Giải mã cú ngoặt bất ngờ trong chiến sự Libya

Thứ Hai, 10/10/2011, 15:39
Sau nhiều tháng ngày giằng co, cuộc chiến tranh đẫm máu tại Libya vẫn chưa biết đến hồi kết. Ông Gaddafi vẫn quyết tâm tuyên bố chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng bỗng nhiên mọi việc lại thay đổi một cách bất ngờ. Những mâu thuẫn xảy ra tạo nên bước ngoặt trong chính đồng minh của ông Gaddaffi.

Nhưng tại sao cục diện Libya đột nhiên xuất hiện bước ngoặt? Tương lai Libya sẽ như thế nào trong thời kì "hậu Gaddafi"? Nhiều nhà phân tích chiến tranh trên thế giới đã giải mã cú ngoặt bất ngờ này trong chiến sự Libya.

Gia đình Gaddafi đầu hàng

Sáng 22 tháng 8, phe đối lập Libya tuyên bố lực lượng chống chính phủ đã kiểm soát thủ đô Tripoli, Muhammad Gaddafi - con trai cả của Gaddafi đã đầu hàng, Saif Gaddafi - con trai thứ hai của Gaddafi đã bị bắt. Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia lâm thời tuyên bố với báo giới: "Gaddafi, người từng là biểu tượng của Libya giờ đây đã bị nhân dân lật đổ, thời đại mới đã mở ra với Libya". Phe đối lập đã tự tin thông báo rằng họ đã hoàn toàn kiểm soát được Tripoli. Ngày 21 tháng 8, phát ngôn viên phe đối lập Libya Barney chứng thực với báo giới tại Benghazi: "Lực lượng chống chính phủ đã kiểm soát nhiều nơi tại Tripoli như Friday Market, sân bay quốc tế,...".

Sáng sớm ngày 22 tháng 8, Ủy viên Hội đồng quốc gia lâm thời Abdul Lamai tuyên bố với báo giới tại Benghazi: "Lực lượng chống chính phủ đã giành quyền kiểm soát Tripoli. Hiện nay, lực lượng chống chính phủ đang dọn dẹp đám quân đội tàn dư của Gaddafi, truy bắt Gaddafi".

Ông này nhấn mạnh: "Mohammed Gaddafi - trưởng nam của Gaddafi đã đầu hàng". Chủ tịch Hội đồng quốc gia lâm thời Mustafa Abdel Jalil xác nhận với Đài truyền hình Al Jezeera: "Saif Gaddafi - con trai thứ hai của Gaddafi đang bị giam tại một nơi bí mật dưới sự canh gác nghiêm ngặt của lực lượng chống chính phủ cho đến khi bị đưa đến cơ quan tư pháp". Tất cả những thông tin này đồng nghĩa với việc ông Gaddafi phải đầu hàng trong khi trước đó chỉ vài ngày, ông vẫn dõng dạc tuyên bố rằng ông sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Ngày 21 tháng 8, Đài truyền hình Ả Rập dẫn lời Hội đồng quốc gia lâm thời tuyên bố: "Đội quân phụ trách an ninh cho Gaddafi đã hạ vũ khí đầu hàng lực lượng chống chính phủ". Hiện nay, toàn thành phố Benghazi đang chúc mừng thắng lợi của phe đối lập. Tại sao tình hình đột nhiên thay đổi?

Theo giới phân tích, phe đối lập sở dĩ có thể nhanh chóng công chiếm Tripoli do những nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, phòng bị quân sự của quân đội chính phủ Gaddafi tại Tripoli rất yếu, không mạnh như hình dung của thế giới bên ngoài. Trước đó, một số nhà phân tích quân sự nhận định, nếu lực lượng chống chính phủ tấn công Tripoli thì quân đội Gaddafi sẽ liều chết chiến đấu, thậm chí còn có thể sử dụng những loại vũ khí hạng nặng như tên lửa. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ không như vậy.

Thứ hai, sự trung thành của quân đội chính phủ và nhân dân đối với Gaddafi cũng không cao như hình dung của mọi người. Ngay khi các quốc gia phương Tây bắt đầu tấn công Libya, Gaddafi đã mở kho vũ khí, phát vũ khí cho người dân, hi vọng nhân dân cũng là binh sĩ có thể đối kháng với lực lượng chống chính phủ sau này. Hiện nay, không những quân đội chính phủ bảo vệ Tripoli không có sức phản kháng, mà người dân cũng không đấu tranh với lực lượng chống chính phủ.

Thứ ba, sự phát triển của tình hình có quá trình thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất. Mặc dù 5 tháng nay, quân đội chống chính phủ và quân đội Gaddafi ở vào thế giằng co, nhưng do sự ủng hộ to lớn và liên tục của thế giới bên ngoài, quân đội chống chính phủ Libya dần dần chiếm ưu thế; hơn nữa, gần đây phe đối lập còn tấn công vào cửa ngõ Tripoli, cắt đứt mối liên lạc của quân đội chính phủ với thế giới bên ngoài.

