Hé lộ một bí mật sản xuất tên lửa của Nga

Thứ Ba, 15/02/2011, 11:11
Có một tài liệu vào loại tuyệt mật, do chính J. Stalin ký hơn 60 năm trước, vào ngày 13 tháng 5 năm 1946 và 5 trang giấy đánh máy ấy đã đánh dấu ngày ra đời một ngành công nghiệp mới - chế tạo tên lửa. Từ sắc lệnh này đã bắt đầu một chặng đường rất dài, đầy khó khăn, thử thách để 15 năm sau Thiếu tá phi công Xôviết Iuri Gagarin bay vào vũ trụ.

"Tuyệt mật
Hội đồng Bộ trưởng Liên xô Sắc lệnh N 1017-419 cc
Ngày 13 tháng 5 năm 1946
Về vũ khí tên lửa

Tự coi là một nhiệm vụ rất quan trọng của việc trang bị vũ khí tên lửa và tố chức các cuộc nghiên cứu, thực nghiệm trong lĩnh vực này, Hội đồng Bộ trưởng nay quyết định: 

1-Thành lập một Ủy ban đặc biệt về việc sản xuất tên lửa trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên xô gồm có :

G.M Malenkov - Chủ tịch
D.F Ustinov - Phó Chủ tịch
I.G Giubovits - Phó Chủ tịch …"

Trong Ủy ban đặc biệt này còn có sự hiện diện của nhiều thống soái tên tuổi vừa bước ra khỏi Cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1941-1946, các nhà hoạt động Đảng và Nhà nước Xôviết xuất sắc, các Viện sỹ Hàn lâm…                                      

Sắc lệnh khẳng định rằng J. Stalin sẽ trực tiếp xem xét, điều hành công việc mới mẻ, cực kỳ quan trọng này. Ủy ban phải thường xuyên báo cáo cho J.Stalin các kế hoạch và chương trình cũng như các khoản kinh phí cần thiết cung những tiềm năng khoa học, kỹ thuật đã huy động được hoặc còn đang thiếu thốn.

Trong bản sắc lệnh cũng ghi rõ sẽ thành lập 4 trung tâm nghiên cứu khoa học thật hiện đại (sản xuất tên lửa, sản xuất động cơ tên lửa, các trạm thông tin liên lạc, các khu huấn luyện tình trạng mất trọng lượng) và vạch ra các nhiệm vụ cụ thể khác như: xác định vị trí để xây dựng các bãi tập, lắp ráp 10 tên lửa A-4 (V-2) từ những cấu kiện thu được tại nước Đức, thành lập những phân đội đặc biệt để sử dụng tên lửa …

Sắc luật này trên thực tế là kế hoạch huy động tổng lực đất nước Xôviết tất cả những tiềm năng có được: công nghiệp, tài chính, chất xám nhắm tới đích giải quyết những nhiệm vụ khoa học kỹ thuật phức tạp. "Một sự huy động lớn lao chỉ thực hiện nổi bởi một quốc gia hùng mạnh" - một chuyên gia phương Tây thời đó đã viết như vậy. Cũng cần bổ xung thêm ý kiến  trên rằng để công việc tiến hành trôi chảy, đương nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng không thể bỏ qua sự tiến bộ vượt bậc của nền công nghiệp nói chung, lĩnh vực khoa học kỹ thuật của đất nước Xôviết nói riêng. Không có yếu tố bảo đảm này, trên nguyên tắc, không thể đạt được bất kỳ thành công nào cả. 

Quá phóng đại

Ngay trong tháng 5 năm 1946 tại nước Đức đã hình thành một Trung tâm sản xuất tên lửa của Liên xô bao gồm nhiều nhà máy lớn đã tham gia vào hoạt động này. Trong một thời gian rất ngắn đã có 700 chuyên gia Xôviết và gần 6.000 công nhân viên người Đức bắt tay vào công việc. Và chưa đầy nửa năm sau, trung tâm này đã chế tạo được 11 quả tên lửa thể nghiệm A-4 (V-2 ). Còn thêm một năm nữa, tính đến ngày 10 tháng 10 năm 1947 từ bãi thử thuộc vùng Capustin Iar (tỉnh Axtrakhan) tên lửa Nga đầu tiên P-1 được phóng thử. Người Nga đã rất mau mắn nắm lấy những bí mật về quy trình kỹ thuật sản xuất tên lửa của người Đức để sải những bước dài về phía trước.

Cũng cần nói thêm, tại Mỹ ngay sau khi nước Đức Quốc xã bại trận, nhà bác học Đức - cha đẻ của tên lửa V- 2 Wernher Von Braun cũng đã bắt tay vào công việc của mình. Một câu hỏi nảy sinh, chẳng lẽ Liên Xô - một đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của đến thế lại có thể ganh đua với một xứ sở vừa giàu có về tiền bạc, vừa có nền khoa học kỹ thuật tiền tiến như nước Mỹ sao? Nhưng quả là người Nga đã thắng trong cuộc đua nước rút này. Nền khoa học Xôviết không chỉ đã vượt Mỹ trong việc sản xuất ra tên lửa xuyên lục địa mà vào ngày 4 tháng 10 năm 1957 người Nga đã đi đầu trong việc phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo trái đất và tiếp sau đó phi hành gia bay vào vũ trụ đầu tiên cũng là người Nga. 

Mới đây, nhân  kỷ  niệm ngày ra đời của ngành sản xuất tên lửa Nga, phóng viên Báo Lao động đã có cuộc trò chuyện với ông Boris Balmont, Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa, một trong số người đứng đầu lãnh vực sản xuất tên lửa Liên Xô trong những năm 1970 -1980

- Thưa ông, dư luận báo chí phương Tây cho rằng những quả tên lửa Nga đầu tiên ra đời sau chiến tranh 1941-1945 là dựa vào ý tưởng và những lý giải kỹ thuật của các công trình sư Đức làm việc trong khu vực nước Đức do quân đội Liên xô chiếm đóng? 

