Điên như Ngọc Đại

Thứ Tư, 09/02/2011, 18:07
Gàn, bất cần là cảm giác đầu tiên khi người ta gặp Ngọc Đại. Đi ở nhà thuê, sống nhờ vào tiền của con, cô độc trên con đường tìm kiếm những cái gọi là cách tân cho âm nhạc đương đại và không có "đất dụng võ" để thể nghiệm những ý tưởng mình đã dày công sáng tạo là thực tế mà anh đang đối mặt.

Đôi khi "gã đầu trọc" nói những câu… tục không thể chịu được nhưng bên trong đó người nghe vẫn cảm nhận được ở gã một cái "chất Ngọc Đại" không hề trộn lẫn. Gã thì tự nhận mình là một "kẻ điên... có bản sắc" giữa đời thường bộn bề, tấp nập.

Rác là một... giá trị

Tôi trở lại nhà nhạc sĩ Ngọc Đại sau hai năm, căn nhà anh, dường như mọi thứ chẳng có gì mới dù năm cũ đã qua từ rất lâu rồi. Để ngăn cơn gió rét căm căm của mùa đông, Ngọc Đại che những tấm nhựa trong suốt bao quanh căn phòng. Căn phòng anh chẳng có gì ngoài vài cái loa thùng to vật vã, một cây đàn piano, một bộ ghế sopha dùng để ngồi vừa để ngủ. Bên cạnh phòng khách là một cái bếp lạnh lẽo với vài đôi đũa, vài cái bát và đôi chiếc nồi bám bụi. Vì quá ít đỏ lửa, nên nhện cũng chăng đầy trên các góc tường ở bếp nhà anh. Theo thói quen, tôi định lấy chiếc đũa phá tổ nhện chăng tơ thì Ngọc Đại ngăn lại với vẻ hoảng hốt: "Ấy đừng đừng, em kệ nó, giờ anh chỉ có mấy con nhện làm bạn thôi. Tơ nhện cũng là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình có giá trị đấy!".

Rõ ràng, đến nhà Ngọc Đại, điều đầu tiên bất cứ ai cũng nhìn nhận ra gia chủ là một người rất... khác người! Dù đồ đạc trong phòng anh chẳng có gì mấy nhưng nhìn là thấy đặc biệt. Anh ít đi chơi, ít giao du nhưng khi Ngọc Đại có cơ hội là Ngọc Đại lại ra ngó ngàng ở đống rác trước ngõ nhà mình. Ngọc Đại bảo rằng, có những thứ người khác vứt đi nhưng đối với anh lại là một tác phẩm nghệ thuật. Rồi Ngọc Đại chỉ cho tôi nửa hộp xốp anh nhặt được về treo ở cây cau và mới nhất anh nhặt được cuốn lốc lịch đại còn lại ngày cuối cùng chưa xé. Anh hí hửng mang về dựng ngay trên cây đàn Piano. Ngọc Đại ngắm nghía tác phẩm tự nhiên và nói đầy chiêm nghiệm: "Người ta đã xé đi 364 ngày trong một năm và giờ chỉ còn cái cuống lịch. Nhưng trên thực tế thì cuống lịch này có thể đã có 364 câu chuyện xảy ra khác nhau trong 364 ngày ấy. Tôi sẽ đóng khung tác phẩm này và treo trân trọng trong căn phòng rất hiếm những thứ được treo lên này". 

Gã đầu trọc cô đơn và kiêu ngạo

Gàn, bất cần là cảm giác đầu tiên khi người ta gặp Ngọc Đại. Đôi khi "gã đầu trọc" nói những câu… tục không thể chịu được nhưng bên trong đó người nghe vẫn cảm nhận được ở gã một cái "chất Ngọc Đại" rất cô đơn. Tuổi ngoài sáu mươi, anh không dư sức để làm việc như thuở đôi mươi. Thậm chí, giờ ngồi nghĩ lại, Ngọc Đại vẫn nhớ cảm giác ngày xưa anh mê kiếm tiền tới mức nào, thậm chí, thời anh làm ông bầu ca nhạc, tiền đối với anh như một thứ kiếm dễ như trở bàn tay... Nhưng cuộc đời thật khó lường, mọi thứ đến với Ngọc Đại quá nhanh nhưng cũng ra đi chóng vánh.

