách để giải quyết mâu thuẫn nhưng vợ chồng Phanh đã không làm thế mà rủ nhau quyên sinh.

Cuộc đối thoại "hồn nhiên" về cái chết

Tối ngày 24/4/2009, vì bức xúc với bố vợ Phanh nên khi lên giường đi ngủ hai vợ chồng Phanh đã không ngủ luôn như mọi khi mà trò chuyện rất lâu. Chủ đề chính của cuộc trò chuyện ấy lại không nhắc nhiều đến mâu thuẫn đang khiến họ ấm ức mà là khơi lại những kỷ niệm cũng như những khó khăn mà vợ chồng Phanh đã phải đối diện khi quyết định về sống cùng nhau.

Đang trò chuyện thì vợ Phanh bỗng nói: "Tao muốn vợ chồng mình cùng chết". Nói rồi, vợ Phanh là Lò Thị Yên đề nghị chồng đi ra ngoài bìa rừng hái lá ngón về để cùng tự tử. Phanh không phản ứng gì trước lời đề nghị hồ đồ và nông nổi ấy mà lập tức đi ngay. Một lúc sau Phanh trở về và nói với vợ rằng:

- Tối quá, tao không tìm thấy lá ngón đâu - Nói rồi Phanh lên giường đi ngủ. Vợ Phanh dường như không thỏa mãn với lý do "không được chết ngay" ấy đã nói lại với Phanh rằng:

- Nhưng tao muốn chết.

- Muốn chết thì tự lấy dao mà đâm chết.

Vợ Phanh cẩn thận hỏi lại chồng: "Thế mày có muốn chết cùng với tao không?"

- Có. Nhưng chết thì ai nuôi thằng Dong? (con trai của Phanh và vợ).

- Nếu tao với mày chết thì thằng Dong cũng phải chết.

- Bằng cách nào?

- Tao giết thằng Dong. Mày giết tao rồi mày tự đâm mày chết hoặc đốt nhà để chết.

- Nếu mày giết được thằng Dong thì tao cũng chết cùng.

Nói rồi Phanh quay lưng lại phía vợ và nhắm mắt ngủ, như thể câu chuyện vừa rồi chỉ là một kế hoạch xa xôi. Khoảng 30 phút sau, Phanh thấy giường rung mạnh. Ngay lúc đó là tiếng gọi nhanh của vợ: “Bố mày ơi dậy đi”. Giọng ngái ngủ Phanh trả lời vợ: “Buồn ngủ lắm, tao không dậy đâu”. “Dậy đi. Dậy cầm dao giết tao đi. Tao giết thằng Dong rồi”.

Lúc này, Phanh hốt hoảng chồm dậy, sờ vào gáy con trai thì thấy máu đầm đìa. Chưa kịp định hình điều gì thì ngay lập tức vợ Phanh cầm con dao còn vương đầy máu gí vào tay chồng và nói :  “Chém vào cổ tao đi”. Lúc này Yên nằm ngửa, hai tay để về phía đầu như thể đã sẵn sàng cho sự ra đi của mình. Phanh khi ấy như một con rô bốt vô cảm và cứ thế làm theo lời của vợ. Anh ta cầm dao rồi chém một nhát vào cổ Yên. Thấy vợ chưa chết Phanh cứa thêm ba bốn nhát liên tục. Yên giãy giụa rồi nằm im.

Khi chắc chắn vợ đã chết, Phanh lấy luôn con dao đó cứa vào cổ mình. Có thể do vết cứa không sâu nên anh ta không chết. Phanh còn đủ tỉnh táo và sức lực chạy xuống bếp cầm bật lửa lên nhà rồi trèo lên giường để châm lửa đốt mái nhà. Nhà cháy, Phanh tiếp tục cầm dao chém nhiều nhát vào bụng mình cho chết hẳn. Nhưng số Phanh chưa tận bởi liền sau đó những người trong bản đã kịp đến dập lửa và đưa anh ta đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Điện Biên.

