Cô gái vàng cầu mây Việt Nam Lưu Thị Thanh:

“Đồng tính nữ à? Cho tôi được nói….”

Thứ Ba, 05/07/2011, 16:13
"Tôi đã lặng lẽ quan sát anh. Tôi khâm phục tài năng của anh. Tôi nhớ con mắt luôn rộng mở, rất thông minh ở anh. Và tôi bị ám ảnh bởi phong thái mạnh mẽ, chững chạc của anh nữa. Thế là tôi tự hỏi: Phải chăng mình đã rung động trước anh rồi?" - Lưu Thị Thanh nói đến một nữ VĐV cầu mây Myanmar cực kỳ nổi tiếng - người đã từng làm khuynh đảo làng cầu ĐNA một thời…

Tưởng mình đã yêu…

Bạn hẳn sẽ sốc lắm nếu biết rằng  đối tượng  "anh" mà Lưu Thị Thanh nói đến không phải là một người đàn ông, mà là một nữ VĐV cầu mây Myanmar cực kỳ nổi tiếng - người đã từng làm khuynh đảo làng cầu ĐNA một thời.

Nhưng sự thật là như vậy đó: SEA Games năm 1997 ở Indonesia, khi Lưu Thị Thanh (lúc ấy mới 14 tuổi) đã cùng ĐT cầu mây nữ Việt Nam đấu trận với ĐT cầu mây nữ Myanmar thì cô đã đặc biệt ấn tượng bởi một VĐV của đội này. Ấn tượng vì: "Anh ấy có những pha bay người lên không trung trong một tốc độ nhanh đến chóng mặt trước khi vít quả cầu vào sát sạt mép lưới, trúng tử huyệt  đối phương. Anh ấy cũng luôn có những pha bật nhảy, đánh đầu, găm thẳng quả cầu vào điểm chết - những đòn tấn công mà cá nhân tôi lúc ấy có nằm mơ cũng không sao làm được".

Khi được hỏi, bên cạnh sự ngưỡng mộ về chuyên môn còn điểm nào ở "anh ấy" khiến mình chú ý hay không, cô gái vàng cầu mây không ngại ngần thổ lộ: "Phần lớn các VĐV nữ Myanmar đều đen và xấu. Nhưng riêng anh ấy lại có nước da trắng, và đôi mắt to rất dễ thương". Với tất cả những tình cảm như vậy, Thanh quyết định lấy hết dũng cảm để tới gõ cửa phòng "anh ấy" xin chữ ký. Vừa quyết định như vậy Thanh vừa run  run bởi cái ý nghĩ: sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và phong cách sống sẽ khiến cô bị  "anh ấy" khước từ thì sao?

Tuy nhiên lo lắng bao nhiêu trước khi gặp "anh ấy" thì khi đối diện với "anh ấy" cô lại lâng lâng hạnh phúc bấy nhiêu. Bởi "anh ấy" đã ân cần tiếp đón cô, và từ hôm đó trở đi đã quan tâm đặc biệt tới cô. Thanh nhớ lại: "Suốt kỳ SEA Games năm đó, lúc thì "anh ấy" mang cho tôi chiếc bánh, lúc lại dắt tôi đi chơi, rồi nói chuyện với tôi bằng ngôn ngữ của bàn tay. Tôi biết là anh ấy yêu tôi".

Khi SEA Games kết thúc, cả Thanh và "anh ấy" đều phải trở về đất nước của mình thì cả hai đều thấy bịn rịn, nhớ thương nhau. Thanh thổ lộ: "Để khỏa lấp nỗi nhớ, từ Myanmar anh ấy luôn gọi điện sang Việt Nam cho tôi. Cả hai chúng tôi đều không biết tiếng Anh, và đều không biết ngôn ngữ của nhau, nhưng qua điện thoại, cảm nhận được những nhịp đập trong trái tim nhau, cả hai đều thấy ấm lòng".

Những tình cảm đặc biệt với "anh ấy" cộng với việc đã quá quen với những mối tình đồng giới của những nữ VĐV quanh mình khiến Lưu Thị Thanh tưởng rằng mình đã yêu "anh ấy". Nhưng mãi sau này, khi bình tâm nghĩ ngợi lại tất cả Thanh mới nhận ra rằng những tình cảm ấy đơn thuần chỉ đến từ sự ngưỡng mộ tài năng, bởi Thanh vốn là một người trọng tài, và mến mộ cái tài, chứ không phải là tình yêu đích thực. 

