Hà Bôn - Ông là ai?

Thứ Năm, 28/07/2011, 16:09
LTS: Sau bài "Ngôi nhà nhỏ trên phố Núi Trúc & bí ẩn phía sau chức vô địch ĐNA của ĐTVN" ở số báo trước, CSTC đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả, trong đó phần lớn nhắm vào 3 câu hỏi: Hà Bôn - người đang giữ quả bóng lịch sử trong trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008 có một thân phận như thế nào, và cái "viện bảo tàng" do Hà Bôn làm "viện trưởng" có giá trị tới đâu?

Ông trọng tài Trương Thế Toàn - người đã bí mật đưa quả bóng lịch sử trong trận chung kết về "bảo tàng Hà Bôn" giờ đang vật lộn ra sao sau một bản án cuộc đời? Và, phía sau chức vô địch ĐNA của ĐTVN liệu còn có những câu chuyện bí ẩn, lạ kỳ tương tự nào nữa không? CSTC thực hiện loạt bài nhiều kỳ, lần lượt giải mã từng câu hỏi đó.

Tôi nhớ mãi một buổi sáng Hà Nội, cách đây chừng 1 năm, khi ông Trần Duy Long - PCT Liên đoàn Bóng đá TPHCM điện thoải rủ rê: "Tới chỗ này ngay đi, hay lắm!". Và khi tới cái chỗ mà ông Long bảo là "hay lắm" - một ngôi nhà nhỏ 3 tầng, lặng lẽ, khiêm nhường nằm sâu trên phố Núi Trúc, cạnh phố Kim Mã ồn ào tập nập thì tôi cứ tưởng mình đang lạc vào một cái viện bảo tàng bóng đá bí ẩn nào đó của VFF (Liên đoàn BĐVN).

Những chuyện lạ trong "viện bảo tàng"

Nếu ở vào hoàn cảnh của tôi, chắc chắn bạn cũng sẽ tưởng nhầm như vậy. Bởi nhà 3 tầng thì cả 3 tầng, trong tất cả các gian phòng, và ở tất cả các bậc cầu thang đều… sặc một mùi bóng đá. Cái mùi toát lên từ vô số những quả bóng được bày la liệt, mà theo giới thiệu của chủ nhà thì "mỗi quả bóng đều là một số phận, gắn liền với một sự kiện quan trọng đấy". Cái mùi còn toát lên từ những bức ảnh, những chiếc áo, những đôi giày, những tấm huy chương của những danh thủ bóng đá nổi tiếng một thời.

Trước sự kinh ngạc của tôi, Hà Bôn, ông chủ nhà béo tròn vừa cười khà khà vừa bảo: "Đố cậu tìm được ở đất nước này một cái bảo tàng bóng đá nào như vậy đấy?". À, hóa ra dẫu chẳng được một cơ quan có thẩm quyền nào công nhận, cũng chưa bao giờ được VFF xác tín, nhưng cái ông già này đã tự phong ngôi nhà nhỏ của mình là "viện bảo tàng" rồi.  

Hà Bôn - ông giám đốc "viện bảo tàng" tự phong. Ảnh: MD.

Tôi nhìn vào một tấm hình lớn treo trang trọng trên tường của "viện bảo tàng". Tấm hình chụp cảnh thủ thành Hà Bôn thời trẻ, đang bay người bắt bóng ở SVĐ Long Biên (Hà Nội), giữa trùng điệp những khán giả. Cái sân Long Biên với những trận cầu bất hủ, và những vị khán giả đặc biệt vốn là một đề tài mà một kẻ hậu sinh như tôi đã được nghe nhiều danh thủ kể lại từ rất lâu. Nhưng phải đến bây giờ, khi vô tình được nhìn bức hình này, được "mục sở thị" hình ảnh của sân Long Biên một thời vang bóng thì tôi mới có thể tưởng tượng hết cái sân ấy thiêng liêng và có ý nghĩa đến cỡ nào.

Mà không chỉ vậy, ở trong viện bảo tàng bóng đá này còn có cả những bức hình của Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng, Mai Đức Chung, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn)… thời trai trẻ nữa. Tôi bảo ông “viện trưởng viện bảo tàng”: "Những bức hình của bác đã trả cháu về một thế giới bóng đá mà xưa nay cháu vốn chỉ thấy trong tưởng tượng". Ông Bôn cười khoái chí, chạy ra một góc phòng, khệ nệ ôm một lúc 3 quả bóng, rồi bảo: "Đây chính là 3 quả bóng vô địch SEA Games của ĐT nữ Việt Nam đấy nhé!".

