FIFA: Bê bối chồng chất bê bối

Thứ Hai, 06/06/2011, 16:00
Danh tiếng và uy tín của Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) đang bị tổn hại nghiêm trọng sau hàng loạt vụ bê bối mua bán phiếu bầu. Đặc biệt, khi thời điểm bầu chọn tân Chủ tịch FIFA đến gần (vào đầu tháng 6) thì những scandal mới càng khiến cho cuộc đua trở nên nóng hơn với nhiều bất ngờ.

Động thái gây sửng sốt nhiều nhất và cũng mang lại sự thất vọng tràn trề cho những người yêu chuộng môn thể thao trái bóng tròn chính là việc FIFA tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Mohamed Bin Hammam.

Ông Mohamed Bin Hammam bị cáo buộc đã hối lộ các quan chức của Liên đoàn bóng đá Caribbea (CFU) nhằm đổi lấy sự ủng hộ cho cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch FIFA sắp tới. Sau khi bị cáo buộc, hôm 29/5, ông Mohamed Bin Hammam cũng đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua này. Kết quả điều tra cho thấy, ông Mohamed Bin Hammam đã nhờ cậy Phó Chủ tịch FIFA đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá CONCACAF Jack Warner dẫn mối tới gặp giới chức CFU.

Và thế là trong cuộc họp của CFU hôm 10 và 11/5 vừa qua tại Trinidad, ông Mohamed Bin Hammam đã gửi tới 25 thành viên trong CFU khoản tiền bồi dưỡng 40.000 USD để họ bỏ phiếu bầu chọn ông vào vị trí Chủ tịch FIFA. Do đó, không chỉ có ông Mohamed Bin Hammam mà cả Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner cùng với hai quan chức cấp cao của CFU Debbie Minguell và Jason Sylvester đều phải nhận hình thức kỷ luật tương tự vì liên quan đến scandal này.

Ông Mohamed Bin Hammam phải từ bỏ giấc mơ trở thành Chủ tịch FIFA vì bê bối mua bán phiếu bầu (ảnh trái). Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner đang phải đối mặt với một loạt cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và mua bán phiếu bầu (ảnh phải).

Ngoài ra, ông Jack Warner còn bị cáo buộc thêm tội danh hối lộ một quan chức FIFA tên là Chuck Blazer ở Zurich; tuồn vé World Cup 2006 bán ra ngoài thông qua một trung gian và bị cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh Lord Triesman tố cáo "vòi vĩnh" để đổi lấy phiếu bầu trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Ông Lord Triesman thậm chí còn tiết lộ rằng, cái giá mà Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner đưa ra không chỉ có tiền hối lộ mà còn bao gồm cả quyền phát sóng một trận đấu trên truyền hình và được Hoàng gia Anh phong tước. Tức giận, ông Lord Triesman đã từ chối nhưng lại không dám báo cáo vụ việc cho FIFA vì lo sợ hành động của mình sẽ khiến nước Anh tuột mất cơ hội đăng cai World Cup 2018.

Nhưng nay, khi những sai phạm của ông Jack Warner được làm rõ, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh sẵn sàng ra làm chứng và thậm chí còn có thể kể thêm câu chuyện về việc Phó Chủ tịch FIFA đã đòi khoản tiền hơn 3 triệu USD để xây dựng các trường thể thao ở Trinidad và gần 1 triệu USD để mua bản quyền phát sóng các trận đấu World Cup của Haiti…

Điều đáng nói là việc tham nhũng, nhận hối lộ, mua bán phiếu bầu dường như không còn mới mẻ ở FIFA. Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke trong lần trả lời phỏng vấn báo giới còn thốt lên rằng, cái giá 40.000 USD mà Mohamed Bin Hamman bỏ ra để mua phiếu bầu cho mình không phải là lớn bởi trong lịch sử FIFA từng có những cuộc mua bán như thế với giá lên tới 1 triệu USD.

Vụ việc này xảy ra ở Port au Prine hồi đầu tháng 5 và nó khiến nhiều tổ chức đang lớn tiếng kêu gọi FIFA phải cải tổ bộ máy hiện tại vốn bị coi là trì trệ và tham nhũng. Hồi tháng 12 năm ngoái, hãng BBC đã đưa tin về vụ tham nhũng những năm 90 thế kỷ trước của hai quan chức cấp cao FIFA mang quốc tịch Brazil là Chủ tịch FIFA Joao Havelange và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazl, thành viên của Ủy ban cao cấp FIFA Ricardo Teixeira.

Những người này được cho là đã nhận tiền đút lót lên tới 100 triệu USD của Công ty Tiếp thị thể thao International Sports and Leisure. Sau khi bị Thụy Sĩ điều tra, cả hai vị này bị buộc phải trả lại tiền đút lót. Trước đó 8 tháng, trong một phóng sự dài kỳ, tờ Times của Mỹ đã đăng tải toàn bộ câu chuyện về việc phóng viên của báo đã đóng giả các nhà vận động hành lang cho một nhóm các tập đoàn Mỹ muốn Mỹ giành quyền đăng cai kỳ World Cup 2018.

Những phóng viên này đã tiếp cận được với ông Amos Adamu, người Nigeria, Chủ tịch hiệp hội bóng đá Tây Phi, một trong 24 thành viên ban chấp hành FIFA và được ông này đòi 800.000 USD để đảm bảo sẽ bỏ phiếu cho Mỹ. Người thứ hai mắc bẫy của phóng viên tờ Times là ông Reynald Temarii, người đảo quốc Tahiti, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Đại dương và cũng là Phó Chủ tịch FIFA.

Trong cuộc gặp tại Auckland (New Zealand) ông này tuyên bố bán phiếu nếu đầu tư cho ông một Học viện bóng đá trị giá 2,4 triệu USD tại quê nhà… Một điểm đáng chú ý nữa là ngoài những người sẵn sàng bán phiếu bầu, phóng viên tờ Times còn tìm được người chuyên dắt mối giữa người mua và người bán. Đó là Chủ tịch Hội đồng giải quyết tranh chấp FIFA Slim Aloulou. Giá cho mỗi lần dắt mối được ông Slim Aloulou đưa ra là 480.000 USD…

Trung Nguyên – CSTC tuần số 61
.
.
.