Giỏi tính toán, mà cũng chết vì... tính toán

Thứ Sáu, 07/10/2011, 15:02
Sau khi "quả bom Nguyễn Đức Kiên" kích nổ, người ta lập tức tin rằng cái ghế trưởng giải của ông Dương Nghiệp Khôi rồi sẽ "bay". Cũng giống như nó đã từng "bay" năm 2008, sau sự cố CĐV đánh nhau, dẫn đến sự cố chết người trên sân Vinh. Nhưng một cái ghế được thay liệu có giúp cả một bộ máy tốt hơn không?

Thực tế là những ngày này, nhiều người vừa giận ông Khôi vì những sai số của ông trong quá trình cầm cương V.League, nhưng lại vừa thương ông bởi cái thân phận "tốt thí" của ông…!?

Một con người sôi nổi

Ông Khôi là người gốc Nam Định, nhưng lại lập nghiệp trong Sài Gòn. Không biết hoàn cảnh sống có tác động nhiều tới ông hay không nhưng quả thật ở ông người ta vừa thấy cái sự sôi nổi, hòa nhã của một người phương Nam, lại vừa thấy cái sự thâm trầm, khó nắm bắt của một sĩ phu đất Bắc.

Khi đặc điểm thứ nhất - sự sôi nổi, hòa nhã phát tác, ông Khôi bỗng trở nên thú vị đến bất ngờ. Đấy là những lúc ông ngồi quây quần với chiến hữu bên chén rượu để làm chủ xị của những câu chuyện đời theo dạng  "mày mày - tao tao". Đấy còn là những lúc ông đóng vai trò MC trong các chương trình văn hóa văn nghệ ở VFF. Cái vai trò mà với nó ông Khôi ăn nói lưu loát, uyển chuyển chẳng kém gì… người dẫn chương trình nổi tiếng Lại Văn Sâm. Rồi cả cái khả năng "chọc cười" người khác bởi những câu nói hóm hỉnh, cách kể chuyện thông minh, hay những động tác uốn tay, uốn chân  phụ họa của mình  nữa chứ, phải nói ông Khôi dẫn chương trình không kém gì một MC chuyên nghiệp.

Một con người thâm trầm 

Thế nhưng cái người  sôi nổi, tươi cười ấy khi quay vào thế giới của một ông trưởng giải lập tức lại trở thành một con người rất khác. Cái khác mà theo lý giải của một chiến hữu thì "khi ấy, chất sôi nổi phương Nam trong Khôi chìm xuống, và chất toan tính xứ Bắc lại trỗi lên".

Quả thật, ở ghế trưởng giải, ông Khôi rất toan tính và rất  kiệm lời. Cái sự toan tính - kiệm lời ấy cũng được  thi triển bằng những nghệ thuật ứng xử cao tay, chứ không đơn thuần chỉ diễn ra trên tinh thần: "Ai hỏi cứ hỏi, ai nói cứ nói, còn tôi xin lỗi, tôi làm theo cách của tôi". Chẳng hạn như ông rất hay lấy FIFA và AFC ra "hù dọa" những người hỏi chuyện mình. Động một tí là ông nhắc tới luật, tới nguyên tắc, và khi ông đã nhắc như thế thì những người yếu bóng vía chắc chắn cũng phải có 4,5 phần sợ. Tuy nhiên cái kiểu lấy FIFA, lấy AFC làm "bức bình phong" cũng đã có lần khiến ông nhận đòn đau trở lại. Ấy là lần ông nêu ra ý tưởng thành lập một BTC V.League độc lập với VFF, rồi bảo rằng đấy là khuyến cáo của AFC.

Thực ra nguồn kim tiền khổng lồ VFF kiếm được  hàng năm chủ yếu là do V.League và nhờ V.League, thế nên một khi BTC V.League độc lập với VFF thì cảm giác như cái ghế trưởng giải còn màu mỡ hơn cả cái ghế chủ tịch Liên đoàn. Dĩ nhiên, những cái đầu lọc lõi ở VFF không thể không  ngửi ra điều này, cho nên chỉ vừa nghe ông Khôi nói câu quen thuộc "AFC bảo thế" là một ông PCT đã lập tức bật dậy độp ngược trở lại: "Xin lỗi anh Khôi, AFC không phải là con ngáo ộp".

