Giữ một niềm tin để sống

Chủ Nhật, 23/01/2011, 16:01
Trở lại với đời thường và công việc hàng ngày của một phát thanh viên xã, cuộc sống của cô gái được nhận danh hiệu Người ứng xử hay nhất và Á hậu một trong đêm liên hoan Dấu cộng duyên dáng (được tổ chức cách đây hai tháng) đã có nhiều thay đổi.

Hình như, chị bắt gặp nhiều hơn ánh mắt đồng cảm, những sự sẻ chia ấm áp từ mọi người… Vẻ đẹp bước ra từ trong tận cùng nỗi đau khổ của chị thực sự ám ảnh người đối diện. Chị là Nghiêm Thị Lan, sinh ra từ một vùng quê nghèo của tỉnh Thái Bình.

1. "Em đã từng học hết lớp 12, ở quê em, được học hành đã là một may mắn, em từng mang trong mình giấc mơ được vào đại học và trở thành cô giáo…", Lan bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những ký ức xa xưa, về thời con gái. Khác với vẻ rực rỡ trên sân khấu, ngoài đời trông Lan thật nhẹ nhõm. Nhìn nước da trắng, mỏng manh của chị, tôi không nghĩ người con gái này lại được sinh ra từ chân lấm tay bùn, nhưng cái vẻ đẹp mong manh đó, cũng ẩn giấu cho nỗi buồn của một kiếp hồng nhan, nên bạc mệnh.

Ngày đó, Lan nổi tiếng xinh đẹp của làng Quảng Bình, Kiến Xương quê lúa Thái Bình. Cô gái có dáng người cao, thanh mảnh, được sinh ra từ đồng ruộng, nhưng lại mang dáng vẻ đài các của một người có học. Vì thế, Lan luôn nổi trội giữa đám đông. Nhà đông anh em, Lan bỏ dở giấc mơ vào đại học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Con gái quê, 18-20 đã đến tuổi cập kê lấy chồng.

Vốn hiền lành, nhu mì, nên khi bố mẹ gợi ý Lan tìm hiểu anh chàng cùng xóm, vốn bố mẹ là bạn thân của nhau, Lan đã đồng ý. Năm 2001, Lan bước lên xe hoa về nhà chồng, trong sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của bao trai làng mà không đắn đo, không suy tính thiệt hơn. Ngày đó, cuộc sống quá vất vả, cửa hàng nhôm kính của chồng Lan không đủ để trang trải, nên có một khoảng thời gian, chồng Lan cùng đám bạn đi làm ăn xa, xuống tận Quảng Ninh mong tìm một cơ hội đổi đời. Đến bây giờ, Lan cũng không biết, có phải chính quãng thời gian xa vợ con đó, mà chồng chị bị nhiễm căn bệnh thế kỷ. Bởi cho đến khi phát hiện ra bệnh, anh chồng vốn ít nói của Lan cũng không nói với chị một câu nào.

Hai mẹ con chị Lan đã vượt qua nỗi đau để sống tốt hơn.

Đó là một ngày định mệnh, Lan bảo, có nằm mơ chị cũng không nghĩ cuộc đời mình lại thế này. Xinh đẹp, giỏi giang, lại có học hành cơ bản, Lan có đủ yếu tố để có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Nhưng số phận, như một vòng kim cô oan nghiệt đã thiết chặt lấy cuộc đời chị, trong tối tăm và bi kịch. Chồng Lan trong một trận ốm nặng đã phát hiện bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Và chị, cũng không thoát khỏi cái án tử đó.

Hồi đó những hiểu biết về HIV của chị và những người dân nơi đây còn mù mờ, thậm chí Lan chưa có một khái niệm gì về nó. Khi hỏi bác sĩ, chị mới ngớ người ra, cảm giác như một cơn sóng thần đang dội vào mình. Trời đất như sụp đổ, chị giận chồng mình, chị oán trách ông trời quá nhẫn tâm, lúc đó chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. Cuối năm 2001, Lan sinh con, một bé trai kháu khỉnh trong thấp thỏm chờ đợi. 6 tháng, chị bế con đi xét nghiệm, niềm hy vọng mong manh cuối cùng của chị đã sụp đổ khi bác sĩ đưa chị cho bảng kết quả dương tính của đứa bé, và khuyên chị không nên cho con bú. Lan bàng hoàng, đứng chết lặng trong tiếng khóc ngặt của con. Chị thương con, bản năng làm mẹ đã không cho phép chị dứt bầu vú của mình. Ai cũng hiểu, sự lựa chọn trong tình thế đó của người mẹ đau đớn đến thế nào.

