Giấc mơ tươi đẹp tuổi 16

Thứ Bảy, 29/01/2011, 18:09
...Đến một buổi chiều - buổi chiều vẫn chỉ như nhưng buổi chiều tê tái ấy. Bếp lửa trong phòng cô Thu vẫn bền bỉ cháy, đám học trò vẫn say sưa bên cô giáo của mình. Và cái thằng tôi - thằng trai bản cao lớn nhất lớp vẫn đứng như bức tượng ngoài cửa để thả hồn mình theo giọng nói ngọt ngào của cô...

Bây giờ tôi đã là một gã đàn ông gần 40 tuổi, nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện này trong tôi lại dân sự xúc động khôn nguôi. Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, từ cái ngày tôi mới chỉ là một cậu học trò ở miền núi rừng nghèo khó. Ngày ấy, những học sinh miền núi như chúng tôi thường đi học khi quá tuổi, riêng tôi 8 tuổi mới vào học lớp vỡ lòng, và khi 16 tuổi mới lẽo đẽo ra ngoài huyện học cấp ba.

Tôi lớn nhất lớp nên cũng bớt nghịch ngợm như các bạn, thỉnh thoảng trầm tư, đôi khi buồn tư lự và mông lung nghĩ về chuyện yêu đương. Thời ấy, những trai bản bước vào tuổi 16 như tôi đã đều lấy vợ, sinh con và có cuộc sống riêng của mình. Còn tôi vướng bận chuyện học hành nên pa mẹ cũng tạm gác chuyện hỏi vợ cưới xin.

Tuổi 16, cái tuổi đầy rẫy sự phức tạp của tâm lý và tôi cũng không ngoại lệ. Đôi lúc tôi muốn mình học hành chăm chỉ, cũng đôi lúc lại buông xuôi, và nhiều khi muốn đập phá cái gì đó, làm chuyện gì đó hết sức mơ hồ… Nhiều đêm tôi đi lang thang ngoài cánh đồng trước bản, nghêu ngao hát những câu sli của người Tày. Rồi cũng có đêm tôi cùng đám trai bản, rậm rịch uống rượu rồi râm ran đi hát lượn tán gái. Cũng có lúc tôi ngồi trầm tư bên bờ suối mà tưởng tượng về một người con gái trong mơ.

Tôi mơ về một người con gái thật đẹp - đẹp như những gì tôi muốn và nàng bước ra từ dòng suối, nở nụ cười rạng rỡ với tôi! Mơ thế! Thích thế! Hâm hấp thế! Nhưng chẳng có cô gái nào bước ra từ bộ óc đầy phức tạp của tôi. Sự thật thì tôi phải đi học mỗi ngày, sự thật thì tôi phải lên nương, xuống suối mỗi ngày và sự thật chán ngắt rằng, tôi vẫn chỉ là một gã trai bản 18 tuổi, học lớp 10 ở chợ huyện.

Mỗi buổi sáng, tôi vẫn phải đi bộ đến trường. Bàn chân thô vụng của tôi để trần và áp lên con đường đầy đá - con đường lạnh ngắt vì sương muối của mùa đông núi rừng. Bàn chân tôi dày cộp nứt toác và chưa bao giờ biết đến một đôi dép hay thứ gì đó mà sau này tôi biết đó là giày. Cứ thế gã trai bản 18 tuổi cùng bàn chân thô vụng, chắc nịch lê đến ngôi trường huyện nghèo khó.

Nhiều lần tôi muốn bỏ học. Cả bản chẳng ai đi học. Cả bản thanh niên đã có người yêu, đã có vợ. Tôi thấy mình lạc lõng, đôi khi xấu hổ vì lớn nhất lớp. Đám bạn cùng lớp luôn trêu trọc tôi vì cái sự cao lớn vô duyên ấy. Sự thật thì tôi không biết kể thế nào, nhưng rõ ràng khi ấy tôi mặc cảm - sự mặc cảm về tuổi tác, về bàn chân thô vụng nứt toác và không có giày. Cũng may tôi học không đến nỗi tệ (có lẽ do lớn hơn các bạn mà thôi), thế nên các thầy cô đều động viên tôi học tiếp.

Nhưng rồi tôi cũng bỏ học. Tôi nằm lỳ trong nhà và nhất quyết không đến lớp nữa. Pa mẹ tôi rất buồn nhưng chỉ im lặng. Tôi nghĩ mình sẽ sống hết đời với bản làng, với cánh đồng trước bản và với đôi chân thô vụng, nứt toác vì sương muối mùa đông. Dù vẫn mang trong mình một nỗi buồn mơ hồ, sự nhớ nhung nho nhỏ về ngôi trường huyện nhưng tôi vẫn quyết định bỏ học. Và pa mẹ tôi bắt đầu nghĩ đến việc hỏi vợ cho tôi.

