Đầu năm kể về những “cái bang” nhỏ bé

Thứ Sáu, 25/02/2011, 09:45
Tết là dịp để người lớn lo toan và trẻ em háo hức. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có cảm giác háo hức đón chờ năm mới như thế, bởi chỉ một điều đơn giản: chúng là những đứa trẻ lang thang, không nơi nương tựa. Không còn gia đình, ngày ngày phải đối mặt với chuyện cơm áo, với những khó khăn của cuộc sống đầu đường xó chợ, những đứa trẻ đó không có quần áo mới để mặc Tết, không có những giây phút cười hồn nhiên bên gia đình trong những ngày năm mới, khi mà trong đầu chúng cũng bộn bề chuyện lo toan bữa ăn hàng ngày như nhiều người lớn khác.

Phận trẻ ăn xin ngày cuối năm

Trong những ngày cuối năm, đi đâu tôi cũng thấy một không khí hối hả ,khẩn trương. Dường như ai cũng mải miết với những lo toan trước thềm năm mới: người bán hàng đang tính toán nhập nhiều hàng để tranh thủ bán tết; những người vợ biết lo xa đã bắt đầu đi sắm sửa; những người già đi chùa cầu sự bình an. Những sv háo hức chờ đợi ngày về; và bọn trẻ nhỏ sung sướng về những bộ quần áo mới, trò chơi mới. Nhưng hôm nay, giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống, tôi bất chợt bắt gặp 1 thằng bé ăn xin. Không biết thằng bé sẽ chuẩn bị gì cho cái tết của mình - cái ý nghĩ đó thôi thúc tôi đi theo nó trong một ngày trời lạnh buốt. Phải mất một lúc tiếp xúc, tôi mới tạo được sự tin tưởng của Giang Văn Hòa - cậu bé ăn xin nhỏ tuổi đó và nghe cậu kể về cuộc sống của 1 đứa trẻ ăn xin.

Nó sống trong 1 khu nhà trọ dưới chân cầu Long Biên mà người ta vẫn gọi là khu nhà trọ 5.000 đồng. Chỉ đến đó mới có thể hiểu được khả năng thích nghi vô hạn của con người. Đó là những khu nhà lụp xụp, tối tăm được bao bọc bởi mùi của rác, mùi xú uế. Sẽ không thể so sánh được môi trường sống ở đây so với sông Tô Lịch nơi nào "trong lành" hơn. Những người sống ở đây đều là dân tứ cố vô thân, dân lang thang và dân lao động nghèo. Họ sống vạ vật, tạm bợ, chỉ mong sao kiếm đủ tiền sống qua ngày. Hằng đêm, họ về đây ngủ trọ. Cả cái phòng chật hẹp được trải chiếu và để nhiều tấm chăn mỏng. Tất cả nằm chen chúc nhau, nên dù mùa đông lạnh, không có đệm, thì chỉ một lúc sau khi ngủ, căn phòng đã trở nên ngột ngạt.

Giang Văn Hòa bảo không có một ngõ ngách nào ở Hà Nội là nó chưa đi qua. Ngày nào thằng bé cũng dậy từ lúc 5g sáng để có thể đến được những nơi nó thường hay xin ăn. 12 tuổi nhưng nó có thân hình của một đứa bé 8 tuổi và gương mặt của 1 người trưởng thành. Có lẽ bởi đôi vai của nó quá nhỏ khi gánh trên vai cả 1 gia đình.

Nó sinh ra ở 1 vùng quê nghèo ở Vĩnh Phúc. Nó bảo "quê em là đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Nó nói: "Ra Hà Nội em mới biết cuộc sống của người thành phố sung sướng thế nào chứ như ở quê em, chỉ cần có đủ gạo ăn là may lắm rồi". Bố nó nhiễm di chứng của chất độc da cam. Nó có 3 anh chị thì cả ba đều bị thiểu năng. Chỉ có nó may mắn lành lặn. 4 năm trước bố nó qua đời, nó nghiễm nhiên trở thành trụ cột chính của gia đình. Ở tuổi lên 8, nó bước vào đời, bước vào con đường của kẻ ăn xin chuyên nghiệp.

Như bao đứa trẻ lang thang khác, nó cũng bị đánh đập, bị bắt nạt và cũng phải nộp tiền cho bọn bảo kê mỗi ngày. Theo luật, mỗi ngày nó phải nộp 30 nghìn đồng. Ngày nào không có đủ tiền thì ngày đó sẽ bị ăn đánh. Hồi đầu mới vào nghề, nó thường xuyên bị đánh đập vì không nộp đủ tiền. Cuối cùng nó cũng nghĩ ra cách đi ăn xin cùng với 1 bà lão mù. Nhìn cảnh một già, một trẻ ăn mặc rách rưới đi trên đường, người qua đường dễ động lòng hơn. Vì thế, nó xin được nhiều tiền hơn.

Có những người thương cảm, nhưng có những người dù cho tiền vẫn tỏ thái độ dè bỉu với bà cháu nó. Nhưng dần dà, qua năm tháng, nó đã quen với những ánh mắt đó, quen với những lời nói đôi khi có thể làm nó buồn lòng. Ngày nào nó và bà lão mù cũng phải đi từ 40-50km nhưng bù lại số tiền kiếm được cũng tạm đủ để giảm bớt gánh nặng cuộc sống  trên vai nó.