Thứ tư, gần đây, NATO đã tăng cường ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng tại Tripoli. Đây rõ ràng là sự phối hợp hữu ích đối với quân đội chống chính phủ. Dưới sự tấn công của NATO, quân đội chính phủ tại Tripoli bị tổn thương nghiêm trọng trên nhiều mặt như liên lạc quân sự, chỉ huy quân đội,…

Nhìn từ toàn cục, Tripoli nhanh chóng thất thủ là hậu quả tất yếu của sự thất bại nhanh chóng của Gaddafi trong những năm gần đây về chính trị, kinh tế, quân sự...

Có thể hòa bình chuyển giao quyền lực?

Hiện nay, các quốc gia phương Tây và giới truyền thông đều đang công khai thảo luận đề tài "Libya thời đại hậu Gaddafi". Hội đồng quốc gia lâm thời cũng đã vạch ra lộ trình tái thiết đất nước sau chiến tranh. Phe đối lập tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử theo quy định của Hiến pháp trong thời kì chuyển giao quyền lực với hi vọng có thể xây dựng quốc gia Libya dân chủ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, tính đến nhiều nhân tố thực tế phức tạp, sau khi chính quyền Gaddafi sụp đổ, Libya có thể hòa bình chuyển giao quyền lực hay không hiện vẫn là bài toán nan giải. Tình hình Libya trong tương lai có thể ổn định hay không chủ yếu được quyết định bởi việc có thể thuận lợi chuyển giao quyền lực hay không.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia đều thừa nhận tính hợp pháp của Hội đồng quốc gia lâm thời, nhưng nội bộ phe đối lập lại có hiện tượng chia rẽ. Ngoài ra, hội đồng này về cơ bản có thể đại diện cho phe đối lập tại miền đông Libya, nhưng khó có thể đại diện cho miền Tây. Sau khi Gaddafi bị lật đổ, phe đối lập có thể đoàn kết dân tộc không cũng đang là bài toán khó chờ lời giải đáp.

Vai trò của các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ và các tổ chức như EU, NATO và Liên hợp quốc sau chiến tranh cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình Libya sau này. Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa rõ tung tích về Gaddafi. Ông cũng chưa hề tuyên bố chuyển giao quyền lực. Do đó, quyết định cuối cùng của Gaddafi cũng sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Libya.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp hiện đang dự định sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Hội đồng lâm thời của phe nổi dậy và các đối tác quốc tế.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, cuộc cách mạng lật đổ Gaddafi đã đạt tới đỉnh điểm và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới đang nghĩ trước "một khởi đầu mới" cho Libya thời hậu Gaddafi. BBC đưa tin, Thủ tướng Anh David Cameron cho hay, hiện họ không xác định được nơi ở của ông Gaddafi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cam kết Anh sẽ ủng hộ phiến quân tới cùng và sẽ gửi viện trợ khi cần, đồng thời ông David hứa hẹn sẽ sớm bãi bỏ việc đóng băng tài sản cho nhân dân Libya.

CNN cho hay, ông David Cameron hiện còn đang thảo luận về cuộc nổi dậy ở Libya và tương lai của đất nước này thời hậu Gaddafi. Trước đó, tờ Reuters đưa tin, phía phiến quân thừa nhận họ đã bị tổn thất lực lượng nặng nề trong trận chiến sinh tử ở Tripoli này. Tuy nhiên, họ khẳng định, lực lượng nổi dậy đang tiến sát khu dinh thự của ông Gaddafi và một cuộc chiến đẫm máu sẽ xảy ra tại khu vực này.

Lãnh đạo phiến quân nổi dậy cho hay, hiện họ cũng không biết ông Gaddafi ở đâu. Nhiều nguồn tin đáng tin cậy đã xác nhận, cậu con trai cả của nhà lãnh đạo lâu năm này đã bị bắt sống tại nhà khi đang trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera. Tại thời điểm bị bắt, Mohammad đang sống với vợ, các con và người mẹ đã rời bỏ ông Gaddafi từ lâu. Mohammad không tham gia vào chính trường, đồng thời không giữ chức vụ nào trong lực lượng quân đội của cha anh. Phiến quân đã tạm giữ Mohammad và cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho anh.

Tờ RIA Novosti cho hay, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi có thể vẫn đang ở Tripoli mặc dù phe nổi dậy đã tiến sát khu dinh thự của ông. Quân chính phủ đã không chịu đầu hàng bất chấp việc phiến quân đã giành quyền kiểm soát phần lớn Tripoli và bắt sống hai trong số các con trai của Gaddafi. Phát ngôn viên chính phủ Libya Moussa Ibrahim vẫn giữ lập trường, sẵn sàng đàm phán với phe nổi dậy trong hoà bình để giải quyết xung đột

Phương Mai (theo BBC) - số 53
.
.
.