Đi tìm bộ tộc “săn thủ cấp” ở Việt Nam

Thứ Sáu, 29/04/2011, 16:12
Hàng trăm năm qua, rừng Mã Đà trải rộng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai ẩn chứa nhiều bí mật. Bộ tộc sống dọc con suối Sa Mách nằm giữa trái tim Mã Đà được đồn đại có tục săn thủ cấp. Để được kính nể, được ánh mắt ngưỡng mộ của các sơn nữ xinh đẹp, các chiến binh dũng mãnh của bộ tộc ấy ra sức sưu tầm đầu lâu của thú vật. Người càng sở hữu nhiều đầu lâu thì vai vế trong bộ tộc càng được khẳng định…

Theo lời đồn của một số thợ sơn tràng trên đỉnh núi Bi-doup (tiếng người T'rin là núi Bà, ở xã Đa Chai, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) từ xa xưa, cọp 3 móng thường lộng hành bắt người ăn thịt. Tính đến khi bị trừ diệt, con mãnh thú tinh quái ấy đã sát hại, ăn thịt hơn 100 đồng bào. Và tin đồn, ở Mã Đà có tục săn thủ cấp cũng… giật gân không kém. Nhưng tin ấy có thật hay không, độ chính xác bao nhiêu phần trăm thì cần phải làm rõ.

Mã Đà cách Sài Gòn 120km. Ngày trước núi rừng Mã Đà là vùng sơn lam chướng khí, là điểm dừng nghiệt ngã của bất kỳ ai đặt chân, dẫu anh hùng cỡ nào nhưng khi vào Mã Đà thì coi như số đã tận. Chủ nhân bao đời của rừng già nơi đây là người Chơro. Trong kháng chiến chống Pháp-Mỹ, đây là tộc người anh hùng, kiên trung, một lòng theo bộ đội Cụ Hồ đến ngày đất nước toàn thắng. Ông Năm Nổi, thủ lĩnh tinh thần của người Chơro trong kháng chiến chống Pháp-Mỹ là một trong những người biết rõ nhất về luật tục và phong tục săn thủ cấp. Cùng với vợ là bà Hồng Thị Lịch, già Năm Nổi là "từ điển sống" của núi rừng Mã Đà nói chung, về văn hóa - luật tục của người Chơro nói riêng.

Già làng Năm Nổi đón chúng tôi với bộ râu dài trắng như cước. Đề cập đến chuyện chiến binh săn thủ cấp, già Năm vỗ đùi cái đét, giọng cười sang sảng, lần tay vào chiếc gùi lấy ra một hộp sọ rất giống sọ người, màu nâu lên nước bóng loáng. Chúng tôi khẽ rùng mình, lòng tự hỏi lẽ nào đây là sọ người được thu nhỏ mà chúng tôi từng xem trên truyền hình khi nói về các bộ tộc săn đầu người ở Nam Mỹ?! Thay câu trả lời, già Năm lại lần vào chiếc gùi lấy ra một chiếc "đầu lâu" khác. Nhìn vào hố mắt thẳm sâu tối đen nhưng không đáy của 2 chiếc hộp sọ, trước mắt chúng tôi như hiện lên hình ảnh núi rừng hoang sơ với cảnh giao chiến dữ dội giữa các chiến binh rừng sâu, kẻ chiến thắng hân hoan với những chiếc đầu người bại trận.

Từ luật tục nơi núi rừng, thú trưng bày thủ cấp của các loài mãnh thú nay là thú chơi thời thượng của các đại gia Sài thành.

"Không phải sọ người đâu" - ông Năm nói - "Đây là sọ voọc. Ngày trước rừng nhiều voọc lắm. Đây là giống tinh khôn rất khó săn bắn. Khi vào rừng kiếm thịt, phải là tay ná thiện xạ mới hạ được voọc. Không chỉ có sọ voọc, ngày trước mình còn có sọ nai, sọ khỉ, sọ heo rừng, sọ chó sói… Nhưng sau này do chạy giặc, do khách đến thăm người xin làm kỷ niệm, người lấy trộm nên không còn nhiều".  

