Hành động phạm tội như trong phim - Tội ác thời số hóa!

Thứ Năm, 28/04/2011, 15:14
Những vụ án giết người gây chấn động dư luận, phương thức gây án ngày càng dã man và tinh vi hơn… Thậm chí, người ta có thể giết người chỉ đơn giản từ một vụ… suýt va quệt xe, từ cái nhìn vô tình hoặc cái đập vai hỏi kết quả một trận đấu bóng đá. Ảnh hưởng từ phim ảnh, đó là một sự thật không thể chối cãi!

Những cái tên chắc hẳn còn phải lâu lắm mới đi vào miền quá vãng. Một Nguyễn Đức Nghĩa tạo nên cơn địa chấn ở Hà Nội, một Vũ Thị Kim Anh khiến dư luận có cả thảng thốt lẫn băn khoăn, một Châu Hùng Sơn "trả nợ" bằng cách giết chủ nợ bỏ vào thùng xốp, một Nguyễn Hữu Tú sát hại cô giáo Hy A rồi phi tang xác nạn nhân bằng cách cho vào bao tải vứt bên vệ đường, cách nơi gây án hàng chục cây số… Một gã đàn ông giết vợ bằng sợi dây dù cột màn mỏng rồi ngụy tạo thành vụ đột tử bị Cơ quan Công an vạch mặt ở quận Gò Vấp, TP HCM…

Rất nhiều những vụ án từ nghiêm trọng cho đến cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra. Người ta cố tìm cách lý giải cho hiện tượng ấy nhưng đều không tìm ra mệnh đề trả lời hợp lý.

Hôm nhận được tin Cơ quan Công an đã bắt giữ Nguyễn Quốc Tân,  22 tuổi, đối tượng được báo giới gọi là "sát thủ đoạt mạng", kẻ gây ra vụ án kinh hoàng trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM, chúng tôi vội vã sang trụ sở PC45 Công an TP HCM để xem tay sát thủ này mặt mũi bặm trợn đến mức nào mà có thể một tay một dao đâm chết 2 người, làm bị thương nặng một người khác ngay trên đường phố.

Trái với hình dung ban đầu, Tân mặt mũi nhìn rất… nông dân. Tướng người thấp, mập tròn, da ngăm đen, đầu tóc bù xù, khuôn mặt hốc hác của kẻ mất ngủ lâu ngày. Cách đây vài năm, Tân là công nhân của một xí nghiệp ở khu chế xuất Tân Thuận. Làm công nhân được ít lâu, Tân nghỉ việc, về nhà mở quán cháo vịt để buôn bán.

Một tối đầu tháng 8/2010, Tân dùng xe gắn máy của người cháu chở Nguyễn Văn Út từ quận 7 lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM để thăm con Út bị bệnh đang điều trị tại đây. Trên đường đi, đến đoạn Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân, xe máy của Tân suýt va phải chiếc SH của hai thanh niên đi khác chiều. Ngay lập tức, hai thanh niên này quay đầu xe để nói chuyện phải quấy với Tân bằng… nón bảo hiểm. Cùng tham gia "nói chuyện" với Tân là một nam thanh niên khác, cùng nhóm với hai thanh niên trên.

Cảnh trong một bộ phim.

Bị tấn công bất ngờ, Tân rút dao thủ sẵn trong người, đâm liên tiếp vào cơ thể ba thanh niên trên. Kết quả, hai thanh niên tử vong, người còn lại bị thương rất nặng. Lời khai của Tân tại Cơ quan điều tra cho biết, con dao Tân sử dụng chính là vật mà Tân vừa đi mua về, định gọt trái cây nhậu với nhóm bạn mình. Những tình huống như thế, ai cũng có thể gặp đâu đó trong những bộ phim bạo lực kiểu Mỹ, kiểu Hàn Quốc.

Từ vụ việc của Tân, dư luận ngỡ ngàng trước những kẻ sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người  khác vì lý do rất ầu ơ. Phải chăng hồ nghi đó là những kẻ cuồng tín vì phim bạo lực.

Giữa tháng 3 năm nay, Voòng Hùng Minh, đối tượng nghiện ma túy dặt dẹo đến trụ sở Đội Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP HCM xin được… đi tù. Minh nói, nếu mình không đi tù thì ở ngoài cũng bị… xã hội đen chém chết. Lý do, Minh đang thiếu nợ của nhóm xã hội đen nào đó một khoản tiền rất lớn.

Đương nhiên, không ai có thể đáp ứng yêu cầu này của Minh. Thế là, trưa cùng ngày, gã xông vào nhà sách Phương Nam, khống chế một nữ nhân viên nhà sách với đề nghị "Gọi ngay Công an cho tao thương lượng".

Đến khi các chiến sĩ Công an xuất hiện, Minh yêu cầu phải cung cấp cho gã một chiếc xe ôtô để gã về quê ở Tân Phú, Đồng Nai. Mà khi ra tay khống chế con tin, Minh cũng làm y như cách các diễn viên trong phim thường làm. Gã ấn nhẹ chiếc kéo bén ngót vào cổ nạn nhân khiến máu búng ra nhằm tạo thêm "trọng lượng" trong cuộc "thương thuyết" với các trinh sát.