Theo lời kể của ông thì 2/3 quả bóng này là do đội trưởng ĐT nữ Hiền Lương đem tặng. Riêng quả bóng còn lại thì được  cựu HLV trưởng ĐT nữ Mai Đức Chung, cũng đồng thời là ông thông gia tốt bụng của ông đem về. Vẫn ông Chung - người đã giúp ĐT U.22 Việt Nam vô địch Mederka Cup năm 2008 trên đất Malaysia đã đem quả bóng vô địch đó về "bảo tàng Hà Bôn". Còn riêng quả bóng vô địch AFF Cup 2008 của ĐTVN thì như CSTC đã đưa tin trong số báo trước, người mang nó tới ông Bôn lại là cựu trọng tài bóng đá Trương Thế Toàn.

Vốn là cựu cầu thủ, nên với những mối quan hệ sâu rộng trong giới bóng đá, ông Bôn bằng cách này cách khác có thể gom góp cả một kho kỷ vật bóng đá nước nhà - đấy thực ra cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sự khó hiểu nằm ở chỗ, nào riêng gì bóng đá nước nhà, trong bảo tàng của ông còn có cả những kỷ vật của bóng đá thế giới nữa.

Thế nên ở một góc bảo tàng, người ta thấy đôi giày thi đấu của Beckham, ở một góc khác lại thấy những tấm thiệp có chữ ký của Ronaldinho, Peter Cech, và ở một góc khác nữa lại thấy những bức hình vô địch thế giới năm 1990 của ĐT Đức, đi kèm với chữ ký của tất cả các thành viên đội bóng này. Song đáng chú ý nhất có lẽ phải là những bức hình cá nhân, kèm theo những dòng ký tặng của thủ môn huyền thoại người Đức Schumacher. Nghe đâu, giữa Hà Bôn với Schumacher thậm chí đã từng có quan hệ bạn bè, khi cả hai đã không ngừng gửi thư, gọi điện thăm hỏi lẫn nhau.

Những mối "quan hệ ngoại quốc" đặc biệt cùng những "kỷ vật ngoại quốc" quý giá như thế, Hà Bôn có được là do đâu? Muốn biết chính xác câu trả lời, cần phải biết Hà Bôn rốt cuộc là ai, và đã trải qua một thời tuổi trẻ bay nhảy, lừng lẫy đến cỡ nào.

Rốt cuộc, Hà Bôn là ai?

Hà Bôn thuộc thế hệ những cầu thủ trưởng thành sau năm 1954, cùng thời với những cái tên đình đám của làng túc cầu Việt Nam như Lê Thế Thọ, Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long… Khác với những đồng đội cùng thời, Hà Bôn không học bóng đá một cách bài bản, và vì thế không lớn lên trong những lò đào tạo năng khiếu, mà lại trưởng thành từ những trận bóng đá phủi trên sân Long Biên. Hồi đó, nhà Hà Bôn ở phố Hàng Chiếu, nên buổi chiều nào cũng đi bộ ra sân Long Biên để… bắt gôn.

Những trận bắt gôn theo đúng tính chất "bóng đá đường phố" ấy, thủ thành Hà Bôn "mua" gần hết những cú sút nguy hiểm của tiền đạo đối phương. Nhỏ, lùn, lại có hai cánh tay khá ngắn - toàn những đặc điểm tối kỵ của một thủ thành, ấy vậy mà Hà Bôn lại bay lượn trong khung gỗ hệt như làm xiếc. Chính vì cái tài bay lượn ấy mà giới bóng đá phủi Hà Thành đã gọi Hà Bôn là "con vượn".

Theo lời kể của ông Vũ Minh - cha đẻ của cựu tuyển thủ QG Vũ Minh Hiếu thì có nhiều trận bóng đá phủi thời đó, người hâm mộ kéo đến sân như hội chỉ để xem "con vượn" trổ tài. Còn theo lời kể của thủ thành hào hoa một thủa ở Trần Văn Khánh - người đã đi vào câu đồng dao nổi tiếng trong bóng đá việt Nam: "Bay như Khánh, đánh như Kim" thì cả một thời tuổi trẻ, ông đã rất ngưỡng mộ Hà Bôn, nên đã từng âm thầm, lén lút trốn nhà tới sân Long Biên để được ngắm… Hà Bôn bay lượn. Phong cách bắt bóng hào hoa của Trần Văn Khánh sau này cũng chịu ảnh hưởng khá lớn bởi phong cách của "con vượn" Hà Bôn.