Già Năm kéo chúng tôi rời khỏi nhà sàn, đến ngôi nhà dài truyền thống nằm cách đó khoảng 100 bước chân. Vào trong nhà dài, già Năm chỉ lên trần, nơi treo lủng lẳng hàng chục bộ xương hàm thú rừng cái trắng hếu, cái chuyển màu ngà ngà, cho biết: "Hàm con thú rừng ngày trước mình săn đấy. Hàm con nai, con mãnh, con heo rừng, con báo… Ngày trước còn có cả sọ cọp nữa nhưng lạc mất rồi. Ở Lý Lịch, đàn ông ai cũng giữ nhiều hàm sọ thú rừng".

Già Năm kể, xưa Mã Đà có nhiều nhóm người Chơro cư trú, sống nay đây mai đó, lang thang vô định giữa rừng già. Cuộc sống giữa rừng lúc bấy giờ phụ thuộc vào săn bắn và hái lượm.

"Người trai muốn có được vợ đẹp giỏi giang phải khỏe mạnh, săn bắn giỏi. Vì có săn bắn giỏi mới lo ăn được cho gia đình. Nếu không vợ con anh ta sẽ đói. Muốn biết một người trai săn bắn giỏi, không phải nghe anh ta nói mà xem anh ta có được bao nhiêu cái xương hàm, cái sọ của con thú mà anh ta hạ. Càng có nhiều xương sọ càng chứng minh anh ta săn bắn giỏi" - già Năm nói.

Già làng Dương Văn Dương, cùng tuổi với già Năm Nổi cho biết đẳng cấp của một thợ săn hay một chiến binh không chỉ ở số lượng sọ thú mà còn ở trọng lượng, kích cỡ của cái sọ, cái hàm của con thú mà anh ta hạ gục. "Nếu anh ta hạ được con gấu, con cọp, con trăn rừng sẽ được các cô gái khỏe đẹp để ý, được nhiều người làng và các chiến binh ở các bộ tộc khác kính nể. Mỗi khi làng có người săn được thú dữ, dân làng mở hội ăn uống, ca hát linh đình mừng cho chiến công của người đó".

Già Năm Nổi năm nay trên 80 tuổi. Ngần ấy thời gian sống ở núi rừng, già có hàng ngàn cuộc săn thú và có vài lần hạ gục mãnh hổ, trăn khổng lồ. Già kể khi hạ được con thú, nếu là con thú to lớn, thợ săn chỉ xẻo đủ phần thịt cho gia đình dùng, phần còn lại anh ta chia cho mọi người trong làng. Riêng phần quý nhất là cái đầu của con vật phải là của thợ săn. Dùng thịt xong mình đem cái sọ, cái hàm của nó ngâm vào nước cho rã thịt, sau đó để ở nơi dòng nước chảy cho nước rửa sạch. Khi đó thì cái sọ cặp hàm treo trong nhà không phát ra mùi hôi thối.

Già làng Dương bật mí rằng người Chơro không ăn thịt cọp. Vì thịt cọp tanh, hôi và nhạt. Nhưng để thể hiện sự can đảm, sức mạnh, khi đụng cọp, có người bỏ chạy nhưng cũng có người sẵn sàng giao đấu với chúa tể rừng xanh. Khi hạ được cọp, thợ săn chỉ cắt lấy đầu mà thôi. Phần còn lại anh ta bỏ lại rừng. Già Dương bật mí thêm: "Buôn làng ngày trước chỉ ông Năm có nhiều sọ thú dữ nhất. Trước năm 1970, trong nhà ông sọ thú dữ treo từ đầu nhà đến cuối nhà….".

Chúng tôi rời Mã Đà khi trời đã tối. Rừng già về đêm đượm chất huyền hoặc, kỳ bí như câu chuyện săn mãnh thú lấy thủ cấp của các chiến binh Chơro - chủ nhân muôn đời của núi rừng Mã Đà

Bích Kiều – CSTC tuần số 53
.
.
.