Giải mã tiếng hổ gầm giữa đại ngàn

Thứ Bảy, 05/02/2011, 10:42
Vùng đất cao vòi vọi nằm trên đỉnh của dãy Pha Chiến, chạy song song với mạch núi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ, như riêng biệt hẳn với các làng bản khác dưới chân núi. Quản bản là già làng Hà Hoàng Nhi có biệt tài "giải mã" tiếng hổ gầm…

Bên bếp lửa bập bùng, cả già làng Hà Hoàng Nhi và anh Hà Văn Hồng, Công an viên của vùng đất Cao Sơn, đều khẳng định như đinh đóng cột: Nơi này từ xưa đến nay chưa bao giờ có trộm cắp. Nằm cheo leo trên đỉnh núi cao quanh năm bao phủ, vùng đất nguyên sơ, thanh bình - cụm làng bản Son, Bá, Mười (thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) được coi là xứ sở của những huyền thoại…

Nguyên sơ Cao Sơn

Già làng Hà Hoàng Nhi lật giở những ghi chép trong cuốn sách dày ngả màu vàng ố, kể về gốc tích của làng: Cách đây khoảng 400 năm, có 4 anh em trai người Thái họ Hà lần lượt có tên là Chân, Trọng, Cường, Vân, đều rất khỏe mạnh, siêng năng mà nghèo khó quá. Họ cùng nhau ngược núi cao đi tìm đất tốt. Lên cao mãi đến vùng núi đất này, thấy một dòng suối lớn, nước trong vắt nằm giữa thung lũng bằng phẳng, rộng rãi, cây cối tốt tươi, khí hậu mát mẻ, thì biết là đất lành. Họ đặt tên đất là Son như lời thề sắt son sẽ lập bản, sống no ấm bằng đôi tay lao động của mình. Sau hơn 30 năm khai hoang, bản Son đã ấm no, có nhiều người, súc vật và lúa gạo. Hai người ở lại, hai người lại tiếp tục đi về hai hướng khác nhau để tìm vị trí lập thêm bản mới. Từ bản gốc là bản Son, đến nay vùng đất này đã có hơn 100 hộ dân thuộc 4 dòng họ là Hà, Vi, Ngân, Bùi sinh sống.

Vùng đất cao vòi vọi nằm trên đỉnh của dãy Pha Chiến, chạy song song với mạch núi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ, có độ cao khoảng 1.180m so với mực nước biển như riêng biệt hẳn với các làng bản khác dưới chân núi. Đường đi lên cực kỳ hiểm trở, con đường được coi là gần và dễ đi nhất, cũng khiến chúng tôi mồ hôi ướt đẫm hai lần áo rét, mất nửa ngày leo trèo mới lên được tới nơi. Khí hậu ở đây về cuối đông đầu xuân khá khắc nghiệt, nhưng quanh năm thì ôn hòa như các vùng ôn đới núi cao khác của đất nước là Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo, một ngày có đủ cả bốn mùa.

Do giá lạnh, cây sắn ở đây phải 2 năm mới cho thu hoạch, ngô cũng chỉ trồng được một vụ trong năm, nhưng rau thì tốt tươi mơn mởn. Mùa đông lạnh nhất, trong ký ức của già làng Hà Hoàng Nhi là tháng chạp năm 1967: "Nước các khe suối đều đóng băng như mặt kính, tôm cua cá ốc trâu bò gia súc đều chết sạch. Ngay cả cái máng nước bên hiên nhà cũng đóng băng, ngừng chảy. Rét đậm hàng tuần, hàng tháng. Ai cũng co ro bên đống lửa, đợi lúc ấm nhất trong ngày là giờ Tỵ (9-11 giờ) thì len lỏi ra suối hay bìa rừng tìm đồ ăn, rồi vội vàng trở về bếp lửa trước khi chết cóng" - Vừa nói, già làng Hà Hoàng Nhi vừa giơ sát đôi tay dăn deo vào ngọn lửa để hơ như một sự ám ảnh. Nhưng người Cao Sơn vẫn sống thanh bình, cùng vui mừng khi được mùa, cùng sẻ chia đùm bọc nhau khi thất bát. Không ai phải trộm cắp, lang thang cơ nhỡ.

Già làng Hà Hoàng Nhi rèn tay nghề.

Già làng Hà Hoàng Nhi chưa kể hết đấy thôi. Chứ thực ra, bảo ở Son Bá Mười bình yên hơn cổ tích, chưa từng có trộm, cướp thì chưa hẳn. Son Bá Mười cũng từng rên xiết dưới gót giày của thực dân Pháp cướp nước, xây dựng đồn Cổ Lũng án ngữ trên con đường chiến lược 15A, và định xây dựng Cao Sơn thành khu nghỉ mát. Lam lũ, cùng cực, có một người dân xuống núi tìm tham gia vào đội du kích Quốc Thành là cụ Hà Văn Nộm, bố đẻ của già làng Hà Hoàng Nhi. Năm 1949, cụ Hà Văn Nộm tham gia tiêu diệt đồn Cổ Lũng, giải phóng nhân dân vùng cao khỏi ách áp bức của thực dân. Rồi sự kiện xảy ra ngay tại bản Son hơn 40 năm trước, ông Hà Hoàng Nhi còn nhớ rõ.