Thất bại trong việc tách BTC V.Legue khỏi tầm kiểm soát của VFF, ông Khôi lại nghĩ ra ý tưởng thành lập một Hội đồng thẩm định trận đấu nhằm xác định tính chất thật - giả, của những trận đấu vốn bị bao phủ trong cái vỏ bọc thật - giả khôn lường. Trong việc điều hành V.League xưa nay, cái khó và cái khổ lớn nhất của một ông trưởng giải là phải đối diện với những trận đấu hư hư - thực thực vốn đã trở thành một vấn nạn mãn tính của sân cỏ Việt Nam.

Trước vấn nạn ấy, các đời trưởng giải như Ngô Tử Hà, Trần Duy Ly đã phải nghĩ ra cụm từ "trận đấu có dấu hiệu tiêu cực" rồi chỉ cần căn cứ vào đó mà xử án, chứ không nhất thiết phải có bằng chứng theo kiểu bắt tận tay, day tận trán. Thực tế là ông Hà, ông Ly cũng đã xử án kiểu đó, và đã bị các đội bóng phản ứng dữ dội.

Đến đây, hãy quay trở lại ý tưởng thành lập một "Hội đồng thẩm định trận đấu" của ông Khôi để thấy rằng nếu ý tưởng ấy thành hiện thực thì rõ ràng ông trưởng giải đã đẩy được cái khó nhất và khổ nhất của một ông trưởng giải cho một đối tượng khác, độc lập với mình. Từ việc tách BTC V.League độc lập với VFF đến việc thành lập một Hội đồng thẩm định trận đấu, độc lập với BTC, không khó thấy rằng ông Khôi đã đi những "nước cờ chết người" vừa để nâng cao quyền lực của ông trưởng giải, vừa để giúp ông trưởng giải né được những cái khó, cái khổ vốn cứ ám lấy những đời trưởng giải xưa nay.

Ngay cả khi  hai ý tưởng này thất bại thì ông Khôi cùng những cộng sự của mình cũng không chịu… ngồi yên. Bởi thực tế là sau đó, phần khó nhất của một ông trưởng giải là xử án rốt cuộc đã được đẩy sang ban kỷ luật. Thế nên cứ sau một sự cố, khi người ta muốn biết những đối tượng liên quan bị xử lý như thế nào thì ông Khôi lại đàng hoàng tuyên bố: "Hãy sang hỏi ban kỷ luật".

Cựu trưởng giải Ngô Tử Hà đã phân tích thẳng thắn rằng đấy là một sự đùn đẩy trách nhiệm cực kỳ vô lý. 

Một con người đen đủi

Đẩy được phần xử án sang một đối tượng khác, ông Khôi rõ ràng nhẹ gánh hơn rất nhiều so với những đời trưởng giải trước đây. Thế nhưng để có thể tiếp tục nhẹ gánh hơn nữa ông lại tính đến chuyện ứng phó với truyền thông bằng đủ các "chiêu", mà nếu không phải là ông có lẽ người ta khó mà nghĩ ra.

Hồi ông mới làm trưởng giải, có lần các nhà báo đến trụ sở VFF tìm ông đã lập tức bị bảo vệ ra xua đuổi. Sau này ông Khôi thanh minh: "Chúng tôi không đuổi nhà báo. Chúng tôi muốn các nhà báo phải vào đăng ký trước thì mới có thể lên lịch đón tiếp được". Thế nhưng khi một phóng viên bẻ lại: "Đến cái cửa bảo vệ chúng tôi còn không qua được, vậy có thể vào VFF đăng ký với ai?" thì ông Khôi lặng im, không trả lời. Ở những năm sau này thì ông Khôi lại ra thông báo không tiếp các nhà báo theo kiểu đơn lẻ, mà sẽ tổ chức hẳn một cuộc họp báo sau một sự cố để trả lời tất cả các câu hỏi cùng lúc.

