Thư gửi chiều thứ Năm:

Gửi những nhà sản xuất nước nhỏ mắt

Chủ Nhật, 09/10/2011, 15:32
Mùa cưới sắp đến, và em sắp cưới - trời đất ơi, cái chữ "cưới" với em bây giờ sao lại bình thường đến vậy? Vì chẳng cần cưới, chẳng cần thuê khách sạn, chẳng cần đặt vài chục mâm cỗ, chẳng cần mời vài trăm thượng khách - nhận vài trăm cái phong bì thì em với "chồng" em vẫn sống với nhau, ăn với nhau, ngủ với nhau rồi kia mà. Thành thử, cưới với em chỉ là một hình thức mà có cũng được, không có cũng chả sao.

Khốn nỗi, bố em không nghĩ thế. Bố chồng em cũng không nghĩ thế. Hai ông bố ấy bảo cưới xin là một nghi lễ thiêng liêng trong những nghi lễ thiêng liêng nhất của một đời người. Còn hai bà mẹ thì thi nhau kể về ngày cưới của mình hồi xưa. Mẹ em bảo: "Hồi ấy, tao và bố mày quen nhau 3 năm mới dám cầm tay". Mẹ chồng em bảo: "Hồi ấy, tôi và ông ấy động phòng mà cứ lóng nga lóng ngóng, chả biết làm gì". Kể chán kể chê, kể mê kể mệt, hai bà đồng loạt nói: “Ngày cưới, lên xe hoa về nhà chồng, chúng tôi khóc sướt mướt”.

Em nghe họ nói đến nước mắt, xin lỗi, em phì cười. Không phải vì em muốn chà đạp lên quá khứ, bởi là một nhà thơ, em rất biết câu nói nổi tiếng của một nhà thơ: "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác". Cũng không phải vì em coi thường hai bà mẹ, bởi tư cách một nhà thơ chỉ cho phép em nâng niu con người, chứ nhất nhất không cho phép em coi thường con người. Vậy tại sao em phì cười? À, thì tại vì nghe 2 bà nói đến chuyện khóc lóc trong ngày cưới, em bỗng tưởng tượng ra hình ảnh mình cũng khóc trong ngày cưới. Và trong tưởng tượng của em, nếu điều ấy là có thật, thì chao ôi, nó lố bịch lắm thay!

Theo em, một cô dâu chỉ có thể rơi nước mắt khi cô dâu ấy bỡ ngỡ, lo sợ với cuộc sống mới của mình. Đằng này, em chả có gì phải sợ. Nhà chồng sắp cưới của em có 2 phòng ngủ, 1 cái bếp, 2 buồng vệ sinh - tất tần tật em đã nắm lòng bàn tay cả rồi. Ông bố chồng em là một ông già khó tính, hay bắt nạt vợ - thực tiễn ấy em cũng nắm rõ rồi. Và thằng chồng em nữa, nó bề ngoài mạnh mẽ như Lý Đức nhưng bên trong lại ỉu xìu, yếu đuối như mấy tên bị bệnh hen - ngay cả điều đó em cũng đã biết, đã hiểu, và đã tìm ra cách khắc phục từ lâu. Tóm lại, nhà chồng sắp tới ra sao, cuộc sống mới ra sao em đã thuộc làu làu - vậy thì hà cờ gì trong cái ngày làm cô dâu, trong cái khoảnh khắc lên xe hoa về nhà chồng, em lại phải khóc như mẹ em và mẹ thằng chồng em ngày xưa nhỉ?

Thế nhưng vấn đề là hôm qua, thằng chồng em bảo thôi thì khi đón dâu em hãy cố khóc một tí, để cho nó có thể bốc phét với bạn nó là "vợ tao ngoan ngoãn, thỏ thẻ, rụt rè…". Ối dào, thằng chồng em sĩ diện, em biết điều đó, và cũng biết rằng thỏa mãn cái sĩ diện của nó chỉ có lợi cho mình.

Vậy nên em quyết định là em sẽ khóc. Nhưng bảo em tự rặn ra nước mắt chắc chắn là không thể .Vậy nên em viết thư này gửi đến tất cả những nhà sản xuất nước nhỏ mắt trên thế giới. Hỡi những nhà sản xuất uy tín và giàu lòng tự trọng, nếu các vị làm ra được một loại thuốc nhỏ mắt khiến người ta khóc, nhưng không phải khóc kiểu "nước mắt diễn viên", cũng chả phải khóc kiểu "nước mắt cá sấu", mà là khóc kiểu "nước mắt cô dâu" - một thứ nước mắt cô dâu chính hiệu thì hãy báo em ngay nhé.

Nhân danh thằng chồng em, và nhân danh sự sĩ diện bệnh hoạn của thằng chồng em, em tuyên bố mình sẵn sàng vung tiền mua một lọ nước nhỏ mắt như thế, với bất cứ giá nào!

Trịnh Phan Phan
Ngày khóc, tháng lóc, năm lọc cọc

.
.
.