Thư gửi chiều thứ Năm:

Gửi những cô hồn trong ngày lễ Vu Lan

Thứ Sáu, 26/08/2011, 15:33
Hỡi tất cả những cô hồn ở bên kia thế giới, tôi xin thay mặt nhân loại này để làm một công việc hết sức vĩ đại là trả lời tất cả những thắc mắc mà các cô hồn gửi cho tôi trong ngày lễ xá tội vong nhân vừa diễn ra. Trước hết, cho tôi bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao khi đã được các cô hồn tin tưởng gửi cho lá thư tay mà nghe đâu để chuyển nó từ âm tào địa phủ lên đến bến trần gian, các côn hồn đã phải "chung chi" cả triệu đô la âm phủ.

Trong thư, các cô hồn thắc mắc rằng tại sao trong lễ cúng cô hồn ở chùa Quán Sứ - một trong những “trung ương thần kinh” của Phật giáo việt Nam, người ta lại tranh cướp đồ cúng tế một cách lộn xộn, nháo nhào đến vậy? Và những thành phần tham gia màn tranh cướp ấy có phải đều là những con người đói khát nghèo khổ hay không?

Xin được thưa ngay, đúng là một bộ phận những người tranh cướp là những người rất nghèo, rất đói. Còn một bộ phận rất lớn khác thì thậm chí đeo nhẫn đầy tay, dây chuyền đầy cổ, nhưng vẫn lao vào tranh cướp, dữ dội người nghèo. Nực cười ở chỗ, khi những Hòa thượng bắc loa nhắc đi nhắc lại rằng vẫn đang trong giờ hành lễ, mọi người nhất nhất phải giữ gìn sự thanh tịnh, và nhất nhất không được nói cười, tranh cướp, thế mà người ta vẫn cứ tranh cướp, chửi bới nhau như những con buôn ở giữa chợ trời.

Các cô hồn hỏi tôi, có phải những người này bị điếc tai, nên không nghe thấy những lời nhắc nhở? Không, chắc chắn là không điếc, bởi nếu điếc làm sao họ nghe thấy tiếng người khác chửi mình, để rồi cứ thế mà chửi lại. Họ giành giật, tranh cướp nhau đơn giản hoặc là quá đói, hoặc là quá tham danh lợi, bởi người ta vẫn tin rằng trong ngày lễ Vu Lan, người nào cướp được nhiều đồ cúng tế nhất, người ấy sẽ có nhiều lộc nhiều tài nhất. Với bất luận lý do gì thì cái kiểu tranh cướp bát nháo như thế cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới không khí của một buổi hành lễ trang nghiêm.

Song trong thư gửi tôi, các cô hồn nói rằng với những đối tượng nghèo đói, ít ra các cô hồn cũng cảm thông được vài phần. Bởi ở dưới âm, sự đói khổ khiến các cô hồn đau đớn làm sao thì ở phàm trần, những người đói khổ cũng phải chịu những sự đau đớn y như vậy. Nhưng riêng với những kẻ vàng đeo đầy tay, dây chuyền quấn đầy cổ, nước hoa sực khắp người thế mà vẫn lao vào tranh cướp dữ dội với người nghèo, và lại tranh cướp vào đúng thời điểm mà người chủ lễ nói rõ là "chưa được tranh cướp" thì các cô hồn phẫn nộ lắm thay.

Trong thư, các cô hồn không nói  sự phẫn nộ ấy sẽ đến một hình thức trừng phạt như thế nào, nhưng qua lời lẽ tột cùng bức xúc, qua cách hành văn tột cùng căm giận, tôi cảm nhận được rằng một khi các cô hồn đã phẫn nộ thì chuyện không đơn giản chút nào.

Giữa lúc vừa đọc thư, vừa hãi hùng nghĩ thế, tôi chợt nhận được tin ở TP Hồ Chí Minh có anh thanh niên nọ vì tham gia vào màn cướp đồ cúng tế của các cô hồn mà đã bị một nhóm người tranh cướp khác đuổi đánh rồi đâm trọng thương tới mức thừa sống thiếu chết. Một câu hỏi não nùng chợt vang lên trong tôi: Đây chỉ là câu chuyện đơn thuần giữa người trần với người trần, hay chính là hệ quả tất yếu đến từ sự phẫn nộ tột cùng của các cô hồn, chính là lời cảnh báo thống thiết mà các cô hồn chủ ý gửi tới nhân gian?

Thưa tất cả những cô hồn ở bên kia thế giới, sau khi nhận được lá thư này, xin hãy trả lời giùm tôi câu hỏi đó. Và các cô hồn ạ, tôi biết chắc, đòi hỏi người ta không tranh cướp, hoặc ít ra là không tranh cướp một cách vô văn hóa trong lễ Vu Lan năm sau là một đòi hỏi phi thức tế, bởi con người bây giờ càng lúc càng khát thèm danh lộc, do đó chừng nào người ta còn tin rằng "ai cướp được nhiều đồ cùng tế, người đó sở hữu nhiều danh lộc" thì chừng ấy những màn tranh cướp vô văn hóa sẽ còn diễn ra. Vậy nên thay vì đặt niềm tin ở loài người, tôi chỉ còn cách khẩn khoản cầu xin các cô hồn hãy rộng lượng tha thứ cho những tội lỗi (nếu có) của loài người chúng tôi.

Cô hồn ơi, cô hồn hỡi, xin đừng vì phẫn nộ mà biến những người trần mặt thịt trở thành những cô hồn trong những mùa Vu Lan!

Trịnh Phan Phan
Ngày cô hồn, tháng lộn xộn, năm chộn rộn.

.
.
.