- Không! Không phải như vậy! Ở thời kỳ đầu tiên quả là người Đức đã giúp đỡ chúng ta làm ra những quả tên lửa V-2 của ho. Nhưng phải nói, ngay từ thời kỳ đó các chuyên viên của chúng ta đã nhận ra những thiếu sót cơ bản của V-2. Trong một bản báo cáo đệ trình J. Stalin đã khẳng định rằng: "Xét về phương diện vật liệu, quả tên lửa chưa được bảo đảm độ tin cậy. Về cấu kiện hàng loạt chi tiết chưa hoàn thiện. Các động cơ còn nhiều khiếm khuyết".

Những kỹ sư người Đức ở giai đoạn đầu tiên này đã có những đóng góp đáng kể, nhưng phương Tây lại hay quá phóng đại vị trí và công lao của họ. Trong khi đó xin đừng quên, người Mỹ đã chuyển từ Trung tâm sản xuất tên lửa của Đức về nước họ (bang New Mexico) các chi tiết và cấu kiện của 100 quả tên lửa, một trong số ấy đã được phóng thử vào tháng 5 năm 1946. Người Nga không chiếm được một quả tên lửa V-2 nguyên vẹn nào. Tất cả được làm lại hoàn toàn. Chúng ta phóng quả tên lửa đầu tiên muộn hơn người Mỹ tới một năm rưỡi, tức vào tháng 10 năm 1947.

Cũng cần nói thêm, thời đó những người Đức cộng tác với chúng ta đã trình bày phương án của họ trong việc sản xuất loại tên lửa mới. Nhưng Chính phủ Xôviết chỉ chấp nhận đề án do các công trình sư Nga đệ trình. Ít lâu sau, những chuyên viên Đức này cũng lên đường trở về nước họ.  

Đã có cạnh tranh từ hồi đó

Ít ai biết rằng, tại Liên xô thời đó việc chế tên lửa xuyên lục địa đã diễn ra trong điều  kiện cạnh tranh của một số tổ hợp công nghiệp sản xuất vũ khí Nga. Chính phủ thì giao việc sản xuất tên lửa P-7 cho tổ hợp OKP-1 của Công trình sư X.P Corolev, nhưng việc sáng chế hai tên lửa xuyên lục địa có cánh - loại nhẹ hơn mang tên "Bão tố" và loại nặng lại do hai tổ hợp của hai công trình sư khác phụ trách. Lúc đó giới lãnh đạo Liên xô quan tâm trước hết tới những tên lửa quân sự.

Nhưng X.P Corolev cũng đã phác hoạch xong những phương án biến những tên lửa quân sự đã được hiện đại hoá thành những con tàu vũ trụ có người điều khiển. Và ngay vào tháng 5 năm 1954, X.P Corolev đã làm một bản báo cáo gửi cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên xô lúc đó là Nguyên soái D.Ustinov nói rằng, trong một tương lai không xa có thể chế tạo được một vệ tinh nhân tạo nặng vài tấn có khả năng đưa 1,2 người lên vũ trụ và quay trở lại trái đất. Trong bản báo cáo này X.P Corolev còn nói cũng đã xuất hiện khả năng xây những nhà ga ở ngoài trái đất .

- Ai là người đã chiến thắng trong cuộc thi đua do Nhà nước Xôviết chủ trì? 

- Chuyến đầu tiên tên lửa "Bão tố" cất cánh diễn ra vào ngày 1 tháng 9 năm 1957 đã không thành công. Tính cho tới cuối năm 1960 Liên Xô đã phóng tới 18 lần loại tên lửa này nhưng chỉ có 10 lần thu được kết quả. Cấu trúc của tên lửa "Bão tố" giống một chiếc máy bay có cánh hình tam giác hoặc như một tên lửa có hai tầng. Tầng dưới có nhiệm vụ đưa tầng trên lên tới độ cao 17,5 kilomet, sau đó tự tách ra và tầng trên bay bằng động cơ của mình.

Trong các cuộc thử nghiệm tên lửa "Bão tố" phải vượt một chặng đường dài 6.500 kilomet từ sân phóng Vladimirovka nằm ở phía Bắc biển Caspien tới eo Camchatca. Trọng tải của tên lửa là 2,35 tấn. Những người lãnh đạo nhà nước Xôviết sẽ hoàn toàn tin cậy vào tên lửa "Bão tố", nếu như tên lửa P.7 của công trình sư X.P Corolev, trong cuộc đua tranh với "Bão tố", vào ngày 21 tháng 8 đã không bay tới Camchatca. Sau này người ta gọi tên lửa P.7 của X.P Corolev với cái tên "Tia chớp" khi đã được sử dụng  như  các  phi  thuyền  có người lái mang tên "Liên hợp" hoặc "Phương Đông".

Như vậy, hơn nửa thế kỷ trước, nguyên cớ chủ yếu để người ta lựa chọn tên lửa P.7 của X.P Corolev chứ không phải là tê-n lửa "Bão tố" chính là ở chỗ nếu xảy  ra những đụng độ quân sự P.7 có thể bay tới Mỹ trong vòng nửa tiếng, còn tên lửa " Bão tố " phải bay mất 2h30’. Liên Xô đã không đủ khả năng tài chính để tiến hành song song cả hai thí nghiệm. Như vậy trong cuộc đua X.P Corolev đã chiến thắng hai tổ hợp sản xuất tên lửa của người Nga và thắng cả Mỹ

Phan Hòe
.
.
.