Thư gửi chiều thứ Năm:

Gửi Giáo sư, tiến sĩ, kiêm viện sĩ xã hội học

Thứ Hai, 15/08/2011, 16:08
Dạ thưa giáo sư (cho em gọi ngắn gọn thế, thay vì đọc hết các danh vị loằng ngoằng của ngài), nhờ vị quản giáo tốt bụng mà từ trong trại giam, em đã vô tình đọc bản nghiên cứu "Bạo lực Xã hội hiện đại - nguyên nhân và giải pháp" của ngài, được đăng tải trên một tờ nhật báo.

Trong bản nghiên cứu, giáo sư liệt kê ti tỉ những vụ bạo lực xã hội, từ vụ xả súng kinh hoàng ở Na Uy đến những sự việc đau lòng khác ở Việt Nam như chồng đánh vợ, hàng xóm đâm hàng xóm, ông chủ hành hạ Ô sin.

Giáo sư chỉ ra cả một tập hợp nguyên nhân cho những vụ bạo lực đau lòng này, nào là những mâu thuẫn xã hội ngày một xuất hiện nhiều hơn, nào là "vấn nạn bạo lực" đã được truyền hình, phim ảnh vô tình cổ súy một cách dữ dội hơn…Những nguyên nhân như thế có thể đều đúng cả, nhưng đọc nó, một người vợ chém chồng như em đã không tìm thấy một phần nào của mình trong đó, vậy nên em xin kể câu chuyện của mình, để giáo sư có thêm một cái trực quan sinh động nữa mà ngâm cứu.

Giáo sư à, em vốn là gái ngoan, kết hôn với một anh nhà báo cũng rất ngoan. Hơn 10 năm nay, hai vợ chồng em cứ thế đi lên với cái vũ khí "ngoan" của mình. Ngoan tới độ, trong quan hệ với sếp, em nhất nhất nghe lời, ngay cả khi sếp nói sai. Trong quan hệ với đồng nghiệp, một nữ đồng nghiệp nào đó mà mặc cái áo rất tệ, em vẫn luôn bảo là áo đẹp; còn một nam đồng nghiệp nào đó mà nói một câu ngu hơn bò, em vẫn mỉm cười vuốt ve: "Cậu nói ok lắm". Nhiều lúc em cũng muốn nói thật, nhưng nói thật thì mất lòng, mà trong xã hội hiện đại, một khi đã bị "mất lòng" thì sao có thể tiến thân, vậy nên tốt nhất là hãy cứ giả dối để vừa lòng tất cả. 

Nhưng giáo sư à, em không thể ngờ rằng cái sự giả dối ấy, một cách vô tình đã tích tụ trong em biết bao nhiêu ức chế. Vì những ức chế đó nên đôi lúc em cũng muốn bùng nổ ra tất cả. Nhưng với ai chứ? Sếp ư? Chả dại! Đồng nghiệp ư? Chả dại! Bạn bè ư? Chả dại! Xét cho cùng, chỉ còn lại chồng con - đối tượng duy nhất mà em có quyền "không giả dối" trong cõi đời này. Thế nên gần 1 năm nay, khi đến cơ quan hay đi ra đường, em tỏ ra hiền dịu bao nhiêu thì về đến nhà em lại sinh ra cáu bẳn, thậm chí là cay nghiệt với chồng con mình bấy nhiêu.

Và cách đây 2 tháng, khi em bị ốm, nhờ chồng ra mua bát cháo, nhưng chồng bảo tí nữa đi mua thì em bỗng nhiên nổi cơn tam bành. Không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, em liền chạy vào bếp, cầm dao chém chồng lia lịa. Chém một cách điên loạn. Chém với sự bùng nổ ghê gớm. Và chém bằng vô thức của mình. Mà trong vô thức ấy, không hiểu sao em cứ lờ mờ nhìn thấy ở miệng chồng những câu nói rất dốt nát của sếp em (những câu nói mà hàng ngày em vẫn phải khen là TUYỆT DIỆU), rồi những nụ cười đểu giả của đồng nghiệp em nữa (những nụ cười mà hàng ngày em vẫn phải bảo là ĐẸP LẮM)…Mà càng nhìn thấy những hình ảnh ấy, em càng chém chồng bạo liệt hơn, khiến anh ấy lúc này đang rơi vào cảnh…vuốt râu tử thần.

Giáo sư ơi, có phải vì sống giả dối nhiều quá nên đến một lúc nào đó, khi cái nhu cầu "bùng nổ" trong em giống một can xăng bị châm vào mồi lửa, dù chỉ là mồi lửa nhỏ bé, li ti  thì em đã "bùng nổ" và lại vô phúc "bùng nổ" với chồng mình?

Giáo sư ơi, có phải nếu được sống thật là mình, với tất cả những vui buồn của mình, trong tất cả những mối quan hệ xã hội của mình thì em đã không cáu bẳn với chồng em, rồi chém chồng em một cách điên rồ như thế?

Giáo sư ơi, có phải cuộc sống hiện đại, nơi mà sự "khôn ngoan" không cho phép con người "xả" với những đối tượng bên ngoài, thì con người trong một phút điên rồ nào đó lại "xả" với chính người thân trong gia đình mình hay không?

Giáo sư ơi, xin đừng ngồi lì ở viện nghiên cứu, mà hãy đến đây, ở trại giam này, để trả lời giúp em những câu hỏi đang làm lòng em quặn thắt!

Trịnh Phan Phan
Ngày bung xung, tháng bùng nhùng, năm chới với

.
.
.