Hành trình số phận của cô gái mang dòng máu Việt – Lào

Thứ Bảy, 08/01/2011, 14:59
Đó là câu chuyện buồn và xúc động của một phụ nữ - một thân phận đặc biệt, đầy bi thương. Chị đã trải qua một tuổi thơ hãi hùng và giờ đây vẫn sống trong nghèo túng. Phải vật lộn với cuộc sống nhọc nhằn, những tưởng người phụ nữ ấy không đủ thời gian để nghĩ về người cha bí ẩn của mình, nhưng thật kỳ lạ, tình phụ tử trong chị chưa bao giờ tắt…

Mối tình đẹp đẽ và tuyệt vọng

Khoảng tháng 7 năm 1970, có một nhóm học viên người Lào sang học tập tại Trường Sĩ quan Công binh, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh Hà Bắc (sau này trường chuyển vào Bình Dương). Trong số đó có một học viên tên là Bun Thăm. Anh khoảng 25 - 26 tuổi, thấp đậm, cười rất tươi, khi nói thường nhếch một bên mép phải, dân tộc Lự, nhà ở tỉnh Luông Pha Băng.

Do trường ở gần Xí nghiệp May Đáp Cầu nên họ thường sang giao lưu với công nhân ở đó. Bun Thăm có làm quen rồi yêu một cô gái tên là Lương Thị Thức. Đó là một cô gái khá xinh đẹp, con nuôi của ông giám đốc xí nghiệp. Hồi ấy chuyện yêu đương còn rất khắt khe, đặc biệt là yêu người nước ngoài. Nhưng vì quá say mê nhau nên họ đã có thai. Khi mọi việc đã đi quá xa, Bun Thăm xin cưới cô Thức nhưng ông bố nuôi không cho vì hai nước chưa có quy định việc kết hôn.

Sự cấm đoán của bố nuôi cùng những lời bàn tán của mọi người khiến họ hoang mang lo sợ. Rồi họ đi đến một quyết định - bỏ trốn. Bun Thăm bí mật đưa người yêu về Lào. Hai người xuống Hà Nội, rồi trốn trên một chiếc xe chở xăng đến Thanh Hóa, rồi đi bộ vào biên giới. Nhưng đến trạm kiểm soát Nà Mèo, Bun Thăm có giấy tờ nên được đi tiếp, còn cô Thức bị giữ lại. Không còn cách nào khác, họ chia tay để chờ đợi cơ hội khác. Trước khi đi, chàng trai người Lào thề rằng nếu không lấy được nhau sẽ tự vẫn. Khi ấy, cái thai trong bụng cô Thức đã được bốn tháng, Bun Thăm có dặn nếu sinh con thì đặt tên là Bút Đa. Vài ngày sau, xí nghiệp cử người xuống đón cô Thức về.

Sau lần trốn chạy đó, tinh thần cô Thức hoảng loạn, vài lần tự tử nhưng không thành; có lúc cô đã muốn bỏ cái thai đi. Cũng may có bạn bè và ông bố nuôi tốt bụng, hết sức động viên nên cô qua được cơn sốc đó. Thời gian sau, có một người đàn ông đến xin cưới cô Thức. Thực ra đó là một người bạn, anh ta cũng biết chuyện tình của Thức và cả cái thai trong bụng cô nhưng vẫn xin cưới. Được bố nuôi, bạn bè động viên, rồi cũng chẳng hy vọng vào người yêu cũ, lại thêm chiến tranh liên miên nên cô Thức đã đồng ý lấy chồng.

Ngày 17/7/1971, cô Thức sinh con đặt tên là Lương Thị Thủy. Thủy còn có một cái tên theo ý nguyện của cha mình là Bút Đa. Đến năm 1973, Bun Thăm đột ngột quay về, anh rất buồn vì biết Thức đã lấy chồng. Anh bàn bạc với gia đình Thức về nguyện vọng đưa con mình về Lào. Ban đầu Thức đồng ý, nhưng khi Bun Thăm bế con đi, đột nhiên Thức sợ hãi đuổi theo đòi lại. Trước sự kiên quyết của Thức, Bun Thăm đành phải trả lại con, buồn bã quay về Lào. Cũng từ đó hai người bặt tin nhau.

Gia đình ông Bun Năm làm lễ nhận con nuôi đối với Bút Đa.

