Hai vợ chồng phạm nhân và một tình yêu chầm chậm hồi sinh

Thứ Ba, 06/10/2009, 18:27
Lòng tham - cái thứ ấy như một kẻ thù của chính bản thân đã khiến cho cuộc sống của vợ chồng tôi mặc dù trước đó đã rất hạnh phúc, đủ đầy trên mảnh đất Cao Bằng, phải tan vỡ. Chúng tôi buôn bán ma túy với một số lượng lớn và không thể dừng lại được mặc dù nhiều lúc đã nhận ra đó là tội ác. Thế rồi hậu quả của những việc làm trái pháp luật cũng đã đến.

Năm 1999 khi vợ tôi đang mang thai đứa con thứ 2 được 6 tháng thì chúng tôi bị Công an bắt giam vào Trại Ty của tỉnh Cao Bằng. Nhờ chính sách của Nhà nước đối với những tù nhân mang thai khi lĩnh án, vợ chồng tôi được ở cùng một trại tạm giam trong thời gian cô ấy mang thai và khi cô ấy sinh xong một thời gian, chúng tôi mới phải về các trại giam khác để bắt đầu thời gian thi hành án.

Quãng thời gian ở Trại Ty khiến tôi chẳng thể nào quên được bởi không chỉ có vợ chồng tôi ở đó mà còn một sinh linh bé nhỏ nữa. 3 tháng sau khi vào trại giam, Ngọc Ánh, đứa con gái thứ 2 của chúng tôi cất tiếng khóc chào đời. Vợ tôi phải mổ khi sinh, thật may mắn là các cán bộ trong trại giam đã tạo mọi điều kiện giúp cô ấy sinh nở một cách tốt nhất.

Những ngày ở cữ, cô ấy được nằm trong bệnh xá và có người trông nom cẩn thận. Khi cô ấy trở dạ, trại giam bố trí xe ôtô đưa đón cô ấy đến bệnh viện một cách chu đáo. Tôi cũng được ở cạnh cô ấy để động viên, an ủi. Vợ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán. Ngọc Ánh vì thế tuy sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt nhưng vẫn kháu khỉnh và bụ bẫm như bao đứa trẻ khác vì được chăm sóc đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ngọc Ánh lớn lên ở Ty và được các bác quản giáo cũng như các anh em trong tù cưng chiều lắm. Mỗi lần có quà của người thân gửi lên, mọi người đều dành những phần ngon nhất cho cháu. Tôi tự thấy mình như thế đã là hạnh phúc lắm rồi vì được chứng kiến con gái sinh ra và lớn lên ngay cạnh mình, được sự quan tâm, yêu thương của mọi người. Tôi thấy mình như thế đã may mắn lắm rồi vì hàng ngày, tôi vẫn được bế ẵm con, bón cho con từng thìa cơm, thìa cháo. Khi Ngọc Ánh được 1 tuổi, cháu đã biết chạy lon ton và bi bô gọi bố.

Mỗi buổi chiều trong trại Ty, khi đã kết thúc một ngày lao động mệt nhọc, tôi lại được ôm ấp Ngọc Ánh vào lòng. Nước mắt tôi ứa ra khi nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của con. Sau này khi lớn lên, con có phải xấu hổ với bạn bè vì bố mẹ đã để con sinh ra và có những năm tháng tuổi thơ ở trong tù? Sau này lớn lên, con có oán trách bố mẹ vì đã không tạo điều kiện tốt nhất để con được như bao đứa trẻ khác khi chào đời? Những câu hỏi đó cứ dằn vặt vợ chồng tôi khôn nguôi.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, đến tháng 7/2001, Ngọc Ánh đã tròn 2 tuổi. Đó cũng là lúc vợ chồng tôi phải chia lìa nhau, mỗi người về một trại giam khác để lĩnh án. Theo qui định của pháp luật, Ngọc Ánh vẫn được ở với mẹ cho đến khi 3 tuổi. Sớm tinh mơ một ngày mùa hè tháng 7, khi mặt trời còn lấp ló sau núi, tôi được các cán bộ quản giáo đưa lên đường tiễn vợ và con xuống trại giam Phú Sơn, Thái Nguyên rồi sau đó mới về Tân Lập, Phú Thọ.