…Nhưng nhiều người đã yêu

Lưu Thị Thanh kể rằng ngay từ hồi còn nhỏ, trước khi vào ĐT năng khiếu đá cầu của tỉnh, cô đã được nghe nói trước là ở đội có người này người kia là les. Thế nên khi sống trong đội, thấy nhiều VĐV toàn mặc đồ lót của con trai, cắt tóc ngắn giống con trai rồi luôn gọi mình là em xưng "anh" (thay vì xưng "chị") Thanh chỉ thấy gượng ép đôi chút, chứ không sốc một tí nào.

Nhưng rồi sự gượng ép thủa ban đầu cũng đi qua, dần dần Thanh cũng tự tin, thoải mái gọi người ta là "anh" mà không thấy ngại ngần gì. Có lần người yêu, cũng là người chồng của Thanh bây giờ thấy thế và thắc mắc thì cô đã trả lời tỉnh queo: "Các anh ấy thích thế, mình cứ gọi thế thôi". Thanh giải thích thêm: "Trong quan hệ với họ, tôi luôn tỏ ra mạnh mẽ, can trường như một người con trai đúng nghĩa. Tôi luôn tạo cho họ cái cảm giác mình là một đứa em trai của họ, chứ không phải là một cô gái - đối tượng mà họ có thể chinh phục. Chính vì vậy tôi đã ăn chung,  tắm chung, ngủ chung với họ từ năm này qua năm khác, thế nhưng chưa từng bị họ xâm phạm cơ thể bao giờ".

Lưu Thị Thanh nói rằng đời VĐV nữ  từ nhỏ tới khi trưởng thành cứ phải sống xa nhà biền biệt, lại sống trong một môi trường đặc thù, ít có điều kiện tiếp xúc với những quan hệ bên ngoài nên rất thiếu thốn tình cảm. Chính vì sự thiếu thốn đó nên khi được đồng đội chăm sóc lúc ốm đau, hỏi han khi mệt mỏi, rồi sẻ chia miếng củ đậu hay gói thịt bò khô sau mỗi lần thi đấu, các VĐV thường nảy sinh những xúc cảm đặc biệt về nhau, lớn hơn những xúc cảm đồng nghiệp thông thường.

Thêm nữa, con gái tập thể thao, cứ quần quật chạy, quần quật thi đấu hết năm này qua năm khác, khiến bắp chân cứ thế mà to dần, nước da cứ thế mà xạm dần, và hoóc môn nam cứ thế mà phát triển dần. Đấy chính là nguyên nhân khiến những cô gái có xu hướng gần gũi nhau, rồi yêu nhau tự lúc nào không hay.

Tình yêu nam nữ có bao nhiêu cung bậc thì tình yêu đồng giới của các VĐV cũng có chừng ấy những cung bậc. Lưu Thị Thanh nói rằng cô đã rất mực cảm động khi nhìn thấy những ánh mắt hạnh phúc của một cặp VĐV đồng giới khi họ tổ chức sinh nhật cho nhau. Nhưng cô cũng phải chứng kiến cái cảnh một cặp khác vì giận dỗi nhau khiến cho mình bỗng nhiên cũng bị… vạ lây.

Lưu Thị Thanh và tác giả.

Chuyện diễn ra ở một buổi tập của ĐTQG, khi một VĐV vì giận "một nửa" của mình mà liên tục ném cầu sai động tác, khiến Thanh không tài nào thực hiện tốt cú phát cầu. Đến khi phải thực hiện cú phát cầu thì VĐV này không biết vô tình hay hữu ý  mà thay vì đá vào quả cầu, lại đá trúng mặt cô. "Lúc ấy cũng điên người lắm, nhưng sau nghĩ lại thì thấy nên thông cảm cho người ta. Người ta đang buồn, đang bức xúc mà" - Thanh vừa nói vừa cười tròn xoe.

Vẫn theo lời Lưu Thị Thanh, hồi ấy để ĐTQG không bị ảnh hưởng bởi cặp đôi kia, ông HLV trưởng ĐT sau đó chỉ giữ lại một người, và đã trả người còn lại về CLB với  lý do tế nhị: "Chuyên môn không đạt yêu cầu".

Hãy cho họ sống

Trong giới VĐV nữ, từ các môn cầu mây, bóng chuyền cho tới bóng đá đều có những cặp đồng tính công khai quan hệ với nhau. Không chỉ các đồng đội, mà ngay cả bố mẹ, người thân của những cặp này cũng biết chuyện, và đã coi nó là một điều hết sức bình thường.

Tuy nhiên Lưu Thị Thanh cho biết, cũng lại có trường hợp một vài VĐV vẫn lấy chồng, sinh con, và người chồng tuyệt nhiên không biết giới tính thật của vợ mình, hoặc có những trường hợp luôn một mực phủ nhận mình là người đồng tính.