Vào một buổi chiều cuối đông rét mướt, ở quê tôi những buổi chiều mùa đông luôn buồn tê tái, trời đất âm u, im lặng như ru người ta vào một giấc ngủ vô cùng. Tôi đang lúi húi ôm bó củi dưới gầm sàn thì xuất hiện một bóng người.

Đó là một cô gái - một cô gái kỳ lạ bởi cô ấy khoác trên người chiếc áo màu xanh rất đẹp (mãi sau này tôi mới biết đó là áo vét của người miền xuôi). Cô ấy đứng tần ngần ở đầu bản rồi hỏi thăm nhà tôi. Ở bản người Tày, lại vào buổi chiều mùa đông tê tái, sự xuất hiện của một cô gái là điều kỳ lạ. Chẳng mấy chốc cả bản kéo đến nhà tôi, họ muốn xem đó là ai, tại sao đến nhà tôi, có việc gì… người miền núi luôn thế.

Chính tôi cũng không biết cô gái này là ai, nên hồi hộp và lo lắng vô cùng. Qua vài câu chào hỏi xã giao, cô gái ấy tự giới thiệu tên là Thu - Nguyễn Hồng Thu - giáo viên mới về dạy ở trường cấp ba ngoài huyện. Tôi nhớ mãi giọng nói tiếng Kinh rất chuẩn, ấm áp, ngọt ngào và đầy tự tin đó. Cô Thu đến nhà tôi với một lý do đặc biệt: động viên tôi tiếp tục đi học! Tôi không hiểu tại sao, cô Thu có thể bước bộ hơn 10km đường núi vào tận đây tìm tôi, cũng không hiểu tại sao cô Thu lại biết tôi bỏ học dù trước đó cô chưa về dạy ở trường tôi.

Biết đó là cô giáo, cả bản tôi hết sức kính trọng. Pa mẹ tôi mổ gà mời cơm, mấy cô gái trong bản ríu rít tìm đến ngắm cô Thu có cái áo màu xanh như một vật thể lạ. Riêng tôi sợ hãi chui tít vào xó nhà, nhìn cô như mình mang trọng tội. Trong bữa cơm, cô Thu nói rằng, vì mới chuyển đến nên cô có đọc lại học bạ của tôi, thấy tôi học không đến nỗi tệ nên quyết định tìm đến đây, động viên đi học tiếp. Cô Thu cũng kể rằng, nhà cô ở dưới xuôi, ở thành phố, cô lên miền núi công tác theo sự phân công của nhà nước… Cứ thế cô Thu vừa ăn cơm vừa kể, giọng nói bằng tiếng Kinh ấm áp, rành rọt, đầy tự tin. Rồi cuối cùng cô nhìn tôi và nói: "Ngày mai em đi học tiếp nhé, có gì cứ nói với cô! Cố gắng nhé, trai bản!".

Vâng, trai bản! Đó là từ mà cô Thu đã dành cho tôi. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nghe rõ âm thanh ấm áp mang từ trai bản ấy trong tâm khảm của mình. Cứ mỗi lần nhắc đến từ trai bản thì ngay lập tức hình ảnh cô Thu với chiếc áo màu xanh lại hiện về. Tôi nghĩ đó là một phép thiêng thật đẹp mà chỉ riêng tôi có.

Và ngày hôm sau, như có một phép màu, tôi dậy sớm đặt bàn chân thô vụng của mình xuống mặt đất đầy sỏi đá để đến trường như kẻ mộng du. Tôi đi đến trường không biết vì lẽ gì, nhưng rõ ràng sự xuất hiện của cô Thu như một mệnh lệnh không thể chối cãi.

Hai cô trò tôi cùng sải những bước chân chậm rãi. Cô Thu ngạc nhiên nhìn bàn chân của tôi rồi hỏi: Em không đi dép? Tôi lúng túng trả lời: Em không thích. Đúng là tôi không thích thật, bàn chân tôi từ bé luôn để trần và áp xuống mặt đất. Nhiều lần nhà trường phát cho những đôi dép nhựa Tiền Phong, tôi đã từng đi thử nhưng rất khó chịu, dép làm chân tôi đau rát và luôn thấy vướng víu vô cùng.