Suốt cả chặng đường hàng trăm cây số, Ngọc Ánh vẫn hồn nhiên cười nói bi bô mà lòng vợ chồng tôi thì đau thắt. Vợ tôi là một người mạnh mẽ, tuy không khóc một cách yếu mềm như bao phụ nữ khác nhưng nhìn vào đôi mắt quầng thâm của cô ấy sau nhiều đêm mất ngủ, tôi biết cô ấy đau đớn đến mức nào. Ba chúng tôi chia tay nhau ở cổng Trại giam Phú Sơn. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm vợ, con và khóc nghẹn ngào. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt đắm đuối và chia ly của cô ấy khi nhìn tôi, đôi mắt ngây thơ của Ngọc Ánh không hiểu vì sao bố mẹ lại khóc và ôm con chặt đến thế.

Nỗi đau xa vợ con khiến tôi suy sụp khủng khiếp. Đời tôi thế là đã chấm hết rồi, chẳng còn lý do gì để tồn tại nữa. Tôi lĩnh án chung thân. Tôi sẽ ở mãi mãi chốn ngục tù này. Tôi sẽ không bao giờ được về với các con nữa. Suy nghĩ đó khiến tôi chán nản và buông xuôi tất cả. Vốn là một người ít nói, trầm tính, tôi càng trở nên lầm lì và khiến các cán bộ quản giáo trong Trại giam Tân Lập phải đau đầu để thuyết phục.

Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi thấy lòng mình trống trải và xót xa ghê gớm. Buổi chiều, trong khi biết bao phạm nhân khác nghỉ ngơi, nói chuyện với nhau, thì tôi ngồi lì một chỗ. Những lúc ấy, tôi nhớ vợ, nhớ con vô hạn. Đêm đến, nước mắt chảy ra khiến tôi đau nhức hai hàng mi. Tôi trở nên cáu bẳn và cục tính đối với những người hay hỏi han và quan tâm đến tôi. Tôi không cần nghe và không cần biết phải làm gì cho đúng. Tôi liên tục vi phạm các qui định của trại giam. Thậm chí là xẵng giọng và chửi thề với quản giáo Tuân - người đã kiên nhẫn, tận tình hỏi han chăm sóc tôi từng ly từng tí như người thân trong nhà.

Bao nhiêu bức thư của vợ tôi gửi từ Trại giam Phú Sơn tôi không dám đọc. Vì nếu đọc, chắc chắn tôi sẽ nhớ cô ấy, nhớ con đến phát điên mất. Rồi một ngày, không thể chịu đựng nổi sự cô đơn do chính mình tạo ra và bủa vây lấy bản thân, tôi run rẩy bóc từng bức thư của vợ. Bức thư nào cũng thế, cô ấy đều gọi tôi bằng một cái tên trìu mến, chân thành "ông xã thương nhớ", "ông xã yêu quí" và cuối mỗi lá thư, cô ấy đều chúc tôi cải tạo tốt để có thể hưởng khoan hồng của pháp luật.

Giọng cô ấy trong thư lạc quan và yêu đời lắm. Cô ấy khoe với tôi rằng luôn được xếp loại cải tạo tốt. Trong tù, cô ấy là người đi đầu trong các phong trào văn nghệ và lao động sản xuất. Cô ấy được đeo băng đội trưởng của một nhóm phạm nhân, giúp quản giáo rất nhiều trong việc giúp phạm nhân khác nhận ra tội lỗi của mình để cải tạo tốt. Cô ấy nói, cô ấy sẽ cố gắng hết sức để có thể được mãn hạn sớm, để về chăm sóc các con. Án của cô ấy nhẹ hơn tôi nhiều - 18 năm tù và nếu cố gắng để được đặc xá, cô ấy sẽ ra tù trước thời hạn 4 năm. Cô ấy kể về sự lớn khôn của Ngọc Ánh cho tôi nghe, cô ấy kể rằng con tôi đã luôn nhắc đến "bố Nam" nhiều như thế nào. Cô ấy nói đi nói lại rằng, dù thế nào "ông xã cũng phải cố gắng cải tạo cho tốt nhé". Đó đúng tính cách của người vợ mà tôi đã yêu say đắm. Cô ấy luôn lạc quan, quyết đoán và mạnh mẽ, luôn cố gắng vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đọc hàng chục bức thư của cô ấy, bức nào cũng một giọng sôi nổi và yêu thương, tôi biết mình phải thay đổi. Trong tôi văng vẳng lời của quản giáo Tuân: "Nếu anh còn nghĩ đến vợ con thì chỉ có một cách là cố gắng cải tạo tốt". Tôi hân hoan như một kẻ đi trong tăm tối đã tìm ra được ánh sáng của lẽ sống trong cuộc đời còn lại của mình. Trái tim tôi cựa quậy mầm sống. Tôi viết thật nhiều thư đáp lại cô ấy. Những con tem và chiếc phong bì do chính tay quản giáo Tuân mua tặng tôi đã giúp tôi chuyển biết bao nhiêu nỗi niềm và quyết tâm đến người vợ thân yêu.

