Hé lộ ứng viên cho vị trí Tổng thống tương lai của Ai Cập

Thứ Hai, 07/03/2011, 17:48
Một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp của Ai Cập sẽ được Hội đồng quân sự tối cao tổ chức trong tháng 3. Nếu các đề xuất sửa đổi Hiến pháp được đa số người dân tán thành, bầu cử Quốc hội có thể diễn ra vào tháng 5 và 4 tháng sau thì tiến hành bầu cử Tổng thống.

Theo đề xuất sửa đổi, một Tổng thống chỉ có thể đảm nhiệm vị trí tối đa hai nhiệm kỳ và mỗi nhiệm kỳ chỉ kéo dài 4 năm. Trong khi đó, những tuyên bố mới nhất của Tổng thư ký Liên đoàn Arab Amr Moussa cùng những phát hiện mới về Phó Tổng thống Omar Suleiman khiến nhiều người cho rằng, bầu cử Tổng thống sắp tới có thể chỉ là cuộc đua "song mã".

Tin từ hãng Mena cho hay, hôm 27/2, Tổng thư ký Liên đoàn Arab Amr Moussa đã tuyên bố sẽ tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập được dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới. Là một nhà ngoại giao, một chính trị gia nổi tiếng ở Ai Cập, ông Amr Moussa đã nhận được sự ủng hộ của Ai Cập khi được đưa vào tranh cử chức Tổng thư ký Liên đoàn Arab cách đây vài năm.

Trong suốt 18 ngày biểu tình bạo lực ở Ai Cập, ông Amr Moussa là một trong số ít chính trị gia tới thăm quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo và dám một mình đi giữa đám đông người biểu tình để tìm hiểu tình hình. Chính sự dũng cảm này của ông càng khiến cho ông trở nên nổi tiếng. Nhiều người biểu tình đã cùng hô vang khẩu hiệu "Chúng tôi muốn Amr Moussa trở thành Tổng thống", khi đoàn xe của ông đi qua.

Trước khi trở thành Tổng thư ký Liên đoàn Arab năm 2001, ông Amr Moussa từng giữ vị trí Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak trong 10 năm. Theo học ngành luật, song ngay từ khi mới tốt nghiệp, chàng thanh niên trẻ Amr Moussa đã theo đuổi nghiệp chính trị và khởi đầu với vị trí là thành viên của phái đoàn Ai Cập tại Liên hợp quốc (LHQ) năm 1972. 10 năm sau, ông trở thành Đại sứ Ai Cập tại LHQ rồi được đưa về làm Cục trưởng Cục Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao. Năm 1983, ông trở thành Đại sứ Ai Cập rồi đến năm 1991 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.

So với cựu Giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA Mohamed ElBaradei, ông Amr Moussa được biết đến nhiều hơn và được nhiều thành phần ở Ai Cập ủng hộ. Một số nguồn tin từ báo chí Trung Đông cho hay, từ sau khi ông Hosni Mubarak từ chức Tổng thống, nhiều người đã cho rằng, ông Amr Moussa sẽ tham gia tranh cử Tổng thống.

Tuy nhiên, lúc này ông vẫn chỉ im lặng và cho biết sẽ đưa ra câu trả lời chính thức trong một vài tuần tới. Rồi sau đó, người ta thấy ông đột ngột xin từ chức Tổng thư ký Liên đoàn Arab. Tờ Alwafd thì liên tục đưa tin về các cuộc gặp gỡ giữa ông Amr Moussa với đại diện tổ chức thanh niên của Ai Cập. Hôm 27/2, ông Amr Moussa mới chính thức đưa ra tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống Ai Cập với tư cách là một ứng viên độc lập.

Đối thủ nặng ký của Amr Moussa lúc này, theo đánh giá của giới quan sát, không phải là cựu Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei mà là Phó Tổng thống Omar Suleiman. Lợi thế đầu tiên của ông Omar Suleiman là cho dù ông Hosni Mubarak bị chỉ trích, phản đối và yêu cầu từ chức, nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ của chính giới, đặc biệt là phe đối lập. Tiếp đó, ông lại là người có mối quan hệ khá thân thiết đối với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Tờ Australian khẳng định, chính ông Omar Suleiman đã thuyết phục cựu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức và thay mặt ông này đưa ra tuyên bố từ chức trong lúc tình hình ở Ai Cập ngày càng trở nên hỗn loạn. Ông Omar Suleiman cũng là người có mối quan hệ khá sâu sắc với chính quyền Tel Aviv ở Israel và là kênh ngoại giao chủ yếu giữa Ai Cập - Israel.

Trên thực tế, từ cuối năm 2008, giới chức Mỹ đã có nhiều cuộc bàn thảo về việc tìm người thay thế cựu Tổng thống Hosni Mubarak và ông Omar Suleiman được coi là ứng viên sáng giá nhất. Trước thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực ở Ai Cập, người ta đã thấy ông Omar Suleiman có những cuộc nói chuyện với thủ lĩnh phe đối lập về tương lai chính trị của Ai Cập.

Tuy nhiên, điểm yếu của ông Omar Suleiman là ông ít được biết đến ở Trung Đông và không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các quốc gia Arab khác

Huyền Chi – CSTC tuần số 48
.
.
.