Hé lộ về những cảnh sát đầu tiên trên thế giới

Thứ Hai, 12/10/2009, 12:57
Những người mới gia nhập đội quân cảnh sát sẽ được trang bị 2 bộ đồng phục, thường có chất lượng tồi. Anh ta sẽ có một áo choàng không tay, băng đeo tay để cho biết rằng anh ta đang trong giờ làm việc, một đèn ló, một đèn xách được đeo ở thắt lưng, một cái mõ (lục lạc) (còi cảnh sát vẫn chưa được phát minh cho tới năm 1884) và một dùi cui.

Trộm chó, học việc bỏ trốn, kết hôn 2 lần, lái xe "điên", trộm thi thể người chết, móc túi… - đó là các loại án cơ bản mà lực lượng Cảnh sát đầu tiên trên thế giới ở thời kỳ nữ hoàng Victoria trị vì Vương quốc Anh - phải giải quyết.

Một nửa trong số những cảnh sát này làm việc từ 9h tối tới 6h sáng, và nửa còn lại thực hiện nhiệm vụ vào ban ngày. Sau này, tỷ lệ làm đêm giảm xuống còn 1/3. Họ phải bước bộ đi tuần trong khu vực mà mình quản lý khoảng 2 dặm rưỡi/1 giờ và bị nghiêm cấm ngồi hoặc dựa vào đâu đó nghỉ. Theo lời một vị công tước xứ Wellington, vị Thủ tướng thời bấy giờ, những viên cảnh sát này nom vô cùng khả kính.

Một trong những nhân viên cảnh sát thời đó là Constable Cavanagh. Trong hồi ký, ông kể lại quãng thời gian mà ông vận trên mình bộ cảnh phục màu xanh đậm: "Lần đầu nhìn chính mình trong gương với bộ đồng phục, tôi tự hỏi cái gì có thể dẫn tôi tới quyết định trở thành cảnh sát nhỉ? Tôi phải mặc một chiếc áo khoác đuôi én, một cái mũ da cao, nặng tới hơn nửa cân trên đầu; một đôi ủng kiểu Wellington, da của nó dày ít nhất 15,8 mm, và một thắt lưng rộng khoảng 10,16 cm với cái khóa khổng lồ 15,24 cm… Chiếc mũ thì sụp xuống đầu tôi; đôi ủng to hơn chân 2 số thì mài rát da gót chân tôi; và cái "stock" cũng được bọc bằng da dày tới 10,16cm, gần như khiến tôi nghẹt thở. Tôi đã ao ước có thể trở lại mặc bộ quần áo bình thường của mình". Cái "stock" mà Cavanagh nhắc tới là một cái cổ áo bằng da được mặc phía dưới cổ cao của áo khoác. Thứ này được sử dụng để viên cảnh sát tránh tổn thương nếu bị siết cổ lén từ phía sau bằng dây thừng.

Những người mới gia nhập đội quân cảnh sát sẽ được trang bị 2 bộ đồng phục, thường có chất lượng tồi. Anh ta sẽ có một áo choàng không tay, băng đeo tay để cho biết rằng anh ta đang trong giờ làm việc, một đèn ló, một đèn xách được đeo ở thắt lưng, một cái mõ (lục lạc) (còi cảnh sát vẫn chưa được phát minh cho tới năm 1884) và một dùi cui. Mỗi cảnh sát cũng được phát một đoản kiếm, nhưng thứ này không được mang trong khi đi tuần bình thường hàng ngày.

Cavanagh giải thích vì sao những người đàn ông gia nhập lực lượng cảnh sát: "Tôi thất nghiệp một thời gian dài và quyết định vào làm cảnh sát hoặc tòng quân. Vận may đã mỉm cười với tôi và với 36 người khác bởi chúng tôi đã được lựa chọn từ 140 người dự tuyển." Những người khác có thể gia nhập vì họ thích nghề này và cuộc sống bên ngoài, một số người thì có lẽ là cha truyền con nối. Ưu điểm lớn nhất của việc làm trong ngành cảnh sát bấy giờ là được yên ổn.

Ngành cảnh sát đòi hỏi một số tuýp đàn ông nhất định và cố ý trả lương thấp để loại bỏ một số người chỉ vì đồng tiền. Người ta giải thích rằng, những người cảnh sát chân chính không vào nghề bởi 3 xi-linh một ngày. Và bằng cách trả lương thấp, người ta sẽ cắt được suất của những kẻ có thể chán nản vì kỷ luật bằng cách cho chính họ một địa vị cao hơn.

Và công việc đặc biệt này đã thu hút được một số lượng không nhỏ người đăng ký. Đó rõ là một nghề đáng tự hào.