Nhưng đến 9 tháng, khi tìm hiểu sâu hơn về HIV, chị đã quyết định dừng cho con bú. Những đêm không ngủ, hai bầu vú căng tròn tức sữa làm chị đau đớn, trong tiếng khóc kêu gào vì đói của cậu con trai. Đã biết bao lần Lan cố giấu những giọt nước mắt, quay mặt đi, lén vắt bầu vú căng đầy của mình cho đỡ tức sữa, trong khi con trai chị ngày càng nheo nhóc vì thiếu sữa. Hồi tưởng lại những ngày đó, Lan bảo đó là những ngày kinh hoàng nhất trong đời chị, khi một bà mẹ phải nhẫn tâm quay đi trong tiếng khóc ngằn ngặt vì đói của con. Và chị âm thầm lại nuôi thêm cho mình một hy vọng, có thể bệnh viện nhầm chăng, con trai chị biết đâu có cơ hội được sống sót. Lan mang con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác xin làm lại xét nghiệm, với hy vọng mong manh, có sự nhầm lẫn nào đó. Nhiều khi trong túi không có tiền, Lan phải chạy vạy, vay mượn bạn bè.

Hình ảnh người mẹ bế đứa con nheo nhóc trong tận cùng của nỗi đau ấy, đã khiến nhiều người dân ở đây vô cùng thương xót. Họ cảm động trước tấm lòng của chị, và họ cũng hiểu, trong lúc vô vọng, thì dù chỉ là một tia hy vọng cuối cùng cũng đủ sức làm cho người ta biết gượng dậy. Bố mẹ chồng Lan rất thương cô con dâu hiền lành, chịu thương chịu khó. Nhưng ông bà cũng bất lực trước căn bệnh ác nghiệt. Khi con trai được 1 tuổi rưỡi, thì chồng Lan mất. Cho đến lúc đó, anh mới nói những lời trăng trối cuối cùng. Và đó cũng là lần đầu tiên và lần cuối cùng, anh xin lỗi Lan và con. Còn Lan, người đàn bà có tấm lòng thiện ấy, chỉ biết chạy vạy, để tìm sự sống cho con, chị dường như không quan tâm đến bản thân mình, cũng không hề oán giận người đàn ông đã gieo rắc đau khổ xuống cuộc đời chị.

2. Trong đêm chung kết liên hoan Dấu cộng duyên dáng, được tổ chức cách đây hai tháng, Nghiêm Thị Lan đã dành giải, người ứng xử hay nhất. Trong chiếc váy dạ hội màu đỏ, chị bước lên sân khấu, bình tĩnh và tự tin nói về mình, về những người cùng cảnh ngộ như chị, nhưng đã biết vượt lên số phận và tìm thấy ý nghĩa sống cho mình. Tôi vẫn còn nhớ những lời chị nói, những câu nói giản dị nhưng đã chạm đến lòng trắc ẩn của bất cứ ai.

Lan và mẹ chồng.

Giọng chị thật ấm, và nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống dưới hàng ghế khán giả: "Tôi và con đã sống trong cảnh HIV được 10 năm nay. Khoảng thời gian đó, có ý kiến cho rằng, những người nhiễm HIV là chấm hết. Theo tôi, không phải như vậy. Tuy nhiễm HIV, nhưng tôi vẫn khỏe đẹp, xinh xắn và duyên dáng. Hiện nay, các Trung tâm ý tế Cộng đồng có các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, được điều trị thuốc ARV (kháng vi rút) miễn phí. Như vậy, sức khỏe của chúng ta được cải thiện và vẫn xinh đẹp, duyên dáng, có thể sống 10 năm, 20 năm, 30 năm… và tôi mong mỏi, mọi người hãy bớt kỳ thị với những người bị HIV để họ có thêm nghị lực sống tốt hơn cho bản thân và cho xã hội." Tôi biết, những điều chị nói như rút ruột từ chính cuộc đời mình. Và ở chị, lúc đó toát ra một vẻ đẹp thật lạ lùng, không phải của nhan sắc, của vương miện, mà vẻ đẹp tỏa sáng từ trong tâm hồn, một tâm hồn được hồi sinh từ trong nỗi đau.

