Hiu hắt quê nhà thôn nữ đẻ thuê

Thứ Sáu, 18/03/2011, 15:29
Khi mà dư luận đang ngóng chờ thông tin mới liên quan đến số phận của 15 thôn nữ Việt trong đường dây đẻ thuê vừa được các cơ quan hành pháp của Thái Lan phát hiện và đang điều tra, thì chúng tôi lặng lẽ ngồi xe đò tìm về Bạc Liêu, địa phương có đến 8 cô gái trong tổng số các cô gái đang được bố trí ở nhà tạm lánh tại Thái.

Hơn 6 tiếng ngồi trên xe đò ấy, chúng tôi cứ cố gắng lý giải vì sao những thiếu nữ hồn hậu, vốn dĩ là nét đặc trưng của người miền Tây lại phút chốc tự biến mình thành tâm điểm của truyền thông… Phải chăng vì cái nghèo? Hay tại giấc mơ đổi đời luôn ám ảnh những thân phận thường sẵn chứa đựng nhiều bi kịch?...

Chuyện của P…

P. là một cái tên viết tắt. Cả cái ấp nghèo vùng (Bạc Liêu) gọi P. là Năm, từ đây, tôi sẽ gọi cô thôn nữ này theo cái tên ở nhà đó.

Con đường vào nhà của Năm đất khô cằn, nứt từng mảng lớn. Nhà Năm nằm chung với hơn chục nóc nhà khác trong cái xóm nghèo ven biển, bé xíu, nền lót gạch tàu, vách là những tấm lá dừa nước được kết lại mà thành. Lâu ngày, lá dừa nước mục nát, rệu rã… Không có tiền để thay vách, bố mẹ Năm che tạm bằng những tấm nilon cũ. Mà ngay bản thân cái nhà ấy, cũng là nhà tình thương…

Bố Năm là người đàn ông da đen nhẻm, gương mặt khắc khổ, ánh mắt buồn đến u uất…  Mẹ Năm kể với tôi rằng, bố Năm người Khơ-me, không nói rành lắm tiếng Việt. Ông sinh kế bằng cách 4 giờ sáng thì vác lưới đi giăng bắt cá đối ngoài biển. Đến khoảng 11h trưa, khi nước lên thì về. Thu nhập mỗi ngày áng chừng khoảng 40 nghìn, ngày có ngày không.

Căn nhà tình thương của Năm. Suy tư của bố Năm khi nhắc về con gái mình.

Mẹ Năm cũng làm nghề biển, bà đi mò sò huyết. Hãn hữu ngày may mắn cũng kiếm được chừng 20 nghìn. Cộng đi cộng lại, ngày nào biển thương thì hai vợ chồng kiếm tròm trèm được 60 nghìn.

Mà hình như, cái nghèo và tai ương khi nào cũng quện vào nhau, rất chặt. Cách đây mươi hôm, bà bị cành cây đâm vào mắt phải. Tưởng là không có gì, vậy mà đêm về nằm mắt cứ xốn xang mãi. Chịu không thấu, bà vay hàng xóm 300 nghìn đi chạy chữa. Hôm ngồi với tôi, mắt bà vẫn đỏ hoe. Bà nói, vay 300 nghìn, mỗi ngày góp 15 nghìn, góp được 24 ngày là xong nợ. Tôi hỏi, mỗi ngày gia đình kiếm được 60 nghìn, giả dụ là ngày đó có lộc, thì tiền gạo, muối, mắm… đã là không đủ, lấy đâu dư 15 nghìn để trả người ta. Bà cười buồn, không trả lời.

Nhưng cả ông và bà đều không biết Năm đang là nạn nhân trong đường dây đẻ thuê ấy. Họ chỉ nghĩ con họ bị lừa ở Thái Lan, đang ngong ngóng ngày về.

Năm nay Năm 19 tuổi, cách đây 3 năm, Năm đã lên Sài Gòn, bưng bê phở cho người thân. Cứ khoảng 2 hoặc 3 tháng thì Năm gửi về cho gia đình được chừng 800 nghìn. Đó là số tiền mà cả bố mẹ Năm đều mong đến ngày được ra nhận lĩnh.

Vài tháng trước, Năm đột ngột từ Sài Gòn về quê. Đợi khi bố mẹ đi biển, Năm mở cái tủ gỗ nhỏ xíu nơi góc trái nhà, lục tìm hộ khẩu. Có hộ khẩu, Năm đi ra xã nhờ xác nhận nhân thân, rồi làm hộ chiếu. Năm nói với cô em út đang học lớp 3 rằng, đừng nói cho mẹ biết. Chị làm hộ chiếu để đi nước ngoài, qua bên đó làm có nhiều tiền, chị về sẽ sửa nhà và mua đồ đẹp cho út. Cô bé lớp 3 nhìn chị lạ lẫm, rồi thôi…

Có được hộ chiếu, Năm không báo với bố mẹ, mà gọi điện thoại cho người chị của mình hiện đang làm công nhân ở Đồng Tháp. Năm kể là Năm chuẩn bị đi Thái Lan để làm giúp việc cho người ta. Đại khái là giữ em, lau nhà, rửa chén… Đi vài tháng Năm sẽ về, nên chị có rảnh thì thường xuyên về thăm bố mẹ giúp em. Đó là lần liên lạc cuối cùng giữa Năm và người thân trong gia đình.

