Đường trần gian khốn khó của người nghệ sỹ cô đơn

Thứ Hai, 31/01/2011, 14:13
Ở tuổi 76, bà vẫn đi đóng phim và chắt chiu từng đồng bạc lẻ, Nhưng, mỗi đêm về, bà lại thui thủi với căn phòng bé xíu, đối diện trọn vẹn với nỗi cô đơn. Không còn ai bên đời bà nữa…

Buổi sáng cuối năm, khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu ở đường Âu Dương Lân, quận 8, TP HCM vắng lặng. Đây có lẽ là khu nhà duy nhất trên thế giới dành riêng cho những người cả đời ăn cơm nghệ thuật, nhưng lúc về chiều không may mắn, cơ nhỡ, neo đơn. Nằm trong một khuôn viên rộng nhiều cây xanh, nhưng cũ kỹ rêu phong, khu nhà là nơi trú ngụ của nữ nghệ sỹ Thiên Kim suốt hơn chục năm qua.

Ở tuổi 76, bà vẫn đi đóng phim và chắt chiu từng đồng bạc lẻ, Nhưng, mỗi đêm về, bà lại thui thủi với căn phòng bé xíu, đối diện trọn vẹn với nỗi cô đơn. Không còn ai bên đời bà nữa…

Bảy mươi năm cay đắng!

Phòng chừng 5 m2, vừa đủ đặt một chiếc giường con, cái tủ nhỏ và một chiếc bàn bé xíu. Dẫu vậy, nhưng nó có vẻ vừa vặn với sự đơn côi của bà. "Kể chuyện nghề, chuyện đời thì nhiều chuyện buồn lắm con ơi. Nhiều khi cô nghĩ cuộc đời của cô suốt bảy mươi mấy năm qua với biết bao sự việc, biết bao những biến đổi, những khổ cực trong đời… cũng chính là số phận của cô đó. Cô làm ra bao nhiêu là lo cho con cho cháu hết, chẳng giữ lại được gì cho mình cả. Sống ở đây thì cũng chỉ là bất đắc dĩ thôi…", nghệ sỹ Thiên Kim ngậm ngùi nói.

Cuộc đời Thiên Kim là chuỗi dài những buồn tủi. Dường như lâu lắm rồi, bà mới ngồi nghĩ lại những năm tháng đi qua, nhớ lại những quãng đời không muốn nhớ. Lên ba, cô bé Thiên Kim đã phải hứng những trận đòn đầy uất hận từ mẹ kế. Thiên Kim bảo, số bà không may vì hai chị gái được sống với mẹ, còn bà phải ở lại với bố nên gánh những cơn giận từ người mẹ ghẻ không yêu thương con chồng. Suốt thời ấu thơ là ngập đầy nước mắt. Thiên Kim cũng không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn của người vợ. Ở tuổi hai mươi, khi con trai vừa chập chững biết đi thì chồng bà qua đời. Ở tuổi thanh xuân, nhiều người khuyên bà nên đi bước nữa. Lên xe hoa lần hai, sinh thêm bốn đứa con, rồi người đàn ông ấy cũng rời bỏ mẹ con bà theo người đàn bà khác. Thiên Kim thêm một lần trào nước mắt, dắt díu đàn con năm đứa về nhờ má cưu mang.

Những ngày ấy, căn nhà nhỏ của má Thiên Kim ở quận Gò Vấp như một trường tiểu học, lúc nào cũng ồn ào tiếng con trẻ. Không những phải nuôi mẹ và năm đứa con thơ dại, Thiên Kim phải cáng đáng thêm năm đứa cháu, con của người chị gái nghèo khó ở Tây Ninh nữa. Đôi vai bé nhỏ của Thiên Kim phải oằn giữa đường đời, chỉ với một nhu cầu duy nhất, là lo đủ bữa cơm cho 12 người trong căn nhà chật chội ấy. Cả một quãng đời dài, Thiên Kim đã phải chạy đôn chạy đáo đóng phim, diễn kịch, đi lồng tiếng cho phim. Bà bảo, người ta đi đóng phim là đi làm nghệ thuật, còn tôi thì chỉ coi đó là cái việc để mình có thể kiếm tiền nuôi gia đình. Xấc bấc xang bang qua đoàn hát nọ, đoàn phim kia cũng chỉ mong sao có đủ tiền chợ, chẳng nghĩ được gì cho mình, đến cái áo đẹp, đến thỏi son môi cũng không dám mơ tới. Mộng cô đào chỉ là tuổi xa xưa, còn bước vào đời cơm áo, Thiên Kim thấy mình như người đàn bà lao động, lúc nào cũng phải đóng vai tảo tần, nghèo khó. 