Với người chồng hiện tại, Thức sinh thêm hai đứa con gái là Chung và Thành. Cuộc sống của cô Thức chỉ êm đềm cho đến khi người bố nuôi mất. Từ đó nhiều bi kịch gia đình đổ xuống đầu cô. Đến năm 1979, cô mất vì trọng bệnh và câu chuyện đau buồn của cuộc đời đứa con lai bắt đầu…

Thủy nhớ như in cái ngày mẹ mất, đó là vào khoảng tháng 12 năm 1979. Lúc hấp hối, mẹ chị có dặn rằng, sau khi mẹ mất con sang ở với dì Dị (người em kết nghĩa với mẹ chị)… rồi bà tắt thở. Tang lễ xong, người cha dượng gọi chị lại và nói rằng: tao không phải là bố đẻ của mày, bố mày ở mãi bên Lào, bây giờ mày muốn đi đâu thì đi. Và chỉ hai tháng sau, ông ấy đã đi bước nữa.

Điều làm Thủy nhớ mãi, trong đám tang của mẹ có một người đàn ông đến thắp hương rồi đưa cho Thủy hai gói kẹo, nhưng ngay lập tức ông bố dượng giật lấy hai gói kẹo vứt đi rồi tát cho Thủy một cái rất đau. Khi đó Thủy mới 8 tuổi nên chẳng hiểu gì cả và cũng chẳng kịp nhìn kỹ mặt người đàn ông đó.

Theo lời mẹ dặn, Thủy sang sống với dì Dị, nhưng cuộc sống chẳng được yên vì người mẹ kế lại đến và đòi Thủy về. Người ta vẫn tưởng họ đón Thủy về vì trách nhiệm và tình thương, nhưng sự thật lại không phải thế… Kể đến đây, chị khóc - những giọt nước mắt cứ rơi lã chã trên khuôn mặt quá già so với tuổi của chị. Không chịu được cuộc sống với bố dượng và mẹ kế, một đêm Thủy lẳng lặng bỏ nhà ra đi, Thủy ra đi với ý định tìm về quê mẹ.

"Cha ơi, cha ở đâu?"

Trong hình dung nhạt nhòa về quê ngoại, Thủy chỉ nhớ ra ga tàu rồi đi, đến khi nào nhìn thấy một cây đa là đến. Với suy nghĩ của một đứa trẻ 8 tuổi thì điều đó sẽ giải thoát được cuộc sống nhọc nhằn ở nơi này. Thủy chỉ vơ vội vài bộ quần áo, hai quyển sách giáo khoa, nhìn hai em lần cuối và lặng lẽ ra đi. Cuộc sống lang thang tìm quê trong vô vọng của Thủy bắt đầu từ đó. Có những lúc nhớ hai em quá, Thủy lén về nhà đứng nhìn chúng một lúc rồi lại lên tàu ăn xin. Có đói, có khổ, Thủy cũng không dám quay về vì những trận đòn mà người ta "ban tặng" vẫn là nỗi khiếp sợ của Thủy. Rồi một lần, có người đàn bà người dân tộc thiểu số bán thuốc nam trên tàu cho Thủy đi theo. Lúc đó, được cưu mang là niềm hạnh phúc rất lớn.

Thủy đã theo bà đi hái thuốc rồi lên tàu rao bán. Có lúc đi sang cả Trung Quốc, cứ theo đường tàu mà bước, tối đâu ngủ đấy, suốt cả mùa đông chỉ mặc mỗi cái áo len cũ. Cho đến ngày gặp gia đình anh Hùng ở ga Khúc Rồng (Thái Nguyên) mới dừng lại và làm người giúp việc ở đó. Đây là gia đình đầu tiên đối xử tốt với Thủy. Cũng từ đây kết thúc chuỗi ngày ăn xin lang bạt, năm đó, Thủy vừa tròn 11 tuổi.

Thủy sống ở nhà anh Hùng cho đến khi trở thành con gái. Trong thời gian làm người giúp việc cho gia đình anh Hùng, vì tần tảo chịu thương chịu khó nên ông Thìn hàng xóm để ý rồi nhận làm con nuôi, ông này đã có ý giữ Thủy làm con dâu vì gia đình có con trai. Nhưng ở lứa tuổi ấy, tình yêu không thể sắp đặt, cô đã đem lòng yêu người khác. Biết Thủy không muốn làm con dâu mình, ông Thìn rất giận dữ luôn tìm cách cản trở tình yêu của Thủy. Ông luôn mắng chị là người không cha, không mẹ… Quá buồn bã, một lần nữa, Thủy lại bỏ đi.