Khi tôi hỏi việc chia tiền thế nào thì nó bảo: "Bà nhường em nhiều tiền hơn vì bà ấy thương hoàn cảnh của gia đình em. Nhưng dạo này bà ấy đau yếu lắm rồi. Chắc chẳng sống được bao lâu nữa. Lúc đó em sẽ phải tìm người khác. Biết là không thật thà, nhưng có như vậy mới kiếm được tiền. Hôm nay bà ấy cũng ốm nên em phải đi ăn xin môt mình đấy".

Giang Văn Hòa kể: "Em là vẫn còn sướng đấy! Có 1 lần em thấy 1 ông lão ăn xin vì đói quá nên lao vào cướp bát phở  của một quán ăn ven đường. Ăn xong ông ta vục mặt xuống thùng nước rác uống. Bà chủ quán đánh đuổi đi nhưng ông ta vẫn cười. Em nhìn thấy thương lắm nhưng không làm gì được. Mình cũng chỉ là 1 kẻ ăn xin, nếu em giúp ông ấy thì ai giúp mẹ và các anh chị em ở nhà".

"Ăn xin cũng là một nghệ thuật"

Có thâm niên trong nghề nên nó kiếm được cũng kha khá. Nó bảo "ăn xin cũng là một nghệ thuật!". Mỗi ngày nó kiếm được từ 70.000đ - 300.000đ. Những ngày cuối năm như thế này là những ngày kiếm được nhiều tiền nhất. Nó bảo "có lẽ bởi cuối năm ai cũng nhân từ hơn". Làm nghề này mà không có mánh khóe thì không thể làm được. Những nơi mà nó thường hay hoạt động là gần chùa, gần những công viên và những khu có nhiều du khách nước ngoài. Nó khoe "có lần em được một ông Tây cho 100.000đ liền".

Do ở trong 1 gia đình có nhiều người bị tật nguyền nên nó có 1 biệt tài rất đặc biệt. Khi nào mà gặp phải khách xộp, nó lại lăn lộn ra đường, miệng sùi bọt mép như người bị động kinh, còn bà lão đi cùng nó thì ôm lấy nó khóc, làm nhiều người qua đường không thể không dừng lại vì tò mò, cũng không thể không bỏ vài đồng tiền lẻ ra cho bà cháu nó. Những "phi vụ" đó thường được khá nhiều tiền. Nhưng nó cũng có lòng tự trọng của riêng mình. Dù trò ma mãnh đó giúp nó kiếm sống dễ hơn. Nhưng chỉ ngày nào "thất thu", nó mới buộc mình phải như thế bởi "những lúc làm thế, em nhớ các anh chị em ở nhà đến chảy nước mắt".

Hoạt động trong nghề lâu năm nên chỉ cần nhìn mặt là nó biết người nào có thể xin được, người nào không. Đối tượng mà nó hay xin nhất là những ông bà già nhìn có vẻ giàu có và phúc hậu, những du khách nước ngoài và cả những đôi trai gái đang tâm sự. Nó bảo "những đôi tinh nhân thường không thích bị quấy rầy nên rất dễ xin tiền nếu chịu khó "bám dai" một chút". Nó cũng hay đứng chờ ở cổng các công ty lớn, những quỹ bảo trợ trẻ em vì ở những nơi đó "họ phải giữ thể diện cho mình nên có không muốn cho cũng phải cho".

Nhưng để kiếm được đồng tiền cũng không phải dễ. Nó phải đối mặt với bọn trẻ con lang thang khác. Để bảo vệ phạm vi hoạt động của mình, nó thường xuyên phải đánh nhau. Nó giơ 2 tay chằng chịt những vết xẹo cho tôi xem với vẻ mặt thản nhiên, khoe rằng đó là chiến tích trong những lần "tranh giành địa bàn hoạt động" đó.

Trong những dịp lễ Tết, nó và những đứa trẻ ăn xin khác thường được các cơ quan chức năng đưa vào các trung tâm chăm sóc trẻ lang thang, nhưng năm nào nó cũng phải cố tìm cách "thoát thân", bởi nó bảo vào đó, chỉ mình nó được ăn uống no đủ, còn mẹ và anh chị em nó ở nhà thì không. Nếu những đứa trẻ bình thường đều được ở bên bố mẹ, được bố mẹ yêu thương, chiều chuộng, thì dịp Tết, nó càng phải bám trụ ở Hà Nội, không dám về quê, vì nó bảo Tết là dịp kiếm được nhiều tiền nhất, giúp nó hỗ trợ mẹ mua thuốc thang chữa bệnh cho mấy người anh, người chị.

Và một tương lai xa vời

Cứ sống như thế từ ngày này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, chưa bao giờ cậu bé đó nghĩ đến tương lai, bởi tương lai với nó chỉ là một cái gì đó thật xa vời, bấp bênh, mờ mịt. Nó nói: "Ngay lúc này em chỉ mong sao có đủ tiền để lo cho gia đình một cái Tết bình thường. Em thích một bộ quần áo mới nhưng có lẽ để lúc khác vì quần áo của mẹ em rách lắm rồi. Hi vọng là em sẽ có đủ tiền để mua cho mẹ và các anh chị mỗi người một cái áo ấm. Mùa đông ở quê em lạnh lắm. Em cũng chỉ dám mua đồ siđa thôi". Nó bảo cuộc sống lang thang rất phức tạp. Nó cũng biết những thủ đoạn, mánh khóe mà nó vẫn dùng là sai trái nhưng biết làm nghề gì khi mà gia đình nó không có một tấc đất để mà cày cấy còn nó thì chẳng biết đọc, chẳng biết viết

Phương Hà
.
.
.