Thời gian trôi qua, "nghệ sĩ tự do" Thiên Kim chạy sô chuyên nghiệp cũng lo được cho năm con, năm cháu đến lúc lấy vợ lấy chồng. Đến khi mẹ già mất, bà đã để lại căn nhà cho con trai út, rồi xin vào Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu (nhiều người quen gọi là Viện Dưỡng lão nghệ sĩ) sống cho đến nay cũng đã hơn 10 năm. Hiện giờ gia đình năm người con của bà (ba trai, hai gái) mỗi người một nơi: đứa ở Biên Hòa, đứa ở Gò Gấp, đứa tuốt dưới Bến Tre, đứa ở Củ Chi, đứa ở Thủ Đức. "Mọi người cứ trách sao các con vô tình với mẹ. Nhưng cả năm đứa, đứa nào cũng khó khăn lắm. Thành ra chúng chẳng có điều kiện thăm mẹ nhiều, chỉ những ngày lễ, Tết chúng mới ghé thôi. Nghĩ cũng buồn, nhưng mình đã chẳng giúp được gì cho con thì cũng đừng làm gánh nặng cho chúng" - Thiên Kim nói, giọng bà nghẹn lại, như muốn khóc.

"Cả đời đi diễn biền biệt để có tiền lo cho mẹ và các con, các cháu, thỉnh thoảng tôi mới về thăm chung, còn lại chỉ là gửi tiền về lo cho sắp nhỏ, thành ra tôi cũng không có điều kiện để chăm sóc và nhìn đàn con lớn lên. Nghĩ đời mình chả có lấy một ngày vui. Mà vì xa mẹ lâu, nên đám con tôi cũng ít tình cảm với mẹ hơn thì phải. Có đứa còn nhận xét rằng hình ảnh má trên phim với những vai diễn toàn giàu sang nên không thương được, không giống hình ảnh của má ngoài đời".

Nhân chứng sống của một kỷ niệm đau buồn

Câu chuyện của chúng tôi xoay qua xoay lại cũng trở về vấn đề chính là cải lương và phim ảnh. Nhắc đến Thiên Kim là nhắc đến vở cải lương "Lấp sông Gianh", vở diễn cho bà một vai chính quan trọng, nhưng cũng để lại quá nhiều những buồn đau.

Bà kể lại: "Vở "Lấp sông Gianh" (tác giả Duy Lân) được chọn để khai trương đoàn Kim Thoa tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân TP HCM) vào tối 19/12/1955. Nội dung vở diễn kể về thời chúa Nguyễn, có một đôi trai gái yêu nhau và gia đình đồng ý cho họ cưới, nhưng cô ở bờ Nam, còn chàng trai lại sống bên bờ Bắc. Sông Gianh khi ấy là ranh giới hai miền đất đang bị chúa Trịnh và chúa Nguyễn phân tranh. Trong một lần tính vượt sông đón người yêu thì chàng trai bị quân chúa Trịnh bắt và đày lên mạn ngược. Cô gái bị sung vào cung chúa Nguyễn để đàn hát giúp vui. Rồi có ngày chàng trai trốn thoát trại giam, tham gia nghĩa quân. Chàng trai với những lời lẽ tha thiết và dùng tiếng sáo của mình để gợi lòng yêu đồng bào ruột thịt của binh sĩ hai bên bờ sông Gianh. Cô gái nhờ được giúp đỡ cũng có mặt vào lúc đó. Lính và dân hai bờ, mặc cho quan binh hăm dọa, đã hò nhau khiêng đất lấp sông Gianh…".

Vở diễn này mượn chuyện quá khứ để đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tức giận cho mật thám ném lựu đạn lên sân khấu làm nhiều người bị thương và khiến ba người chết - đó là nghệ sĩ Ba Hương, nhà báo Nguyễn Mai và anh vệ sĩ của đoàn. Nghệ sĩ Thiên Kim cũng bị mảnh đạn găm trên người, những mảnh đạn nhỏ trong đêm đó vẫn còn găm trong người bà đến tận bây giờ.