Những lúc như thế, hình ảnh người cha đẻ lại hiện về, nó thôi thúc Thủy cần phải tìm cha, cần phải liên lạc với hai em gái của mình. Vào năm 1988, bỗng nhiên ông bố dượng ở đâu tìm đến gia đình anh Hùng và nhắn rằng bố đẻ đang tìm về gấp. Cái tin đó là một niềm hy vọng mãnh liệt, Thủy mừng rỡ về nhà bố dượng mặc dù rất sợ hãi.

Thế rồi Thủy tìm về Trường Đảng (Học viện Nguyễn Ái Quốc bây giờ) và gặp hai người đàn ông Lào. Họ tự nhận là bạn của bố Thủy và cho địa chỉ rồi dặn rằng nếu muốn tìm bố đẻ cứ việc theo địa chỉ này. Nhưng cái địa chỉ đó đã bị thất lạc. Thủy tuyệt vọng, trở lại nhà anh Hùng và khóc. Sự tuyệt vọng làm chị suy sụp, cùng lúc đó, người em gái anh Hùng về chơi, thấy Thủy buồn quá nên rủ về nhà của mình ở xóm Đoàn Kết, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) chơi cho đỡ buồn. Ở đây Thủy đã gặp anh Lê Văn Chính, họ kết hôn và sống ở đó.

Kể đến đây, chị nói: "…Mình đã quen sống trong nghèo khổ, nếu có nghèo nữa cũng chẳng sợ gì. Điều làm mình day dứt nhất chính là việc muốn biết cha mình là ai? Liệu ông còn sống không? Và muốn cho mọi người biết mình có cha, có mẹ...". Rồi chị lại khóc...

Biết được câu chuyện éo le của Bút Đa, một cuộc tìm kiếm đã nhanh chóng được triển khai từ những người hảo tâm của Việt Nam và Lào. Gần 10 con người tham gia trực tiếp vào việc tìm kiếm và xác định sự thật câu chuyện và mọi chuyện như vỡ òa khi kết luận được câu chuyện trên là thật qua chứng nhận của đồng đội, những người học viên Lào ngày xưa hiện đã già. Nhưng tiếc thay, ông Bun Thăm đã tạ thế tại một bệnh viện ở Viên Chăn từ năm 2004.

Mọi việc tưởng như dừng lại, Bút Đa có nguyện vọng sang đó tìm thắp nén hương, nhưng cuộc đời dường như thay đổi khi người đồng đội rất thân cùng học lớp cán bộ ngày ấy, ông Bun Năm và vợ của ông đã ngay lập tức nhận Bút Đa làm con, những người tìm kiếm đã đưa chị đi gặp ông và lễ nhận con theo phong tục Lào đã tổ chức trang trọng vào ngày 10/11/2007. Buổi lễ có mặt đầy đủ đại diện như vợ chồng bác sĩ Đồng và cô Huệ là Chủ tịch Hội Việt kiều ở Viên Chăn, anh Nguyễn Quốc Việt, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Saphanakhet, anh Hoàng Dương Bình người thụ lý việc tìm kiếm bên Việt Nam, anh Tấn Khamteum người xông pha tìm kiếm bên Lào và  Anh Viêng Xay, Trung tá đại diện cơ quan bên đó, Trưởng ban Tuyên huấn Cục Công binh và rất đông người tham dự. Mọi người đều rơi nước mắt về sự trùng phùng này. Chị Thủy Bút Đa như được sống lại, mọi người xúm vào giúp nhưng còn vướng gia đình con cái ở Võ Nhai, Thái Nguyên, chị xin phép về Việt Nam thu xếp.

Mãi đến cuối tháng 11 năm 2010, chị mới chính thức sang Lào để đoàn tụ. Nguyện vọng của chị là được đi lại làm ăn thuận lợi bên Lào và Việt, trong tương lai được nhập quốc tịch cha thông qua sự giúp đỡ của cơ quan, đoàn thể bên Việt Nam và nước bạn Lào. Trước tiên phải được xác nhận từ phía Việt Nam để làm thủ tục nhập quốc tịch Lào, mọi người đều động viên chị nên làm thủ tục đó thì sinh sống làm ăn dễ hơn.

Vừa đặt chân đến Lào, anh Tấn có gọi điện báo tin là cho Bút Đa vay tiền mua một cái xe máy để mưu sinh, vì hoàn cảnh cha mẹ nuôi cũng không khá giả gì, chị cần bám trụ được bằng lao động trên đồng vốn ít ỏi vỏn vẹn chưa đầy 5 triệu.

Cầu mong mọi chuyện tới đây được thuận lợi cho Bút Đa, cái tên hướng phật mà chính người cha thân sinh đặt cho chị khi chị chưa kịp lọt lòng!

Hoàng Nhân
.
.
.