Ngày 27/4/1967, không quân của ta truy đuổi một bầy máy bay của giặc Mỹ đến thung lũng Cao Sơn. Máy bay của địch là loại AD-6, có 2 người lái, khá nhỏ gọn, nên lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, bay rất thấp để lẩn trốn. Một chiếc AD-6 bị chiếc MiG của ta bắn trúng cánh, đâm sầm vào vách núi Co Hát (cây Chay), không thấy chiếc dù nào bật ra. Đám lửa máy bay cháy đốt trụi cả vạt cả một đồi rừng Co Hát, ngay sau nhà Trưởng bản Ngân Văn Đức bây giờ, đạn và thuốc súng tiếp tục bốc nổ tơi bời. Khi lực lượng Công an Huyện, huyện đội, dân quân lên kiểm tra hiện trường, thì thấy một tên giặc lái đã cháy đen, một tên thì bị vỡ một mảng đầu mà chết. Bà con tổ chức chôn lấp hai tên phi công Mỹ ngay tại chỗ, rồi khiêng chiếc thùng sắt về làm bể đựng nước. Năm 1996, Nhà nước ta đã cho phía Mỹ sang tìm kiếm, đem xương cốt còn lại của hai phi công này trở về. Đến vùng đất thanh bình Son Bá Mười, giặc cướp đều phải đền tội.

Đắp gò đất tưởng nhớ "hổ thần"

Khu vực Son Bá Mười có khí hậu tốt, dày đặc rừng nguyên sinh, nên động vật và thảm thực vật còn khá nguyên sơ. Trong ký ức của già làng Hà Hoàng Nhi, trước đây, hổ dữ thường kéo về bản từng đàn, nằm ngồi la liệt trong bản, gầm gừ vang động suốt ngày đêm. Có những đợt, hàng chục con trâu bò bị chúng "cõng" đi, có ngày ở bản mất đến 5 con trâu là chuyện thường, lợn, gà thì mất nhiều vô kể. Làng bản về đêm im lìm như bóng tối, nhà nào cũng chứa dao gậy, cọc nứa, chiêng, mõ, chậu thau…, khi hổ vào sát chân nhà sàn thì nổi lửa, đánh chiêng hò la mà đuổi hổ. Đêm, không ai dám bước chân xuống nhà sàn. Nhiều người đàn ông can đảm trong bản đã đặt bẫy, bắn tên tẩm thuốc độc, nhưng chưa bắt được con hổ nào. Có một người từng bắn một phát tên độc hạ gục một con hổ lớn, nhưng khi nó trúng thêm phát tên độc thứ hai, thì bỗng vùng dạy mạnh mẽ, gầm thét vang trời, bỏ chạy thục mạng vào rừng như chuyện dĩ độc trị độc thường gặp ở đường rừng.

 

Nhờ kinh nghiệm "đọc" tiếng hổ gầm, già Nhi từng được chúa sơn lâm tha tội chết.

Già làng Hà Hoàng Nhi được người địa phương coi trọng, ngoài việc ông từng tham gia cách mạng từ thuở bé, còn vì ông từng giúp dân diệt ác thú. Ông có biệt tài giải mã được tiếng gầm của hổ. Có trận, nghe tiếng gầm vang động ở vách núi, ông đồ rằng, đây là hổ cái về báo thù do hổ đực bị phường săn bắn chết cách đó mấy hôm. Quả nhiên, khi dân làng mai phục thì hổ cái đã rình trước, tấn công bắt gọn một con dê rồi bỏ chạy. Nhưng đáng nói nhất là có lần đụng hổ, tay không nhưng không bị chúa sơm lâm làm gỏi. Ấy là khi ông Nhi đi rừng, bất giác thấy động ở phía sau, chưa kịp trấn tĩnh đã thấy vằn vện một chúa rừng. Nó gầm lên hung hãn nhưng không tấn công. Ông Nhi sợ quá leo tót lên cây. Hổ vẫn nằm yên. Bằng các kinh nghiệm giải mã tiếng gầm, ông nhận định mãnh thú này đang bị triệu chứng "đau nội tâm" không tấn công người, chỉ cần không đụng đến nó thì thoát nạn. Ông tụt xuống từ thân cổ thụ, quả nhiên, mãnh thú chỉ gầm gào mà không hề tấn công.

