Gia đình Nobel và bi kịch tàn lụi sự nghiệp huy hoàng

Thứ Sáu, 14/10/2011, 07:35
Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 19 đến khi Cách mạng tháng Mười nổ ra, một dòng họ gốc Thụy Điển đã đóng vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế Nga, đặc biệt là trong các lĩnh vực quân sự, công nghiệp, năng lượng. Đó chính là dòng họ Nobel. Không giống như các nhà tài phiệt ngày nay, hầu như tất cả các nhân vật của dòng họ này không chỉ là doanh nhân mà còn là nhà phát minh, sáng chế...

Bà hỏa làm tiêu tan

Năm 1837, Emmanuel Nobel, 36 tuổi, công dân Thụy Điển, đã nộp đơn cho chính quyền Nga hoàng xin đến St. Petersburg sinh sống và được chấp thuận. Đó là một nhà phát minh tự học và là một doanh nhân không mấy thành công nhưng rất ưa thích phiêu lưu, mạo hiểm.

Trước đó, ông từng tham gia kinh doanh xây dựng và đã có một nhà máy cao su tại Stockholm, Thụy Điển. Nhưng rồi công ty của gia đình bị phá sản, cha ông bị kết án tù chung thân vì vỡ nợ. Theo những nhà viết tiểu sử có thiện cảm với dòng họ Nobel thì thủ phạm gây ra là một tia lửa ngẫu nhiên. Hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi nhà hai tầng mà gia đình Nobel sinh sống; tất cả tiền bạc, trái phiếu, bằng phát minh, sáng chế... đều ra đi cùng bà hỏa. Sau khi cha vào tù, Emmanuel đến Nga với hi vọng khôi phục lại những gì đã mất.

Vợ ông, Henriette, ở lại Stockholm, mở một cửa hiệu nhỏ bán rau; trong số bốn con trai (Robert, Ludwig, Alfred và Emil), hai đứa lớn Robert và Ludwig phải đi bán diêm. Đã gần 130 năm trôi qua kể từ trận Poltava lịch sử (vua Thụy Điển Karl XII bại trận trước Sa Hoàng Pie đại đế trong cuộc chiến tranh xâm lược nước Nga năm 1709), là người chiến thắng, người Nga luôn tỏ ra độ lượng với người Thụy Điển. Emmanuel được các ngân hàng Nga cho vay tiền để thành lập các xưởng cơ khí, nhận được nhiều đơn đặt hàng từ phía quân đội Nga. Công việc làm ăn rất thuận buồm xuôi gió.

Đặc biệt, mọi chuyện bắt đầu thay đổi mạnh từ năm 1842, khi Emmanuel Nobel chế tạo thành công thủy lôi và đưa vào sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng của quân đội. Sau khi đã có khá nhiều tiền và công việc làm ăn ổn định, ông quyết định đưa cả gia đình sang St. Petersburg sinh sống. Alfred Nobel- vua thuốc nổ trong tương lai và là nhà sáng lập giải thưởng Nobel nổi tiếng- lúc bấy giờ mới 9 tuổi.

Công ty "Nobel và các con" đã đạt được đỉnh cao quyền lực trong thời gian chiến tranh Crime (1853-1856), khi quân đội tới tấp gửi đơn đặt hàng. Đơn hàng chủ yếu là đạn dược cho lực lượng Hải quân Nga và động cơ hơi nước cho tàu chiến.

Trong cuộc chiến này, Nga đã bại trận trước liên quân Anh-Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng người Nga tránh được điều tồi tệ nhất: Nhờ một lượng lớn thủy lôi do Nobel chế tạo đặt dưới biển trong vùng vịnh Phần Lan nên các hạm đội Anh-Pháp không thể tiếp cận để tấn công, đánh chiếm thủ đô của đế chế Nga. Hòa bình được vãn hồi sau cuộc chiến Crime lại trở thành một đòn chí mạng giáng xuống nền công nghiệp quân sự Nga mà Nobel đang nắm vai trò trọng yếu. Không còn đơn đặt hàng, các cơ sở sản xuất của Nobel gần như tê liệt. Một lần nữa, dòng họ Nobel lâm vào tình cảnh phá sản. Emmanuel đành "quy cố hương" với hai bàn tay trắng. Nhưng các con trai của ông vẫn ở lại Nga và tiếp tục các công việc kỹ thuật, chuyển đổi công nghệ, tham gia lĩnh vực chế tạo máy.