Giữ lời hứa

Phanh được cứu sống nhưng phải lĩnh án chung thân. Suốt một năm trời trong trại giam Phanh hầu như không nói một lời nào. Phanh sống lầm lũi như một cái bóng, các phạm nhân cùng phòng không ai biết Phanh đang nghĩ gì. Chỉ đôi khi trong đêm vắng lặng người ta thấy Phanh ngủ mơ và hét lên thảng thốt. Thường thì sau mỗi lần như thế Phanh lại ngồi dậy, mắt mở to và nhìn xa xăm.

Khoảng mười ngày trước khi tròn một năm ngày vợ và con trai ra đi, Phanh tâm sự với một người bạn cùng buồng giam rằng:  Cuộc sống của tao giờ vô nghĩa. Sống cũng như chết. Sau lời bộc bạch hiếm hoi ấy Phanh lại trở về lầm lũi và đầy khó hiểu. Như thể trong con người Phanh đang chuẩn bị cho một sự ra đi của chính mình.

Thấy nhiều biểu hiện bất thường ở Phanh nên những phạm nhân cùng buồng giam đã báo lại cho cán bộ trại giam biết. Cán bộ gọi Phanh lên vừa động viên vừa dùng công tác nghiệp vụ để thăm dò diễn biến tâm lý anh ta. Không ngờ Phanh khai rằng anh ta đang lên kế hoạch cho cái chết của mình. Dự định đúng vào cái ngày giỗ đầu của vợ và con trai anh ta sẽ tự tử.

Cuộc sống không còn ai thân thích khiến Phanh trở nên chán nản và mất phương hướng. Hơn nữa cứ nghĩ đến lời đã hứa là sẽ cùng chết với vợ và con Phanh lại thấy áy náy. Phanh cảm giác mình như một kẻ hèn nhát đã lừa dối vợ khi không thể ra đi cùng với vợ và con. Phanh rất yêu vợ và con trai. Thực tế là để đến được với nhau họ đã phải trải qua rất nhiều sóng gió và sự ngăn cản của hai bên gia đình vì nhiều lý do.

Yêu vợ nên khi vợ muốn chết và đề nghị mình cùng chết Phanh đã không một chút do dự, đắn đo. Tình yêu mù quáng và nhận thức ngu muội khiến cả Phanh và vợ nghĩ rằng, sống ở thế giới nào không quan trọng, quan trọng là luôn được ở bên nhau. Chính vì lối tư duy u mê ấy khiến họ coi cái chết nhẹ như một giấc ngủ sâu.

Thế nên dù đã thụ án được gần một năm thì anh ta vẫn luôn nghĩ rằng chắc dưới suối vàng vợ và con trai vẫn đang mong ngóng sẽ có một cuộc đoàn tụ gia đình. Suốt  một năm đầu trong trại giam lúc nào anh ta cũng chỉ nghĩ đến cách làm thế nào kết liễu đời mình thành công để sớm có cơ hội gặp vợ, gặp con.

Và thức tỉnh

Sau khi được các cán bộ trại giam gần gũi động viên và phân tích Phanh đã hiểu rằng mạng sống là thứ quý giá nhất. Còn được sống là còn tất cả. Dù giờ đây Phanh vẫn buồn, vẫn đau đớn vì đã để mất đi những người thân yêu nhưng ít nhất thì Phanh đã không còn nghĩ nhiều đến cái chết. Có lẽ anh ta đã ngộ ra rằng ở thế giới bên kia chắc vợ và con của mình cũng cầu mong cho chồng và cha mình được sống.

Phanh giờ đã bớt lầm lụi, mau mắn hơn trong giao tiếp với các phạm nhân khác và với cán bộ quản giáo. Trong vụ án đau lòng này có lẽ nhiều người cũng có quan điểm giống như tôi khi thấy rằng Phanh đáng thương hơn đáng giận.

Vụ án cũng là minh chứng cho một lối suy nghĩ ngu muội đến hồn nhiên của nhiều người khi không tìm cách cởi nút thắt của những mâu thuẫn và quan trọng hơn họ chưa bao giờ ý thức được rằng: Mạng sống là thứ duy nhất một khi đã mất đi thì không bao giờ lấy lại được

Ngọc Anh – CSTC tuần số 49
.
.
.