Ở tuổi ngoài 60, có hai người vợ và 4 đứa con, nhưng giờ đây, Ngọc Đại vẫn chỉ một mình, luôn phải tự lo cho chính mình từ bữa ăn giấc ngủ, những lúc ốm đau, mệt nhọc sớm hôm. Đã có thời kỳ, Ngọc Đại không có một xu dính túi, không có tiền ăn dù chỉ là gói cơm hộp 15 nghìn đồng, đói quá anh đi ra công viên gần nhà hái lá bạch đàn, vò cho hết nước chát, rửa sạch rồi luộc lên chấm nước mắm ăn ngon lành. Nghe đến đoạn này, tôi cho rằng Ngọc Đại hơi... nói quá lên thì anh thề độc. Anh bảo rằng, đó là món ăn khoái khẩu của anh thời đi lính và chẳng có lý do gì khi có cơ hội không... thử lại!

Ngọc Đại là một kẻ kiêu ngạo. Điều này thì bạn bè anh biết rõ. Lúc giàu, Ngọc Đại thường cho bạn tiền nhưng vì kiêu ngạo nên chẳng ai trong số những người bạn chơi với anh biết rằng Ngọc Đại có lúc nhịn đói triền miên. Kể cả với con cái, Ngọc Đại cũng không bao giờ thổ lộ. Anh âm thầm làm việc của mình, đắm đuối với thứ âm nhạc chẳng thuộc về số đông và không phải ai trong số công chúng cũng sẵn sàng đón nhận.

Chuyện về chú mèo đã bỏ đi

Giờ đây, Ngọc Đại không còn nghèo nữa. Sau một bài báo phát hiện sự khốn khổ của anh, Ngọc Đại đã bắt đầu được bạn bè các nơi gửi biếu gạo, cá khô thậm chí là mấy nhạc sĩ ở Hà Nội còn quyên góp được một ít tiền mang biếu anh. Ngọc Đại từ chối. Nhưng bạn anh bảo: "Ông hãy cho chúng tôi cơ hội được làm điều tốt!". Ngọc Đại vừa nhận và vừa... chửi thề vì sự khố khổ của mình. Hai người con đã trưởng thành với người vợ đầu tiên cũng bắt đầu có kế hoạch tài chính cho bố. Con gái thì trả tiền thuê nhà hàng tháng còn con trai thì gửi vào tài khoản tiết kiệm tiền cho bố chi tiêu. Con cái cũng đã sắm lại đàn Piano và bộ dàn, loa vì có những thứ, dù rất tiếc nhưng Ngọc Đại phải bán dần đi để lo cho đời sống.

Nhạc sĩ Ngọc Đại cùng 2 thành viên khác của nhóm "Đại Lâm Linh". Ảnh: Thu Hồng.

Giờ đây, Ngọc Đại bắt đầu có sự tĩnh tâm để làm nhạc mà không phải lo ngày mai mình ăn gì, dù anh cũng chỉ ăn cơm bụi 20 nghìn trong ngõ. Bây giờ, đối với Ngọc Đại ăn uống không quan trọng, anh chỉ cần đủ sức khỏe để nghĩ, để sáng tạo. Tôi hỏi anh: "Những ngày giáp Tết thế này, anh thường nghĩ tới điều gì?".

Ngọc Đại trầm ngâm một lúc rồi trả lời: "Năm nay là năm Tân Mão, người ta nói nhiều về mèo và tôi đang nhớ con mèo mướp gầy gò của mình. Tôi tin rằng, mèo là một con vật tình cảm, hay ít ra con mèo tôi đã từng nuôi, nó yêu tôi lắm. Tôi coi nó là bạn và thường tôi ăn gì thì con mèo của tôi ăn vậy. Những ngày có tiền, tôi mua bốn con cá nhỏ thôi và chia cho nó 2 con. Sau đó, tiền cạn thì tôi chỉ mua 2 con cá và dĩ nhiên, tôi chia cho nó 1 con. Đến 1 ngày, tôi chỉ mua 1 con cá và chia cho nó một nửa. Rõ ràng, tôi coi con mèo và mình bình đẳng và cũng đối xử tốt với nó. Rồi đến một hôm, nó đã bỏ đi và chẳng về nữa. Tôi cố đi tìm, hỏi vài người thì người ta bảo, thấy nó vảng vất ở cái hồ gần nhà tôi. Tìm vài lần không thấy nên tôi đã không tìm nữa. Tôi cho rằng, con mèo hoặc là nó giận vì tôi giảm dần khẩu phần ăn của nó, hoặc là nó thương mà nhường tôi nốt nửa con cá đáng lẽ phải chia cho nó. Nhưng, dù thế nào, đó là câu chuyện có thật và tôi cho rằng, con mèo và cái bát của nó vẫn để ở chỗ cũ là một điều đáng nhớ nhất vào cái thời khắc giao thừa chuyển giao sang năm Tân Mão".

