Thư gửi chiều thứ Năm:

Gửi... Từ Mẫu

Thứ Tư, 20/07/2011, 16:13
Thưa Từ Mẫu, con phải XIN LỖI người (phải viết hoa như thế để thể hiện sự kính cẩn thành thực của con) về bức thư mà có thể người sẽ mắng mỏ là… rất láo toét này.

Đặc điểm quan trọng, thiêng liêng nhất của Từ Mẫu là tình thương yêu con người phải không ạ? Từ Mẫu ban phát tình yêu ấy cho những tâm hồn cô đơn, cho những thân xác nghèo khổ, cho những thực thể cơ hàn, yếu đuối - đấy là một sự thật ai cũng biết. Ở Việt Nam, lại có một sự thật nữa ai cũng biết, đó là người ta vẫn hay nhai đi nhai lại cái khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu", thậm chí còn dán khẩu hiệu ấy ở gần như tất cả các bệnh viện trên đất nước này. Bản chất và động cơ của khẩu hiệu này là tốt - chắc chắn rồi.

Nhưng trong thời buổi hiện nay, con mạo muội nghĩ rằng nếu đặt tâm thế của lương y (bác sĩ) bên cạnh tâm thế của Từ Mẫu thì lại tạo ra rất nhiều… lệch lạc.

Tại sao, Từ Mẫu biết không? Tại vì, chính cái việc được ví như Từ Mẫu mà nhiều bác sĩ Việt Nam cứ nghĩ rằng mình có quyền ban phát ân huệ cho bệnh nhân, từ đó cứ thế quát tháo, hách dịch người bệnh không ngần ngại. Vì vậy mà hàng loạt hậu quả đau lòng xảy ra,  mà ví dụ mới nhất là việc một cô bé 17 tuổi ở Cà Mau đã  bị chết oan cách đây mấy ngày. Cô chết khi mình đau thật mà tên bác sĩ sau khi chẩn đoán qua loa lại phán là đau giả. Và cô chết sau khi tên bác sĩ vì phải ưu tiên cho giấc ngủ của mình mà đã khước từ việc thăm khám cho cô, bất chấp người nhà cô đã quỳ sụp trước phòng hắn, rồi chắp tay vái sống hắn để xin. Mà chao ôi, một bác sĩ thiếu trách nhiệm, kém chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng bằng một mạng người mà chỉ kỷ luật hành chính thì làm sao lấy tấm gương và bài học kinh nghiệm cho người khác được. Thế mới có chuyện xưa nay các bác sĩ gây chết người có ai phải đi tù đâu.

Từ Mẫu ơi, lẽ ra phải nói cho những tên bác sĩ lệch lạc biết rằng vẫn là việc ban phát tình thương, nhưng Từ Mẫu luôn ban phát nó với thái độ nâng niu con người, chứ không phải ban phát trong sự quan liêu, hách dịch. Và vẫn là việc ban phát tình thương, nhưng Từ Mẫu ban phát nó mà không đòi hỏi phải nhận trở lại bất cứ một sản phẩm tinh thần hay vật chất nào. Bởi nếu đòi hỏi như vậy thì Từ Mẫu đã biến thành Ác Mẫu rồi.

Nhưng Từ Mẫu ơi, con sẽ không phân tích như vậy. Bởi theo con mối quan hệ giữa bác sĩ - bệnh nhân bây giờ không nên là mối quan hệ ban ơn, dựa trên những cấu kết của tình thương và tình cảm.

Từ Mẫu à, ở Singapore người ta đã giáo dục các sinh viên trường Y rằng, bác sĩ là người cung cấp dịch vụ y tế, chứ không phải là người ban phát tình thương cho bệnh nhân. Mà đã gọi là "cung cấp dịch vụ" thì bác sĩ phải có trách nhiệm phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất, sao cho bệnh nhân hài lòng nhất. Đọc tới đây, có thể Từ Mẫu sẽ thắc mắc: Việt Nam không phải là Singapore, nên không thể áp dụng máy móc những thứ ở Singapore vào nước mình được!

Thế nhưng Từ Mẫu biết không, một năm người Việt Nam đã đổ ra trên dưới 1 tỷ USD sang Singapore chữa bệnh. Mà chữa những bệnh nan y đã đành, đằng này có người cắt dạ dày, cắt bao quy đầu, thậm chí giẫm phải cái gai… cũng bỏ tiền qua Singapore. Tại sao vậy? Theo giải thích của các chuyên gia Y tế thì dịch vụ Y tế ở Singapore (bao gồm thái độ chăm sóc bệnh chân và cơ chế phục vụ bệnh nhân) tốt hơn mình, chứ không phải chất lượng bác sĩ của họ giỏi hơn mình.

Trời đất ơi, 1 tỷ USD là cả một nguồn kim tiền khổng lồ, thế mà nó lại không thể sống trong thị trường y tế của ta, để một phần không nhỏ trong số ấy trở thành một khoản thuế quý báu cho Nhà nước ta, mà lại chảy ra nước ngoài một cách đáng tiếc như vậy đó!

Từ Mẫu thấy không, vấn đề mấu chốt bây giờ  là phải cải cách suy nghĩ của lương y. Phải để họ thấy rằng lương y không phải là người có quyền cung cấp tình thương cho bệnh nhân, giống như Từ Mẫu vẫn ban phát tình thương cho loài người, mà phải là người phục vụ, chiều chuộng bệnh nhân giống như một cô bán cafe luôn vui vẻ phục vụ, chiều chuộng khách hàng. Mà muốn thế phải xóa ngay khỏi đầu họ cái khẩu hiệu "Lương y như Từ Mẫu".

Từ Mẫu đáng kính của con, con biết người luôn khoan hòa độ lượng, nhưng trước cái đề xuất "truất ngôi" người như thế, không biết người có giận con không - kẻ viết thư láo toét này?

Trịnh Phan Phan
Ngày bác sĩ, tháng lương y, năm Từ Mẫu

.
.
.