Cũng năm đó, nhà trường xây thêm phòng học rồi quyết định để học sinh ở lại học nội trú. Bây giờ người ta gọi đó là Trường dân tộc nội trú. Việc ở lại trường sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian kèm cặp học sinh, cũng để học sinh tập trung học tập, tất nhiên được nhà nước bao cấp. Phòng chúng tôi chỉ cách phòng cô Thu một lớp học. Vào mùa đông, chúng tôi thường lên núi lấy củi cho cô sưởi ấm.

Cứ buổi chiều thì phòng cô Thu lại rất đông các bạn nữ. Họ đến đó để sưởi lửa, nướng khoai và nghe cô Thu kể chuyện. Cái gì cô Thu kể cũng hấp dẫn, cũng lạ lẫm vô cùng, riêng tôi chẳng cần biết cô kể gì, chỉ cần được nghe cái âm giọng ấm áp, rành rọt, đầy tự tin kia thì đã mê mẩn khôn cùng. Tôi thường đứng ngoài cửa và chìm vào những câu chuyện của cô Thu. Đó là chuyện về nàng công chúa bị ác quỷ giam cầm trong rừng sâu, chàng hoàng tử cưỡi ngựa với lưỡi gươm tìm đến; đó là chuyện về chàng trai xấu xí bỗng chốc biến thành hoàng tử vì dũng cảm chiến đấu với quái vật 9 đầu; và đó là chuyện ở thành phố với những công viên đầy hoa, với những cột đèn điện sáng trưng cao vút… Thú thực tôi chỉ nhớ lờ mờ nội dung câu chuyện của cô như vậy, điều làm tôi mê mẩn không gì khác chính là cái âm giọng ấm áp, rành rọt của cô.

Cuộc sống học tập của cô trò tôi cứ diễn ra đều đều, chậm chạp như chính buổi chiều mùa đông của núi rừng. Việc đốt lửa nướng khoai, nghe cô Thu kể chuyện như trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu. Và tôi vẫn đứng ngoài cửa, tựa tấm thân đã 16 tuổi của mình, miên man theo những câu chuyện bất tận của cô.

Đến một buổi chiều - buổi chiều vẫn chỉ như những buổi chiều tê tái ấy. Bếp lửa trong phòng cô Thu vẫn bền bỉ cháy, đám học trò vẫn say sưa bên cô giáo của mình. Và cái thằng tôi - thằng trai bản cao lớn nhất lớp vẫn đứng như bức tượng ngoài cửa để thả hồn mình theo giọng nói ngọt ngào của cô.

Nhưng có một cái gì thật khác lạ ở buổi chiều hôm đó. Tôi bỗng thấy gò má của cô Thu đỏ hồng, thấy đôi môi cô như nở hoa, thấy bàn tay cô trắng muốt như hoa ban mùa xuân. Và thấy giọng nói ấy như đi sâu vào thân thể tôi, trái tim tôi, bộ óc gàn dở của tôi, tất cả những tế bào trên thân thể tôi, và cả bàn chân thô vụng, nứt toác vì không chịu đi dép của tôi.

Tôi mê mẩn. Tôi thẫn thờ. Tôi không thể tỉnh lại. Tôi cũng không nhận ra đó là cô giáo mình. Tôi tin trước mặt mình bây giờ là một nàng tiên, nàng công chúa đang kể chuyện và chờ một hoàng tử tìm đến. Và đột nhiên tôi thấy thân thể mình nóng ran, bàn chân thô vụng nứt toác của tôi như muốn vỡ. Tôi thấy mình là một hoàng tử - gã hoàng tử trai bản 16 tuổi… Rồi cũng giây phút ấy tôi tỉnh lại, đỏ bừng mặt, tự xấu hổ như muốn chui xuống đất. Tôi sợ ai đó đọc được suy nghĩ của mình, nếu vậy tôi sẽ chết vì xấu hổ.

Nhưng đêm đó tôi vẫn mơ. Tôi vẫn mê mẩn cái âm giọng ấm áp, rành rọt, ngọt ngào của cô Thu. Tôi đã mơ mình biến thành hoàng tử thật - vị hoàng tử như chính cô Thu miêu tả - hoàng tử đi giày vàng rực rỡ. Tôi đã nắm tay cô và bay lượn trên bầu trời… Tôi tỉnh giấc trong sự tiếc nuối và xấu hổ đến tận cùng.

Năm đó cô Thu mới 21 tuổi, còn tôi 16 tuổi. Và bây giờ - tôi mới biết đó là sự thổn thức của tình yêu. Vâng, tôi yêu cô! Nếu bây giờ gặp lại cô, tôi vẫn nói: em yêu cô!

ASáng
.
.
.