"Sau vụ đó tôi sợ không dám đi hát cải lương nữa mà chuyển sang kịch nói. Trải qua bao nhiêu năm, từ những vai đào con, lớn lên trở thành đào chánh, đào thương cho các đoàn Kim Thoa, Năm Châu, Nam Hồng, Lam Sơn, Sóng Mới, Tiếng Chuông, Bích Thuận… Nhưng thực sự, cải lương vẫn là niềm yêu mãnh liệt. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy những năm tháng đó dữ dội nhưng cũng tự hào. Vì mình đã góp phần vào cuộc đấu tranh đòi hòa bình. Tôi đã hạnh phúc biết bao khi ngày hòa bình lập lại. Và cũng hạnh phúc biết bao nhiêu khi đến giờ vẫn còn có những vai diễn dành cho mình. Đời nghệ sỹ, tôi chẳng để lại được gì, cũng chẳng giữ được gì cho riêng mình, ngoài cái duyên nho nhỏ cho những vai diễn" - bà nói.

Giờ là "trào" Thiên Kim!

Thiên Kim có hai bạn thân trong viện dưỡng lão là Ngọc Đáng và Chín Đèn. Ngọc Đáng đã 83 tuổi nhưng vẫn hoạt bát. Còn ông Chín Đèn thì trẻ hơn, thường xuyên giúp bà soạn hợp đồng, lên lịch đóng phim, đồng thời kiêm luôn… xe ôm cho Thiên Kim. Nghe nghệ sĩ Thiên Kim kể chuyện, nghệ sĩ Ngọc Đáng cười bảo: "Trào" người nào người đó hưởng, giờ là "trào" Thiên Kim đó con. Bây giờ đi bên nó, cô còn bị lép vế đó, khán giả biết Thiên Kim nhiều, chứ ít biết về cô".

Ai cũng biết trong số 19 nghệ sĩ đang sống ở viện dưỡng lão, Thiên Kim là người bận rộn nhất với lịch đóng phim, diễn kịch khá dày. Đang nói chuyện với tôi, có điện thoại của một đạo diễn và bà trả lời, xưng là "bà nội"... Bà cười: "Mấy bé đạo diễn toàn gọi cô là bà nội, bà ngoại rồi má… theo "chức danh" vai diễn mà cô đảm nhận trong phim thôi. Riết rồi quen".

Ba người bạn thân - nghệ sĩ Chín Đèn, Ngọc Đáng, Thiên Kim.

Nhắc đến chuyện phim ảnh, nghệ sĩ Thiên Kim có vẻ linh hoạt, rạng rỡ hẳn lên. Bà kể vanh vách những vai diễn mà bà đã đóng như: Võ sĩ bất đắc dĩ, Mảnh vỡ, Cạm bẫy, Đón con về, Trinh thám Sài Gòn, Tuyết nhiệt đới, Phát tài, Bỗng dưng muốn khóc... Tuy chỉ là những vai phụ và ở những phân đoạn ngắn, có vai chỉ lướt qua màn hình nhưng đối với bà đó là niềm hạnh phúc vì bà được sống với nghề và có thêm thu nhập để tùng tiệm qua tuổi già. Cũng chính vì vậy, bất cứ đạo diễn nào mời đóng phim, bà đều nhận lời, dù vai khó đến mấy, dù thuộc bất cứ thể loại nào. Và hầu như bà cũng chẳng nề hà chuyện cát sê dù nhiều khi chỉ đủ tiền trả phí xe ôm. Và cũng chính vì hoàn cảnh éo le ấy mà nhiều đạo diễn không quên bà mỗi khi làm phim.

Bà kể: "Thằng Bảo (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo - PV) thương cô lắm, phim nào nó làm cũng đều mời cô cả. Cô vừa quay xong bộ phim "Mẹ chồng nàng dâu", Bảo đã cho chỉnh sửa kịch bản phim "Vũ điệu tình yêu" từ nhân vật bà mẹ thành bà ngoại để cô diễn hợp hơn. Lúc đầu không có vai nào cho cô cả, nhưng Bảo nó ưu ái cô đến vậy. Cứ nghĩ tới đó là cô thấy ấm lòng". Hiện Thiên Kim đang tham gia hai phim là "Cô dâu ngọt ngào" (Đạo diễn Trương Dũng) và "Người đàn ông thời đại" (Đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo).