Trên cái vách nhà được quây bằng nilon, bố mẹ Năm treo hình Năm và hình của chị gái Năm chụp ngày cưới. Năm có khuôn mặt và nụ cười rất hiền, tấm ảnh chụp hình Năm đang nhí nhảnh tạo dáng rồi được họa tiết thêm theo kiểu Hàn Quốc nhìn buồn đến nao lòng.

Khốn khó vậy đã hết đâu. Chị gái Năm lấy chồng, người chồng mà cả bố mẹ Năm đều không biết anh ta đang làm gì. Đám cưới lặng lẽ diễn ra, đến khi cậu nhóc con ra đời thì cặp vợ chồng son ấy cũng lặng lẽ chia tay. Chị gái Năm bỏ con lại cho ông bà ngoại chăm sóc, một mình băng băng qua Đồng Tháp làm công nhân. Thương cháu, bố mẹ Năm chấp nhận thêm một gánh nặng trong căn nhà nghèo khổ của mình.

Tôi hỏi mẹ Năm, giờ chị muốn gì nhất. Bà đáp nhanh là chỉ muốn Năm mau mau được về quê. Rồi bà hỏi tôi là liệu những trường hợp bị lừa ra nước ngoài như Năm có nhanh được về không?. Tôi nói hy vọng là trong tháng này, hai mẹ con sẽ được sum họp. Nói vậy để an ủi thôi, chứ cũng chẳng biết thế nào. Bên Thái, nghe đồng nghiệp của tôi nói rằng mọi việc vẫn đang còn lùm sùm, dẫu Đại sứ quán Việt Nam đang cố gắng hết sức để nhanh chóng đưa các cô thiếu nữ tội nghiệp ấy về nước.

Gia cảnh của H…

Trên đường đến nhà H., mấy anh Công an xã đi cùng tôi có cho biết rằng nhà của H. nghèo nhất Ấp 4. Đến nơi, mới thấy nhà H. nghèo đến mức… không thể nghèo hơn. Nhà H. bé xíu, vách dựng bằng lá dừa nước lợp tôn xi măng. Trước chái hiên, không hiểu thế nào mà bố mẹ H lót vài mươi viên gạch tàu, còn lại nền nhà trong là… nền đất mấp mô.

Ngay cạnh cửa ra vào, là hai chiếc giường ọp ẹp dành cho mấy người em của H.. Phía nhà trong, khoảng không gian con con được chia cách bằng tấm rèm vải thun cáu bẩn, được xem như là phòng ngủ của bố mẹ H. H. là con thứ hai trong gia đình có 6 anh chị em ấy.

Căn nhà rách bươm của H.

Mẹ H. nói nhà được dựng cũng lâu rồi, chưa có tiền sửa lại. Dựng từ cái hồi bố của H. còn mạnh khỏe, đi làm thuê kiếm được đồng ra đồng vào, chắt chiu mãi mới được cái "cơ ngơi" ấy.

Nhà có 6 anh em, thì người anh trai của H. là học cao nhất, lớp 6. Người em kế H. học lớp 5, nhưng đã 19 tuổi. Cậu theo lớp học tình thương của ngôi chùa kế nhà. Riêng H., học được đến lớp 3 thì nghỉ. Đó là chưa kể đến cô em gái ngoài 20 tuổi của H. lại không biết chữ. Mẹ H. cũng vậy. Bà nói là tại ngày xưa nhà nghèo, nên tiền đâu mà đi học.

Hằng ngày, mẹ H. mỗi sáng đi phụ việc nhà cho người ta hoặc bưng bê ngoài chợ kiếm được 20 nghìn. Cô em gái kế H. thì đi phụ ngoài quán bún, cũng được nhiêu ấy tiền.

Bố H. nhiều năm nay nghễnh ngãng, cứ như trẻ con. Đói thì đòi ăn cơm, no lại đi lang thang trong xóm chơi. Khoảng 10 năm trước, ông đi làm nghề thụt lịch ở Kiên Giang. Lịch vốn dĩ được xem như là loại thực phẩm đặc sản miền sông nước, có hình dáng khá giống con lươn. Người ta thường gọi những người bắt lịch bằng cụm từ "gợi cảm" là mưu sinh trên miệng thủy thần.

Không biết điều này có linh ứng hay không mà sau một ngày bắt lịch, bố H. bỗng dưng lâm vào trạng thái sốt mê man. Những người làm thuê chung với bố H. thương tình nên đưa ông vào bệnh viện Rạch Giá điều trị… Sau gần 1 tháng nằm viện, ông trở về nhà với hình hài của người đàn ông gần 60 tuổi, nhưng tư duy lại là của trẻ mới lên 5.