Năm 1862, Ludwig Nobel thành lập tại St. Petersburg Nhà máy cơ khí Lugwig Nobel, với công việc chính là sản xuất động cơ Diesel. Nhà máy này đã hoạt động thành công liên tục cho đến tận ngày nay, với tên gọi được đổi thành Nhà máy diesel Nga. Sau đó, Ludwig còn thành lập Nhà máy chế tạo vũ khí ở thành phố Izhevsk (trong thế kỷ 20, nhà máy này trở nên nổi tiếng vì chuyên sản xuất súng máy cá nhân AK).

Ludwig Nobel cũng thành lập Hiệp hội Kỹ thuật Nga, thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ của Nga, tham gia vào các chương trình từ thiện xã hội. Người em kế Robert Nobel trở thành thành viên cấp dưới của Ludwig, trong khi đó, Alfred Nobel vừa tham gia kinh doanh vừa dành nhiều thời gian để thực hiện các thí nghiệm khoa học.

Nỗ lực và ý chí trước thử thách

Alfred Nobel say mê với các thí nghiệm chế tạo thuốc nổ để làm cốt mìn. Những thí nghiệm này không những vô cùng tốn kém mà còn gây thiệt hại về nhân mạng cho dòng họ Nobel. Cũng trong năm 1862, một vụ nổ khủng khiếp do chất nitroglycerin đã xảy ra tại phòng thí nghiệm của Alfred Nobel ở Stockholm, giết chết một số công nhân và người qua đường.

Đau đớn thay, người em út, Emil Nobel, mới hai mươi tuổi, cũng thiệt mạng trong vụ nổ này. Ông già Ammanuel Nobel khốn khổ trở nên mất trí sau cú sốc này và sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời trong nhà thương điên. Alfred, người sáng lập giải Nobel trong tương lai, lúc đó may mắn thoát khỏi vòng lao lý. Vụ án đã được ém nhẹm nhờ sự can thiệp và vận động hành lang của giới quân sự Thụy Điển, vốn đang rất quan tâm đến kết quả của các "thí nghiệm sát thủ" mà Alfred đang thực hiện.

Cuối cùng, Alfred Nobel đã được cấp bằng sáng chế cho chất nổ dinamit (cốt mìn) vào năm 1867 và sau đó là cho thuốc nổ bột không khói. Điều này mang lại cho ông cả danh tiếng lẫn tiền bạc. Việc cho sử dụng thuốc nổ ở các tuyến đường sắt đang diễn ra ào ạt vào thời điểm đó hoặc trong việc đào hầm mỏ đã giúp nhà phát minh nhận được cổ phiếu của các công ty xây dựng và các công ty khai thác mỏ. Alfred Nobel được cấp bằng sáng chế cho tổng cộng khoảng 350 phát minh.

Ông không chỉ thử nghiệm với vật liệu nổ, mà còn tiến hành trong cả lĩnh vực chế tạo cao su nhân tạo và tơ nhân tạo. Sau khi Alfred Nobel qua đời, tài sản của ông được định giá khoảng một tỷ đôla, bao gồm 93 nhà máy và rất nhiều bất động sản trên khắp châu Âu.