Vừa ngồi nghe câu chuyện, vừa "đính chính" những chi tiết bà nói chưa đầy đủ, ông Chín Đèn cũng tâm sự: "Cô Kim tính tình vui vẻ, hòa nhã lắm, nhưng hiền lành quá nên nhiều khi phải chịu thiệt. Như vừa rồi phim "Vẫn là tình yêu" của Công ty cổ phần Truyền thông Lạc Việt (Q.12), cô Kim đã đóng tới mười bảy, mười tám phân đoạn và dù đã ký hợp đồng đàng hoàng nhưng khi phim bị hoãn lại, cô ấy vẫn bị xù mấy triệu tiền cát sê. Đó là chưa kể còn bị mất tiền xe đi về từ Thủ Đức 200 ngàn/ngày...".

Nghệ sĩ Thiên Kim còn kể thêm rằng cũng có trường hợp một nhân viên của một chương trình truyền hình đến quay phim làm chương trình về bà. Trong quá trình làm cũng mượn bà số tiền hơn một triệu đồng, hẹn sẽ trả xong thời gian quá lâu chẳng thấy quay lại hay liên lạc gì. "Thiệt tình cô cũng chẳng biết phải làm sao với những trường hợp này, nhưng cô nghĩ đúng ra họ phải thương hoàn cảnh của cô chứ, đằng này họ lại đối xử với cô như vậy…" - bà rầu rầu nói.

Tự lo trước hậu sự cho mình!

Trên phim ảnh, Thiên Kim luôn đóng những vai bà già phúc hậu, có khi là hài hước, vui vẻ. Nhưng ít ai ngờ rằng đằng sau những nụ cười "chẳng lẫn vào đâu được" của bà là những nỗi lòng phiền muộn. Cuộc đời bà chứng kiến nhiều trường hợp bệnh tật không có tiền thuê người chăm sóc, nhiều khi chết đói chết khát. Từ đó bà ý thức được rằng cần phải dành dụm để có chút tiền mà lo hậu sự, có tiền thuê người giúp lúc ốm đau bệnh tật. "Tuy rằng bệnh tật đã có bảo hiểm y tế, nhưng chẳng lẽ đi viện không có tiền sao được. Mắt cô đang bị mờ dần, có cườm mà chưa đi mổ được. Nhiều đêm nằm ngủ tự dưng huyết áp tăng tưởng "đi" luôn rồi. Những lúc ấy một thân một mình tự lo thôi. Nhiều khi cũng tủi cho phận mình cô quạnh. Nếu ông trời bắt phải chết thì làm sao cho mình "đi" được nhanh chóng chứ mà ăn dầm nằm dề, không có người chăm sóc thì khổ lắm", bà giãi bày.

Hỏi về ước mơ của bà? Bà bộc bạch: "Cô mơ ước có một căn nhà nhỏ dù rách nát nhưng có chỗ chui ra chui vào, tránh những bon chen tị hiềm, để có điều kiện theo nghề cho đến lúc nhắm mắt tàn hơi. Và nhất là có sức khỏe để tiếp tục được đi đóng phim, diễn kịch, đó là niềm hạnh phúc không dễ gì có được".

Cứ mỗi đêm trăng rằm, nghệ sĩ Thiên Kim lại cùng các nghệ sĩ khác ở Viện dưỡng lão ca hát, diễn tuồng, thả hồn vào những vai diễn một thời của họ, để thỏa nỗi nhớ nghề. Cũng có cả những nghệ sĩ trẻ tới góp vui. Khán giả kéo đến xem khá đông. Nghệ sĩ ở Viện dưỡng lão này hiện được trợ cấp 15.000 đồng/người/ngày và quy định tiền điện nước. Những chi phí phát sinh khác, các nghệ sĩ phải tự lo. Mỗi ngày các lão nghệ sĩ chỉ ăn hai bữa chính lúc 10h30 sáng và 4h30 chiều.

Phạm Phú Lữ - CSTC tuần số 43
.
.
.