Trong những tháng ngày khốn khổ ấy, chồng mất, chị bế con đi khắp nơi mà vẫn nhận được cái án tử, Lan nhiều lần đã nghĩ đến cái chết. Lúc đó, cuộc sống phía trước của chị là một màu đen tối, ảm đạm, và chị, một mình cô đơn, không biết bấu víu vào đâu trong đêm tối mịt mờ ấy. Gia đình chồng của Lan đã bao bọc chị, có nhiều người phụ nữ, họ sẽ chọn cách về nhà mẹ đẻ, còn Lan, 10 năm rồi, chị vẫn sống với bố mẹ chồng, trong sự yêu thương, che chở của họ. Đó cũng là may mắn của chị. Trong một lần tình cờ, Lan biết đến một nhóm câu lạc bộ Vì ngày mai tươi sáng ở Vũ Tây, chị đọc qua các tờ rơi.

Cuộc lột xác để bước ra ngoài ánh sáng của chị là cả một sự đấu tranh ghê gớm. Bởi trước đó, Lan khép kín mình, không giao tiếp với ai. Nhưng chị biết, điều đó càng đẩy mình vào nỗi cô đơn, u uất, thậm chí là trầm cảm vì những mặc cảm nặng nề với xã hội. Lan đọc nhiều tài liệu, và những nhận thức của chị dần được khai sáng, khi Lan hiểu nhiễm HIV đâu phải là xấu. Có rất nhiều người phụ nữ cùng cảnh ngộ như chị, họ đã phải đau đớn, che giấu mình, nhưng hơn ai hết, chính họ là những người khao khát được thoát khỏi chính mình, khao khát được sự đón nhận của xã hội và khao khát sự sẻ chia, đồng cảm. Và điều có ý nghĩa hơn hết đối với chị lúc đó là cậu con trai bé bỏng.

Lan bắt đầu tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Hương lúa quê chị và trở thành một trong những thành viên chính của hội. Có nhan sắc, có khiếu văn nghệ, câu lạc bộ của chị làm truyền thông bằng hình thức sân khấu hóa, dựng các vở kịch nói, chèo, về cuộc đời và những cảnh ngộ thương tâm của những người bị H và đi diễn ở khắp nơi. Đó là một hình thức tuyên truyền hiệu quả để nâng cao hiểu biết của người dân về HIV, nhưng hơn thế, những vở kịch đã nối kết những người có HIV gần lại với cuộc đời.

Hàng ngày, chị vẫn đến đài của xã làm phát thanh viên, công việc không nhiều, nhưng cũng mang lại cho chị một nguồn thu nhập ổn định, từ 300 đến 400 ngàn đồng một tháng. Nhưng quan trọng hơn, là sự đón nhận của cộng đồng đối với những người như chị. Có nhiều câu chuyện cảm động của người dân quê chị, khi hàng ngày chị vẫn sống chung với họ, và được họ chia sẻ với nỗi đau của mình. Hàng xóm có việc, Lan sang giúp, và được mọi người chia sẻ những công việc nhẹ nhàng, vì họ hiểu, sức khỏe của Lan không được tốt. Dù chỉ là một hành động nhỏ thôi, nhưng cũng làm cho cuộc sống của những người như chị cảm thấy ấm áp.

"Không ai có thể giải thoát cho cuộc đời mình bằng chính sự nỗ lực của mình. Và khi mình đã bước qua được ranh giới ấy, em cảm thấy cuộc sống của mình vẫn còn nhiều điều ý nghĩa…" - Lan nói. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng gọi của con trai chị. Cậu bé năm nay đã lên 10 và đang theo học lớp 4 ở Trường Tiểu học Quảng Bình. Nụ cười ấm áp lại nở trên môi chị, khi được nghe giọng thủ thỉ của con. Có lẽ, đối với người mẹ trẻ này, thì không còn hạnh phúc nào bằng, khi mỗi sớm mai thức dậy, lại được thấy nụ cười nở trên môi con, để thấy mình và con vẫn còn khỏe mạnh. Một hạnh phúc thật bình dị của một người mẹ đã bước qua vùng tối của đời mình ra ngoài ánh sáng với một niềm tin, và hy vọng, biết đâu một ngày nào đó sẽ có thuốc chữa lành HIV… và với Nghiêm Thị Lan, thì mơ ước đó không chỉ dành riêng cho gia đình nhỏ bé của chị, mà cho tất cả những người cùng cảnh ngộ, và giữ cho họ một niềm tin để sống…

Những ngày Tết đang đến gần, thêm một mùa xuân nữa, mẹ con Lan được sống bình yên và khỏe mạnh, một mong ước tưởng như thật giản đơn, nhưng là tất cả ý nghĩa sống đối với người mẹ trẻ này. Tôi cũng chỉ biết cầu nguyện cho họ, một lời nguyện cầu từ tâm nhất…

Hà Hiền - CSTC tuần số 42
.
.
.