Tiếng lành đồn xa, "con vượn" được đội  Sở Thuế vụ đang thi đấu ở giải hạng B miền Bắc mời về bắt chính, để rồi từ đó cái tên Hà Bôn gắn liền với một biệt danh bất hủ: "Con vượn Thuế vụ". Và cũng kể từ đó, Hà Bôn lặn lội qua các đội bóng như Đường sắt Việt Nam, Quân khu Việt Bắc, cho đến trước khi giã từ sự nghiệp để về lái xe ở Bộ Ngoại giao vào năm 1966.

Sau này thì Hà Bôn lại sang lái xe cho các Đại sứ quán Bulgaria, Đức, và chính từ đây mối liên hệ giữa "Con vượn Thuế vụ" với các ngôi sao lẫy lừng của bóng đá thế giới được thiết lập. Hà Bôn nhớ lại: "Nhiều lần lái xe cho ông Đại sức đặc mệnh toàn quyền Đức ở Việt Nam, khi xe dừng đèn đỏ, hoặc dừng lại ở một điểm nào đó trên đường phố là tôi lại được khá nhiều người đi đường vẫy tay chào. Ông Đại sứ Đức khi ấy bất ngờ hỏi: "Tại sao lại có nhiều người biết tới anh như vậy?". Đến lúc đó tôi mới kể cho ông ấy rằng mình từng là một thủ môn có tiếng, và có rất nhiều fan hâm mộ".

Thật trùng hợp khi ông Đại sứ Đức hồi ấy cũng là dân nghiền bóng đá, và ở Đức cũng như ở khắp châu Âu, ông có mối quan hệ khá thân thiết với các ngôi sao bóng đá tên tuổi. Thế là thông qua vị đại sứ này, ông Bôn đã có được những "mối quan hệ ngoại quốc", để rồi từ đó hàng loạt những kỷ vật bóng đá ngoại quốc được gom góp trong cái "viện bảo tàng" nhỏ của ông.

Nốt lặng của một cuộc đời 

Trước đây, nhà ông Bôn ở phố Kim Mã, đối diện với công viên Thủ Lệ, nhưng cách đây vài năm thì ông chuyển về ở tại căn nhà nhỏ trên phố Núi Trúc này. Ông bảo lần chuyển nhà ấy với ông đã kéo dài cả tháng trời, bởi ông phải cẩn thận lau chùi, gói ghém, rồi tự tay di chuyển từng kỷ vật bóng đá, chứ không yên tâm khi để người khác thực hiện giúp mình.

Và bây giờ, cái viện bảo tàng đặc sệt không gian bóng đá này - nơi mà mỗi kỷ vật bóng đá lại gợi nhớ đến một khung trời, một phần ký ức, một phần lịch sử chính là nguồn vui bất tận của vợ chồng ông. Ông tâm sự: "Ngồi giữa viện bảo tàng, nhấp một ngụm rượu, thả hồn vào một thế giới chỉ toàn bóng đá, tôi hoàn toàn quên đi mọi nỗi đau đời, và hoàn toàn mãn nguyện với cuộc sống mình đang có".

Nói đến đây, ánh mắt ông nhè nhẹ hướng đến một góc nhỏ trang trọng trong “viện bảo tàng”, nơi không treo một bức hình bóng đá, hay bất cứ một kỷ vật bóng đá nào như ở các góc khác, mà lại treo một tấm hình chân dung nho nhỏ. Ở trong tấm hình, một chàng trai tuổi 23-24 gì đó đang nhoẻn miệng cười, nhẹ nhàng, duyên dáng và rất đỗi thông minh! Ông Bôn đột nhiên cho biết: "Con trai tôi đấy, cháu không may qua đời khi còn rất trẻ".

Rồi ngay lập tức, ông lại đã nói thêm: "Nhưng dẫu sao thì cuộc sống vẫn cứ lăn, như trái bóng vẫn lăn, không bao giờ ngừng lại"!

Hà Bôn: "Bất cứ nền bóng đá nào trên thế giới cũng nên có một viện bảo tàng bóng đá, nơi cất giữ những chiến công bóng đá hiển hách một thời. Những  viện bảo tàng như thế  sẽ giúp các thế hệ đi sau thấy kiêu hãnh hơn và có nhiều động lực phấn đấu hơn cho nền bóng đá hiện tại của mình".

Phan Đăng – CSTC tuần số 68
.
.
.