Điện, xăng dầu đòi “thả giá”: Hái quả thị trường trên thang bao cấp

Thứ Hai, 21/02/2011, 16:17
Các doanh nghiệp điện, xăng dầu, than… đang hối thúc để Nhà nước "buông" giá theo thị trường. Thế nhưng họ quên rằng, chiếc thang họ đang có khi trèo hái quả về cơ bản lại có nguồn gốc tài chính từ ngân sách.

Quyết định "cơi nới" tỷ giá đô la Mỹ liên ngân hàng bám sát thị trường xảy ra cùng lúc đề án tăng giá điện được lấy mốc tháng ba làm chuẩn. Và, sự cộng hưởng từ áp lực tăng giá xăng dầu sau đợt kìm giá kéo dài, đã tác động dồn dập tới người dân buộc họ nghĩ tới một đợt tăng giá mới kéo theo chỉ số giá tiêu dùng leo thang.

Xét kỹ, ba sự kiện nói trên tuy diễn ra cùng thời điểm, nhưng mức độ tác động đến thị trường giá cả không quá ghê gớm như cách suy luận hiện nay. Việc điều chỉnh tỷ giá đô la liên ngân hàng ở mức cao song "mức tỷ giá đó đã được tính vào các yếu tố kinh doanh nên nó không gây đột biến gì về lạm phát, sự điều chỉnh này chỉ là thừa nhận một thực tế của tỷ giá đã tồn tại trước đây mấy tháng" (Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thuý). Riêng đề án tăng giá điện kể từ tháng 3 tới đây và việc "bung" giá xăng dầu, có vấn đề bình thường và không bình thường.

1. Bình thường: Trong điều kiện kinh tế thị trường, khi Nhà nước "thả lỏng" từng bước các nhóm hàng thiết yếu, đã đến lúc dư luận coi việc lên xuống giá cả là lẽ thường, cũng như việc lời lỗ trong kinh doanh. Giá cả, dù là những mặt hàng thiết yếu, cũng không thể đứng yên trong thời gian dài. Một khi sự vận động của nền kinh tế trở nên linh hoạt và đồng tiền của ngày hôm qua khác với hôm nay, thì hiển nhiên giá cả phải được điều chỉnh cho dù điện và xăng dầu thiết yếu đến nền kinh tế.

2. Không bình thường: Việc kinh doanh xăng dầu và điện không bình thường ở chỗ:

Tâm lý người dân: Sự bao cấp, trợ giá về điện, nhiên liệu trong suốt thời gian dài khiến người tiêu dùng đã quen với độ trễ của giá cả, tạo quan niệm tiêu cực: hàng hoá nào tăng là việc thị trường, ngoại trừ than, điện, xăng dầu... Các hộ tiêu thụ điện, xăng dầu cũng quen với việc giữ giá mà quên rằng, lợi nhuận họ có được có một tỷ lệ đáng kể do Nhà nước trợ giá.

Điện lực và xăng dầu liên tục bị chỉ trích vì độc quyền.

Áp lực dư luận: Sự vào cuộc của dư luận là cần, nhưng tiếp cận với liều lượng và bình xét quá mức như hiện nay, gây phản ứng ngược. Nếu như cho rằng vì than, điện, xăng dầu là thiết yếu của nền kinh tế và đời sống xã hội, thì cũng nên nhìn nhận ở tính hai mặt. Thông tin ồ ạt với nhiều góc cạnh khiến người tiêu dùng trở nên lo lắng thực sự ở cái mốc tháng ba - tháng điều chỉnh giá các mặt hàng này, thậm chí nhiều người tính chuyện tích trữ nhiên liệu dự phòng.

Thực tế, như các đợt tăng giá trước đây (giá điện năm 2010), chỉ số lạm phát tuy ảnh hưởng nhưng đều trong tầm kiểm soát. Hay trong năm 2010, có tới 4 đợt tăng giá xăng dầu nhưng mức độ ảnh hưởng cũng không quá lớn. Doanh nghiệp và người dân cần thay đổi chính quan niệm lo sợ tăng giá (như việc doanh nghiệp lo tăng giá điện, chi phí tăng, đầu ra cũng tăng; người dân lo lắng các chi phí phát sinh) bằng quan niệm: tăng thì phải làm thế nào điều tiết mức chi tiêu, sử dụng để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực. Doanh nghiệp tính toán tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu, thay cho việc chỉ nghĩ rằng điện tăng thì sản phẩm phải tăng. Đó là thay đổi của mô hình sản xuất, tiêu dùng tiên tiến, theo quy luật thị trường, giũ bỏ dần tư duy bao cấp còn nặng nề.

Nghịch lý đối với các doanh nghiệp đầu mối (Tập đoàn điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu): Hãy đặt câu hỏi, tại sao câu chuyện tăng giá của họ luôn trở thành tâm điểm để dư luận phê phán, đấu tranh? Các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu giải trình gần như hết vốn liếng để thanh minh rằng, họ đang ngày càng minh bạch và kinh doanh lãi không mấy, lỗ mới nhiều, rằng họ đang vì quyền lợi khách hàng. Nhưng lại chưa bao giờ sự giải thích đó đủ thuyết phục?