Thời gian đầu, chúng tôi viết thư cho nhau nhiều đến nỗi các quản giáo và anh em trong trại phải thốt lên kinh ngạc. Mỗi tháng tôi và cô ấy nhận được hàng chục bức thư của nhau, mà lá thư nào cũng dài 7 - 8 trang giấy. Cô ấy nói đùa với tôi rằng: "Ông xã viết ít thư cho em thôi, kẻo các cán bộ quản giáo ở Phú Sơn lại trêu em". Tình yêu của vợ và sự quan tâm chăm sóc của các quản giáo là động lực giúp tôi lấy lại sự cân bằng về lý trí và tinh thần trong cuộc sống.

Tôi hiểu rằng, lao động chân chính mới chính là giá trị bền lâu nhất mà cuộc đời mỗi con người cần có được. Lao động trong những ngày tháng trong tù chính là niềm vui cuộc sống và cơ hội duy nhất để tôi có thể có được những tháng ngày ngắn ngủi cuối cuộc đời bù đắp cho các con những tình cảm thiếu thốn của mẹ cha từ thuở ấu thơ.

Hai vợ chồng tôi vào tù khi Kim Anh, con gái lớn của tôi mới lên 4 tuổi. Tôi xót xa tuổi thơ của các con không được bình thường như bao đứa trẻ khác. Thiếu thốn tình cảm của mẹ cha, chúng phải biết tự bảo vệ mình để vượt qua khó khăn của cuộc sống. Con người ta, khi bị ai trêu đùa, bắt nạt thì về mách bố, mách mẹ, nhưng Kim Anh và Ngọc Ánh thì không có được niềm hạnh phúc và sự che chở ấy.

Năm nay Kim Anh 15 tuổi, độ tuổi dậy thì và cần có mẹ ở bên cạnh để quan tâm, chăm sóc, thế nhưng cháu đã phải tự lo cho bản thân và biết vươn lên giữa bao cái nhìn thương xót của làng xóm, bạn bè và thầy cô. Con bé như già đi trước tuổi. Những lá thư con viết cho tôi từ hồi lớp 4 cho đến bây giờ khiến tôi nhận ra điều đó.

Và nếu như trước đây, tôi chỉ viết cho con những lời thăm hỏi động viên âu yếm thì bây giờ, tôi coi con gái như người bạn để tôi có thể tâm sự và sẻ chia. Kim Anh thực sự là đứa bé thông minh khi hè năm nào con cũng viết thư cho tôi và thông báo danh hiệu học sinh giỏi mà con đã miệt mài phấn đấu và giành được như một món quà tặng bố. Tôi đau xót khi con tôi vẽ một bức tranh trong thư là một gia đình có 4 người, bố mẹ và hai con gái đoàn tụ trong ngày Tết Nguyên đán.

Ước mong của trẻ thơ như xát muối vào tâm can tôi. Hằng đêm, tôi ngồi viết nhật kí cho con. Những trang nhật kí mà có thể tận sau này, khi tôi đã quá già mới có cơ hội đưa cho con gái vào một ngày Tết Nguyên đán xa xôi như mong ước của cháu

Hà Hương - CSTC số 6
.
.
.