Thêm vào đó, khi chiếc xe 7 chỗ của hãng taxi được đưa đến hiện trường theo yêu cầu của Minh, gã buộc tài xế phải quay ngược đuôi xe vào trong nhà sách. Gã đề nghị mở cốp xe để quan sát xem có trinh sát nào đang giấu mình bên trong hay không. Sau khi xem xét chán, gã tiếp tục yêu cầu tài xế đậu xe cập ngang cửa ra vào của nhà sách, để gã dẫn con tin lên xe bằng cửa hông..

Trước khi ra xe, gã còn cẩn thận quan sát phía trên nóc các tòa nhà cao tầng xem…. có tay súng bắn tỉa nào đang rình rập để hạ sát gã hay không.

Một trinh sát của Công an quận Tân Bình nói với tôi rằng "Cái tay nghiện này, vừa nghiện ma túy vừa nghiện cả… phim hành động của Mỹ". Câu nói đúc kết rất hay và xác đáng đối với vụ việc mà Voòng Hùng Minh vừa gây ra…

Voòng Hùng Minh thực hiện hành vi phạm tội y như trong phim.

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh): Phim ảnh có thể thổi bùng xu hướng tiêu cực

Khi con người mới sinh ra, bên trong tâm hồn là một thế giới "trong suốt" chưa có nội dung. Tính cách của một con người được thành hình từ những gì người đó đã nhập tâm vào trong quá trình sống. Xem phim cũng là một "kênh" nhập tâm, có những bộ phim khơi dậy những tình cảm cao thượng của con người và cũng có những bộ phim thổi bùng lên những xu hướng tiêu cực.

Tâm lý con người có cơ chế bắt chước, xem nhiều những hình ảnh bạo lực tất nhiên dễ nảy sinh những "ý định" được mồi từ những hình ảnh đó. Tâm lý con người cũng có chức năng thích nghi, xem nhiều lần những phim bạo lực sẽ có xu hướng "làm quen" với nó, xem đó là chuyện bình thường. Chuyện phim ảnh hưởng đến con người cũng giống như sách ảnh hưởng đến suy nghĩ, môi trường ảnh hưởng đến tâm trí, đó là điều mà tất cả chúng ta đều thấy. Tuy nhiên vấn đề cần lo lắng là tại sao những phim như thế không bị xã hội tẩy chay.

Tưởng tượng chỉ là cái trung gian trước khi thể hiện ra hành động, cội rễ của tội ác là ở cái gốc chi phối sự tưởng tượng ấy: phần "con" hay phần "người" trong họ thắng thế, bản năng thú tính hay nhân tính thống trị. Chính những hình ảnh bạo lực sẽ góp phần "nuôi dưỡng" phần "con" và làm cho nó lớn mạnh thêm đến khi một lúc nào đó nó sẽ bộc phát làm chủ hành vi. Đáng tiếc là biện pháp hữu hiệu nhất lại là "không tưởng" nhất trong thời điểm hiện tại: Cơ quan quản lý văn hóa tuyệt đối cấm các phim bạo lực, kinh dị từ con đường băng đĩa lẫn internet. Chỉ những phim hành động mang tính chính nghĩa mới được tồn tại và không sặc sụa "nồng độ" tàn ác.

Do đó chúng ta có nhiều cách khác:

Một là, xã hội nên thành lập những trung tâm chăm sóc tinh thần, tổ chức các sân chơi lôi kéo mọi người những khi rảnh rỗi để họ giải tỏa những bức bối cảm xúc, tìm kiếm bạn bè, nhập tâm những điều hay thay vì để họ ở nhà "luyện phim".

Hai là, mọi người nên chú ý để phát hiện những dấu hiệu sớm của hành vi bạo lực. Hãy để tâm đến những người thường xuyên bộc phát những hành vi hung hăng dữ dội và đặc biệt cả những người bỗng nhiên trở nên im lặng khác thường bởi trước khi có những hành động vô nhân thường người ta có một giai đoạn "ủ" tích lũy trước khi bùng nổ.

Ba là, dù đã cũ và rất nhàm nhưng chúng ta vẫn phải nhắc đến trách nhiệm giáo dục nhân cách con cái từ khi còn bé của gia đình, giáo dục những giá trị đạo đức nhân văn trong suốt 12 năm đi học tại nhà trường và xã hội phải "dọn dẹp" những thứ nhuốm mùi bạo lực để tạo một môi trường "không ô nhiễm" đến tâm hồn con người. Mà điều này thì chúng ta vẫn nói nhiều chứ chưa làm được rốt ráo như ý muốn.