Có ý kiến nói, bây giờ kinh doanh xăng dầu là sướng nhất. Sướng bởi kinh doanh một mặt hàng mà bất luận trong trường hợp nào, đắt đến mấy, khách hàng cũng không thể từ bỏ họ, thậm chí không thể giảm sút lượng hàng mua về. Sướng bởi kinh doanh thời buổi cạnh tranh gay gắt mà họ không phải lo nghĩ toan tính thị trường, cứ nhập dầu về, đẩy cho các đại lý bán lẻ là khách hàng tự tìm đến lấy. Nhưng sướng nhất là không bao giờ họ lỗ. Khi giá thế giới tăng, Nhà nước kìm giá, nguồn tiền lỗ (nếu có) là từ ngân sách, giảm thuế và quỹ bình ổn, nói đến cùng là nguồn tiền của người dân. Doanh nghiệp chỉ làm mỗi việc là tính toán mỗi ngày lỗ bao nhiêu, mỗi tháng lỗ bao nhiêu để "kêu" và để đợi ngân sách rót về. Kinh doanh trong điều kiện thị trường mà như vậy, quả hiếm có.

Với điện lực, quy trình vẫn gần như khép kín, lời lỗ thế nào thật ra cũng chỉ chính họ mới rõ nhất. Ngành điện lực lâu nay "ôn bài" theo kiểu: giá điện thấp nên chi phí đầu tư khó khăn và kết luận: phải tăng giá điện. Nhưng họ không hề đề xuất hay tự nhìn nhận bản thân phải làm thế nào để kinh doanh điện có hiệu quả nhất chứ không phải chỉ hô hào khách hàng tiết kiệm điện. Năm 2009, Bộ Công thương đã đưa ra ba phương án tái cơ cấu ngành điện: thứ nhất là tách biệt các khâu phát - truyền tải - phân phối; thứ hai là chỉ tách khâu phát điện và vận hành hệ thống điện; thứ ba là tách biệt khâu phát điện, mua bán điện và vận hành hệ thống điện. Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá để điện lực cạnh tranh thực sự, nhưng chính Tập đoàn điện lực Việt Nam phản ứng với đề án này. Đến nay, tất cả lại rơi vào yên lặng, chỉ có giá điện nóng.

Xăng dầu, than, điện đồng loạt đòi cởi trói để bung giá theo thị trường. Đòi giá theo thị trường nhưng họ lại quên mất rằng, họ đang ngồi trên ghế bao cấp mà kinh phí để xây dựng nên các ngành giàu mạnh ấy phần nhiều từ nhân dân.

Chuyên gia Ngô Trí Long.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Giá cả thị trường: Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng của cả nền kinh tế cũng như từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng việc điều chỉnh giá không ổn, giá xăng dầu khi tăng thì rất nhanh nhưng giảm lại rất chậm. Thường khi dư luận quá bức xúc, các doanh nghiệp nhập khẩu mới điều chỉnh giảm giá xăng. Về quỹ bình ổn mà dư luận đang chỉ trích, ông cho rằng, trong cơ chế thị trường không thể lấy tiền đóng góp của người dân để trích vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cách làm đó không đúng, lẽ ra quỹ đó phải lấy từ lợi nhuận của doanh nghiệp chứ không được lấy của người tiêu dùng để doanh nghiệp giữ và khi có vấn đề gì thì lấy quỹ đó xả ra để bù lỗ, giữ giá.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Mức tăng giá điện nếu 18% là cao với tình hình hiện nay, gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng. Song mức tăng họ đề xuất còn cao hơn nhiều: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất mức giá điện tăng tới 32%, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất tăng 50%... Tuy nhiên, việc tăng giá điện bao nhiêu là dựa vào quan hệ mua bán của ngành điện với đối tượng sử dụng điện vì ngành điện hiện nay còn đang ở vị thế độc quyền. Việc họ đề xuất là một lẽ, cái chính là Chính phủ sẽ phải cân nhắc để quyết định mức tăng sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước và hài hòa với lợi ích của người dân. Do vậy, dù giá điện tăng bao nhiêu cũng sẽ làm nâng giá mạnh các mặt hàng.

Độc quyền khó giải

Liên tục trong 3 năm qua, mỗi năm, giá điện bình quân đều tăng, mỗi lần tăng dưới 10%. Các mốc thời gian áp dụng giá điện mới đều tính từ ngày 1-3 hàng năm. Tháng 3/2010, giá bán lẻ điện đã có một đợt điều chỉnh, riêng giá điện sinh hoạt tăng bình quân 6,8% so với năm 2009 và lên mức 1.037 đồng/kWh. Riêng xăng dầu, năm 2010 tăng 4 lần. Đáng nói là trước đó (năm 2009), giá xăng dầu thế giới tụt thảm hại, mất hơn 70% giá trị nhưng xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt khiến dư luận hết sức bất bình.

Câu chuyện độc quyền ngành điện và xăng dầu đã "viết nát" trên báo chí nhiều năm qua. Ông Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nói rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam độc quyền là không phù hợp cho việc cạnh tranh bình đẳng trên thị trường điện. Nền kinh tế muốn phát triển thì nhu cầu về điện rất lớn, duy trì cơ chế độc quyền tuy tiện về mặt quản lý nhà nước nhưng lại bất cập khi mà chỉ có một tổ chức lo mọi việc từ sản xuất cho đến bán lẻ, thậm chí cả quy hoạch.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội thì ngán ngẩm: "Tôi không hiểu cơ chế thị trường ngành điện như thế nào. Tư nhân, liên doanh, nước ngoài cạnh tranh cung cấp điện cho điện lực, nhưng bán điện chỉ có một điện lực, vạn người mua". 

Với xăng dầu, mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 55 năm 2007, đến 2009 thay thế bằng Nghị định 84, nhưng tới nay độc quyền vẫn chưa có lời giải.

Phan Đăng (thực hiện) - CSTC tuần số 46
.
.
.