Thanh kể lại: "Có một nữ VĐV cực kỳ nổi tiếng khi lên báo trả lời phỏng vấn vẫn hay kể về việc mình yêu chàng trai này, chàng trai kia. Nhưng quá hiểu chị ấy, tôi biết chắc là chẳng có chàng trai nào như chị ấy nói cả". Đối với những trường hợp kiểu này, Thanh phân tích: "Theo tôi, họ cũng chẳng muốn nói dối làm gì, nhưng vấn đề là  phần đông dư luận hiện nay không ủng hộ giới tính của họ, thậm chí còn coi nó như một dị biệt, cần phải xa lánh. Điều ấy khiến họ hết sức khổ tâm".

Cuối cùng, Lưu Thị Thanh bày tỏ quan điểm: "Đời một nữ VĐV đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi rồi. Vậy nên với những nữ VĐV đồng tính, nếu xã hội không tạo điều kiện cho họ được sống thật với con người mình thì theo tôi, đấy là một điều bất nhẫn". Nói tới chỗ này, cái giọng tưng tửng vốn có của Thanh  trầm lại. Khóe mắt cô bỗng nhiên ngân ngấn nước. Biết Thanh đã lâu, và gắn bó với Thanh qua rất nhiều mặt trận, nhưng ngoại trừ những lần thắng - thua trên sàn đấu, hình như đây mới là lần đầu tiên tôi thấy cô gái vàng rơi nước mắt!

Những nữ VĐV đồng tính điển hình trên thế giới

1.  Nữ VĐV Tenis Navratilova, người Séc, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1956, từng vô địch rất nhiều giải đấu trong sự nghiệp đã thẳng thắn thừa nhận mình là les, và đã công khai mối tình của mình với Rita Brown - nữ  nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm về đề tài đồng giới. Tuy nhiên, tình yêu giữa họ chỉ kéo dài khoảng 2 năm, khi mà sau đó Rita đã bỏ Navratilova để yêu một nữ văn sĩ khác tên là Flagg.

2. Nữ VĐV Tenis A.Mauresmo, người Pháp sinh năm 1979, đã từng vô địch Wimbledon năm 2006 cũng từng công khai việc mình là les. Mauresmo đã có một thời gian dài rất hạnh phúc với người tình Bourdon vốn là chủ một hộp đêm danh tiếng. Sau khi vô địch giải Úc mở rộng năm 2006, nữ VĐV này từng nói: "Chính tình yêu và tình dục đồng giới đã giúp tôi thành công trong sự nghiệp".

3. Eudy Simelene, nữ tuyển thủ bóng đá Nam Phi, sinh năm 1977 là một trong những trường hợp nữ cầu thủ hiếm hoi thừa nhận mình là les. Tuy nhiên, ở Nam Phi có những phần tử cực đoan, lên án kịch liệt tình yêu đồng giới. Thế nên năm 2008, một kết cục bi thảm đã xảy ra với Eudy khi cô đã bị một nhóm người hiếp dâm tập thể rồi sát hại bằng 25 vết đâm trên cơ thể. Vụ việc khi ấy đã gây phẫn nộ dữ dội trong dư luận Nam Phi.

Đồng tính nữ dưới góc nhìn của bác sĩ thể thao:

Trước khi làm việc và gắn bó chặt chẽ với các nữ tuyển thủ, tôi đã nghe về chuyện trong đội có những người cặp kè với nhau. Lâu nay người ta vẫn tưởng rằng chỉ có những nữ VĐV trông giống như con trai và có tính cách con trai mới là les, nhưng sự thực là có những VĐV để tóc dài, ăn nói nhỏ nhẹ, thích trang điểm hẳn hoi vẫn là les.

Ở góc độ y học thể thao, Việt Nam chúng ta chưa có những nghiên cứu chuyên sâu nào về vấn đề này, nhưng với những người làm công tác thực tiễn như chúng tôi thì nó là một hiện tượng hết sức bình thường, dễ hiểu. Theo tôi, nguyên nhân khiến các nữ VĐV dễ bị les một phần do đặc thù nghề nghiệp của họ, khi mà các môn thể thao, đặc biệt là những môn có tính chất đối kháng luôn đòi hỏi một tính cách mạnh mẽ, khiến cho xu hướng nam tính của các nữ VĐV thường lớn hơn so với các cô gái bình thường. Một phần khác là do môi trường sống, khi các nữ VĐV cứ thế ăn ở tập trung với nhau từ khi còn ở đội năng khiếu, đội 1 rồi lên đến cấp độ Đội tuyển QG.

Cá nhân tôi chưa bao giờ kỳ thị những nữ VĐV đồng tính, trái lại, tôi luôn hòa đồng với họ, và chăm sóc, ứng xử với họ như tất cả những VĐV bình thường khác.

(Một bác sĩ ở một ĐT nữ QG đề nghị được giấu tên)

Phan Đăng – CSTC tuần số 64
.
.
.