Làm bạn với chúa sơn lâm, nhưng ông cũng trót một lần hạ sát nó. Nghe ông Hà Hoàng Nhi kể chuyện bắn hạ một con hổ lớn ở khu rừng Eo Mù Mao thâm u, nơi chúng tôi vừa vượt qua, thì ngồi bên ngọn lửa hồng rực trong ngôi nhà hai gian hai chái giữa bản, cảm giác vẫn ớn lạnh. Bữa ấy, Xã đội trưởng Hà Hoàng Nhi đi công tác về ngang qua Eo Mao Mù, bỗng thấy chim chóc, khỉ, voọc vốn chạy nhảy, kêu hót rầm rĩ trên đầu, sao nay im ắng thế. Đến con chuột con dúi cũng không nghe tiếng xục xạo. Mùi gió thoảng qua, nghe như lành lạnh, lợm lợm tanh tưởi. Rồi chợt nghe thấy tiếng cành cây khô gẫy "rắc" rất khẽ ở gần kề, ông Nhi toát mồ hôi  vì trong bóng tối của tán cây rừng già, một đôi mắt to như chiếc chén đỏ ngầu, tấm thân vằn vện của chúa sơn lâm đã kề bên cạnh.

Vốn từng trải, ông Nhi nhanh chóng trấn tĩnh, nhẹ nhàng lên đạn khẩu AK đang quàng trên vai. Khi con thú dữ hùng hổ chồm tới, ông Nhi "quạt" ngay hai phát súng. Một viên đạn trúng vào mặt khiến hổ dữ đau đớn gầm gào, hung hãn quật đuôi chồm tới. Ông Nhi vội nhảy vót lên bám một cành cây ngang cao trên đầu, khiến con hổ chỉ giật đứt mảnh gấu quần. Vừa hạ mình xuống, ông Nhi kéo cò thêm 3 phát nữa, nhưng chỉ trúng hai phát vào mông nó. Con hổ quay lại nhìn người thợ săn với ánh mắt hoang dại khủng khiếp rồi lết dần xuống khe nước, bò vào một hốc đá nằm im.

Lần khác, nhìn thấy dấu chân gấu to như chiếc bát tô, những vạt ngô bị gấu quần thảo khiến bà con sợ hãi không dám lên nương, ông Hà Hoàng Nhi bèn vác khẩu K44 một mình lần theo dấu chân gấu vào rừng. Leo ngược qua nhiều cánh rừng già, đến đồi Thung Cao cách bản khoảng 2km thì ông gặp con gấu đang nằm dưới vạt cây to. Đang tìm cách để tiếp cận, ông Nhi phát hiện nó đã ngủ, miệng thở phì phò ồn ã. Rón rén tiến sát đến gần, giương súng đứng thẳng người, ông Nhi nhằm giữa mang tai nó bóp cò. Lần này, ông Nhi được ưu ái chia thêm cái đầu gấu, một đùi thịt, và cái túi mật cuối tuần trăng bé tẹo.

"Đó là hai lần tôi hạ sát, một hổ và một gấu nhưng nhà báo ơi, mình làm vậy có lỗi với rừng lắm" - già Nhi bỏ điếu cày bên bếp than rực đỏ, mắt rơm rớm. Già bảo, lần sát hại chúa sơn lâm đó là chỉ vì nghe mấy tay trai tráng xúi bậy. Một đời gắn với rừng, bạn với rừng, từng bị chúa sơn lâm tha chết khi giáp mặt tay không, nặng lòng lắm. Ân hận với việc mình làm, ông đắp một gò đất trong vườn, nặn đất sét hình hổ, coi như sự tạ lỗi với chúa rừng…

Già làng Hà Hoàng Nhi bảo, bây giờ con thú đi hết vào rừng, xa bản rồi, nhớ lắm. Giờ không nghe tiếng bầy hoẵng kêu tao tác suốt đêm, thì không biết ngày mai có mưa, hoặc trở lạnh không? Thỉnh thoảng vẫn còn các gia đình gấu ba con kéo về trộm ngô của bản. Và dấu chân hổ sót lại trong sương… Năm nào cũng vậy, cứ tháng Chạp rét mướt là ông ba mươi lại về, dấu chân to như chiếc bát tô để lại bên bờ khe ướt. "Mắt người già ở bản còn tinh tường lắm, ban đêm có thể bắn trúng giữa hai mắt con mèo rừng ở xa mấy trăm mét. Nhưng nếu Nhà nước không cấm thì chúng tôi cũng không săn bắn thú rừng nữa. Có tội với chúa rừng lắm. Ở Son Bá Mười không có trộm cắp, mà cứ vác dao vác súng vào rừng trộm thú, trộm cây thì coi sao được?" - già làng Hà Hoàng Nhi trầm ngâm nhìn sâu vào ánh lửa. Dường như, câu chuyện về vùng đất Son Bá Mười nguyên sơ của già làng Hà Hoàng Nhi vẫn chưa kể hết...

Phóng sự của Lê Quân - CSTC tuần số 44
.
.
.