Trong căn nhà của H., thứ đáng giá nhất là bộ nồi nhôm được đặt rất trang trọng giữa nhà. Mẹ H. khoe đó là của H. mua về để có đám tiệc thì có cái mà nấu nướng. H. mua đã gần một năm, nhưng bộ nồi vẫn nằm im trong bao nilon vì nhà nghèo, ăn còn chạy từng bữa lấy đâu ra đám tiệc để nấu với nướng.

Mẹ H. tính với tôi là mỗi ngày có được 40 nghìn, thì phải trích một ít tiền để trả tiền điện mỗi tháng. Còn lại, sáng mẹ H. và em gái H. nhịn đói, 3 người còn lại nhỏ tuổi, được ưu tiên cho 3 nghìn để dành ăn sáng. Hiện tại, gia đình H. còn thiếu ngân hàng chính sách thành phố đến mấy triệu đồng. Số tiền mà trước đây mẹ H. xin vay để làm vốn đi buôn bán cá dạo… Tiếc rằng, cuộc "kinh doanh" này đã thất bại nghiêm trọng.

Hỏi mẹ H. là lâu nay, bà có liên lạc gì với H. không. Bà trả lời là không. Thỉnh thoảng, H. gọi điện thoại bàn về nhà người cậu, nhờ cậu kêu mẹ giúp, chạy sang mẹ con nói với nhau vài câu rồi thôi. Bà không biết số điện thoại H. đang sử dụng. Mỗi năm, H. về quê một hoặc hai lần, mỗi lần về là một lần vui. Còn lại, H. sẽ dành dụm tiền gửi theo tài xế chiếc xe đò quen về quê cho mẹ H..

Tình thiệt, người phụ nữ mù chữ ấy vẫn đang tin H. ở Sài Gòn làm công nhân của xí nghiệp may. Bà đoán chắc rằng con bà không đi đâu cả, bởi nó biết gì mà ra nước ngoài.

Bà nói, lâu rồi H. không gọi điện thoại cho bà, chắc là H. đang có công chuyện lu bu.

Tôi định nói nhiều hơn với bà, nhưng thôi. Cứ nhìn người em trai khờ khạo, người em gái thất học, những đứa khác nheo nhóc, sự khắc khổ của bố mẹ H là không đành lòng… Về đến Công an Thị trấn Giá Rai, tôi có nhờ mấy anh Công an đi cùng hôm ấy là đừng đề cập với gia đình của H. về chuyện ở Thái Lan mà thông qua truyền thông mấy anh đã nắm được.

Chúng tôi hy vọng trong tháng này tất cả thiếu nữ Việt sẽ được về quê. Để trong những căn nhà thiếu thốn mà chúng tôi đã đến, sớm có được niềm vui…

Dẫu là, niềm vui sau nhiều nước mắt(!).

Luật sư Lê Nga - Công ty Luật TNHH Hà Việt

"Điều 6 Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. Tuy nhiên, việc mang thai hộ ngày càng có phần phổ biến trong xã hội. Điều 31 Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 cũng chỉ quy định mức phạt từ hai mươi đến ba mươi triệu đồng nếu vi phạm. Với mức phạt này và nếu chỉ có phạt, chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng đã đến lúc nên luật hóa việc mang thai hộ, không nên tiếp tục thả nổi hoặc né tránh, bởi không chỉ đơn thuần chúng ta đang đề cập đến một kiểu hợp đồng thuê mướn mà hơn thế nữa, nó liên quan đến số phận của một con người".

Chị Đỗ Hương Cúc, Biên tập viên Nhà xuất bản Công an Nhân dân

Hiện nay luật pháp chưa có quy định cụ thể về việc đẻ thuê nhưng theo tôi, hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Mặt khác, việc đẻ thuê xuất phát từ nhu cầu của người dân như hiếm muộn, muốn sinh con trai và được thực hiện bằng một loại hợp đồng “lỏng lẻo” đó là hợp đồng miệng, và các bên tham gia lại “bí mật”, “lén lút” khiến luật pháp rất khó ngăn chặn. Hành vi này ngày càng lan rộng là nguy cơ đe dọa đạo đức xã hội, cần phải ngăn cấm.

Nhà báo Hồng Minh, Báo Nhân dân Điện tử

Tôi không ủng hộ việc mang thai hộ. Nhưng trong hoàn cảnh của những cô gái này, tôi cho rằng, đó là những người dũng cảm, nên thương xót hơn là lên án họ. Bởi họ phải ở trong một hoàn cảnh cùng cực lắm mới có thể vượt qua được những cái ngưỡng mà không phải ai cũng làm được như vậy.

PV

N.N.Hữu - Đ.Hưng - CSTC tuần số 49
.
.
.