PGS.TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Phim ảnh là nơi cung cấp "kịch bản tội ác"  

Thật khó phủ nhận việc những hình ảnh chém giết, bạo lực trên phim ảnh và các phương tiện truyền thông trong thời gian qua chính là một trong những "gợi ý, mách nước", là "ví dụ" để các đối tượng có ý đồ đen tối lựa chọn. Bối cảnh kinh tế mở, toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho những phim ảnh bạo lực ra đời hàng loạt, đây có thể xem như những "thư viện" cung cấp các "kịch bản" cho một bộ phận do thiếu bản lĩnh, trình độ văn hóa để hành xử theo những giá trị chân thiện mỹ, từ đó đã tạo ra những tội ác không nên có.

Hiện nay, nhiều người sẽ được xem đi xem lại những hình ảnh bạo lực, chém giết và đến khi trong một bối cảnh hay hoàn cảnh nào đó thì những hình ảnh đen tối đó sẽ rất dễ xuất hiện lại trong đầu của một số đối tượng và khiến chúng bị ảnh hưởng rồi hành động theo. Hơn nữa, giới trẻ thường chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ phim ảnh, truyền thông, có thể trong thời khắc nào đấy thì không phải hình ảnh trong một bộ phim cụ thể mà chỉ một vài hình ảnh đã tiếp nhận cũng có thể khiến chúng có ấn tượng và đôi khi hành động theo một cách tự phát.

Có  thể nói, những phim ảnh bạo lực, phim đen tự thân nó không phải là tội ác nhưng chúng chịu trách nhiệm gián tiếp, vì nó là nơi cung cấp "kịch bản" cho những hành động tội lỗi đã, đang và sẽ xảy ra. Chính những hình ảnh bạo lực, xấu, xem ở đâu đó đã tiêm nhiễm một cách tự nhiên vào nhiều người khiến một lúc nào đó có sự việc gì xảy ra, họ rất dễ hành động theo một cách vô thức mà nhiều khi họ không lường hết được hậu quả.

Khi đứng trước những sự việc như nhau nhưng mỗi người lựa chọn hành vi, có phản ứng hay hành động khác nhau vì còn phải phụ thuộc vào bản lĩnh, nhân cách và trình độ văn hóa… của mỗi người. Bài toán đặt ra là các nhà kiểm duyệt, các nhà làm phim, các nhà quản lý văn hóa rất cần ý thức và có hành động giới hạn nghiêm hơn nữa với những phim có nhiều cảnh chém giết, bạo lực. Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng cũng cần giáo dục, dạy dỗ con em mình hướng đến những giá trị sống lành mạnh, tốt đẹp".

Thực tế đau lòng…

Trò chuyện cùng Trung tá Tạ Văn Dũng, Phó Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Tân Bình, TP HCM về "tội phạm như trong phim".

- Thưa Trung tá, các đối tượng tội phạm thường xuyên thực hiện những hành động phạm tội như những bộ phim "xã hội đen". Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Theo tôi, đây là những hành vi bắt chước qua phim ảnh và gần như có tính toán từ trước. Những tên tội phạm lúc này rất liều lĩnh và có mục đích để thoát thân một cách an toàn. Như vụ khống chế con tin để đòi xe về quê của đối tượng Voòng Hùng Minh vừa qua, hắn ta có động cơ thực hiện hành vi đến cùng.

- Hành động nào của đối tượng khiến ông gợi nhớ đến những đoạn phim hình sự đã được xem qua?

 - Lúc tôi tìm cách tiếp cận tên Minh để thương lượng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nạn nhân, dù tôi và hắn ta chưa hề gặp nhau nhưng trong đầu tên này luôn nghĩ rằng tôi là Cảnh sát. Hình ảnh này thường thấy trong các bộ phim hành động của Hồng Kông hay Mỹ. Rồi lúc tên Minh dẫn giải con tin ra xe, anh ta hay ngó dáo dác lên trời vì chắc sợ bị bắn tỉa (?!). Đôi mắt hắn cảnh giác liếc xung quanh để đề phòng những tình huống có thể xảy ra cho hắn chẳng khác gì chi tiết của một bộ phim hắn thường được xem.

- Trong suốt quá trình vây bắt đối tượng, một số chi tiết nào ông cảm nhận được đối tượng gần như bị ảnh hưởng bởi những thước phim hành động?

- Chẳng hạn như lúc đưa xe taxi cho Voòng Hùng Minh, hắn ta phải lùi đuôi xe để kiểm tra cốp xe xem có người phía sau hay không. Lúc khống chế đối tượng, tên Minh còn yêu cầu Công an không được bám theo khi hắn đang trên đường về quê như thường thấy ở các bộ phim.

- Theo Trung tá, động cơ để dẫn đến hành vi của các đối tượng trên là gì?

- Tôi cho rằng, các đối tượng tội phạm gần đây phụ thuộc nhiều vào diễn biến tâm lý. Để thực hiện một vụ nào đó, các đối tượng này đều đã xem qua hoặc xem rất kỹ những thước phim "xã hội đen" để tái hiện thật giống hoặc gần giống tại hiện trường. Và đây cũng là một loại tội phạm với thủ đoạn rất tinh vi, ít nhiều khó khăn đến việc phá án.

- Xin cảm ơn Trung tá!

Toàn - Hưng - Luân - Lữ thực hiện - CSTC tuần số 53
.
.
.