"Điên như... Ngọc Đại và nhạc Ngọc Đại" là cụm từ không mới!

Tôi hỏi Ngọc Đại:

- Có bao giờ anh lo sợ rằng, con đường mình đi và đến với số đông công chúng là quá dài?

- Không, tôi không làm nhạc cho số đông. Muốn nghe và hiểu được nhạc Ngọc Đại phải có "tầm".

- Nói thế thì khó lắm, thế nào là "có tầm"? Anh từng bảo rằng anh muốn sống trong hồn dân tộc để làm nhạc, nhưng bản thân dòng nhạc ấy không dành cho chính họ, nghe có vẻ mâu thuẫn?

- Tôi luôn tìm con đường chưa ai đi. Tôi chả giống bất cứ một nhạc sỹ nào cả. Thực chất, nó cũng chỉ là những câu chuyện giản dị về một người mẹ nghèo, một anh chàng nhà quê ở phố nhớ cố hương, một người quét rác đêm tất tưởi, một cô gái dệt tầm gai cho tình yêu thương say đắm… nhưng được biểu hiện bằng một thứ âm thanh đầy ma mị, đầy man dại, có khi lại lạc lõng, u mê đầy dụ dỗ. Khi đã có cùng "tông" thì người nghe sẽ không thể "thoát" được sự mê hoặc của âm nhạc Ngọc Đại. Bởi vì nó đầy nhân bản.

- Tôi nghĩ rằng, anh tự tin vì may mắn có hai cô học trò Thanh Lâm và Linh Dung, người đã nguyện "Xuống tóc theo thầy" - Đó là việc không phải "muốn là được"?

- Tôi không bắt ép hai cô ấy "xuống tóc". Tôi cạo trọc đầu vì tôi thấy thoải mái với kiểu tóc ấy. Sau những buổi tập cùng nhau, một ngày tôi bỗng nhìn thấy Lâm và Linh đến gặp tôi với 2 cái đầu… giống mình! Chả sao cả, hãy cứ làm những gì mình thích và mình muốn, đấy là châm ngôn sống của Ngọc Đại. Và, phải có sự đồng cảm thì mới cộng tác được với nhau chứ!

- Nhạc sỹ - ca sỹ luôn là cặp bài trùng mà ở ngoài nhìn vào thiên hạ hay cho rằng có nhiều điều liên quan không chỉ vì công việc?

- Những người khác thế nào tôi không biết và tôi không quan tâm. Riêng với bản thân tôi thì không có sự nhập nhằng giữa công việc và tình cảm. Thanh Lâm và Linh Dung là những ca sỹ đầy sáng tạo, họ cảm nhận và truyền tải được thông điệp âm nhạc của tôi.

- Đã nhiều năm trở về Việt Nam, anh đang cố gắng thực hiện các dự án âm nhạc của mình mà không có tình yêu sao?

- Tình yêu thì bao giờ cũng cần và bao giờ cũng thiếu. Hiện nay tôi đang là một kẻ "vô sản" và đương nhiên là chẳng có người đàn bà nào dám đến với một gã tay trắng như tôi bây giờ.

- Anh là một nhạc sỹ "có tầm" nhưng đáng tiếc là khán giả không phải ai cũng hiểu và nghe được âm nhạc của Ngọc Đại?

- Tôi không làm nhạc cho số đông. Âm nhạc của tôi dành cho mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là khán giả trẻ. Họ là những người có đủ năng lượng tiếp cận với cái mới, cái siêu thực và cái "bên ngoài" âm nhạc.

Dù thế nào thì Ngọc Đại cũng đã để lại phía sau lưng ánh hào quang của thời vàng son "Nhật Thực" với đủ mọi khen chê. Anh lặng lẽ sống, lặng lẽ làm việc, lặng lẽ khép mình để theo đuổi dòng nhạc mà anh đã "lập trình" từ trước dù nó không có nhiều lối thoát, không có nhiều sự đồng cảm, sẻ chia từ bạn bè, khán giả. Dù sao đi nữa, anh cũng chẳng quan tâm vì anh có "men" say dấn thân đến tận cùng của một cá tính nghệ thuật không bao giờ muốn đi mãi trên một con đường, mà luôn cuốn mình vào ma trận khác của ngôn ngữ, hình thể, âm thanh, thậm chí đôi khi bất lực trước sự phá phách của chính mình...

Trần Hoàng Thiên Kim – CSTC tuần số 44
.
.
.