Tuy nhiên, những người cảnh sát ở Vương quốc Anh dưới thời nữ hoàng Victoria cũng còn khá nhiều hạn chế. Đầu tiên, đây là công việc nhiều đòi hỏi. Trong đêm, người cảnh sát vẫn phải làm việc, bước bộ chừng 20 dặm bất kể mưa gió bão bùng, 7 ngày mỗi tuần. Nếu anh không may phải đi bắt kẻ phạm pháp nào đó thì đương nhiên sẽ là một cuộc rượt đuổi và nếu bắt được rồi thì anh vẫn phải kèm cặp phạm nhân và làm việc cả sáng hôm sau (thời gian mà lẽ ra anh đã được ngủ) để dự xét xử và sau đó lại trở về với chuyến tuần tra mỗi tối bắt đầu lúc 6h.

Cho tới khi triều đại Victoria kết thúc, người cảnh sát vẫn chưa có được một khoảng nghỉ ngơi và cũng không có những bữa ăn nóng hổi. Nếu không may anh bị ướt lúc bắt đầu ca trực thì anh sẽ phải chịu ướt như thế cho tới khi kết thúc nhiệm vụ. London mù sương thời đó là một nơi bất lợi cho sức khỏe khi làm việc ngoài trời, bởi thế, bệnh lao phổi chứ không phải sự tấn công của bọn du côn trở thành nguyên nhân chính uy hiếp sức khỏe những người cảnh sát nơi này. London lại cũng là một thành phố công nghiệp khổng lồ với khói bụi được đốt bằng than kém chất lượng từ các nhà máy và nhà dân khiến những mùa đông sương mù hòa khói bụi khủng khiếp. Phải trung thành đi tuần trong đôi ủng không vừa chân cũng khiến cho đôi chân của các nhân viên cảnh sát triền miên chịu thương tổn.

Các nhà chức trách biết rõ điều gì đang xảy ra, và vào năm 1856, các bác sĩ của cảnh sát London thông báo rằng những người đàn ông quả cảm này đang bị kiệt sức vì công việc. Điều đáng nói là khi họ gia nhập ngành thì họ là những người khỏe mạnh với các năng lực thể chất trên trung bình.

Các nhân viên cảnh sát, do đó, được nhận trợ cấp sức khỏe như sau: cảnh sát trưởng nhận 200 bảng/năm, cảnh sát phó nhận 100 bảng/năm, hạ sĩ cảnh sát nhận 58 bảng và cảnh sát thường là 54 bảng, 12 xi-linh/năm, hoặc 3 xi-linh/ngày. Thật ra, khi triều đại Victoria mới bắt đầu, mỗi cảnh sát có thể nhận 17,6 xi-linh/tuần sau khi đã khấu trừ. Tính ra, chi phí phải trả cho một cảnh sát tương đương với một thủy thủ, công nhân khai thác đá hoặc người gác rừng. Họ kiếm được nhiều hơn nông dân nhưng ít hơn những người lao động khác như bưu tá hay thợ mỏ.

Trong điều kiện làm việc bất lợi, một số cảnh sát trở nên ốm yếu, và rồi phải từ bỏ sự nghiệp. Họ có quyền đòi hỏi lương hưu hoặc trợ cấp nhưng điều đó lại không dễ dàng với nhà cầm quyền. Một người làm việc 20 năm hoặc hơn có thể bị từ chối khoản lương hưu này bởi những lời nói hay hành động vô ý nhỏ nhặt nào đó từ nhiều năm trước. Bởi thế, vì sợ mất khoản lương này, các cảnh sát phải chịu tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt.

Không may là rất nhiều người đã không kéo dài được quãng thời gian làm việc để giữ khoản trợ cấp hưu. Sau năm 1862, cảnh sát thủ đô đã trả lương hưu cho những người phục vụ đủ 15 năm trở lên, những ai có thời gian cống hiến dài hơn sẽ được xét tăng. Số phận của các nhân viên cảnh sát vẫn khấm khá hơn so với những công việc tương đương, phần lớn họ không có lương hưu để mà trông chờ.

Kỷ luật vô cùng hà khắc. Các cảnh sát sẽ bị sa thải nếu như một người nào đó phàn nàn về họ hoặc nếu họ liên lụy đến một tội phạm nào đó, che giấu cho những việc làm sai trái hoặc vi phạm một trong những nội quy cảnh sát như: đi muộn, ăn mặc không đúng quy định, rời vị trí tuần tra… Một trong những nguyên nhân bị sa thải phổ biến nhất là say rượu.  Một cảnh sát phó với 28 năm trong nghề và 60 người khác đã bị sa thải cùng một lúc vì tội uống rượu trong Lễ giáng sinh, nghĩa là chống lại quy định của thượng cấp. Tờ Punch đã in một bài thơ ngắn vào năm 1845. Qua bài thơ này, người đọc có thể hiểu được điều gì đã từng xảy ra:

"Chàng cảnh sát ấy đã đi rồi- vì say túy lúy, đâu còn ai tuần du trên đồng cỏ?
Ngôi nhà đằng xa kia đứng lẻ loi gửi lời mời bọn trộm
Kẻ cướp lảng vảng ngoài bãi hoang và đầm lầy, chẳng còn búa tạ nào trên đường hắn nữa
Hãy thức dậy đi, những gã đàn ông vui vẻ, vì giờ đây là cơ hội của các người!"