Trong bức "tâm thư" gửi đến người hâm mộ mới đây, ông một lần nữa khẳng định lại điều này. Tuy nhiên có một sự thật là, suốt mùa giải vừa qua, chưa một lần nào, ông Khôi tổ chức một cuộc họp báo công khai như mình nói. Do vậy, dẫu ông luôn miệng bảo "tôi không lẩn tránh phóng viên" thì cái cảm giác "ông trưởng giải lẩn tránh phóng viên" lại là một cảm giác thường trực đối với những người "săn tin VFF". 

Mà một khi nó đã trở thành "cảm giác thường trực" thì chuyện ông Khôi liên tục bị tố trên nhiều mặt báo cũng là một chuyện không khó hiểu. Sau sự cố CĐV Hải Phòng và Sông Lam đánh nhau  (V.League 2008), ông Khôi đã bị "tổng tấn công" dữ dội, và sau đó đã bị buộc phải từ chức. Mới đây, sau khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên "nổ bom", giáng những đòn chí mạng vào bộ máy VFF thì ông Khôi cũng lần thứ hai mất ghế.

Các đời trưởng giải xưa nay, ai ngồi lên ghế cũng đều tính những con tính có lợi nhất cho mình. Và ông Khôi cũng tính. Có những con tính ông đi rất "chuẩn", mà điển hình là việc đẩy phần "xử án" sang ban kỷ luật, nhưng cũng có những con tính ông sai nghiêm trọng, mà hình như sai nhất chính là việc tính đến chuyện xa lánh truyền thông (?)

Có phải chính cai sai chết người ấy mà ở trên rất nhiều mặt báo, người ta chỉ thấy xuất hiện những lỗi lầm của ông trên cương vị trưởng giải, chứ không thấy  những cái hay của ông trong việc tổ chức thi đấu - phần việc mà ở Việt Nam bây giờ, ông Khôi được liệt vào hạng "bậc thầy"?

Có phải chính cái sai chết người ấy mà cũng ở trên rất nhiều trang báo, người ta chỉ nói đến chuyện phải thay ông Khôi như một nhu cầu bức thiết của sự phát triển, chứ gần như không nói đến việc ở phía trên một người điều hành V.League như ông còn có cả một ban chỉ đạo V.League gồm phần lớn những quan chức máu mặt của VFF nữa, vậy thì lý do gì mà trong khi ông Khôi "chết", cái ban này lại hoàn toàn vô can?

Như đã nói, ở ngoài đời, ông Khôi là một người sôi nổi, hòa đồng, không toan tính. Bây giờ, sau hai lần mất ghế, có bao giờ ông chợt nghĩ rằng: Trong công việc, ước gì mình cũng sôi nổi, hòa đồng, không toan tính giống như ở ngoài đời hay không?

Ông trưởng giải cô đơn

Năm 2005, ra Hà Nội làm trưởng giải, ông Khôi phải xa vợ con, gia đình. Khi ấy ông sống cùng người bạn đứa con trai ở một căn phòng nhỏ trong trụ sở Liên đoàn cũ trên phố Lý Văn Phức. Sau này, khi Liên đoàn chuyển xuống khu Mỹ Đình, ông Khôi cũng đã xuống đó, và cũng ở tại một căn phòng nhỏ do Liên đoàn cung cấp.

Là người hòa đồng, sôi nổi, ông Khôi có rất đông bạn bè, thế nhưng cuộc sống một mình giữa Hà Nội phồn hòa cũng không làm ông tránh khỏi cảm giác cô đơn. Những lúc ấy ông lại đốt thuốc liên tục, và thi thoảng lại dở những trang truyện trinh thám ra xem. Bây giờ, chính gia đình ông đã khuyên ông không làm trưởng giải nữa.

Hoàng Tuấn – CSTC tuần số 77
.
.
.