Nhìn chung, "vua thuốc nổ" được biết đến như một con người kỳ quặc. Báo chí thời bấy giờ rất ưa mô tả về sự lập dị của ông, về đường tình duyên trắc trở và những mối tình bất hạnh của nhà khoa học. Chẳng hạn, ông từng cố gắng thuyết phục quốc vương Thụy Điển thành lập Viện tự tử, trong khi chính ông luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng, một ngày nào đó ông sẽ bị chôn cất khi còn chưa chết hẳn giống như trường hợp của nhà văn Nga Nikolai Gogol. Cũng chính bởi điều này mà trong di chúc, ông yêu cầu người thân cắt ven máu ở cổ tay ông sau khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Nhà máy cơ khí của gia đình Nobel tại St. Petersburg.

Trong tình yêu, Alfred Nobel thực sự là người kém may mắn. Một số người cho rằng, sở dĩ không có giải Nobel Toán học bởi vì thời gian ở St. Petersburg, chàng trai Alfred Nobel 17 tuổi đã cực kỳ đau khổ khi chứng kiến cô bạn học xinh đẹp người Đan Mạch mà chàng phải lòng cuối cùng lại về tay một anh bạn người Nga chỉ vì chàng Nga này giỏi toán hơn Alfred. Khi đầu đã bạc, "vua thuốc nổ" vẫn yêu chết mê chết mệt Sophie Hess, một cô gái trẻ người Vienna.

Cuộc tình này kết thúc bằng việc "hoa đẹp thành Vienna" ẵm của ông một mớ tiền lớn để đến với một sĩ quan kỵ binh trẻ tuổi. Tóm lại, vào ngày 10/12/1896, Alfred Nobel qua đời trong tư cách một kẻ độc thân tuyệt đối: chưa bao giờ kết hôn và cũng chưa bao giờ có con cái. Ông để lại gần như toàn bộ tài sản của mình cho quỹ giải thưởng mang tên ông sẽ được trao hàng năm cho những thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học và văn học.

Nhưng lửa vẫn không buông tha

Dần dà, anh em nhà Nobel phát triển công việc làm ăn theo nhiều hướng, đặc biệt chú ý đến lĩnh vực công nghiệp khai thác dầu non trẻ. Năm 1879, họ thành lập Hiệp hội khai thác dầu Nobel. Dầu được khai thác trên bán đảo Absheron, trên lãnh thổ của Azerbaijan, lúc đó là một phần của đế quốc Nga. Anh em nhà Nobel không chỉ sớm giành vị trí dẫn đầu trong kinh doanh dầu mỏ của Nga, mà còn dẫn đầu trên thế giới khi ứng dụng vào lĩnh vực này những sáng tạo công nghệ mang tính cách mạng.

Chẳng hạn, thay vì đào giếng chứa dầu, họ sử dụng các bể chứa bằng kim loại. Họ lập ra các đội tàu chở dầu đầu tiên trên sông Volga và biển Caspi. Shukhov, một kỹ sư xuất sắc người Nga, đã giúp họ xây dựng đường ống dẫn dầu đầu tiên trên thế giới. Trước đó, dầu được vận chuyển trong các thùng da hoặc gỗ và bằng sức kéo của... lừa.

Đối thủ chính của dòng họ Nobel trong kinh doanh dầu ở Nga là Róthchilds, một doanh nhân quốc tế. Về vấn đề có nên xuất khẩu dầu thô từ Nga hay không cũng đã bùng lên cuộc chiến tuyên truyền và vận động hành lang, thậm chí cả nhà bác học Mendeleev và Sa hoàng Alxander III cũng bị lôi vào cuộc. Cạnh tranh có lợi cho sản xuất: đến cuối thế kỷ 19, Nga vượt Mỹ để chiếm vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác dầu.

Năm 1901, 53% tổng lượng dầu trên toàn thế giới được khai thác ở Nga (Chủ yếu do tập đoàn Nobel). Đáng tiếc, năm 1905, các công nhân người Hồi giáo (được tuyển dụng từ các nước vùng vịnh Ba Tư) nổi loạn tại các mỏ dầu ở Baku, đốt dầu, phá công cụ khai thác. Dòng họ Nobel lại một lần nữa mất tất cả gia sản trong lửa...

Minh - Cúc Hoàng (theo Nefty, Pradva) – CSTC tuần số 78
.
.
.