Năm 1879 thì tội say rượu đã không còn bị trừng trị nghiêm khắc như xưa. Mặc dù vậy, các cảnh sát thời Victoria vẫn phải ở trong một vòng kim cô của kỷ luật hà khắc hơn nhiều người lao động khác, và điều này gây ra nhiều băn khoăn lo lắng trong lực lượng. Họ đã ra sức xây dựng một tổ chức công đoàn vào năm 1862, nhưng những người tiên phong ấy đã bị đưa vào tù và bị sa thải khỏi lực lượng. Năm 1890, một số cảnh sát đã đình công và họ cũng bị sa thải bởi những kế hoạch thành lập một công đoàn của họ. Phải đến sau thời Victoria, những người cảnh sát mới có một liên đoàn cảnh sát. Các nhân viên cảnh sát từ bấy mới được quyền tham dự chính trị. Cho tới năm 1887, họ mới có quyền bầu cử.

 

Ảnh 1: Làm cách nào để cầm giữ được những tên tù ác ôn luôn là một thách thức đối với cảnh sát. Trong ảnh là chiếc còng tay loại nguyên bản được làm chủ yếu bằng gỗ có chốt néo. Loại còng tay trên được sử dụng hơn 100 năm, cho tới khi những cải tiến và phát kiến mới ra đời. 

Ảnh 2: Cái mõ được dùng cho cảnh sát từ năm 1829 tới 1885 để họ gọi viện trợ hoặc cảnh báo. Một ngàn chiếc mõ như vậy đã được sản xuất bởi hãng Parkers của Holborn, theo đơn đặt hàng của lực lượng cảnh sát mới năm 1829. Năm 1883, chúng đã được mang ra đọ sức với còi, và đương nhiên phần thắng đã thuộc về còi. Người ta kết luận rằng tiếng còi có thể vang xa được 822,6 mét, bởi vậy những chiếc mõ trầm đục hơn đã bị loại khỏi trang bị của người cảnh sát. Dù sao đi nữa, chúng cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong suốt Thế chiến thứ 2, khi được dùng để làm âm thanh báo hiệu trong trường hợp quân Đức tấn công.

Ảnh 3: Cảnh sát Manchester đang thư giãn với những ống điếu dài bằng đất sét vào khoảng năm 1850.

Ảnh 4: Bức tranh này cho thấy bộ cảnh phục sau năm 1865. Có thể thấy rõ chiếc dùi cui, điều này không có gì bất thường. Tên của bức tranh được vẽ năm 1872 này là "Bổn phận và niềm vui". Thời kỳ đó, đường phố được chiếu sáng bởi gas.

Ảnh 5: Những cảnh sát thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm khi bắt được tội phạm vẫn phải đến tòa án để phối hợp với tòa. Chỉ khi tòa án xử xong, họ mới được về ngủ để lại tiếp tục phiên trực đêm. Những buổi sáng với đám đông vây quanh cảnh sát giải phạm nhân đến tòa là một cảnh tượng thường thấy thời đó.

Năm 1737, một lực lượng Cảnh sát thực thụ gồm sáu mươi tám người được tổ chức, nhưng số lượng đó có lẽ quá ít để đối phó với tình trạng tội ác gia tăng trong thành phố London của nước Anh. Cuối cùng, năm 1829, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh quốc Robert Peel quyết định dọn dẹp đường phố thành nơi an toàn cho dân chúng. Ông thành lập cơ quan Cảnh sát Trung ương London, một lực lượng gồm 1.000 người và quy định cho họ phải tuần tra 120 dặm vuông của khu London lớn. Người ta gọi họ là lực lượng "Cảnh sát mới".

Ban đầu, mọi người đều phản đối gay gắt các nhân viên của Scotland Yard, gọi họ là "bọn tôm hùm sống", và "bọn quỷ sứ xanh" đằng sau lưng bộ đồng phục xanh của họ. Nhưng trò mỉa mai này chấm dứt ngay khi Lực lượng Cảnh sát chứng minh được rằng họ là những tay chuyên nghiệp trong việc đấu tranh chống tội ác một cách hiệu quả.

Nhuệ Anh - CSTC số 4
.
.
.